Tuy nhiên, BP cảnh báo hệ thống nắp đậy này chưa bao giờ được sử dụng ở độ sâu hiện tại và do vậy, "chưa thể bảo đảm mức độ hiệu quả" của nó. Bên cạnh đó, hai giếng phụ đang được khoan trong nỗ lực kiềm chế dầu tràn một cách triệt để. Quá trình này sẽ hoàn tất vào giữa tháng Tám.
Trong khi đó, Chính phủ Hoa Kỳ vừa đưa ra dự thảo lệnh cấm khoan giếng sâu mới để thay thế cho cho lệnh cũ bị tòa án bác bỏ vì nội dung quá chung chung.
Giới chức Mỹ đã sửa nhiều điểm trong lệnh cấm này với hy vọng tòa án liên bang sẽ thông qua. Tuy nhiên hiện chưa rõ tòa án này sẽ xem xét lệnh cấm mới như thế nào.
Người đứng đầu lực lượng tuần duyên của Mỹ tại khu vực, Đô đốc Allen ca ngợi "tiến bộ lớn" vừa đạt được. Nắp đậy mới thay thế cho nắp cũ, vốn chỉ giữ được khoảng phân nửa lượng dầu chảy ra ngoài.
Đô đốc Allen nói, BP sẽ thử nghiệm để xem hiệu quả của nắp đậy vào sáng thứ Ba.Trong khi thử nghiệm, các kỹ sư sẽ đóng một trong các van trên nắp đậy, ngừng thu gom dầu chảy trong thời gian từ sáu tới 48 tiếng đồng hồ. Trong thời gian đó, số liệu về áp lực sẽ được ghi lại để bảo đảm không có rò rỉ ra khỏi giếng.
Thông tin trên được đưa ra sau chuyến thăm của Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama tới Florida.
Bà Obama kêu gọi khách du lịch không rời bỏ vùng bờ biển này. Bà phát biểu tại Panama City: "Cả nước cần biết rằng vùng duyên hải ở đây vẫn đẹp và sôi động như mọi khi. "Người dân ở đây và Florida cũng như bên bờ Vịnh vẫn tiếp tục trông chờ thu nhập từ du lịch để sinh sống và cho con cái học hành."
Ủy ban mà tổng thống thiết lập để điều tra vụ dầu tràn cũng bắt đầu nghe điều trần vào thứ Hai.
Sau đó, ông Larry Dickerson, chủ tịch một công ty khoan dầu không trực tiếp liên quan tới vụ này, nói thảm họa xảy ra vì "lỗi bất cẩn trong hoạt động điều hành".
Tổng thống Barack Obama, người đã tới khu vực này nhiều lần, gọi vụ tràn dầu là thảm họa môi trường tồi tệ nhất xảy ra ở nước Mỹ. Cộng đồng dân cư các bang từ Florida tới Alabama phụ thuộc nhiều vào ngư nghiệp và du lịch, đã bị ảnh hưởng nặng.
BP cho hay tới nay đã bỏ ra 3,5 tỷ đôla để khắc phục sự cố. Hãng này cũng lập ngân quỹ 20 tỷ đôla để thu dọn vệ sinh khu vực cùng các chi phí khác.
Vụ nổ tại dàn khoan Deepwater Horizon hồi tháng Tư đã làm 11 người thiệt mạng. Kể từ đó, mỗi ngày hàng nghìn thùng dầu chảy ra biển.
(Theo Vinacorp)