Điện khí – “trụ đỡ” của ngành năng lượng
Điện khí được coi là “nhiên liệu cầu nối” trong quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các loại nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường.

Trong bối cảnh thế giới đang hướng tới mục tiêu năng lượng sạch và bền vững, giải pháp phát triển điện khí đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đây được xem là một nguồn năng lượng sạch, hiệu quả và bền vững. Sử dụng điện khí giúp cải thiện chất lượng không khí, giảm phát thải CO2 và hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng dầu mỏ.

Nguồn điện chiếm tỷ trọng lớn nhất vào năm 2030

Than đá, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên là ba loại nhiên liệu hóa thạch được sử dụng phổ biến để phát triển điện ở nhiều quốc gia. Trong đó, điện khí, hay còn được gọi là điện được sản xuất từ khí tự nhiên, điển hình nhất là LNG (Liquefied Natural Gas), là loại năng lượng được kỳ vọng giúp giảm phát thải carbon, nhờ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực lên môi trường và bầu khí quyển.

Để sớm cụ thể hóa các mục tiêu cam kết đạt Net Zero vào năm 2050, Việt Nam cũng đã xác định phát triển ngành công nghiệp điện khí là một trong những mục tiêu quan trọng.

Xét trong cơ cấu nguồn điện, điện khí lại đang giữ vai trò vô cùng lớn trong bối cảnh thủy điện gần hết dư địa phát triển, điện than sẽ không được phát triển sau năm 2030. Với dải công suất lớn, tính ổn định cao, không chịu tác động bởi các yếu tố thời tiết, điện khí được đánh giá là nguồn điện sẽ gánh vác vai trò “trụ đỡ” đảm bảo sự ổn định, an toàn cho hệ thống điện.

LNG đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hướng đến một tương lai phát triển bền vững

LNG đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hướng đến một tương lai phát triển bền vững

Theo Quy hoạch Điện VIII, đến năm 2030, công suất điện khí (bao gồm điện khí trong nước và LNG) sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng với 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện. Trong khi nhiệt điện than chiếm 20%, thủy điện chiếm 19,5%, điện gió trên bờ và ngoài khơi chiếm 18,5%.

Với quy hoạch này, Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ trở thành nhà nhập khẩu lớn, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường LNG thế giới và đang được nhiều nhà cung cấp LNG quốc tế săn đón.

Bên cạnh đó, điện khí còn giữ vai trò “điều tiết”, bù đắp cho các nguồn năng lượng tái tạo phát triển. Điều này cũng là cơ sở để Việt Nam sớm cụ thể hóa cam kết Net Zero vào năm 2050.

Theo TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, khác với năng lượng tái tạo, điện khí LNG có ưu điểm linh hoạt, có thể thay đổi khi cần, lượng phát thải carbon thấp hơn một nửa so với nhiệt điện than.

“Đồng thời, điện khí hóa lỏng có khả năng đạt hơn 90% hệ số công suất khi cần thiết, thời gian xây dựng và đưa vào vận hành nhanh, đáp ứng được tình trạng thiếu điện nếu có, không gặp phải tình trạng gián đoạn và phụ thuộc vào thiên nhiên như điện gió hay điện mặt trời”, TS Thiện nhận định.

Bộ Công Thương cũng đã khẳng định phát triển nhiệt điện khí, bao gồm cả tự nhiên và LNG là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, “Bởi nguồn điện LNG có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện nhanh cho hệ thống khi các nguồn điện năng lượng tái tạo giảm phát, đồng thời ít phát thải CO2”, người đứng đầu ngành Công Thương nhận định.

“Át chủ bài mới”

Không chỉ là nguồn điện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện vào năm 2030, điện khí LNG còn có lợi thế về sự ổn định, tính sẵn sàng cao. Thực tế, loại khí này đang ngày càng được sử dụng phổ biến tại nhiều nước phát triển trên thế giới và trở thành con “át chủ bài” của xu thế năng lượng mới.

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), trong những năm gần đây, đặc biệt từ sau Hội nghị Liên Hợp quốc năm 2015 về biến đổi khí hậu (COP21), nhu cầu LNG trên thế giới tăng đáng kể. Theo thống kê, nhu cầu LNG trên toàn cầu đã tăng với nhịp độ bình quân 6,3%/năm, công suất LNG tăng từ 340 triệu tấn/năm (năm 2017) lên 453 triệu tấn/năm (năm 2022). Phát triển mạnh mẽ nhiệt điện khí LNG trong tương lai chắc chắn sẽ giúp ngành điện phát triển xanh hơn và hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỷ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay.

PV GAS là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất đủ điều kiện xuất nhập khẩu LNG, đồng thời sở hữu hệ thống hạ tầng kho cảng LNG hoàn chỉnh tại Việt Nam

PV GAS là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất đủ điều kiện xuất nhập khẩu LNG, đồng thời sở hữu hệ thống hạ tầng kho cảng LNG hoàn chỉnh tại Việt Nam

Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp lớn cả trong và ngoài nước đều mong muốn đầu tư vào các dự án điện khí LNG ở Việt Nam. Năm 2020, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - Thái Bình Dương, các đối tác Việt Nam và Mỹ đã ký những thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD liên quan đến khí hóa lỏng. Tập đoàn AES (có trụ sở tại bang Virginia, Mỹ) đã ký thỏa thuận trị giá 2,8 tỷ USD với PV GAS để xây dựng cảng nhập khẩu nhiên liệu khí hóa lỏng và một nhà máy điện khí ở Việt Nam. Exxon Mobil - Tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Mỹ cũng từng ngỏ ý muốn đầu tư vào chuỗi cảng, khai thác khí thiên nhiên hóa lỏng và các nhà máy sản xuất điện từ LNG với công nghệ hiện đại nhất tại Hải Phòng.

Đến thời điểm hiện tại, PV GAS là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất đủ điều kiện xuất nhập khẩu LNG; đồng thời sở hữu hệ thống hạ tầng kho cảng LNG hoàn chỉnh tại Việt Nam đã vận hành từ tháng 7/2023. Đây là đơn vị đầu ngành được giao nhiệm vụ dẫn dắt ngành công nghiệp khí của Việt Nam.

Thời gian tới, PV GAS sẽ tích cực xây dựng, cùng cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ các nút thắt về chính sách liên quan đến cơ chế và hạ tầng trong công tác triển khai sản phẩm LNG tại Việt Nam. Trong đó, tập trung triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kho LNG trung tâm (LNG Hub) nhằm tối ưu hóa nguồn lực, tài nguyên của đất nước; xây dựng các cơ chế nhằm khuyến khích đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, cùng với các quy định cụ thể về cơ chế chuyển ngang giá, bao tiêu khối lượng, nguyên tắc về cước phí, góp phần xây dựng thị trường kinh doanh LNG minh bạch, công bằng và bền vững.

Với sự cam kết và hỗ trợ từ Chính phủ cùng sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, Việt Nam đang hướng tới một tương lai năng lượng bền vững và hiệu quả, trong đó, LNG đóng vai trò trung tâm trong chiến lược năng lượng quốc gia.

P.V


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​