Nỗi sợ mơ hồ
An ninh ở đất nước có sự hiện diện của tổ chức Al Queda thực sự mang đến nỗi sợ hãi cho những người dân hiền lành, đặc biệt là những người nước ngoài sống và làm việc tại đây. Từ sau sự kiện 11/9 tại New York thì tất cả các ngày 11/9 sau đó đều được đề cao cảnh giác ở mức tối đa tại các quốc gia có nguy cơ khủng bố. Riêng ở nơi đây, ngày 11 hàng tháng cũng là ngày đáng bận tâm vì không biết bao nhiêu vụ đánh bom đã xảy ra vào những ngày 11 hoặc gần ngày 11.
Đáng kể nhất là năm 2007, ở thủ đô Alger có hai vụ đánh bom vào ngày 11/4 và ngày 11/12 gây nhiều thiệt hại, chúng đều là các vụ đánh bom tự sát bằng xe ô tô dạng “kép” (hai vụ nổ liền nhau) trong đó vụ thứ hai diễn ra ở Tòa án Tối cao đánh sập 1 phần mặt tiền và ở trụ sở Liên Hiệp Quốc làm chết nhiều người nước ngoài. Tình hình an ninh bất ổn khi đó leo thang, đối tượng bị khủng bố không còn dừng lại là các cơ quan chính quyền mà đã mở rộng sang đối tượng người nước ngoài, tâm lý anh em tham gia dự án cũng có phần hoang mang, dao động.
Vụ nổ ngày 11/12/2007 xảy ra lúc tôi đang ngồi trao đổi với anh Quế, bom nổ làm rung chuyển cả tòa nhà, vỡ cả cửa kính. Trước đó, lúc sang tôi đã được nghe kể đoàn xe công tác xuống Bumadest (trụ sở của Sonatrach) chở cán bộ dự án đã bị đánh bom ngay trước mũi xe. Sau này có lúc cảnh sát phong tỏa khu vực vì nghi có bom, tôi với Quang Hùng còn ra tận đường hầm Hydra để xem thực hư thế nào, thần hồn nát thần tính, thấy Hùng đang đi sát bức tường hai bên đường, tôi bảo: “Bạn đi tránh tường ra không bom nổ đổ vào người thì chết!”. Hùng nghe thế cũng chuyển ra giữa đường mà đi cho an toàn. Nghĩ lại mà thấy vừa vui vừa sợ. Sau đợt đó, Phòng HSE và Ban Giám đốc PVEP Algeria đã có các phương án cụ thể để ứng phó với mọi tình huống xảy ra, kể cả trường hợp xấu nhất. Cho đến những năm 2011 thì việc tập luyện phòng bị cho tình huống khẩn cấp vẫn được Phòng HSE duy trì thường xuyên.
Chỉ tính riêng trong 5 năm (2007-2011) ở thủ đô Alger đã có tới 15 vụ đánh bom tự sát, gây thiệt hại rất nhiều về người và tài sản.
Cũng phải nói trong thời gian này, một số anh em đã rời dự án vì nhiều lý do, trong đó có lý do an ninh, Ban Giám đốc đã phải động viên anh em giữ vững tinh thần và kiên trì từng bước vượt qua khó khăn.
Khoảnh khắc lịch sử
Ngày 12/8/2015, khi đang ngồi làm việc ở Văn phòng Đại diện PVEP Overseas tại thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, tôi bất ngờ nhận được email từ anh Ngô Hữu Hải (lúc đó đang là Phó Tổng Giám đốc Thường trực PVEP). Trong email anh viết: Xin trân trọng thông báo tới các đồng chí lãnh đạo và toàn thể các anh chị em đồng nghiệp một tin rất rất vui sau hơn 1 thập kỷ chờ đợi: Đúng 11h10 ngày 12/8/2015 giờ Algeria (17h10 giờ Việt Nam), Hệ thống xử lý trung tâm (CPF) Dự án phát triển khai thác mỏ Bir Seba (BRS) Lô 433a-416b, Algeria của Nhà điều hành GBRS đã chính thức tiếp nhận dòng dầu của 4 giếng khai thác đầu tiên (BRS-6bis, BRS-9, BRS-12 và BRS-14) và ngọn lửa trên tháp đuốc đã chính thức rực cháy trên sa mạc Sahara - Algeria.
