[Magazine] Tiến sĩ sử học Khổng Đức Thiêm: Ngành Dầu khí có lịch sử hết sức vẻ vang
06:27 |
22/07/2024
Lượt xem:
991
Petrovietnam nhiều năm qua luôn là cánh chim đầu đàn của nền kinh tế, có lịch sử hết sức vẻ vang và đáng tự hào.
Là người đã “dựng” lên bộ sách “Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam”, gồm 3 tập khá đồ sộ từ hàng vạn trang tài liệu, song Tiến sĩ sử học Khổng Đức Thiêm - nghiên cứu viên cao cấp Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - chỉ khiêm tốn nhận mình là cố vấn biên tập. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới, ông khẳng định, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) dù là “em út” trong ba tập đoàn năng lượng lớn của quốc gia, song nhiều năm qua luôn là cánh chim đầu đàn của nền kinh tế, có lịch sử hết sức vẻ vang và đáng tự hào.
|
PV: Được biết trong quá trình biên soạn bộ sách “Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam”, cá nhân ông và Hội đồng biên soạn đã gặp không ít khó khăn. Ông có thể chia sẻ phần nào quá trình “làm sử” này?
Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm: Thời điểm Petrovietnam đặt vấn đề phối hợp cùng Hội Khoa học Lịch sử để làm cuốn lịch sử ngành thì tôi cũng nhận được “đơn đặt hàng” từ Tổng cục Đường sắt làm cuốn sách cho ngành này. Do đó mà tôi đã đề nghị với anh Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử rằng, những vấn đề về ngành Dầu khí thì nên để Giáo sư Đặng Phong thực hiện. Bởi vì Giáo sư Đặng Phong vốn là một chuyên gia kinh tế, đồng thời cũng là cây bút giàu kinh nghiệm.
Song thật không may, Giáo sư Đặng Phong bắt tay được một thời gian thì ông bất ngờ quy tiên. Công việc lúc đó trở nên dở dang… mà thời điểm bộ sách phải in, phát hành đã được ấn định.
Cùng lúc tôi cũng vừa hoàn thành xong bộ sách “Lịch sử phong trào công nhân” của Công đoàn Đường sắt Việt Nam. Thế là bên Hội Khoa học Lịch sử đề nghị tôi tiếp tục công việc còn dang dở của Giáo sư Đặng Phong. Tôi nhận công việc này trong cảm xúc vừa phấn chấn, lại vừa lo lắng.
Phấn chấn là bởi tôi biết Petrovietnam là một tập đoàn kinh tế lớn, có nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, chắc hẳn sẽ có nhiều chi tiết, nhiều câu chuyện, nhiều bài học kinh nghiệm… hay, độc đáo. Mà với người làm lịch sử thì những điều ấy thực là quý, hiếm.
Song tôi cũng rất đỗi lo lắng, vì trước mắt tôi là cả chồng tư liệu, ghi chép, hồi ký, văn bản… cao đến 2m. Tôi nhẩm tính, chỉ riêng việc đọc cho hết số tài liệu này đã mất một vài tháng trời, liệu mình có thể hoàn thành công việc nặng nề này không!?
Tôi chỉ có một yêu cầu duy nhất, là được toàn quyền cắt xén sửa chữa và biên tập. Phía bên Petrovietnam đã đồng ý.
Ngay sau đó, tôi bắt tay vào cuộc chạy đua với thời gian. May mắn là do đã có kinh nghiệm làm nhiều sách lịch sử của các ngành, đặc biệt là số lượng tài liệu mà Hội đồng biên soạn thu thập được đều rất đầy đủ, chất lượng; công việc của tôi gần như chỉ còn là tổng hợp, sắp xếp lại, đúc rút từ hàng chục nghìn trang tài liệu còn ngót 1.000 trang, để có thể gói gọn được lịch sử của ngành sau nửa thế kỷ xây dựng và phát triển.
Sau 3 tháng làm việc cật lực, tôi đã có thể yên tâm trao lại bản thảo cho Hội đồng biên soạn, sau này đã được xuất bản thành 3 cuốn, mỗi cuốn gần 500 trang in (bao gồm cả ảnh, bảng biểu…).
