Petrovietnam - Dấu ấn trong những năm Rồng
Trong suốt lịch sử 63 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã trở thành tập đoàn kinh tế lớn của đất nước, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Nhân dịp năm mới Giáp Thìn 2024, Tạp chí Năng lượng Mới xin được điểm lại những dấu ấn đặc sắc của Petrovietnam trong những năm Rồng.

Năm 1964 - Giáp Thìn

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Liên Xô, các kỹ sư của Đoàn Thăm dò Dầu lửa 36 đã hoàn thành phương án kỹ thuật thăm dò địa chấn trong phạm vi đồng bằng sông Hồng, từ đó nghiên cứu rõ hơn về cấu trúc địa chất của miền võng Hà Nội.

Năm 1976 - Bính Thìn

Ngày 25-7-1976: Tại giếng khoan số 61 tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, đã phát hiện nguồn khí tự nhiên trong trầm tích Mioxen, hệ tầng Tiên Hưng ở chiều sâu 1.146-1.156m với lưu lượng trên 100 nghìn m3/ngày đêm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng cùng Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Nguyễn Văn Biên thăm giếng khoan 61

Sự kiện này là mốc son quan trọng đánh dấu lần đầu tiên ngành Dầu khí Việt Nam khai thác được sản phẩm khí công nghiệp phục vụ nền kinh tế quốc dân, khẳng định khả năng làm chủ khoa học kỹ thuật trong công nghiệp dầu khí của tập thể lao động toàn ngành trong thời điểm đất nước còn gặp nhiều khó khăn sau chiến tranh, mở ra triển vọng to lớn trên con đường tìm kiếm, khai thác nguồn tài nguyên làm giàu Tổ quốc, đồng thời tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của ngành cho tới hiện tại và tương lai.

Từ giếng khoan 61, một loạt giếng khoan khác đã được thực hiện nhằm tiếp tục tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trong trầm tích Mioxen, đã phát hiện tổng cộng 13 vỉa khí với tổng trữ lượng tại chỗ là 1,3 tỉ m3.

Năm 1988 - Mậu Thìn

Ngày 7-7-1988: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 15-NQ/TW về phương hướng phát triển ngành Dầu khí đến năm 2000, khẳng định quan điểm đổi mới trong hoạt động dầu khí, tạo ra một chân trời rộng mở cho ngành Dầu khí Việt Nam lớn mạnh.

Cụm mỏ Đại Hùng

Cụm mỏ Đại Hùng

Ngày 18-7-1988: Phát hiện dòng dầu công nghiệp ở mỏ Đại Hùng tại giếng ĐH-1. Từ năm 1994 đến 2023, tổng sản lượng của mỏ Đại Hùng đạt 68,8 triệu thùng dầu.

Giàn khoan Ekabi thu via dầu trong tầng móng mỏ Bach Hổ

Giàn khoan Ekabi thử vỉa dầu trong tầng móng mỏ Bạch Hổ

Ngày 6-9-1988: Tấn dầu đầu tiên từ trong tầng chứa đá móng nứt nẻ của mỏ Bạch Hổ được đưa lên tàu chứa Crưm từ giếng khoan BH-I. Kể từ đó đến năm 2020, hơn 240 triệu tấn dầu từ đối tượng này đã được khai thác, mang về cho đất nước nguồn doanh thu ngoại tệ hơn 88 tỉ USD.

Thành tựu này đã làm thay đổi quan niệm tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trong đá móng granitoitd, bổ sung lý thuyết cho chương trình đào tạo địa chất dầu khí ở Việt Nam và trong khu vực; góp phần đặc biệt quan trọng, đặc biệt xuất sắc cho khoa học dầu khí thế giới. Cụm công trình tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng mỏ Bạch Hổ đã được Nhà nước tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ.

Năm 2000 - Canh Thìn

Khai thác dầu trên mỏ Bạch Hổ

Khai thác dầu trên mỏ Bạch Hổ

Ngày 2-6-2000: Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro khai thác tấn dầu thứ 80 triệu từ mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng.

Petrovietnam - Dấu ấn trong những năm Rồng

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Tổng công ty Dầu khí Việt Nam

Ngày 23-9-2000: Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam ký quyết định tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) vì đã có nhiều công lao đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Năm 2012 - Nhâm Thìn

Ngày 30-1-2012: Công bố lô sản phẩm thương mại đầu tiên của Nhà máy Đạm Cà Mau. Đây là sự kiện đánh dấu bước hoàn chỉnh của Cụm dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau, có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau

Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau

Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau là công trình trọng điểm của quốc gia, một trong những dự án đầu tư lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long do Petrovietnam quản lý và vận hành với mức đầu tư khoảng 2 tỉ USD. Tính đến hết năm 2023, toàn cụm khí điện đạm ghi nhận tổng doanh thu gần 315.472 tỉ đồng, nộp ngân sách cho tỉnh Cà Mau lên đến 21.357 tỉ đồng, trở thành nguồn thu ngân sách lớn nhất của tỉnh.

Ngày 30-3-2012: Khánh thành giàn khoan Tam Đảo 03, công trình trọng điểm quốc gia do Petrovietnam làm chủ đầu tư. Giàn có trọng lượng gần 12.000 tấn, chiều dài chân 145m, hoạt động ở độ sâu 90m và khoan đến 6,1km, có thể chịu được sức gió tương đương bão cấp 12, trên cấp 12, chịu được các thời tiết khắc nghiệt. Giàn khoan Tam Đảo 03 là giàn khoan tự nâng có khối lượng chế tạo cơ khí chính xác lớn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật và công nghệ rất cao, lần đầu tiên được chế tạo hoàn toàn tại Việt Nam.

09-VHQT-AD-0079: Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03.

Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03.

Việc chế tạo thành công giàn Tam Đảo 03 đã giúp Việt Nam nằm trong số 10 nước có thể chế tạo được giàn khoan tự nâng hoạt động tại các vùng biển sâu và hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt. Công trình nghiên cứu, thiết kế giàn khoan Tam Đảo 03 đã được Nhà nước tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ.

Khánh An


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​