Trong bức tranh tổng thể về chiến lược năng lượng quốc gia, Lô B – Ô Môn là một trong những chuỗi dự án mang tính đồng bộ giữa ba thành phần thượng nguồn – trung nguồn – hạ nguồn. Giai đoạn 2020–2025 được xem là bước chuyển lớn, khi hàng loạt quyết định mang tính định hình cho cả hệ sinh thái Lô B đã được xác lập và từng bước triển khai. Trong đó, tuyến ống dẫn khí dài 430 km từ mỏ về bờ, do Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam - Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC), làm đơn vị điều hành, đóng vai trò trung chuyển hết sức quan trọng.
Sơ đồ chuỗi dự án khí Lô B.
Đồng bộ tiến độ – Chuyển động từ nghị quyết đến công trường
Đảm nhận nhiệm vụ điều hành dự án Đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn, Chi bộ Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam là tổ chức chính trị đồng hành cùng bộ máy kỹ thuật, góp phần thúc đẩy tiến độ, đảm bảo sự gắn kết giữa yêu cầu chuyên môn và định hướng quản trị, điều hành. Nhiệm kỳ 2020–2025 của Chi bộ diễn ra trong bối cảnh thế giới biến động mạnh về kinh tế – năng lượng, đồng thời ngành dầu khí trong nước bước vào giai đoạn cơ cấu lại toàn diện. Đó cũng là giai đoạn quan trọng đặt nền cho việc thúc đẩy triển khai chuỗi dự án Khí – Điện Lô B.
Đến tháng 4/2024, chuỗi dự án đạt Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) – một cột mốc đánh dấu sự khởi động đồng loạt trên cả ba phân đoạn: khai thác khí ngoài khơi, vận chuyển trung nguồn và tiêu thụ tại các nhà máy điện. Với mục tiêu chung là đưa dòng khí đầu tiên vào bờ trong quý III/2027, SWPOC đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện hàng loạt nhiệm vụ then chốt, từ tổ chức bộ máy, chọn nhà thầu, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng đến ký kết các gói thầu EPC, PC.
Lãnh đạo SWPOC dẫn đoàn đối tác Nhật Bản thị sát công trường xây dựng Trung tâm phân phối khí Ô Môn (GDC Ô Môn) vào cuối năm 2024.
Báo cáo nhiệm kỳ 2020–2025 của Chi bộ SWPOC cho biết, gói thầu EPC bờ – một trong những hạng mục có quy mô kỹ thuật và khối lượng lớn – đã được ký kết với Liên danh PTSC – Lilama 18 từ tháng 12/2023. Tính đến hết quý I/2025, gói thầu này đã đạt 18% khối lượng thi công, bảo đảm tiến độ so với kế hoạch tổng thể. Trong khi đó, các gói thầu PC1 và PC2 ngoài khơi đang trong giai đoạn đánh giá hồ sơ, dự kiến hoàn tất lựa chọn nhà thầu trong quý II/2025. Công tác giải phóng mặt bằng cũng được triển khai đồng thời tại ba địa phương Cà Mau, Kiên Giang và Cần Thơ, theo hình thức cuốn chiếu nhằm tạo điều kiện cho nhà thầu EPC thi công liên tục, dự kiến hoàn thành vào quý II/2025.
Tổng giá trị đầu tư giai đoạn 2021–2025 ước đạt 283,48 triệu USD, bằng 71,6% so với kế hoạch. Những con số này thể hiện sự chuyển động thực tế của dự án trong giai đoạn vừa qua. Không dừng ở tiến độ, công tác quản trị chi phí, vận hành bộ máy và bảo đảm chất lượng thi công cũng được Chi bộ phối hợp với Ban Điều hành thực hiện chặt chẽ, trên cơ sở các Nghị quyết chuyên đề và chương trình hành động hàng năm.
Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc SWPOC Trần Thanh Hải báo cáo kết quả hoạt động nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Chi bộ SWPOC
Từ góc độ chiến lược ngành, việc vận hành tuyến ống khí Lô B – Ô Môn không chỉ phục vụ tiêu thụ tại Cụm nhà máy điện Ô Môn mà còn đóng vai trò tiếp nhận, phân phối khí cho nhiều hộ tiêu thụ khu vực Tây Nam Bộ. Mỗi ngày, tuyến ống này dự kiến vận chuyển khoảng 16,3 - 18 triệu m³ khí, duy trì ổn định nguồn nhiên liệu sạch.
Tổ chức Đảng gắn với điều hành – Hạt nhân chính trị của dự án
Bên cạnh triển khai dự án, Chi bộ SWPOC thể hiện vai trò trung tâm lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong doanh nghiệp. Trong nhiệm kỳ, Chi bộ đã ban hành 50 nghị quyết và 5 chương trình hành động, bám sát thực tiễn triển khai dự án. Mô hình phối hợp giữa Chi ủy, Tổng Giám đốc và các đoàn thể được xây dựng và vận hành bài bản, đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo thống nhất trong doanh nghiệp nhà nước. Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm luôn duy trì trên 90%, không phát sinh trường hợp vi phạm đạo đức, kỷ luật. Công tác phát triển đảng viên tuy gặp khó khăn nhưng vẫn đạt mục tiêu đề ra, góp phần củng cố tổ chức trong giai đoạn mở rộng quy mô nhân sự.
Công tác học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương và học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh được tổ chức định kỳ, với từng chuyên đề rõ ràng theo năm. Cán bộ, đảng viên được tạo điều kiện nâng cao nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, bồi dướng chính trị, phát huy tính chủ động trong tham gia xây dựng tập thể. Từ xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở đến thực hiện kiểm tra, giám sát trong Đảng, SWPOC đều có hệ thống công cụ, phương pháp triển khai rõ ràng, có theo dõi, đánh giá và điều chỉnh phù hợp.
Đồng chí Trần Quang Dũng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Petrovietnam chúc mừng tập thể Chi bộ SWPOC đã đạt được những kết quả thắng lợi trong nhiệm kỳ 2020–2025.
Dưới góc nhìn tổ chức sản xuất, SWPOC cũng đang từng bước hiện đại hóa mô hình vận hành. Giai đoạn 2023–2025, đơn vị tham gia đào tạo hệ thống ERP theo chương trình của Tập đoàn, đồng thời triển khai thử nghiệm một số giải pháp công nghệ mới như phần mềm nhân sự, quản lý tiến độ, ký số. Chi bộ đã đưa các nội dung về chuyển đổi số, quản trị nhân sự theo năng lực, phát triển văn hóa doanh nghiệp… vào trong nghị quyết lãnh đạo thường kỳ. Điều này giúp tổ chức đảng không tách rời hoạt động SXKD mà tích hợp sâu trong mọi quyết định quản trị của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, SWPOC còn duy trì tốt hoạt động chăm lo đời sống cán bộ, công nhân viên. Các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên duy trì phong trào thi đua, an sinh xã hội, tuyên truyền xây dựng văn hóa dầu khí. Chi bộ SWPOC khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện, từ triển khai dự án trọng điểm đến xây dựng tập thể đoàn kết, chuyên nghiệp, có bản sắc.
Nhiệm kỳ 2025–2030, Chi bộ SWPOC đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, phát huy hiệu quả phối hợp giữa tổ chức Đảng và hệ thống điều hành để hoàn thành công tác đầu tư, từng bước chuyển sang vận hành ổn định tuyến ống dẫn khí. Những kinh nghiệm được tích lũy trong giai đoạn 2020–2025 là cơ sở để Chi bộ củng cố phương thức lãnh đạo, tiếp tục khẳng định vai trò hạt nhân chính trị tại đơn vị giữ vị trí trung tâm của dự án khí - điện trọng điểm quốc gia.
Trúc Lâm