[P-Magazine] Kỳ I: Ý thức giữ gìn môi trường biển của những người kỹ sư lọc dầu
10:27 |
23/11/2024
Lượt xem:
1009
Ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có một ngọn đồi đặc biệt mang tên “đồi ông Kiệt”. Từ ngọn đồi này, có thể phóng tầm mắt nhìn thẳng ra vịnh Việt Thanh xanh như ngọc bích. Tên ngọn đồi này gắn liền với một ...
Vịnh Việt Thanh là một vịnh biển tuyệt đẹp với bờ cát hoang sơ, bãi biển thơ mộng nằm cạnh giữa những rừng dương xanh ngát. Tô điểm cho bức tranh ấy là những làng chài yên bình nằm ven biển. Vịnh Việt Thanh còn được biết đến là nơi có hệ sinh thái biển đa dạng. Nơi đây là minh chứng cho sự giao thoa giữa con người và thiên nhiên với sự sầm uất của công nghiệp cùng vẻ đẹp hoang sơ của biển.
5h sáng, chúng tôi ném vội balo máy ảnh lên thuyền thúng, vội vã theo các lão ngư thôn Tuyết Diêm đi săn mực đuổi. Chỉ mất vài nhịp ngoáy thúng, sau lưng chúng tôi đã là mũi Co Co, là hải đăng Vạn Ca, còn xa hơn nữa là bồn bể, là tháp flre (đuốc đốt) đang rừng rực cháy của Nhà máy lọc dầu Dung Quất – nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước. Còn trước mặt là vịnh Việt Thanh xanh như ngọc bích, xa xa thấp thoáng những con tàu khổng lồ đang chờ nhập dầu thô cho NMLD Dung Quất và tàu hàng khổng lồ đi xuyên ánh ban mai nơi đường chân trời. Vùng biển vịnh Việt Thanh nhộn nhịp tàu vào ra, nhưng vẫn có những phút giây êm đềm, nên thơ, yên bình như vậy.
Mực đuổi không phải là một giống mực đặc hữu chỉ có ở vùng vịnh Việt Thanh, mà được người dân gọi theo cách khai thác. Mực đuổi được khai thác bằng cách đuổi mực vào lưới. 2 chiếc thuyền thúng với 4 người, giăng lưới khi cách bờ vài trăm mét, từ từ đuổi mực và khép chặt vòng lưới. Vào mùa mực đuổi, tiếng dây thừng chan chát đập xuống mặt nước để đuổi mực vang lên khắp các ghềnh ở vịnh Việt Thanh, hứa hẹn một mùa mực bội thu. Ngoài là một loài hải sản có giá trị cao, mực còn là một chỉ dấu sinh học về môi trường. Bởi loài mực đặc biệt nhạy cảm, chỉ sống ở những vùng biển sạch. Những mùa mực đuổi bội thu tại thôn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chứng tỏ ở đây nước biển rất sạch. Và khu vực biển này nằm ngay kề 471ha mặt biển mà NMLD Dung Quất quản lý, sử dụng cho công tác nhập nguyên liệu, xuất sản phẩm.
Trong suy nghĩ của nhiều người, để phát triển công nghiệp nặng, cụ thể là phát triển một nhà máy lọc hoá dầu thì việc đánh đổi môi trường lấy kinh tế là điều không tránh khỏi. Thế nhưng nếu ai từng tới vịnh Việt Thanh, hoặc ai từng tới tham quan Nhà máy lọc dầu Dung Quất, có thể mọi người sẽ phải thay đổi suy nghĩ đó. NMLD Dung Quất nằm trên diện tích khoảng 956 ha (bao gồm cả 140 ha mở rộng trong tương lai), trong đó có 485 ha mặt đất và 471 ha mặt biển.
Ngược thời gian trở về thời điểm khi NMLD Dung Quất mới đi vào hoạt động, nhiều ý kiến lo ngại rằng nhà máy sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh, đặc biệt là môi trường biển. Nhưng khoảng thời gian 16 năm qua đã chứng minh, những lo lắng đó là không cần thiết. Là một nhà máy lọc dầu, hoạt động gắn chặt với biển nhưng trong suốt quá trình hoạt động từ 2008 đến nay, NMLD Dung Quất chưa gặp một sự cố nào về môi trường biển. Điều gì có thể giúp NMLD Dung Quất làm được điều tưởng chừng như không thể này?
Để có thể giữ gìn môi trường biển ở khu vực quản lý thuộc nhà máy, điều đầu tiên phải nhắc đến chính ý thức bảo vệ môi trường của những người quản lý, vận hành NMLD Dung Quất và sự “chịu chơi” của Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị quản lý NMLD Dung Quất khi đầu tư những trang thiết bị hiện đại, đắt tiền cho công tác bảo vệ môi trường. Ý thức được việc bảo vệ môi trường là yếu tố quan trọng nhất bên cạnh việc sản xuất kinh doanh, những người thợ lọc dầu Dung Quất đã xác định được rõ ràng những tác nhân nào từ hoạt động của nhà máy lọc dầu có thể sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường biển để chủ động phòng tránh.
