PV Power tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng nhờ sáng kiến quản lý hiệu năng nhà máy điện
09:36 |
21/12/2024
Lượt xem:
73
Sáng kiến quản lý hiệu năng các nhà máy điện tốt hơn tại Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power), giúp tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Kỹ thuật PV Power: "Quy định Quản lý hiệu năng các nhà máy điện của PV Power nhằm theo dõi liên tục hiệu năng vận hành với dữ liệu được giám sát chặt chẽ để phát hiện kịp thời các bất thường".
Trong ngành điện lực, công tác nâng cao hiệu năng các nhà máy điện là mục tiêu quan trọng nhằm giảm suất hao nhiệt, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, tăng độ khả dụng và sản lượng. Với mong muốn đóng góp vào lĩnh vực điện lực dầu khí sau khi đã tích lũy kinh nghiệm từ các công ty điện lớn trong nước và quốc tế, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Kỹ thuật PV Power đã đăng ký 27 sáng kiến lao động, trong đó đang triển khai 6 sáng kiến, nhằm nâng cao hiệu năng các nhà máy điện, gia tăng lợi nhuận cho tổng công ty và cải thiện thu nhập của người lao động, nổi bật là sáng kiến “Ban hành Quy định Quản lý hiệu năng các nhà máy điện của PV Power”.
Năm 2021, sau nửa năm tìm hiểu về phương thức thức quản lý kỹ thuật của PV Power và các quy định, hướng dẫn hiện có, ông Hùng nhận ra chưa có trọng số cho các chỉ tiêu, trên cơ sở so sánh với kinh nghiệm trực tiếp tham gia công tác nâng cao hiệu suất tại công ty Hoa Kỳ với nhiều nhà máy nhiệt điện, ông Hùng đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng áp dụng chương trình quản lý hiệu năng cho các nhà máy điện của PV Power.
Được sự cổ vũ, động viên, góp ý từ những người làm kỹ thuật, các ban và đơn vị chuyên môn, đề xuất của ông Hùng được lãnh đạo PV Power phê duyệt và ban hành Quy định số 879/QĐ-ĐLDK về quản lý hiệu năng nhà máy điện, nhằm thiết lập một hệ thống quản lý hiệu quả hơn cho toàn bộ các tổ máy và thiết bị chính.
Sáng kiến hướng đến mục tiêu theo dõi liên tục hiệu năng vận hành với dữ liệu được giám sát chặt chẽ để phát hiện kịp thời các bất thường, đưa ra giải pháp khắc phục ngắn hạn và dài hạn; chuẩn hóa quy trình quản lý hiệu năng từ lập kế hoạch, thực hiện, kiểm tra đến tối ưu, tất cả đều được hệ thống hóa và thực hiện đồng bộ; đánh giá và tối ưu bảo dưỡng thông qua quy định cung cấp cơ sở dữ liệu để lập kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa và nâng cấp thiết bị, giảm thiểu sự suy giảm hiệu năng.
Cấu trúc chương trình được hình thành gồm 7 cấu phần chính, có chấm theo thang điểm, gồm: Xây dựng chương trình quản lý hiệu năng; thực tiễn vận hành; thiết bị đo lường; kiểm soát rò xì Cycle Isolation; mô phỏng chu trình; giám sát On-Line; thu thập, lưu trữ dữ liệu nhà máy Plant Data Collection. Mỗi cấu phần còn có các cấu phần tử có quy trình đánh giá, chấm điểm cụ thể.
Chương trình quản lý hiệu năng các nhà máy được triển khai trên toàn bộ hệ thống quản lý với sự hỗ trợ từ phần mềm Power Monitoring
Chương trình quản lý hiệu năng đã được triển khai trên toàn bộ hệ thống quản lý với sự hỗ trợ từ phần mềm Power Monitoring (PI AVEVA/OSI), tích hợp hơn 20.000 tag dữ liệu từ các cảm biến và dữ liệu nhập từ các phòng thí nghiệm. Nhờ đó, hiệu năng vận hành của các nhà máy được theo dõi, phân tích liên tục phục vụ cho các báo cáo tự động và bán tự động.
