TSKH Phùng Đình Thực: Chúng ta mãi biết ơn Bác Hồ và những người bạn

Bài 3: Hiệp định Dầu khí Việt Nga - minh chứng cho tình hữu nghị đặc biệt
Hiệp định Dầu khí được ký trong bối cảnh tình hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam - Liên Xô. Thời đó, các công ty phương tây rút hết thì Liên Xô hợp tác với Việt Nam. Không có các bạn Liên Xô/Nga, chúng ta không thể xây dựng được một ngành công nghiệp dầu khí như bây giờ.

Bài 3: Hiệp định Dầu khí Việt Nga - minh chứng cho tình hữu nghị đặc biệt

Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Quỳnh và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô K.F. Katusev ký Hiệp định thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô, ngày 19-6-1981

Ngày 19-6-1981, Lễ ký kết Hiệp định giữa Chính phủ Liên bang CHXHCN Xô Viết và Chính phủ CHXHCN Việt Nam về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô (Vietsovpetro) để tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam CHXHCN Việt Nam đã diễn ra tại Mát-xcơ-va.

Đặt bút ký văn kiện này là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Phân ban Liên Xô trong Ủy ban Liên chính phủ Liên Xô - Việt Nam về Hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật K. F. Katushev và Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Ủy ban Liên chính phủ Trần Quỳnh.

Hiệp định Dầu khí được ký năm 1981 trong bối cảnh tình hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam - Liên Xô. Trong bối cảnh thời đó, các công ty phương tây rút hết thì Liên Xô hợp tác với Việt Nam. Đến năm 1991 là lần đầu tiên sửa đổi Hiệp định, sửa đổi nội dung liên quan đến thời hạn (20 năm), phạm vi hoạt động (các lô cụ thể), các sác thuế (bổ sung sác thuế tài nguyên 18%, thuế lợi tức). Đó là những nội dung chính trong sửa đổi Hiệp định năm 1991.

Đến ngày 31-12-2010 là hết hạn theo lần sửa đổi Hiệp định năm 1991, Chính phủ hai nước đánh giá việc hợp tác liên doanh dầu khí giữa Việt Nam và Nga trên cơ sở Hiệp định sửa đổi năm 1991 là một liên doanh hiệu quả nhất, cho nên cần thiết tiếp tục thực hiện hợp tác đó trong khuôn khổ Liên doanh Vietsovpetro sau năm 2010. Chủ trương này được khẳng định trong tuyên bố chung của Chủ tịch nước Việt Nam và Tổng thống Nga trong năm 2006, hợp tác này cần được tiếp tục.

Thực hiện chủ trương đó, từ đầu năm 2010 khi Hiệp định gần hết hạn, các nhóm làm việc 2 bên đã rà soát để xem nếu tiếp tục hợp tác thì cần sửa gì trong Hiệp định. TSKH Phùng Đình Thực nhớ lại: “Khi đó chúng tôi tham gia nhóm làm việc ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) với một số lãnh đạo cùng các bộ, ngành, trong đó có Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Đầu tư… để sửa đổi và gia hạn Hiệp định. Sau đó đã thống nhất một số nội dung: thay đổi lại tỷ lệ tham gia (Việt Nam 51%, Nga 49%); toàn bộ dầu sau khi trừ thuế tài nguyên thì thuế xuất khẩu phải chịu 10%, phía Nga không được hoàn lại tiền xuất khẩu; nếu dầu cao hơn 75 USD thì phần lãi dầu của các nhà thầu phải chịu phụ thu về giá dầu cao; chịu thuế môi trường theo quy định của Việt Nam là 100.000 đồng/tấn dầu; khi kết thúc thời hạn Hiệp định, toàn bộ tài sản cố định được chuyển giao miễn phí cho phía Việt Nam”.

Hai bên cũng thỏa thuận, đối với Liên doanh Rusvietpetro, hoạt động tại LB Nga, khi hết hạn nếu phía Việt Nam vẫn có nhu cầu, phía Nga có trách nhiệm xem xét để tiếp tục gia hạn. Không những trong phạm vi hiện có, văn bản thỏa thuận còn nêu rõ rằng cả hai bên đều xem xét để mở rộng phạm vi hoạt động của Liên doanh Vietsovpetro tại Việt Nam, cũng như liên doanh Rusvietpetro tại Liên bang Nga ra các khu vực khác.

