Giá phân bón còn tăng đến cuối năm?
09:45 |
23/06/2021
Lượt xem:
4723
Hơn 5 tháng qua, giá phân bón có tốc độ tăng phi mã. Lãnh đạo cục Phòng vệ thương mại và Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho rằng, bất chấp nỗ lực điều tiết giá của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, giá phân bón sẽ tiếp tục tăng đến cuối năm.
Tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cho biết, Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi và phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về giá phân bón, Cục Phòng vệ thương mại cho rằng việc giá phân bón tăng mạnh trong thời gian qua phần lớn tác động của các yếu tố khách quan - yếu tố đầu vào sản xuất phân bón, chi phí vận chuyển và mất cân bằng cung cầu.
Toàn cảnh họp báo quý II năm 2021 của Bộ Công Thương.
Nguyên nhân chính khiến 6 tháng đầu năm 2021 giá phân bón tại Việt Nam tăng cao xuất phát từ việc giá nguyên liệu sản xuất phân bón trên thế giới tăng mạnh, thậm chí có mặt hàng đã tăng nhiều lần như axit sunfuric (H2SO4), nguyên liệu chính sản xuất DAP và các loại phân bón có chứa lưu huỳnh, đạm...
Thống kê cho thấy giá nguyên liệu sản xuất và giá phân bón thế giới tháng 6/2021 so với tháng 12/2020 như sau: Urê tăng 62%, DAP tăng trên 54%, kali tăng 45%, H2SO4 và amoniac tăng gấp 3-4 lần.
Từ đó, qua hơn 5 tháng đầu năm 2021 giá các loại phân bón, đặc biệt là giá DAP, urê tăng khá cao. Theo số liệu của World Bank cho biết, giá DAP ngay tháng 4/2021 tăng 54% so với tháng 9/2020. Trong đó, giá tăng nguyên liệu như amoniac tháng 4/2021 tăng tới 60% so với tháng 9/2020.
Trong đó, chi phí vận chuyển trong thời gian qua đội lên gấp nhiều lần do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, làm đứt gãy chuỗi logistics toàn cầu cũng là nguyên cơ bản khiến giá phân bón tăng. Cụ thể, giá vận chuyển tăng gấp 2-3 lần so với năm 2020.
Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều nhà máy sản xuất phân bón phải đóng cửa khiến nguồn cung trên toàn thế giới giảm mạnh. Từ đó làm mất cân bằng cung cầu phân bón trong khu vực cũng như thế giới. Thấy rõ nhất là việc Trung Quốc - quốc gia sản xuất phân bón lớn nhất khu vực và thế giới đã ngay lập tức đánh thuế xuất phân bón (30%). Đây là động thái cho thấy Trung Quốc lo ngại không đáp ứng đủ nhu cầu phân bón trong nước trong vụ mùa tới và để hạn chế dòng phân bón đang khan hiếm xuất khẩu ra nước ngoài.
Dù phân bón là sản phẩm Việt Nam có thể tự sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước và có một phần xuất khẩu nhưng do nền kinh tế nước ta là một nền kinh tế có độ mở cao khi tham gia vào hầu hết những hiệp định thương mại song phương và đa phương trên thế giới cũng như khu vực nên việc giá phân bón trên thị trường thế giới tăng cao thì giá phân bón trong nước cũng phải tăng theo.
Thực tế, tại Việt Nam, trong quý 1/2021, giá bán các mặt hàng phân bón trong nước vẫn được duy trì ở mức thấp hơn so với giá thế giới, chính vì vậy, đã có lượng urê xuất khẩu khá lớn. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4/2021 đến nay, do lượng hàng tồn kho giá thấp đã hết nên mặt bằng giá phân bón tại Việt Nam cũng bị điều chỉnh tăng theo mức giá chung trên thị trường thế giới.
Nhà máy Đạm Cà Mau luôn nỗ lực điều tiết giá phân bón hỗ trợ người nông dân Việt Nam.
Nhưng nhìn chung để phục vụ người nông dân trong nước, giá phân bón các loại do Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Đạm Cà Mau… sản xuất vẫn được bán ra với giá thấp hơn phân bón nhập khẩu từ 4-5 triệu đồng/tấn.
Theo thống kê của Bộ Công Thương khi so sánh hoạt động sản xuất trong nước đối trọng với việc nhập khẩu phân bón thì mức tăng giá MAP và DAP do trong nước sản xuất thấp hơn rất nhiều so với nhập khẩu. Hiện giá DAP và MAP trong nước được bán với giá 9,5-10,5 triệu đồng/tấn, trong khi đó, giá nhập khẩu là khoảng 14-15 triệu đồng/tấn. Hiện nay, phân urê do các nhà máy trong nước sản xuất cũng có giá bán thấp hơn giá phân nhập khẩu khoảng 500 đồng/kg.
Bởi vậy có thể khẳng định rằng giá phân bón tăng mạnh trong thời gian qua là sự vận động, điều tiết theo đúng quy luật thị trường, không phải hiện tượng đầu cơ, tăng giá.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết thêm đã phối hợp với Bộ NN&PTNT đánh giá tình hình cung cầu, thấy rằng riêng nguồn cung mặt hàng MAP và DAP đều đáp ứng đủ cầu. Ví dụ như giá mặt hàng DAP và MAP nhập khẩu tăng khoảng 150% trong khi đó mặt hàng sản xuất trong nước tăng 130% và cầu không có biến động quá lớn so với những năm trước đây.
Ông Dũng cho rằng, việc có nguồn sản xuất trong nước là yếu tố giúp kìm hãm mức độ tăng giá chung của mặt hàng DAP, MAP nói riêng cũng như phân bón nói chung. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT theo dõi sát tình hình và kiến nghị những giải pháp phù hợp với diễn biến thị trường.
Bổ sung các phân tích của lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại, ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất cho biết thêm, hiện nay Trung Quốc cũng đang dự kiến đánh thuế xuất khẩu phân bón khá cao ở mức 30% từ ngày 1/7 nhằm siết chặt hơn việc xuất khẩu ra nước ngoài vào thời điểm nhu cầu trong nước tăng cao. Bên cạnh đó, nguồn cung urê từ Đông Nam Á có sản lượng rất thấp do đang trong thời kỳ bảo trì, bảo dưỡng máy móc đã đẩy giá urê trên thị trường thế giới lên mức rất cao. Điều này cũng tạo áp lực nên giá phân urê trong nước.
Hơn thế nữa, việc các nhà máy sản xuất phân bón tại các quốc gia trong khu vực chưa thể phục hồi ngay sản xuất, giá khí vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp theo xu thế tăng…, dự báo giá phân bón sẽ tiếp tục tăng từ nay cho đến hết năm.
Thành Công
Bình luận