Ấn Độ thông qua dự luật đẩy mạnh đầu tư vào ngành dầu khí
Quốc hội Ấn Độ đã thông qua một dự luật được kỳ vọng sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục kinh doanh trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, đồng thời thu hút thêm đầu tư tại nước này.

Ấn Độ thông qua dự luật đẩy mạnh đầu tư vào ngành dầu khí

Bộ trưởng Dầu Khí Hardeep Singh Puri phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ. Ảnh PTI

Theo tin từ AFP, dự luật sửa đổi Luật Quản lý và Phát triển Mỏ dầu năm 2024 đã được Hạ viện (Lok Sabha) thông qua và hiện chỉ còn chờ Tổng thống ký ban hành. Trước đó, Thượng viện (Rajya Sabha) đã phê duyệt dự luật vào tháng 12/2024.

Một trong những điểm đáng chú ý của dự luật là tách biệt các hoạt động dầu khí khỏi khai thác mỏ, điều này được kỳ vọng sẽ giúp ngành thu hút thêm nguồn vốn đầu tư.

Bộ trưởng Dầu khí Ấn Độ Hardeep Singh Puri nhấn mạnh rằng, “những sửa đổi sâu rộng trong luật hiện hành sẽ tiếp tục củng cố và thúc đẩy ngành năng lượng Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi Ji, đồng thời đảm bảo sự ổn định về chính sách, cơ chế tòa trọng tài quốc tế và gia hạn thời gian thuê khai thác”.

Phát biểu trên nền tảng X, ông Puri cho biết bối cảnh năng lượng toàn cầu và thị trường hydrocarbon đã thay đổi đáng kể, do đó cần phải sửa đổi luật để đáp ứng các ưu tiên quốc gia, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bãi bỏ một số quy định và điều chỉnh khung pháp lý thăm dò, khai thác dầu khí của Ấn Độ theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Trước đây, đạo luật gốc từ năm 1948 định nghĩa dầu khí là dầu khoáng. Tuy nhiên, dự luật mới mở rộng định nghĩa này, bao gồm khí mêtan trong vỉa than, dầu đá phiến, khí đá phiến, khí chặt, dầu chặt và khí hydrat. Tuy nhiên, luật mới không áp dụng cho than đá, than non và heli hình thành trong quá trình khai thác dầu khí.

Ngoài ra, dự luật cũng thay đổi thuật ngữ “hợp đồng thuê khai thác” thành “hợp đồng thuê dầu khí”, cho phép các công ty thăm dò, khai thác, chế biến và kinh doanh dầu khí. Tuy nhiên, các hợp đồng khai thác đã ký trước đó vẫn tiếp tục được duy trì.

Một điểm quan trọng khác của dự luật là giúp giảm bớt khó khăn cho các nhà khai thác nhỏ và doanh nghiệp mới tham gia ngành dầu khí. Do chi phí cơ sở hạ tầng và vận hành quá cao, các doanh nghiệp này thường gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, dự luật đề xuất cho phép chia sẻ cơ sở hạ tầng khai thác và chế biến dầu khí giữa hai hay nhiều bên, giúp tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả khai thác.

Nhằm tạo sự ổn định và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, dự luật cam kết rằng các điều khoản trong hợp đồng thuê mỏ sẽ được giữ nguyên suốt thời hạn hợp đồng và không bị thay đổi theo hướng bất lợi cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, các sửa đổi cũng đề xuất cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế, giúp xử lý tranh chấp một cách nhanh chóng, hiệu quả và phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư.

Bộ trưởng Hardeep Singh Puri chia sẻ trên mạng xã hội X: “Chúng ta vẫn sẽ cần dựa vào năng lượng truyền thống trong một khoảng thời gian nữa, do đó, cần phải đẩy mạnh thăm dò và khai thác dầu khí. Việc dự luật được thông qua là một bước tiến quan trọng và tích cực theo hướng này”.

Hiện tại, Ấn Độ tiêu thụ khoảng 5,5 triệu thùng dầu/ngày, so với mức 5 triệu thùng/ngày cách đây khoảng 3,5 năm. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, tiêu thụ dầu của Ấn Độ có thể tăng lên 6,5 - 7 triệu thùng/ngày trong tương lai gần, theo Bộ trưởng Puri.

Dự luật nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải tăng sản lượng dầu khí trong nước để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

Dự luật nêu rõ: “Để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên dầu khí quý giá, cần thu hút đầu tư vào ngành này nhằm huy động vốn và công nghệ, qua đó đẩy nhanh tiến độ khai thác dầu khí trong nước. Điều này đòi hỏi một môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy thăm dò, phát triển và khai thác các loại hydrocarbon, đảm bảo sự ổn định, tạo cơ hội quản lý rủi ro, giải quyết các vấn đề về chuyển đổi năng lượng – bao gồm nhiên liệu sạch thế hệ mới, đồng thời thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo tuân thủ pháp luật”.

Dự luật này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Ấn Độ là nước nhập khẩu ròng dầu thô, với 85% nhu cầu năng lượng phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.

Nh.Thạch

AFP