Đọc đến đó, mắt tôi bỗng nhòa đi còn trái tim thổn thức một niềm hạnh phúc xen lẫn tự hào. Bức thư kèm theo 3 tấm hình: hình ảnh ngọn lửa trên đuốc flare, hình ảnh sa mạc Sahara lúc hoàng hôn buông xuống và hình ảnh Hệ thống xử lý trung tâm (CBF) của mỏ Bir Seba. Đó đều là những hình ảnh quen thuộc trên sa mạc lửa Sahara, nơi ghi dấu lần đầu tiên cuộc trường chinh tìm dầu của những người dầu khí Việt Nam ở nước ngoài đã đi đến đích.
Ngọn lửa tháp đuốc dự án của PVEP Algeria rực cháy trên sa mạc Sahara
Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam sẽ mãi mãi ghi nhớ mốc son ngày 12/8/2015 khi có First Oil (thời điểm bắt đầu khai thác thương mại của một mỏ dầu) của mỏ Bir Seba, cũng như đã ghi nhớ thời điểm ngày 12/7/2003, ngày những người dầu khí Việt Nam đầu tiên đã đặt chân tới Algeria để chính thức triển khai dự án sau khi hợp đồng được ký.
Vĩ thanh
Cái thủa “vạn sự khởi đầu nan” đã lùi sâu vào dĩ vãng, trong thành công hôm nay tôi như nhìn thấy hình ảnh của rất nhiều anh em đồng nghiệp đã từng sát cánh bên nhau xây dựng PVEP Algeria/GBRS trong suốt 21 năm qua (2003-2024). Bao nhiêu gương mặt đã đi qua, dù thời gian gắn bó nhiều ít khác nhau nhưng tựu trung tất cả mọi người đã dành thời gian và những gì tốt đẹp nhất cho thành công của dự án, thậm chí với một số người thì đó là những năm tháng đẹp nhất của đời người.
Cho đến tận bây giờ, anh em vẫn tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của ngành Dầu khí. Hội Dầu khí Algeria đã được thành lập vào năm 2011 với thành viên là các cựu binh của PVEP Algeria, có Chủ tịch Danh dự, có Ban Liên lạc, có điều lệ, chức năng và hoạt động cụ thể, hiện vẫn đang phát huy tích cực vai trò của mình. Ngày 12/7 hàng năm được lấy làm ngày kỷ niệm, luôn được mọi người chào đón và ghi nhớ.
Các cán bộ biệt phái trong một lần đến thăm một ngọn núi ở thành phố Blida (Algeria)
Theo dòng chảy thời gian, có những gương mặt đã vĩnh viễn chia tay đồng đội để đến một miền xa thẳm, nơi không có những niềm đau. Họ đã để lại cho dự án những hình ảnh và ký ức tươi đẹp về một thời cùng sát cánh bên nhau.
Hãy đừng sống một cuộc đời nhạt nhẽo. Trịnh Công Sơn đã từng viết những dòng này vào khi ở độ tuổi 25: “Những ai chưa bao giờ đi, chưa bao giờ sống qua nhiều nơi, sống qua những ngày mưa ngày nắng trên bao nhiêu vùng đất khác nhau, chưa bao giờ nhìn sâu vào bên sau của con người thì hẳn mới còn đua đòi vào những hời hợt nhạt nhẽo của đời sống được”.
Chúng tôi đã đi qua những chặng đường như thế và có thể khẳng định rằng, chúng tôi đã có một thời đáng sống, đáng nhớ và đáng để yêu thương.
Nguyễn Hùng Sơn