Từ tháp đôi Petronas Malaysia nghĩ về quốc huy năng lượng Việt Nam

Bài 1: Khi doanh nghiệp nhà nước vươn mình
0:00 /
Chọn Giọng
  • Nữ Miền Bắc
  • Nam Miền Bắc
  • Nam Miền Nam
  • Nữ Miền Nam
Từ tháp đôi Petronas - biểu tượng vươn mình của Malaysia tôi nhìn về Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia Việt Nam với một hi vọng lớn…

Dưới ánh đèn toà tháp nổi tiếng thế giới

Đêm Kuala Lumpur chớm mưa. Ánh đèn từ đỉnh tháp đôi Petronas loé lên như hai thanh kiếm dựng đứng giữa trời. Gã tài xế Grab người Hoa lơ đãng chỉ tay lên trời nói với tôi: “Đó là Malaysia trong mắt thế giới đó, các ông anh. Tòa tháp này từng cao nhất thế giới nhưng bây giờ vẫn là niềm tự hào của chúng tôi!”. Tôi gật đầu, nhưng trong lòng lại nhớ về một cái tên thân quen hơn: Petrovietnam!.

Tôi đã thấy tên đó hiện lên bên cạnh những dòng tin: điện gió ngoài khơi, hydrogen, thỏa thuận khu vực, PPA xuyên ASEAN... Nhưng lần này khác. Cái tên ấy vừa chính thức được đổi. Không còn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Mà là: Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam.

Đổi tên. Nhưng không chỉ là thay bảng hiệu. Mà là thay đổi sứ mệnh. Đó là cách một doanh nghiệp nhà nước bước ra khỏi áo khoác dầu mỏ - để trở thành kiến trúc sư năng lượng quốc gia trong kỷ nguyên chuyển đổi xanh.

Và tôi nghĩ có lẽ rồi một ngày, giữa lòng Hà Nội hay trên một hòn đảo gió lộng nào đó của Việt Nam, ta cũng sẽ có một “tháp Petronas” của riêng mình, không chỉ bằng thép, mà bằng bản lĩnh.

Tháp đôi Petronas - biểu tượng của Malaysia trong mắt thế giới

Ý tưởng bài viết này từ buổi tôi và anh Phạm Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Điện lực đứng dưới chân toà tháp đôi đồ sộ dạo phố trong chuyến công tác tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Bộ trưởng tham gia đoàn đại biểu do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu thăm chính thức Malaysia và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các Hội nghị cấp cao liên quan tại Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 24 đến 28/5.

Sự kiện hội nghị cấp cao ASEAN 2025 do nước chủ nhà Malaysia tổ chức diễn ra ngay cạnh toà tháp nổi tiếng toàn cầu mang tên Petronas. Tham gia tháp tùng chuỗi sự kiện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ông Lê Ngọc Sơn - Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cùng nhiều lãnh đạo các đơn vị ngành dầu khí. Nhìn hình ảnh họ dưới chân toà tháp rực rỡ ánh đèn bất giác tôi nghĩ đến câu chuyện phát triển của hai tập đoàn năng lượng ở hai quốc gia.

Petronas - kiến thiết quốc gia hậu độc lập đến cánh tay nối dài năng lượng

Thành lập năm 1974, Petronas (Petroliam Nasional Berhad) không chỉ là một công ty dầu khí, mà là sản phẩm của khát vọng tự chủ năng lượng quốc gia hậu thuộc địa.

Khi Malaysia tuyên bố quốc hữu hóa tài nguyên dầu khí, Petronas được trao quyền tối cao trong tất cả hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, xuất khẩu và hợp tác quốc tế. Nhưng từ rất sớm, Petronas đã vượt ra ngoài vai trò khai thác tài nguyên: họ trở thành “bộ não chiến lược” về năng lượng, tài chính, đối ngoại của quốc gia.

Người Malaysia luôn tự hào về toà Tháp đôi Petronas - biểu tượng của khát vọng quốc gia

Petronas hiện diện tại hơn 50 quốc gia, nắm giữ cổ phần trong hàng chục mỏ dầu - khí lớn từ châu Phi, Trung Đông tới Bắc Mỹ. Nhưng không giống những “ông lớn” dầu khí chỉ tập trung vào khai thác, Petronas còn đóng vai trò định hình chính sách đối ngoại năng lượng, cung cấp chuyên gia, cố vấn, và đồng tài trợ cho các cơ chế hợp tác ASEAN, Tổ chức các nước sản xuất dầu khí (OPEC+ observer) và các hiệp định khí hậu.