Bài 3: Hiệp định Dầu khí Việt Nga - minh chứng cho tình hữu nghị đặc biệt

Giàn CNTT số 2 mỏ Bạch Hổ

Nhắc về việc ký kết hiệp định sửa đổi lần 2, TSKH Phùng Đình Thực chia sẻ thêm: “Tháng 10-2010, Tổng thống Liên bang Nga Medvedev chuẩn bị sang thăm Việt Nam. Trong một thỏa thuận về nội dung làm việc giữa Tổng thống Liên bang Nga Medvedev và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết, có nội dung sẽ chứng kiến ký thỏa thuận về sửa đổi hiệp định này. Nhưng gần đến nơi, Bộ Ngoại giao lại báo cáo các văn bản hiện nay đã có, riêng văn bản về thỏa thuận này chưa được Chính phủ phê duyệt. Khi đó Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lập tức triệu tập cuộc họp gồm đại diện Văn phòng chính phủ và các Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao… Petrovietnam có tôi tham dự. Tại cuộc họp, Văn phòng Chính phủ báo cáo trong một tháng vừa qua đã gửi văn bản và nhận được sự phản hồi của các bộ, ngành (kể cả Petrovietnam), tuy nhiên còn có một bộ là chưa có phản hồi”.

Nghe đến đây Chủ tịch nước nghiêm sắc mặt và nói: Người ta sang đến ngõ rồi mà văn bản thỏa thuận chưa xong, các anh đã đọc Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Việt Nam và Tổng thống Nga đã ký năm 2006 chưa? Chủ tịch nước đã nghiêm khắc phê bình bộ đó. Lần đầu tiên tôi chứng kiến giọng nói của Chủ tịch nước nghiêm khắc như thế. Tiếp theo, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói, giọng nhẹ nhàng hơn: “Phải nhìn tổng thể, đừng quá chi li, chỉ thấy tiểu tiết mà không thấy cái lớn lao, cái toàn cục; chỉ thấy trước mắt, ngắn hạn mà không thấy cái lâu dài. Khi mình khó khăn nhất thì người ta sẵn lòng giúp đỡ vô tư, mang lại hiệu quả kinh tế kịp thời, to lớn cho mình. Đến nay khá lên lại nói thôi không hợp tác nữa, đó là hữu nghị, hợp tác kiểu gì vậy? Các anh khẩn trương đánh giá khách quan toàn diện và báo cáo”.

Sau cuộc họp đó mấy ngày, nội dung trên đã được đồng thuận thông qua. Trên cơ sở thỏa thuận đó, đến tháng 12-2010 là ký Hiệp định sửa đổi. Từ năm 2011 đến nay, Vietsovpetro tiếp tục hoạt động hiệu quả trên cơ sở Hiệp định sửa đổi ký năm 2010, góp phần xứng đáng vào việc khai thác được 250 triệu tấn dầu.

Góp phần làm nên sự kiện 250 triệu tấn còn cần phải nhắc đến các yếu tố rủi ro, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, khoa học trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí. Minh chứng rõ nhất là mới đây, Vietsovpetro phát hiện ra đối tượng mới tại tầng móng của trung tâm mỏ Rồng ở giếng khoan R79 (sau khi mỏ này đã khai thác hơn 30 năm), với lưu lượng 700 khối dầu/ngày đêm, hiện đang tiếp tục tính toán trữ lượng gia tăng để đưa vào khai thác.

“Tôi cho rằng điều đó thể hiện tính kiên trì, tỉ mỉ, không sợ rủi ro của anh em, bởi khi phê duyệt cho khoan tiếp thì rủi ro lên đến 50%, bởi có thể có hoặc không có dầu. Tương tự thế với một số khu vực ở mỏ Bạch Hổ, tổ chức nghiên cứu kỹ càng, tỉ mỉ lại phát hiện thêm những đối tượng có dầu mới, rồi xây dựng giàn BK tiếp tục khai thác bổ sung nguồn dầu mới. Hoặc như mỏ Đại Hùng, đối tác nước ngoài đã bỏ cuộc, ta tổ chức thăm dò nhiều lần, kiên trì và tiếp tục có thêm dòng dầu. Trong thăm dò khai thác dầu khí luôn có rủi ro khó đoán định. Theo tôi nên khuyến khích sự sáng tạo, tỉ mỉ, cần cù, kiên trì, khoa học để góp phần tìm được ngày càng nhiều dầu hơn”, TSKH Phùng Đình Thực nhận định.

Nhân kỷ niệm sự kiện tấn dầu thứ 250 triệu của Liên doanh Vietsovpetro, các thế hệ người dầu khí mãi mãi biết ơn Bác Hồ, người đã đặt nền móng cho công nghiệp Dầu khí Việt Nam và mãi mãi biết ơn nhân dân Liên Xô trước kia và nhân dân Nga ngày nay. Không có các bạn Liên Xô/Nga, chúng ta không thể xây dựng được một ngành công nghiệp dầu khí như bây giờ.

Hiệp định Dầu khí được sửa đổi 2 lần vào năm 1991 và 2010. Từ năm 2011 đến nay, Vietsovpetro tiếp tục hoạt động hiệu quả trên cơ sở Hiệp định, góp phần xứng đáng vào việc khai thác được 250 triệu tấn dầu.

 Bài 2: Kết quả của quyết tâm đi tìm “bí mật của lòng đất” 

TSKH Phùng Đình Thực: Chúng ta mãi biết ơn Bác Hồ và những người bạn (Bài 1) 

Nguyễn Như Phong


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​