Một trong những kết quả nổi bật được ông Hùng hào hứng nhắc tới khi thực hiện sáng kiến là Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (PV Power Hà Tĩnh) chỉ sau vài năm áp dụng chương trình quản lý hiệu năng, suất hao nhiệt đã giảm đáng kể, tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng chi phí nhiên liệu mỗi năm. Thông qua các báo cáo phân tích, nhà máy đã kịp thời điều chỉnh, tối ưu hóa hiệu suất của lò hơi, turbine, bộ sấy không khí, bình ngưng, chế độ vận hành, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Hoàng Thanh Dũng, Quản đốc Phân xưởng Vận hành tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 cho biết, công tác quản lý hiệu năng ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị sản xuất, hiệu năng càng tốt thì giá thành sản xuất trên 1 số điện (kW) càng thấp sẽ càng nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường điện.
“Trước đây, Vũng Áng 1 thực hiện nhiều giải pháp quản lý hiệu năng, nhưng từ khi đưa sáng kiến quy định quản lý hiệu năng với sự hỗ trợ từ phần mềm Power Monitoring vào, đã thay thế cho việc các tính toán bằng tay thủ công, tiết kiệm thời gian. Hơn nữa, phần mềm này hiện thị thời gian thực về hiệu năng giúp những người vận hành, quản lý hiệu năng có thể điều chỉnh, hiệu chỉnh tối ưu kịp thời. Ngoài ra, phần mềm hỗ trợ báo cáo rõ ràng thực tế các dữ liệu với tổng công ty, từ đó giúp lãnh đạo đưa ra các quyết định trong sản xuất nhanh, chính xác và phù hợp hơn”, ông Dũng nhìn nhận.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Hùng cũng là người đưa ra sáng kiến xây dựng và áp dụng công thức tính điểm KPIs chấm điểm các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, làm cơ sở xác định quỹ tiền lương của các nhà máy điện.
Bằng kinh nghiệm làm việc tại công ty nước ngoài, tham khảo các KPIs cụ thể về tiêu chuẩn trong sản xuất điện, ông Hùng nhận thấy việc đánh giá KPIs là rất quan trọng theo chỉ số đánh giá hiệu suất chính “SMART”, tức là cần: Specific (cụ thể), Measurable (đo lường được), Achievable (có thể đạt được), Relevant (liên quan) và Time-bound (có giới hạn thời gian).
Do đó, ông đã đề xuất sáng kiến hỗ trợ ban tổ chức nhân sự tổng công ty xây dựng công thức tính điểm có trọng số cho từng chỉ tiêu, tạo ra một hệ thống đánh giá có tính minh bạch và định lượng cao, với 5 tiêu chí chính: Lợi nhuận, sản lượng điện, suất hao nhiệt, độ khả dụng, năng suất lao động.
Hệ thống chấm điểm này không chỉ giúp ban lãnh đạo PV Power đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động của các nhà máy, mà còn làm cơ sở để các đơn vị có mục tiêu phấn đấu cụ thể, từ đó cải thiện việc lập mục tiêu trong sản xuất góp phần tăng thu nhập cho người lao động. Nhờ sự đánh giá công bằng, các đơn vị có động lực cải thiện hiệu suất, góp phần nâng cao năng suất lao động và bảo đảm quyền lợi kinh tế cho tập thể người lao động.
Hai sáng kiến trên đã đóng góp quan trọng vào việc cải thiện hiệu năng các nhà máy điện của PV Power. Thông qua việc áp dụng các sáng kiến, PV Power không chỉ nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn cải thiện thu nhập người lao động, tạo môi trường làm việc công bằng và hiệu quả.
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 chỉ sau vài năm áp dụng chương trình quản lý hiệu năng, suất hao nhiệt đã giảm đáng kể, tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng chi phí nhiên liệu mỗi năm. Thông qua các báo cáo phân tích, nhà máy đã kịp thời điều chỉnh, tối ưu hóa hiệu suất của lò hơi, turbine, bộ sấy không khí, bình ngưng, chế độ vận hành, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.
|
Phương Thảo
Bình luận