Tại Malaysia, Petronas là đơn vị trực tiếp tham mưu xây dựng lộ trình chuyển dịch năng lượng quốc gia từ dầu mỏ sang hydrogen xanh, từ than sang điện gió ngoài khơi. Bộ Năng lượng và Bộ Tài chính Malaysia coi Petronas là đối tác thể chế, không chỉ đơn thuần là doanh nghiệp.

Người Malaysia luôn tự hào về toà Tháp đôi Petronas - biểu tượng của khát vọng quốc gia. Toà tháp ra đời từ một ý tưởng chiến lược. Năm 1991, dưới thời Thủ tướng Mahathir Mohamad, Chính phủ Malaysia phát động kế hoạch tái cấu trúc hình ảnh quốc gia, định vị Kuala Lumpur là trung tâm tài chính - công nghệ Đông Nam Á. Petronas, Tập đoàn dầu khí quốc gia được giao vai trò tài trợ, vận hành và sở hữu biểu tượng kiến trúc trung tâm của dự án này.

Thiết kế bởi kiến trúc sư người Argentina César Pelli, mang đậm bản sắc văn hóa Hồi giáo (mô-típ hình học 8 cánh). Hai tòa tháp cao 452m, 88 tầng, sử dụng hơn 36.000 tấn thép, hơn 76.000m³ bê tông. Thời gian xây dựng: từ năm 1992 đến 1998, chỉ trong vòng 6 năm. Nhà thầu: Tháp 1 do Hazama Corp (Nhật) thi công, Tháp 2 do Samsung C&T (Hàn Quốc) đảm nhiệm.

Để thi công, Malaysia đã phải vượt khó khăn chưa từng có. Nền đất yếu tại trung tâm Kuala Lumpur khiến toàn bộ móng phải khoan sâu 120 mét, sâu nhất thế giới thời điểm đó. Trong lúc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 diễn ra, Petronas vẫn kiên quyết không dừng dự án, giữ đúng tiến độ, thể hiện bản lĩnh tài chính và chính trị quốc gia.

Petronas vươn mình từ khai thác dầu khí đến nhà thiết kế chiến lược quốc gia

Ra đời giữa khủng hoảng, Petronas được thành lập năm 1974, ngay sau khi Malaysia tuyên bố quốc hữu hóa toàn bộ tài nguyên dầu khí. Trong giai đoạn đầu, Malaysia thiếu chuyên gia, công nghệ và tài chính buộc Petronas phải học cách đàm phán liên doanh, lấy kỹ thuật từ Nhật, Mỹ, châu Âu đổi lại quyền khai thác có điều kiện.

Giai đoạn chuyển mình (1980 - 2000), Petronas mở rộng ra quốc tế (thị trường Sudan, Algeria, Ai Cập, Turkmenistan…). Phát triển hệ thống lọc - hóa dầu, vận hành chuỗi cung ứng LNG, đầu tư vào ngành hóa dầu, đóng tàu, đào tạo kỹ sư. Giai đoạn này, Petronas cũng đầu tư vào nguồn nhân lực, thành lập Viện Công nghệ Petronas (UTP), học viện lãnh đạo, và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Giai đoạn chiến lược toàn cầu bắt đầu từ 2000 đến nay. Petronas trở thành một trong 10 tập đoàn dầu khí quốc doanh lớn nhất thế giới. Lợi nhuận ổn định: ~20 - 25 tỷ USD/năm, doanh thu ~70 - 80 tỷ USD. Là đơn vị đóng góp lớn nhất cho ngân sách Malaysia, tài trợ cho các quỹ an sinh - giáo dục - đổi mới quốc gia.Tiên phong chuyển dịch năng lượng: thành lập Petronas Renewables, đầu tư vào solar, hydrogen, carbon credit.

