Để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước và LNG nhập khẩu
Theo Hội Dầu khí Việt Nam, tại Dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG vẫn còn một số nội dung/vấn đề tồn tại cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện mới tạo đủ điều kiện và đủ để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện khí tự nhiên và đặc biệt là chuỗi dự án LNG.

Mới đây, Trung ương Hội Dầu khí Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về các ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG (dự thảo 1 ngày 20/4/2024) do Bộ Công Thương soạn thảo.

Theo Hội Dầu khí Việt Nam đánh giá, Dự thảo Nghị định nói trên đã tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG như: quy định về cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện của các nhà máy điện; quy định tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện dài hạn ở mức tối thiểu bằng 70% trong thời gian trả nợ của dự án nhà máy điện; Một số nội dung chính áp dụng trong hợp đồng mua bán điện. Tuy nhiên, trong dự thảo lần này một số nội dung/ vấn đề còn tồn tại, khó khăn của các dự án điện khí tự nhiên và đặc biệt là chuỗi dự án LNG vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện mới tạo đủ điều kiện và đủ để tháo gỡ vướng mắc (do chưa có hoặc cơ sở pháp lý hiện hành chưa phù hợp với tình hình thực tế) cho các cơ quan quản lý, chủ đầu tư/ doanh nghiệp trong thực hiện các dự án điện khí và LNG.

Hội Dầu khí Việt Nam họp lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG.

Trong văn bản đề xuất đến Bộ Công Thương, Hội Dầu khí Việt Nam đã đề nghị một số cơ chế cho dự án nhà máy điện khí sử dụng LNG nhập khẩu nhằm phù hợp với tình hình thực tế các dự án/nhà máy đang triển khai/hoạt động, cũng như các dự án hình thành trong tương lai; bao gồm các điều khoản như: Chính phủ đồng ý nguyên tắc cơ chế chuyển ngang giá LNG (bao gồm cả cước phí vận chuyển; cước phí tồn trữ, tái hoá; phí phân phối và các chi phí hợp lý, hợp lệ khác) trong các hợp đồng mua bán LNG sang giá điện của các nhà máy điện khí trong hợp đồng mua bán điện; Chính phủ quy định tỷ lệ tối thiểu điện năng trong hợp đồng mua bán điện theo nguyên tắc ổn định, dài hạn bằng 70% sản lượng điện năng tối đa của nhà máy điện khí, theo thời gian trả nợ vốn vay của mỗi nhà máy điện khí.

Về cơ chế cho nhà máy điện khí sử dụng khí tự nhiên trong nước, Hội Dầu khí Việt Nam đề xuất đối với những dự án dầu khí thuộc danh mục các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia như chuỗi dự án khi Lô B, Cá Voi Xanh,..., Chính phủ đồng ý nguyên tắc: Chuyển ngang giá khi (bao gồm cả cước phí vận chuyển, phí phân phối) trong các hợp đồng mua bán khí sang giá điện của các nhà máy điện khí trong hợp đồng mua bán điện; Chuyển ngang toàn bộ lượng khí bao tiêu trong hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện. Đối với nguồn khí thiên nhiên trong nước và nhập khẩu, Chính phủ đồng ý nguyên tắc chuyển ngang các lượng khí cam kết từ các hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện với tỷ lệ điện năng ổn định, dài hạn tối thiểu bằng 70% sản lượng điện năng của mỗi nhà máy điện khí và phù hợp với các cam kết cấp khí trong hợp đồng mua bán khí của từng nguồn khí.

Theo khoản 1 Điều 8 của Dự thảo, tất cả các đơn vị phát điện phải thực hiện ký hợp đồng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh trên thị trường điện giao ngay. Nội dung này, theo Hội Dầu khí Việt Nam đánh giá là không phù hợp với tình hình thực tế của một số dự án đang/ đã triển khai và đã được Chính phủ phê duyệt cơ chế (như chuỗi dự án khí Lô B), cũng như chưa phù hợp với dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi); cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát và có hướng dẫn nội dung này phù hợp.

Để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước và LNG nhập khẩu

Kho cảng LNG Thị Vải.

Về cơ chế xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhập khẩu LNG, theo Hội Dầu khí Việt Nam, việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhập khẩu LNG trên thực tế còn thiếu để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cho nhà máy điện khí cũng như phục vụ cho nhu cầu trong nước nhằm đảm bảo mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch Điện VIII (hiện mới có PV GAS đã xây dựng kho chứa LNG Thị Vải phục vụ cho việc nhập khẩu LNG). Tuy nhiên cơ chế, tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhập khẩu LNG chưa có hướng dẫn/ quy định cụ thể để làm cơ sở cho các nhà đầu tư tham gia, cũng như việc xem xét thẩm định, phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Việc chưa xem xét đến các chính sách kết nối hạ tầng nhập khẩu LNG và các nhà máy điện cũng sẽ không tối ưu được nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư và lãng phí tài nguyên cảng biển của Việt Nam. Do vậy, Hội Dầu khí Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương cần nghiên cứu, bổ sung hướng dẫn/ quy định về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhập khẩu LNG, cũng như chính sách/ cơ chế về kết nối hạ tầng nhập khẩu LNG và các nhà máy điện.

Về cơ chế bảo lãnh/ bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ/ nội tệ và nghĩa vụ thanh toán toán quốc tế về nhập khẩu LNG, các dự án LNG trong Quy hoạch điện VIII không thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội hay Thủ tướng Chính phủ, nên việc bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ để đáp ứng việc thanh toán quốc tế cho việc nhập khẩu LNG là chưa có cơ sở. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp thực hiện thanh toán nhập khẩu LNG để tiêu thụ và cung cấp cho các nhà máy điện, cũng như cung ứng cho nhu cầu nội địa. Do đó, Hội Dầu khí Việt Nam cũng đề nghị cần nghiên cứu, hướng dẫn/ quy định trong chuyển đổi ngoại tệ/ nội tệ và nghĩa vụ thanh toán quốc tế trong nhập khẩu LNG.

Ngoài ra, Luật Giá hiện hành chưa quy định cước phí nhập khẩu, tồn trữ, tái hóa LNG thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá nên cước phí này sẽ được các bên liên quan đàm phán và thống nhất. Theo đánh giá, đây cũng là một trong những vướng mắc lớn ảnh hưởng đến việc đàm phán ký kết các hợp đồng mua bán khí LNG và điện tương ứng do các bên khó thống nhất mức cước phí vì mâu thuẫn lợi ích giữa chủ đầu tư kho cảng LNG và các nhà máy điện, bên mua điện.

Bên cạnh các nội dung góp ý chính như trên, trong văn bản gửi Bộ Công Thương, Hội Dầu khí Việt Nam cũng đã đề xuất nhiều vấn đề khác liên quan, như về tên gọi của Dự thảo Nghị định; về các căn cứ xây dựng Nghị định; phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ/ khái niệm; cũng như đối tượng áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân… để Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong Dự thảo, hướng tới xây dựng các cơ chế thuận lợi và phù hợp nhất cho các đơn vị/ doanh nghiệp phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG, như phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quy hoạch điện VIII./.

Xem chi tiết ý kiến đóng góp Dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG của Hội Dầu khí Việt Nam: Tại đây.

Trúc Lâm


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​