Để hạ tầng năng lượng đi trước một bước trong kỷ nguyên mới

Bài 4: Giảm hệ số đàn hồi điện - Nhiệm vụ sống còn để duy trì tăng trưởng bền vững
0:00 /
Chọn Giọng
  • Nữ Miền Bắc
  • Nam Miền Bắc
  • Nam Miền Nam
  • Nữ Miền Nam
Trong hơn ba thập kỷ tăng trưởng liên tục, Việt Nam đã chuyển mình từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu trở thành quốc gia công nghiệp mới nổi, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 6–7%/năm. Cùng với sự tăng trưởng đó, nhu cầu tiêu thụ điện liên tục tăng cao, trở thành yếu tố sống còn cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt xã hội. Tuy nhiên, có một thực tế là Việt Nam đang tiêu thụ điện theo cách không bền vững, thể hiện qua hệ số đàn hồi điện luôn ở mức cao. Nếu không thay đổi, không chỉ ngành điện mà cả nền kinh tế có thể rơi vào thế “giật gấu vá vai” khi phải chạy theo nhu cầu điện ngày càng tăng.

Hệ số đàn hồi điện - một thuật ngữ kỹ thuật nhưng lại mang ý nghĩa chiến lược, chính là tỷ lệ giữa mức tăng trưởng tiêu thụ điện năng so với tăng trưởng GDP trong cùng một giai đoạn. Ở Việt Nam, hệ số này đã dao động quanh mức hơn 1 trong suốt hai thập kỷ qua, có nghĩa là khi GDP tăng 1%, thì tiêu thụ điện tăng hơn 1%. Nói cách khác, chúng ta đang tiêu thụ ngày càng nhiều điện để đổi lấy một đơn vị giá trị gia tăng của nền kinh tế. Đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế vẫn phát triển theo chiều rộng, dựa nhiều vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và năng lượng giá thấp.

Theo Quy hoạch điện sửa đổi mới được Chính phủ thông qua, Việt Nam đặt mục tiêu bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tiến tới kiểm soát tiêu thụ điện ở mức hợp lý hơn. Cụ thể, GDP bình quân dự kiến tăng khoảng 10%/năm trong giai đoạn 2026-2030 và 7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050. Gắn với các kịch bản này, sản lượng điện thương phẩm đến năm 2030 dự kiến đạt 500,4 - 557,8 tỷ kWh, và đến năm 2050, tăng lên 1.237,7 - 1.375,1 tỷ kWh.

Theo Quy hoạch điện VIII mới được Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh thì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân dự kiến đạt khoảng 10%/năm trong giai đoạn 2026-2030 và 7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050. Gắn với các mục tiêu này, sản lượng điện thương phẩm cũng được điều chỉnh tăng tương ứng đến năm 2030, dự kiến đạt khoảng 500,4 - 557,8 tỷ kWh; đến năm 2050, tăng lên mức 1.237,7 - 1.375,1 tỷ kWh.

Nếu lấy sản lượng điện thương phẩm năm 2025 là khoảng 335 tỷ kWh (theo các dự báo hiện hành), mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2026-2030 sẽ vào khoảng 8,42% - 10,75%/năm. Với tốc độ tăng GDP dự kiến 10%/năm, hệ số đàn hồi điện trong giai đoạn này dao động từ 0,84 đến 1,08 - sát ngưỡng 1. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy Việt Nam bắt đầu kiểm soát tốt hơn tốc độ tăng tiêu thụ điện, hướng tới một mô hình tăng trưởng sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.

Quan trọng hơn cả, trong giai đoạn 2030-2050, khi kinh tế dần ổn định ở trình độ cao hơn và cơ cấu ngành thay đổi theo hướng hiện đại, mức tăng điện thương phẩm bình quân giảm xuống chỉ còn 4,48%/năm (nếu lấy trung bình sản lượng điện thương phẩm năm 2030 là 529,1 tỷ kWh và năm 2050 là 1.306,4 tỷ kWh). So với mức tăng GDP 7,5%/năm, hệ số đàn hồi điện trong giai đoạn này chỉ còn xấp xỉ 0,6 - một mức rất tích cực, phản ánh quá trình chuyển đổi sâu sắc trong nền kinh tế và mô hình tiêu dùng.

Việc giảm dần hệ số đàn hồi điện từ trên 1 xuống dưới 0,6 trong dài hạn không chỉ là biểu hiện cho thấy hiệu quả sử dụng năng lượng đang dần được cải thiện, mà còn cho thấy sự dịch chuyển thực chất trong cấu trúc nền kinh tế - từ mô hình phát triển “dựa vào điện” sang mô hình phát triển xanh, hiệu quả và sáng tạo. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất mà còn phù hợp với cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã đưa ra tại COP26.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để kéo hệ số đàn hồi điện từ khoảng 1% xuống chỉ còn 0,6 trong vòng 25 năm tới?

Trước hết, cần hiểu rằng giảm hệ số đàn hồi điện không đồng nghĩa với hạn chế phát triển, mà là tăng trưởng thông minh hơn, tạo ra nhiều giá trị hơn trên mỗi kWh điện tiêu thụ. Để đạt được mục tiêu, Việt Nam cần hành động ở nhiều cấp độ từ chính sách, công nghệ, hành vi tiêu dùng đến mô hình sản xuất.

Giải pháp đầu tiên và cũng là nền tảng là thực hành tiết kiệm điện một cách thực chất. Trong suốt nhiều năm qua, khẩu hiệu “tiết kiệm điện là quốc sách” đã được nhắc đến nhiều lần, nhưng vẫn chưa được thực thi quyết liệt. Cần chuyển từ vận động tự nguyện sang cơ chế bắt buộc, có đo lường, đánh giá và xử phạt rõ ràng. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 9 thông qua vào ngày 18/6/2025 là cơ hội để thể chế hóa các yêu cầu bắt buộc về quản lý năng lượng trong doanh nghiệp, cơ quan, hộ tiêu dùng lớn. Thay vì trông chờ vào ý thức, cần có hệ thống đo đếm thông minh, kiểm toán năng lượng định kỳ và công khai các chỉ số tiêu thụ điện để tạo áp lực xã hội.