Tôi cảm thấy hết sức nhẹ nhõm vì đã hoàn thành được di nguyện của Giáo sư Đặng Phong để lại. Tôi cũng đề nghị Hội đồng biên soạn ghi “cố vấn nội dung” là Giáo sư Đặng Phong, còn Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm là “cố vấn biên tập”.
PV: Trong quá trình biên soạn bộ sách trên, ông có kỷ niệm nào đáng nhớ?
Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm: Tôi nhớ mãi thời điểm tiếp nhận những dòng đầu tiên từ các văn bản, ghi chép... và đọc thấy đoạn: “Petrovietnam đã vươn lên thành một tập đoàn kinh tế lớn, chủ lực của nền kinh tế, đóng góp 25-30% GDP…” thì lúc ấy tôi có cảm giác… hơi khó chịu một chút.
Do vậy tôi đã từng đề nghị phía Hội đồng biên soạn chọn từ ngữ nào đó khiêm tốn hơn, mà vẫn thể hiện được tầm vóc của ngành.
Tuy nhiên, một thời gian sau - khi càng được tiếp cận nhiều tài liệu, con người, sự kiện… hơn thì tôi càng cảm thấy đề xuất của mình lúc trước là có phần chưa đúng; và là cái nhìn khắt khe của những người viết sử.
Chứ quả thật, với những đóng góp to lớn của mình, Petrovietnam thực sự xứng đáng là ngành kinh tế chủ lực, là cánh chim đầu đàn của nền kinh tế.
PV: Và hiện tại thì cái nhìn của người làm sử đã “bớt” khắt khe hơn chưa,
thưa ông?
Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm: Sau khi tham gia biên soạn một số bộ lịch sử của các ngành kinh tế, thì tôi mới có được cái nhìn tổng quát hơn và có đánh giá đúng hơn về Petrovietnam.
Tôi nhận thấy rằng trong hoàn cảnh như đất nước mình, nguồn tài nguyên khoáng sản nói nhiều thì nhiều thật, song chủ yếu chỉ có ngành than, luyện kim… là có những đóng góp tương đối lớn. Phải cho đến khi phát hiện ra nhiều mỏ dầu, mỏ khí, đồng thời phát triển mạnh ngành công nghiệp Dầu khí thì nước Việt Nam ta mới có thêm động lực để phát triển mạnh mẽ.
Ngoài đóng góp lớn cho ngân sách trong một thời gian dài (khoảng 10% tổng thu ngân sách Nhà nước), sự phát triển mạnh mẽ của Petrovietnam còn thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ, ngành công nghiệp liên kết chuỗi như khí - điện - đạm.
Đặc biệt, tại những địa phương mà Petrovietnam và các công ty thành viên đóng chân (như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Thanh Hóa…) cũng từng ngày thay da đổi thịt. Rồi như tỉnh Quảng Ngãi, từng là một trong những tỉnh rất nghèo, “nghèo xơ nghèo xác” - song khi có Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn được xây dựng và đi vào hoạt động, đã thay đổi gần như cơ bản bộ mặt của địa phương.
Ngoài ra, Petrovietnam còn góp phần vào an sinh xã hội, với các nguồn lực để giúp cho học trò nghèo vùng cao, hay người dân ở các bản làng biên cương xa xôi. Petrovietnam cũng góp phần bảo vệ Tổ quốc, với các giàn khoan hùng vĩ trên biển…
Đặc biệt, tại những địa phương mà Petrovietnam và các công ty thành viên đóng chân (như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Thanh Hóa…) cũng từng ngày thay da đổi thịt. Rồi như tỉnh Quảng Ngãi, từng là một trong những tỉnh rất nghèo, “nghèo xơ nghèo xác” - song khi có Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn được xây dựng và đi vào hoạt động, đã thay đổi gần như cơ bản bộ mặt của địa phương.