Ông Nguyễn Quang Hưng
Trưởng ban An toàn Môi trường Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Hưng – Trưởng ban An toàn Môi trường BSR thẳng thắn chia sẻ, trong hoạt động của NMLD Dung Quất thì tràn, rò rỉ dầu của nhập, xuất sản phẩm và các hoạt động của nhà máy như rác thải, nước thải, nước biển làm mát có thể xem là những tác nhân hàng đầu có thể sẽ gây ô nhiễm môi trường biển. Và các tác nhân này có thể gây ảnh hưởng đến biển hay môi trường xung quanh, đều nằm trong quy chế kiểm soát, đảm bảo an toàn khi NMLD Dung Quất được đưa vào hoạt động.
Sau đó là sự đồng hành, giám sát của chính quyền và cả người dân trong khu vực. Tất cả những mẫu chất thải, nước thải của NMLD Dung Quất đều được chính quyền và các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi theo dõi một cách chặt chẽ. Đồng thời, công tác bảo vệ môi trường của NMLD Dung Quất cũng được chính nhân dân địa phương giám sát. Hàng năm, BSR đều tổ chức mời người dân địa phương tới tham quan, tham gia giám sát công tác bảo vệ môi trường của NMLD Dung Quất. Đây là những người sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu xảy ra sự cố môi trường, thế nên sự giám sát của người dân địa phương sẽ là công tâm nhất.
Với công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô, một năm NMLD Dung Quất sẽ nhập, xuất khoảng 15 triệu tấn dầu thô nguyên liệu và sản phẩm. Do đó, số lượng tàu thuyền cập bến lên đến hàng vạn chiếc. Hàng vạn chiếc thuyền này sẽ đem theo rác thải sinh hoạt, nước thải theo. Đây có thể xem là một trong những tác nhân gây hại đến môi trường biển. Về vấn đề này, NMLD Dung Quất đã yêu cầu các tàu thuyền phải đảm bảo thu gom, phân loại các loại rác thải trước khi cập bến. Đồng thời, BSR cũng bố trí một hệ thống thu gom rác thải, nước thải (công suất 300m3/giờ) từ các tàu hàng và hợp tác với đơn vị thứ 3 để thu gom, xử lý các loại rác thải này.
Liên quan đến vấn đề nước thải của NMLD Dung Quất, ai đã một lần tham quan hồ chứa nước thải tại đây nếu không được nghe giới thiệu từ đầu thì sẽ dễ nhầm đây là hồ nuôi cá. Nhìn đàn cá tung tăng bơi lội dưới hồ nước trong veo, rồi hoa sen, hoa súng bừng nở trong nắng; về cảm quan thì biết khu vực này sạch sẽ vô cùng. Tất nhiên đây chỉ là cảm quan. Cái chính vẫn là công nghệ và ý thức con người. Tại BSR, nguồn nước thải trước khi vào hồ chứa phải qua nhiều công đoạn xử lý. BSR đã xây dựng một hệ thống xử lý nước thải hiện đại, với công suất 560m3/giờ, bằng một tổ hợp khép kín: Nước thải được xử lý bằng công nghệ sinh học và hoá lý qua bể lắng, rồi đến bể lọc, các chất ô nhiễm được xử lý triệt để rồi mới xả ra hồ chứa. Trước khi xả ra ngoài môi trường, lại phải kiểm tra một lần nữa về lưu lượng pH, COD…
Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Trong hoạt động lọc hóa dầu của nhà máy, một ngày có khoảng 7.000 – 8.000m3 nước thải được thải ra và đưa đi xử lý. Tất cả các lượng nước thải từ hoạt động của nhà máy đều được đưa qua hệ thống xử lý có công suất thiết kế 560m3/giờ với các công đoạn xử lý cơ học, hóa – lý, sinh học để xử lý toàn bộ nước thải sản xuất và nước nhiễm dầu bề mặt. Nước thải sau xử lý đều đạt tiêu chuẩn QCVN40:2011/BTNMT, Cột B. Tất cả các thông số về đảm bảo an toàn chất lượng được Ban Quản lý Chất lượng BSR kiểm định hàng ngày và đưa lên hệ thống của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Ngãi theo dõi.
NMLD Dung Quất còn có hệ thống làm mát bằng nước biển và sau khi làm mát sẽ được đưa nước quay ngược ra biển. Điều này cũng là một trong những tác nhân được BSR kiểm soát chặt chẽ về nhiệt độ và lượng chất Clo dư trong nước. Trong đó, nước biển được hút vào sẽ làm mát gián tiếp cho các thiết bị của các phân xưởng. Tức là khi nước biển được đưa vào nhà máy sẽ làm mát cho nước ngọt (nước trực tiếp làm mát cho thiết bị), sau đó sẽ được đưa ngược ra biển. Khi nước biển làm mát cho hệ thống nước ngọt, lượng nước biển sẽ tăng nhiệt độ lên khoảng hơn 30 độ C và điều này đảm bảo tiêu chí theo quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Nước thải công nghiệp là dưới 40 độ C. Đồng thời, lượng Clo dư cũng được kiểm soát dưới 2mg/lít. Các thông số này cũng đều được gửi lên hệ thống của Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh để theo dõi, kiểm soát một cách chặt chẽ.
Nội dung: Thanh Hiếu - Thành Linh
Thiết kế: Thành Linh
Bình luận