Petrovietnam cập nhật diễn biến của xu thế kinh tế tuần hoàn và "hàm ý" đối với ngành năng lượng
Chiều ngày 6/9, tại Hà Nội, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng đã chủ trì buổi Tọa đàm quý III "Cập nhật diễn biến, xu thế phát triển kinh tế tuần hoàn và hàm ý đối với ngành năng lượng".

Tham dự tọa đàm có TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; ThS Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Về phía Petrovietnam có Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng, các thành viên HĐTV Bùi Minh Tiến, Phạm Tuấn Anh; đại diện các ban chuyên môn/Văn phòng Tập đoàn.

Toàn cảnh tọa đàm

Trình bày về chuyên đề "Tăng trưởng kinh tế Việt Nam", TS Võ Trí Thành đã khái quát tổng quan về tình hình kinh tế Việt Nam trong 8 tháng năm 2023, trong đó đề cập đến những thuận lợi, khó khăn, các kịch bản dự báo tăng trưởng trong thời gian tới cũng như hàm ý đối với lĩnh vực năng lượng.

Theo đó, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 qua hơn 1/2 chặng đường, đà phục hồi đã chững lại từ giữa quý III/2022 (dù cả năm 2022 đạt tốc độ tăng trưởng 8,0%). Cụ thể từ quý III/2022, một số vấn đề chính đó là áp lực lớn lên lãi suất, tỷ giá cộng thiếu hụt thanh khoản, biến động thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... khiến niềm tin thị trường sụt giảm liên quan nhiều vấn đề về giám sát tài chính, cảnh báo và cách thức xử lý một số sai phạm thị trường.

Petrovietnam cập nhật diễn biến của xu thế kinh tế tuần hoàn và

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chủ trì tọa đàm

Chuyên gia đồng thời nhận định lạm phát 2023 và 2024 còn khá cao, dù giảm mạnh ở các nền kinh tế phát triển (vẫn còn cao hơn nhiều mục tiêu 2%), bên cạnh đó mức lãi suất còn đứng ở mức cao (ít nhất đến giữa 2024, dự báo thay đổi khá thường xuyên, song cơ bản nhận định khó khăn kéo dài đến 2024, tiềm ẩn rủi ro, chiều hướng thiếu tích cực.

Song bên cạnh đó, áp lực bên ngoài giảm dần cùng nỗ lực chính sách đã dần cải thiện tình hình tài chính - tiền tệ. Thanh khoản khá dồi dào, trong đó Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất. Chính sách tiền tệ dịch sang nới lỏng; lãi suất huy động, các chính sách hỗ trợ tài khóa, cho vay hạ nhiệt. Đầu tư công có bước cải thiện, song vẫn chưa như kỳ vọng. Thời gian qua, nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản cũng đã được triển khai.

Dự báo về kinh tế Việt Nam trong năm nay, TS Võ Trí Thành cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 được dự báo thấp hơn so với năm 2022 do chịu ảnh hưởng của các yếu tố phức tạp, khó lường. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, nên mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay sẽ có nhiều thách thức.

Petrovietnam cập nhật diễn biến của xu thế kinh tế tuần hoàn và

TS Võ Trí Thành

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,0-6,5% năm 2023 như Quốc hội đề ra là rất thách thức. Muốn đạt 6,0-6,5%, Việt Nam cần tăng trưởng 8,0-9,0% trong 6 tháng cuối năm 2023. Mặt khác, mức độ cải thiện kết quả tăng trưởng kinh tế, bên cạnh tùy thuộc diễn biến từ bên ngoài, còn chịu tác động đáng kể từ việc phối hợp thích hợp, hiệu quả chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng và cả nỗ lực cải cách/khôi phục niềm tin thị trường. Thông tin tích cực là kinh tế Việt Nam có chiều hướng đi lên trong 6 tháng cuối năm (theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2024 và 2025 tăng trưởng kinh tế Việt Nam khá hơn, đạt tương ứng 5,5% và 6,0%).

Cũng theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay rất khó lường, diễn biến nhanh, dự báo càng khó. Đối với doanh nghiệp như Petrovietnam cần giữ vững các giải pháp Tập đoàn đang triển khai như quản trị rủi ro và dòng tiền, tận dụng cơ hội thị trường, sản phẩm thế mạnh, bám sát các xu thế về chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi số...

Petrovietnam cập nhật diễn biến của xu thế kinh tế tuần hoàn và

ThS Nguyễn Anh Dương

Khái quát về xu thế kinh tế tuần hoàn (KTTH) và hàm ý ngành năng lượng, cũng như thực trạng phát triển KTTH ở Việt Nam trong thời gian qua, ThS Nguyễn Anh Dương nhận định, Việt Nam đã triển khai một số nhóm chính sách liên quan, song còn thiếu nhiều và tồn tại một số mô hình kiểu cũ. Ngoài ra, nhận thức và năng lực của doanh nghiệp về KTTH còn nhiều hạn chế và bất cập.

Cơ hội từ KTTH với ngành năng lượng tái tạo mang nhiều ý nghĩa quan trọng, góp phần tư duy lại về mô hình kinh doanh và lựa chọn sử dụng nguyên liệu. Ngoài ra, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo có ý nghĩa quan trọng để đạt mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế rủi ro đối với chuỗi cung ứng, phù hợp với các vấn đề liên quan về chuyển đổi năng lượng công bằng và Quy hoạch điện VIII.

Tại tọa đàm, các diễn giả cũng đã tập trung giải đáp các câu hỏi của các đơn vị thành viên Petrovietnam, đưa ra các dự báo về bối cảnh kinh tế, thị trường năng lượng, các rủi ro, thách thức đặt ra hiện nay cùng những đề xuất các giải pháp giải quyết.

Kết luận tọa đàm, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cảm ơn các chuyên gia đã tham dự tọa đàm, thông tin nhiều vấn đề sát thực tiễn liên quan đến hoạt động của Petrovietnam. Tổng Giám đốc Tập đoàn đề nghị dựa trên các vấn đề dự báo các chuyên gia kinh tế đưa ra, các ban chuyên môn tiếp tục trao đổi, phối hợp, cập nhật, rà soát, bám sát diễn biến ở nhiều lĩnh vực, nền kinh tế một số quốc gia, đưa vào kế hoạch triển khai phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Khía cạnh “kinh tế” trong kinh tế tuần hoàn

KTTH là một mô hình tổ chức hoạt động kinh tế hiện đại có tính khép kín và liên hoàn của nhiều đơn vị sản xuất gắn kết với nhau trên nguyên tắc “mọi thứ đều là đầu vào của sản phẩm khác”, tận dụng hiệu quả dịch vụ kết nối (tài chính, logistics, công nghệ thông tin và truyền thông), hướng tới liên kết sản xuất có tính tuần hoàn nhằm: tiết kiệm chi phí sản xuất và tối ưu hóa giá trị gia tăng trên cơ sở giảm thiểu chất thải trong quá trình sản xuất, hợp lý hóa đầu vào - đầu ra của các quy trình gắn với đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, thu nhập của người lao động sản xuất và sử dụng hợp lý các dạng năng lượng tái tạo trong sản xuất, phục hồi tài nguyên có thể tái tạo được, thúc đẩy tiêu dùng bền vững, giảm phát thải và góp phần chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường (Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam).
Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó khẳng định ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển KTTH. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức luật hóa quy định về KTTH.

Minh Châu


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​