Bài học vượt khó và xây dựng bản sắc quốc gia từ Petronas

Trong thời kỳ khủng hoảng 1997, Petronas vẫn giữ dự án tháp đôi, chứng minh năng lực tài chính bền vững. Không bị áp lực “thoái vốn”, mà giữ mô hình 100% nhà nước nhưng vận hành như doanh nghiệp tư nhân.

Sau đó,họ chuyển hướng từ nhà khai thác sang kiến trúc sư chính sách. Petronas chủ động đề xuất chiến lược năng lượng quốc gia Malaysia. Đồng hành với chính phủ trong các hội nghị ASEAN, WTO, APEC, COP. Họ đã biến thương hiệu thành quốc huy mềm.

Tháp đôi Petronas không chỉ là văn phòng, mà là trung tâm văn hóa - hội nghị -showroom của cả quốc gia.Petronas là nhà tài trợ F1, nhà bảo trợ giáo dục STEM, thương hiệu được xếp hạng cao nhất Đông Nam Á.

Gợi mở cho Việt Nam: Petrovietnam trên hành trình tương tự

Petronas đã chứng minh, một doanh nghiệp nhà nước có thể là “cánh tay chính trị - kinh tế - văn hóa” của quốc gia. Còn Petrovietnam với sứ mệnh mới là Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam đang đứng trước cơ hội tái lập vai trò tương tự, nếu được thể chế hóa đủ mạnh, trao quyền dẫn dắt đủ sâu, và xây dựng biểu tượng đủ bản lĩnh.

Từ câu chuyện Petronas Twin Towers là “nhà của năng lượng Malaysia”, đã đến lúc Việt Nam cũng cần có biểu tượng tương đương không chỉ là tòa nhà, mà là một hệ sinh thái chiến lược, nơi tập trung bản lĩnh, trí tuệ, thể chế và khát vọng quốc gia trong kỷ nguyên xanh.

Petronas và dấu ấn tại chuyến công tác của Thủ tướng

Trong khuôn khổ chuyến thăm Malaysia, ngày 27/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác cấp cao Việt Nam đã chứng kiến Lễ trao Thỏa thuận phát triển dự án điện gió ngoài khơi TDA-02 giữa các bên: Petronas (Malaysia); Tenaga Nasional Berhad -TNB (Malaysia); Sembcorp Utilities (Singapore); Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam; PTSC - Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác cấp cao Việt Nam đã chứng kiến Lễ trao Thỏa thuận phát triển dự án điện gió ngoài khơi TDA-02
Trước đó, đầu tháng 12/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự chuỗi các sự kiện về dầu khí và điện gió ngoài khơi có quy mô nhiều tỷ USD, đánh dấu bước ngoặt phát triển của Petrovietnam và PTSC. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng chứng kiến lễ ký hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế điện gió ngoài khơi cho các khách hàng quốc tế tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự án này đánh dấu lần đầu tiên Petronas hợp tác chiến lược với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, sau gần ba thập kỷ hiện diện ở thị trường Việt Nam chủ yếu qua lĩnh vực LNG và lọc hóa dầu. Đây không chỉ là hợp đồng thương mại, mà là một bước đi mang tính thiết lập chuỗi giá trị năng lượng mới cho toàn khối ASEAN.

TDA-02 có công suất dự kiến hơn 2 GW, thuộc vùng biển miền Trung - Nam Trung Bộ Việt Nam. Petronas đóng vai trò: Đồng đầu tư tài chính.Tư vấn công nghệ điện gió ngoài khơi.Cung cấp tiêu chuẩn vận hành và lưới truyền tải khu vực. Đến nay, chưa từng có một doanh nghiệp nhà nước ASEAN nào thực hiện vai trò vừa là đối tác kỹ thuật, vừa là cầu nối thể chế quốc tế như Petronas tại dự án này.

Học thuyết “bàn tay kiến tạo” của Petronas

Trong khi nhiều tập đoàn nhà nước trong khu vực bị mắc kẹt giữa hai vai trò “chính trị hóa” hoặc “thị trường hóa cực đoan”, Petronas đi con đường trung dung: Vận hành như một doanh nghiệp tư nhân quốc tế (IPO các công ty con, kiểm toán quốc tế, báo cáo tài chính công khai). Gắn chặt với lợi ích quốc gia (tham gia xây dựng chiến lược Năng lượng Quốc gia 2050, hợp tác với ASEAN và Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu). Làm việc cùng Chính phủ - chứ không phụ thuộc hay thay thế Chính phủ

Đây chính là mô hình doanh nghiệp nhà nước thế kỷ 21: không phải là “người xin chính sách”, mà là người thiết kế - đồng kiến tạo chính sách quốc gia và khu vực.

