Dự án điện hạt nhân Kudankulam ở tiểu bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ. Ảnh Reuters
Đề xuất của chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi là bước đi mới nhất nhằm tăng công suất sản xuất điện hạt nhân 12 lần lên 100 gigawatt vào năm 2047, cũng như thúc đẩy Ấn Độ trong các cuộc đàm phán thương mại và thuế quan với Hoa Kỳ.
Ba nguồn tin cho biết dự thảo luật do Bộ năng lượng nguyên tử soạn thảo, đã loại bỏ một điều khoản quan trọng trong Đạo luật thiệt hại do trách nhiệm hạt nhân dân sự năm 2010, điều khoản này quy định các nhà cung cấp phải chịu trách nhiệm không giới hạn đối với các tai nạn.
Debasish Mishra, Giám đốc tăng trưởng tại Deloitte Nam Á, cho biết: "Ấn Độ cần năng lượng hạt nhân, vì đây là nguồn năng lượng sạch và thiết yếu".
"Việc giới hạn trách nhiệm đối với các tai nạn sẽ xoa dịu mối lo ngại lớn của các nhà cung cấp lò phản ứng hạt nhân."
Những sửa đổi này phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, trong đó quy trách nhiệm đảm bảo an toàn thuộc về nhà điều hành, thay vì nhà cung cấp lò phản ứng hạt nhân.
New Delhi hy vọng những thay đổi này sẽ làm dịu đi mối lo ngại của chủ yếu các công ty Hoa Kỳ như General Electric Co và Westinghouse Electric Co, những công ty đã phải đứng ngoài các dự án hạt nhân của Ấn Độ nhiều năm, do e ngại rủi ro không giới hạn trong trường hợp xảy ra tai nạn.
Các nhà phân tích cho biết việc thông qua luật sửa đổi có ý nghĩa quan trọng đối với các cuộc đàm phán giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ về một thỏa thuận thương mại trong năm nay, nhằm mục đích nâng kim ngạch thương mại song phương lên 500 tỷ đô la vào năm 2030, từ mức 191 tỷ đô la của năm ngoái.
Theo các nguồn tin, chính quyền của ông Modi tự tin sẽ nhận được sự chấp thuận cho các sửa đổi tại phiên họp Quốc hội, dự kiến bắt đầu vào tháng 7.
Theo các sửa đổi được đề xuất, quyền của nhà điều hành được bồi thường từ nhà cung cấp trong trường hợp xảy ra tai nạn sẽ được giới hạn ở giá trị hợp đồng. Nó cũng sẽ tuân theo một khoảng thời gian được chỉ định trong hợp đồng.
Hiện nay, luật pháp của Ấn Độ không xác định giới hạn về số tiền bồi thường mà nhà điều hành có thể yêu cầu từ nhà cung cấp, và thời hạn mà nhà cung cấp có thể phải chịu trách nhiệm.
Luật trách nhiệm hạt nhân năm 2010 của Ấn Độ xuất phát từ thảm họa khí đốt Bhopal năm 1984, vụ tai nạn của ngành công nghiệp gây chết người nhất thế giới, xảy ra tại một nhà máy thuộc sở hữu của tập đoàn đa quốc gia Union Carbide Corp của Hoa Kỳ, nơi có hơn 5.000 người thiệt mạng.
Union Carbide đã đồng ý bồi thường thiệt hại ngoài phán quyết của tòa án với số tiền là 470 triệu đô la vào năm 1989.
Luật trách nhiệm pháp lý hiện hành về cơ bản đã loại trừ các công ty phương Tây khỏi một thị trường rộng lớn, đồng thời cũng làm căng thẳng quan hệ Mỹ-Ấn Độ, kể từ khi họ đạt được thỏa thuận về hợp tác hạt nhân vào năm 2008.
Ngoài ra, luật này cũng khiến các công ty Hoa Kỳ chịu bất lợi so với các công ty Nga và Pháp, vì trách nhiệm bảo hiểm tai nạn của họ được Chính phủ nước họ bảo lãnh.
Yến Anh Reuters