Kỳ 1: Hồi sinh từ đổ nát
08:24 |
08/09/2023
Lượt xem:
861
Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS) được chuyển giao từ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) năm 2010 với rất nhiều câu chuyện lịch sử mang trong mình. Thời điểm mới xây dựng, Nhà máy đóng tàu Dung Quất được kỳ vọng sẽ là “người khổng lồ”, gánh trên vai sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một trong những cường quốc về đóng tàu trong khu vực và trên thế giới. Khủng hoảng kinh tế thế giới và những sai lầm từ Vinashin đã biến DQS trở thành một nhà máy hoang tàn khi được chuyển giao về Petrovietnam. Đứng dậy từ đống tro tàn ấy, lãnh đạo và người lao động DQS đã thắp lên ngọn lửa lao động bùng cháy mạnh mẽ, để từng bước hồi sinh một trong những nhà máy đóng tàu lớn nhất Đông Nam Á. 13 năm kể từ khi chuyển giao về Petrovietnam, hình hài DQS hiện giờ thế nào?
Gánh nợ hơn 7.000 tỷ khi chuyển giao
Nhà máy đóng tàu Dung Quất có công suất thiết kế giai đoạn I với mục tiêu đóng mới khoảng 600 nghìn tấn tàu/năm; giai đoạn II nâng công suất đóng mới lên 1,1 triệu tấn/năm.
Có lẽ trong lịch sử ngành công nghiệp Việt Nam, chưa có trường hợp một nhà máy lớn nào vừa khởi công xây dựng đã tiến hành sản xuất ngay như nhà máy đóng tàu Dung Quất. Khi khối lượng xây dựng nhà máy mới đạt 20%, DQS đã ngay lập tức đóng con tàu 104.000 tấn. Thời kỳ nhộn nhịp, tại DQS có hơn 3.000 nhân sự vừa xây dựng nhà máy, vừa đóng tàu. Thời điểm đó, tất cả đều nghĩ đến một tương lai huy hoàng cho DQS và ngành đóng tàu Việt Nam.
Mặt bằng thiết kế tổng thể hoàn chỉnh Nhà máy đóng tàu Dung Quất.
Ở một lát cắt khác, Vinashin đã đầu tư vào hàng loạt lĩnh vực ngoài ngành trải từ sản xuất sắt thép, xi măng, xây dựng khu công nghiệp, ngân hàng… thậm chí cả phân phối xe máy. Hàng ngàn tỷ đồng, hàng trăm triệu USD được Vinashin đem đi đầu tư. Cuối năm 2008, đầu năm 2009, khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu xuất hiện, đánh những đòn trời giáng vào tham vọng đầu tư ngoài ngành của Vinashin. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, tính tới cuối năm 2009, tổng tài sản của Vinashin là hơn 100.000 tỷ đồng thì có đến 86.000 tỷ đồng là nợ phải trả. Và các khoản nợ hoàn toàn là vốn vay ngân hàng, có nghĩa là Vinashin hoạt động hoàn toàn bằng tiền đi vay. Tài chính kiệt quệ, kéo theo sự đổ vỡ của cả hệ thống các công ty con của Vinashin. DQS cũng không phải ngoại lệ.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 1/7/2010 là ngày DQS được chuyển giao chính thức từ Vinashin về Petrovietnam. Thời điểm đó, theo mô tả của những người làm việc tại đây thì nhiều khu vực trong nhà máy cỏ mọc cao quá đầu người, sắt thép nằm ngổn ngang, hoen gỉ. Tại khu vực dock, con tàu 104.000 tấn mới thi công xong phần vỏ nằm chỏng chơ khi mới hoàn thành được khoảng 40% khối lượng công việc, chưa biết khi nào mới có thể thi công tiếp. Thời điểm ấy, hơn 2.500 lao động chưa biết tương lai của mình sẽ đi về đâu, tinh thần lao động rệu rã. Trên sổ sách, khi chuyển giao về Petrovietnam, DQS có vốn điều lệ hơn 3.758 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 1.235 tỷ đồng và tổng khoản nợ phải trả là 7.440 tỷ đồng. Trong đó vay ngân hàng 4.800 tỷ đồng, 70% khoản vay này bằng ngoại tệ. DQS được đánh giá là mất cân đối về tài chính, không có khả năng thanh toán nợ.
Nhà máy đóng tàu Dung Quất nằm ở vị trí đắc địa trên tuyến hàng hải quốc tế, thuận tiện cho các tàu nước ngoài cập vào dock sửa chữa.
Ngay sau khi tiếp nhận DQS, Hội đồng Thành viên Petrovietnam đã có Nghị quyết 1781/NQ-DKVN ngày 29/7/2010 về tổ chức và cơ cấu lại DQS theo ngành nghề kinh doanh chính: Đóng mới, sửa chữa tàu thủy, giàn khoan và các phương tiện nổi.
Petrovietnam đưa DQS vào lộ trình từng bước vượt qua khó khăn. Từ lộ trình ấy, DQS đã chuyển giao các công ty con sang các doanh nghiệp thành viên Petrovietnam, gồm: Công ty TNHH MTV Vận tải thủy bộ sang PVTrans; Công ty TNHH MTV Xây dựng công trình Dung Quất sang PVC-MT, Công ty TNHH MTV Cung ứng dịch vụ Hàng hải Vinashin sang PETROSETCO.