Để đạt được mục tiêu hệ số đàn hồi điện trong giai đoạn 2026-2030 dao động từ 0,84 đến 1,08 - sát ngưỡng 1, và 0,6 vào năm 2050, Việt Nam cần hành động ở nhiều cấp độ từ chính sách, công nghệ, hành vi tiêu dùng đến mô hình sản xuất.

Cùng với đó, việc nâng cao hiệu suất thiết bị và quy trình công nghệ là giải pháp có tính bền vững và lâu dài. Hàng loạt ngành công nghiệp như thép, xi măng, dệt may, chế biến thực phẩm đang sử dụng dây chuyền công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp. Nếu không đổi mới công nghệ, lượng điện tiêu thụ sẽ ngày càng cao, trong khi chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh thấp. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi tín dụng, miễn giảm thuế hoặc hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp thay thế thiết bị cũ bằng công nghệ tiết kiệm điện. Đồng thời, cần đẩy mạnh dán nhãn năng lượng và cấm lưu hành các thiết bị điện tiêu tốn năng lượng trên thị trường.

Về lâu dài, giải pháp cốt lõi là tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng ít tiêu thụ năng lượng hơn. Nghĩa là tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, tài chính, giáo dục, y tế, công nghệ thông tin... những ngành có cường độ điện thấp nhưng giá trị gia tăng cao. Hiện nay, tỷ trọng dịch vụ trong GDP của Việt Nam vẫn quanh mức 41-42%, trong khi nhiều nước phát triển đã đạt trên 65%. Việc chuyển dịch này đòi hỏi chính sách vĩ mô đồng bộ, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống hạ tầng số và môi trường kinh doanh thuận lợi cho khu vực tư nhân.

Một giải pháp quan trọng khác là thúc đẩy chuyển đổi số và tự động hóa trong sản xuất. Các mô hình nhà máy thông minh, quản trị bằng công nghệ số, sử dụng cảm biến, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất, giảm thất thoát năng lượng và nâng cao năng suất. Đây không chỉ là cách để tiết kiệm điện mà còn là xu hướng tất yếu trong công nghiệp hiện đại. Việt Nam cần có chương trình quốc gia về sản xuất thông minh, với trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận công nghệ.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc giảm đàn hồi điện là hoàn toàn khả thi nếu có quyết tâm chính trị và chiến lược rõ ràng. Hàn Quốc từng có hệ số đàn hồi điện trên 1,3 vào đầu những năm 1990, nhưng nhờ chương trình cải cách năng lượng quốc gia, nước này đã đưa con số này xuống dưới 0,5 vào năm 2020. Nhật Bản sau sự cố hạt nhân năm 2011 đã khởi động chiến dịch tiết kiệm điện toàn quốc, kết hợp với chuyển đổi cơ cấu ngành, từ đó duy trì đàn hồi điện dưới 0,4. Đức thì lựa chọn hướng đi “Efficiency First” ưu tiên tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả trước khi phát triển thêm nguồn điện.

Việt Nam cũng có những mô hình đáng học hỏi trong nước. Một số khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Đồng Nai đã triển khai hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001, giúp tiết kiệm đến 15% điện năng mà không cần đầu tư lớn. Nhiều toà nhà văn phòng tại TP HCM và Hà Nội ứng dụng giải pháp tự động điều khiển ánh sáng, điều hòa theo thời gian thực, giảm tiêu thụ điện đáng kể. Hay các doanh nghiệp như Công ty Diesel Sông Công, Công ty Vinamilk, Công ty Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi CP, Công ty CP lương thực thực phẩm Colusa-MILIKET, Công ty TNHH Đông Nam Á Lào Cai... đã đăng ký và áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001. Đây là những ví dụ cho thấy nếu có chiến lược đúng, hành động kiên trì và đầu tư bài bản, chúng ta hoàn toàn có thể làm được.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu, cần có vai trò dẫn dắt mạnh mẽ từ Nhà nước. Chính phủ phải là trung tâm điều phối, xây dựng lộ trình giảm đàn hồi điện với các mốc rõ ràng theo từng giai đoạn. Cần thiết lập cơ chế tài chính xanh cho các dự án tiết kiệm điện, đưa tiêu chí sử dụng điện hiệu quả vào đánh giá năng lực doanh nghiệp. Đồng thời, thị trường điện cạnh tranh phải được phát triển đầy đủ, minh bạch, để tạo động lực tiết kiệm điện từ phía người dùng cuối.

Trong thời đại biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và kinh tế số, điện phải được xem là tài nguyên chiến lược, sử dụng sao cho hiệu quả tối đa mới có thể tạo ra tăng trưởng thực chất. Giảm hệ số đàn hồi điện không chỉ là bài toán năng lượng, mà chính là bài toán của một nền kinh tế muốn vươn lên trong thế giới đầy biến động.

Nếu chúng ta không hành động kịp thời, có thể sẽ đến lúc nền kinh tế tăng trưởng không phải vì đổi mới, sáng tạo hay năng suất, mà vì phải... tiêu thụ điện nhiều hơn. Và khi đó, bài toán tăng trưởng sẽ trở nên cực kỳ mong manh, phụ thuộc vào dòng điện, thứ tưởng chừng đơn giản, nhưng thực ra là thước đo hiệu quả sâu sắc của một quốc gia.

Đình Khương