Ngoài ra, Petrovietnam còn góp phần vào an sinh xã hội, với các nguồn lực để giúp cho học trò nghèo vùng cao, hay người dân ở các bản làng biên cương xa xôi. Petrovietnam cũng góp phần bảo vệ Tổ quốc, với các giàn khoan hùng vĩ trên biển…
PV: Cũng với con mắt của người viết sử, ông có thể lý giải được thành công của Petrovietnam?
Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm: Là một người “ngoại đạo”, tôi xin mạnh dạn chia sẻ rằng, sở dĩ Petrovietnam có được thành công to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là do mấy nguyên nhân sau:
Đầu tiên (và tiên quyết) là từ thập niên 50 của thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng, Nhà nước đã có những quyết sách cực kỳ sáng suốt, làm nền móng cho ngành công nghiệp dầu khí sau này.
Năm 1959, khi đất nước còn bị chia cắt làm hai miền, thì Đảng, Nhà nước đã sang “bắt mối” với các nước có nền công nghiệp dầu mỏ tiên tiến thuộc phe XHCN để “nhờ” chuyên gia nước bạn sang giúp cho ngành Dầu khí còn rất non trẻ của Việt Nam.
Tiếp đó, nhiều trí thức ưu tú cũng được Nhà nước đưa sang nước bạn để học tập tại các trường đại học, nhằm có được một thế hệ cán bộ, kỹ sư giỏi nghề, “vừa hồng vừa chuyên”. Tôi nhận thấy thế hệ “những người đi tìm lửa” đầu tiên đều có bản lĩnh, tinh thần lao động hết mình, có thể nắm bắt được những công nghệ tiên tiến nhất để vận hành một ngành công nghiệp có hàm lượng trí tuệ cao như Dầu khí.
Tiếp đến việc sớm thành lập các tổ chức, doanh nghiệp để tiến hành thăm dò, khai thác các mỏ dầu khí ở Đồng bằng Bắc Bộ và vùng biển Nam Trung Bộ; sau này liên doanh liên kết với quốc tế cũng là những bước đi vô cùng sáng suốt.
Tôi cho rằng dưới sự dẫn đường chỉ lối của Đảng, của Bác Hồ, cùng sự lao động cống hiến hăng say hết mình, không quản khó khăn của lớp lớp cán bộ, kỹ sư, người lao động ngành Dầu khí đã làm nên thành công như ngày nay.
|
[Magazine] Tiến sĩ sử học Khổng Đức Thiêm: Ngành Dầu khí có lịch sử hết sức vẻ vang |
PV: Từng viết nhiều cuốn sách về nhiều ngành kinh tế khác nhau, ông có nhận xét gì về “khí chất” của “người Dầu khí”?
Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm: Một câu hỏi rất hay (cười).
Quả thật sau khi làm xong bộ sách, được gặp những nhân chứng bằng xương bằng thịt, được nghe những câu chuyện “chỉ có trong tiểu thuyết” thì tôi nhận thấy rằng, “người Dầu khí” có những phẩm chất rất riêng, khác biệt với các ngành nghề khác.
Đầu tiên là họ có khát vọng cùng bản lĩnh rất vững vàng, kiên định vì lý tưởng, vì mục tiêu tìm dầu để làm giàu cho đất nước. Thứ hai, họ cũng là những người cực kỳ sáng tạo, chuyên nghiệp trong công việc và nghĩa tình, nhân văn trong việc ứng xử với đồng nghiệp. Cuối cùng, tôi thấy họ đều là những người giàu trí tuệ và tri thức.
Với tất cả những phẩm chất đó, tôi cho rằng trong tương lai Petrovietnam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu của Việt Nam và quốc tế. Tương lai của các bạn sẽ rất rực rỡ - tôi tin là như vậy!
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện hết sức cởi mở này!
CUỐN BIÊN NIÊN SỬ ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ
Bộ sách “Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam” gồm 3 tập được trình bày thành 4 phần với 16 chương và phụ lục bao quát toàn bộ các hoạt động liên quan tới dầu khí từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến hết năm 2010.