Những chỉ đạo của Petrovietnam đã ngay lập tức tạo những kết quả tích cực. Tàu 104.000 tấn là con tàu đầu tiên DQS thực hiện, thi công; thời điểm chuyển giao về Petrovietnam vẫn chưa được hoàn thiện. 16 tháng từ thời điểm chuyển giao, DQS đã tổ chức lễ hạ thuỷ; 7 tháng sau đó tổ chức lễ khánh thành và bàn giao tàu 104.000 tấn với tên gọi mới là PVT Mercury cho chủ tàu là PVTrans – một đơn vị thành viên của Petrovietnam. Tại thời điểm đó, đây là con tàu lớn nhất do người Việt thiết kế, đóng mới. Con tàu này có chiều dài 245 mét, rộng 43 mét, cao 20 mét, mớn nước 11,7 mét, vận tốc 14,7 hải lý/giờ. Máy chính của tàu 104.000 tấn có công suất 13.560KW, gồm 6 xilanh, trọng lượng nặng 400 tấn.
Tàu PVT Mercury được đóng mới tại DQS có trọng tải 104.000 tấn.
Song song với việc thi công tàu 104.000 tấn, DQS tiếp tục hoàn thiện tàu 105.000 tấn (sau này trở thành kho nổi FSO Đại Hùng Queen) và hàng loạt các dự án dang dở khác. Dock tàu DQS luôn tấp nập tàu ra vào. Thời gian hoạt động của dock luôn ở hiệu suất cao.
Thực hiện thành công 182 dự án trong 12 năm
Ở giai đoạn mới chuyển giao về ngành Dầu khí, DQS sống bằng các dự án trong ngành. Nhưng cho dù là người nhà, các doanh nghiệp Dầu khí cũng không bao giờ dám ưu ái giao dự án nếu như DQS không đủ năng lực thực hiện. Bằng chứng là các công trình bảo dưỡng, sửa chữa giàn khoan, giàn khai thác trước đây chỉ có đem ra nước ngoài thi công đã được DQS thực hiện thành công, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Có thể kể đến một loạt các dự án như sửa chữa, bảo dưỡng giàn Đại Hùng, giàn Tam Đảo 01, giàn Tam Đảo 03, giàn Cửu Long, FSO Chí Linh…
Thế nhưng, những hệ luỵ lịch sử từ chủ sở hữu cũ là Vinashin vẫn gây ảnh hưởng nặng nề đến DQS. Công ty phải chịu gánh nặng tài chính lớn do thua lỗ từ thời kỳ Vinashin, chi phí tài sản cố định quá lớn trong khi cơ sở vật chất còn thiếu và chưa đồng bộ, nhiều hạng mục công trình đầu tư còn dở dang, chưa hoàn thành công tác quyết toán. Những khoản nợ khổng lồ từ thời Vinashin chưa được khoanh đã làm cho bức tranh tài chính của DQS ngày càng xấu. Và theo Luật đấu thầu, DQS bị loại từ “vòng gửi xe”, không được tham gia đấu thầu các dự án mà công ty hoàn toàn có năng lực thi công.
Lai dắt giàn Đại Hùng 01 vào dock DQS sửa chữa.
Sau đó, bằng những nỗ lực vượt qua lịch sử của mình, DQS đã có nhiều các dự án ngoài ngành hơn, và từ từ vươn ra thị trường quốc tế. Trong 2 năm gần nhất, năm 2021, DQS thực hiện 26 đơn hàng thì có 18 đơn hàng ngoài ngành; năm 2022, thực hiện 49 đơn hàng thì có 45 đơn hàng ngoài ngành.
Tổng cộng, kể từ khi chuyển giao về Petrovietnam cho đến hết năm 2022, DQS đã thực hiện thành công 182 dự án. Trong đó, dự án đóng mới, hoán cải là 6; dự án sửa chữa trong dock là 138; dự án sửa chữa đầu bến là 15; dự án gia công là 23. Nếu bỏ qua các khoản nợ, gánh nặng tài chính từ thời Vinashin và chỉ tính toán các con số doanh thu thuần thì trong 12 năm từ 2010 đến 2022, DQS có tổng doanh thu là 9.264 tỷ đồng.
Nếu những dự án của “người nhà” trong giai đoạn đầu tiên đã giúp DQS từng bước vượt qua khó khăn; thì những dự án ngoài ngành đã góp phần tạo nên chữ tín cho DQS trong thời kỳ mới. Từ những dự án ấy, người lao động, kỹ sư của DQS dần trưởng thành, chiếm được lòng tin của đối tác trong nước và quốc tế; chứng minh năng lực của một nhà máy đóng tàu hàng đầu Việt Nam và khu vực.
Phút thư giãn của người lao động DQS.
Về đời sống người lao động, kể từ khi chuyển giao về Petrovietnam đến nay, mức lương của người lao động DQS tăng gần 4 lần. Năm 2010, thu nhập bình quân của người lao động DQS chỉ khoảng 2,8 triệu đồng/người/tháng. Đến năm 2018, tiền lương trung bình là 6,6 triệu đồng. Năm 2019 tăng lên 8,32 triệu đồng. Và năm 2022 tăng lên 11,67 triệu đồng.
Có thể nói rằng, DQS đã tạm bước qua giai đoạn khó khăn. Đứng dậy từ tro tàn, đổ nát và DQS đang rất cần sự ủng hộ của các cơ quan, ban ngành về mặt cơ chế, để có thể tái cơ cấu, hồi sinh một cách danh chính ngôn thuận, để lại tất cả hệ luỵ lịch sử ở lại phía sau.
(Xem tiếp kỳ sau...)
Thanh Hiếu
Bình luận