Petronas và tư duy “xuất khẩu chính sách” thay vì chỉ xuất khẩu tài nguyên

Với những gì đang làm tại Việt Nam, Lào, Mozambique, Ai Cập…, Petronas không chỉ mang vốn và công nghệ, mà còn mang cả mô hình quản lý nhà nước, vận hành doanh nghiệp và cấu trúc pháp lý đi kèm. Điều này tạo ra ảnh hưởng lâu dài hơn cả tài chính: định hình cách các nước thiết kế thể chế năng lượng, quy hoạch chiến lược và lựa chọn đối tác.

Tại Việt Nam, thông qua dự án TDA-02, Petronas đang cùng PVN, Bộ Công Thương và các đối tác quốc tế xây dựng mô hình PPA điện gió - chia sẻ rủi ro tài chính - thiết lập nền tảng truyền tải và tích trữ điện tái tạo cho tương lai xuất khẩu điện.

Bài học cho Việt Nam

Từ vai trò của Petronas, có thể rút ra những bài học rõ ràng: Doanh nghiệp nhà nước phải tham gia thiết kế chính sách, không đứng ngoài cuộc. Tập đoàn quốc doanh phải xây dựng “năng lực ngoại giao doanh nghiệp”, đóng vai trò cầu nối thể chế, không chỉ thị trường. Sản phẩm chiến lược không chỉ là điện, xăng, hay khí LNG mà còn là tiêu chuẩn, công nghệ, nhân lực và ảnh hưởng chính sách.

Nếu nhìn kỹ vào biểu tượng quốc gia Malaysia, người ta sẽ thấy hình ảnh đôi tháp Petronas sánh cùng tháp Menara, hai biểu tượng không tách rời. Nhưng trong trường chính sách quốc tế, chính Petronas mới là biểu tượng mềm, là quốc huy sống, đại diện cho năng lực thiết kế chiến lược, chuyển đổi thể chế và dẫn dắt hợp tác khu vực. Khi doanh nghiệp nhà nước thực sự trở thành người đồng hành chiến lược với Chính phủ, quốc gia sẽ không chỉ tiến nhanh mà còn tiến xa, tiến vững và tiến đúng hướng.

Từ ngày 24 - 28/5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có chuyến thăm chính thức Malaysia. Đây không chỉ là chuyến ngoại giao cấp cao sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mà là sự kiện định hình chiến lược toàn diện mới trong hợp tác công nghiệp, thương mại giữa hai quốc gia.

Tháp tùng Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên hiện diện trong mọi hoạt động trọng yếu: từ hội đàm chính thức với Thủ tướng Malaysia Dato' Seri Anwar Ibrahim, tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Malaysia, đến các cuộc làm việc với các tập đoàn lớn.

Một trong những điểm sáng lớn nhất là lễ trao Thỏa thuận hợp tác triển khai Dự án điện gió ngoài khơi TDA-02 giữa Petronas (Malaysia), TNB (Malaysia), Sembcorp (Singapore) và hai đối tác Việt Nam là Petrovietnam và PTSC.

Dự án này có công suất 2GW, không chỉ cung cấp điện sạch cho Việt Nam mà hướng tới xuất khẩu điện gió ra khu vực, đặc biệt là Singapore và Malaysia thông qua mạng lưới ASEAN Power Grid.

Việc Bộ Công Thương trực tiếp đàm phán, xúc tiến và thiết kế cơ chế chính sách cho dự án từ nhiều tháng trước thể hiện rõ vai trò chủ động dẫn dắt. Đây không chỉ là một dự án đầu tư, mà là minh chứng cho tầm nhìn “chủ quyền năng lượng” và khả năng kết nối đa phương nội khối ASEAN.

 

Theo Nguyên Minh/ Báo Công Thương