Nội dung bộ sách ghi lại chi tiết toàn cảnh lịch sử của ngành Dầu khí Việt Nam, mô tả lại những khó khăn, gian khổ, đấu tranh, vật lộn, trăn trở, cùng những hoài bão, mong ước và cả những thăng trầm, đổi thay qua các thế hệ những người làm công tác dầu khí từ những ngày đặt nền móng đầu tiên cho tới ngày hôm nay. Bộ sách không chỉ là một biên niên sự kiện, mà còn là một kho tàng kiến thức về địa chất, dầu khí và nhiều lĩnh vực chuyên môn khác liên quan tới ngành.
Có thể khẳng định rằng, đây là cuốn biên niên sử thuộc vào loại “độc nhất vô nhị” bởi cách thể hiện độc đáo. Đọc cuốn lịch sử, chúng ta không chỉ thấy bề dày của thông tin tư liệu mà còn thấy được cả tâm tư, tình cảm của những cán bộ dầu khí qua các thời kỳ, trong từng sự kiện cụ thể. Cuốn sách này thực sự là tài liệu quý giá, có tác dụng lớn trong giáo dục truyền thống và văn hóa dầu khí cho các thế hệ mai sau.
|
CÔNG VIỆC QUAN TRỌNG VÀ KHÓ KHĂN
Ông Nguyễn Đăng Liệu, nguyên Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam chia sẻ về quá trình thực hiện bộ sách:
Nhớ lại hồi tháng 9-2008, khi nhận được chủ trương của lãnh đạo Tập đoàn về biên soạn và phát hành bộ “Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam” trong dịp 50 năm Ngày truyền thống Dầu khí Việt Nam (27-11-2011); và bản thân nhận được yêu cầu làm Thường trực Ban Biên tập và trực tiếp tổ chức công tác thu thập tài liệu và tư liệu lịch sử để tiến hành công tác biên soạn bộ Lịch sử ngành Dầu khí tôi rất lo lắng.
Ngành Dầu khí Việt Nam là một ngành công nghiệp trẻ, trước yêu cầu về phát triển kinh tế đất nước lại phải phát triển nhanh, vì thế cơ cấu tổ chức nhân sự và công nghệ áp dụng thường hay thay đổi. Mặt khác, do được hình thành từ trong chiến tranh nên cơ sở vật chất ban đầu rất nghèo nàn, lại thường xuyên phải thay đổi trụ sở, văn phòng, vì thế công tác lưu trữ tài liệu của ngành, đặc biệt ở giai đoạn đầu gặp khá nhiều khó khăn và hậu quả là việc tài liệu lịch sử bị thất lạc hay khó tra cứu tiếp cận là điều không tránh khỏi.
Nhận thức được công trình biên soạn bộ “Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam” là quan trọng nhưng rất khó khăn, nên tháng 2-2009 và 4-2009, Tổng Giám đốc Tập đoàn đã quyết định thành lập và kiện toàn Hội đồng biên soạn (11 người) và Ban biên tập (41 người).
Có thể nói, bản thân các thành viên Hội đồng biên soạn và Ban biên tập là những nhân chứng sống và mang trong mình các tư liệu quý giá về các biến cố và sự thăng trầm trong các giai đoạn phát triển của ngành
Dầu khí.
Theo đề nghị của Ban Biên tập, tháng 6-2009, Tổng Giám đốc đã phê duyệt thành phần các chủ biên, phó chủ biên và tập thể tác giả và cộng tác viên với tổng số người lên tới 94 người. Các tác giả và cộng tác viên đều đã từng là cán bộ quản lý dầu khí lão thành hay chuyên gia về kinh tế và kỹ thuật làm việc nhiều năm trong ngành Dầu khí. Vì thế họ hiểu được bản chất các sự kiện lịch sử và biết được nguồn có khả năng lưu trữ các thông tin tư liệu lịch sử của ngành Dầu khí.
Đặc biệt trong số các tác giả và cộng tác viên tham gia biên soạn bộ Lịch sử có 2 người đã từng là cán bộ chủ chốt (hàm giám đốc) của Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản (dưới thời Việt Nam Cộng hòa 1954-1975 ở miền Nam Việt Nam)...
|
|
Nội dung: Minh Tiến
Đồ họa: Quang Huy
|
Bình luận