Dự án Biển Đông 01 từ góc nhìn khoa học công nghệ:

(Kỳ 4) Đà phát triển của ngành cơ khí dầu khí Việt Nam
Thời điểm cuối năm năm 2012, thực hiện thành công tổng thầu EPCI cho Dự án Biển Đông 01 đã đánh dấu một mốc son rực rỡ trong lịch sử phát triển của Công ty CP Dịch vụ cơ khí hàng hải - PTSC M&C (thuộc Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam - PTSC) và ngành Dầu khí. Bởi ngay cả cho đến thời điểm hiện tại, Biển Đông 01 vẫn là tổ hợp công trình có khối lượng lớn nhất từng được thi công và hoàn thiện trong nước, bởi chính các kỹ sư và công nhân người Việt.

(Kỳ 1) Dự án Biển Đông 01- nơi mà lòng yêu nghề và tình yêu nước đã được thể hiện

(Kỳ 2) Chinh phục Hải Thạch - Mộc Tinh

(Kỳ 3) Chìa khóa dẫn đến thành công

Biển Đông 01 có thể nói là dự án phức tạp nhất từ trước đến nay của ngành Dầu khí về mọi mặt: tiến độ, công nghệ và quy mô, bao gồm 1 giàn xử lý trung tâm 12.000 tấn, 1 khối chân đế và cọc 17.000 tấn, tổng trọng lượng các công trình khác (WHP-HT1 và WHP-MT1) lên đến 20.500 tấn cùng hệ thống đường ống và cáp ngầm… Việc chế tạo giàn WHP-MT1 được thực hiện bởi Vietsovpetro, còn PTSC M&C đảm nhiệm khối lượng công việc khổng lồ nhất là chế tạo giàn WHP-HT1 và giàn xử lý trung tâm PQP-HT.

Đáng nói hơn, khi nhận dự án từ chủ đầu tư, điều kiện cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, kinh nghiệm và trình độ quản lý của PTSC M&C để thực hiện dự án giàn khoan khổng lồ này gần như ở số 0. Không chỉ thiếu máy móc, thiết bị, công cụ đặc chủng, phần lớn các kỹ sư đều còn rất trẻ, thiếu kinh nghiệm. Để thực hiện dự án này, PTSC M&C đã đưa 50 kỹ sư sang Malaysia để cùng họ thiết kế. Đây là cách làm rất hay của lãnh đạo PTSC M&C, bởi vì các kỹ sư này, khi tham gia thiết kế từ đầu, lúc về họ lại chỉ huy thi công lắp đặt, như vậy sẽ rất hiểu công việc.


Công trường PTSC M&C tại Bà Rịa - Vùng Tàu

Thời điểm đó, hạ tầng nền bãi của PTSC M&C không đủ “tải” để đặt được những cần cẩu có sức nâng tới 1.300 tấn. Chỉ riêng việc gia cố mặt bằng sản xuất (nền bãi), tăng sức chịu tải từ 4 tấn lên 50 tấn/m2 để đặt lên đó các đường trượt hạ thủy chịu được trọng lượng 1.720 tấn/m (dài) đã là việc đầy cam go, phức tạp. Để thực hiện điều đó, nhiều nội dung được triển khai nghiên cứu và ứng dụng KHCN đã được thực hiện thành công qua Cụm công trình "Nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện Việt Nam", từng bước tháo gỡ các khó khăn, thách thức hiện hữu một cách hết sức thuyết phục.

Để thực hiện cụm công trình, nhóm nghiên cứu PTSC M&C đã nghiên cứu tất cả các giải pháp công nghệ hiện hành trên thế giới; phân tích điều kiện áp dụng ở PTSC M&C và chọn lựa giải pháp tối ưu dựa trên đánh giá hiệu quả kinh tế kỹ thuật. Cuối cùng, bằng trí tuệ và các giải pháp thi công lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam, những kỹ sư và công nhân PTSC M&C đã tạo ra mặt bằng có sức chịu tải lớn nhất Việt Nam - 53 tấn/m2. Các cần cẩu siêu trọng tay với dài có sức nâng 1.200 tấn có thể hoạt động an toàn trên nền móng này. Đây là một kỷ lục mà không nhiều nhà thầu trên thế giới thực hiện được.

Phương thức chế tạo giàn khoan được PTSC M&C áp dụng cũng là phương thức chế tạo giàn khoan hiện nay trên thế giới, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất. Nhiều vật liệu mới lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam cũng đã được anh em kỹ sư, công nhân mày mò lắp đặt. Toàn bộ thiết kế chi tiết, mua sắm và thi công chế tạo trên bờ đều do chính những cán bộ, kỹ sư người Việt Nam thực hiện. Thời gian cao điểm, có đến 3.300 kỹ sư, công nhân ngày đêm làm việc với hơn 100% sức lực. Thành công của dự án bởi thế là một dấu mốc lớn, khẳng định tay nghề cơ khí trong chế tạo giàn khoan lớn của các kỹ sư, công nhân Việt Nam.


Thi công chân đế PQP-HT trên công trường PTSC M&C

Chế tạo trên bờ đã là việc cực khó, nhưng để di chuyển một dự án khổng lồ như Biển Đông 01 ra biển, lắp đặt ngoài khơi mới là thách thức thực sự. Đối với các hạng mục này, đội ngũ PTSC M&C cũng đã phát triển thêm nhiều giải pháp lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, như: Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để nâng (Jack-up) toàn bộ khối thượng tầng lên cao để lắp đặt dầm hạ thủy sau khi hoàn thành chế tạo dưới thấp; Nghiên cứu tính toán, thiết kế dầm hạ thủy trên đường trượt để hạ thủy khối thượng tầng cũng như các cấu kiện khối thượng tầng siêu trường, siêu trọng khác bao gồm tìm hiểu các công nghệ từ thi công trên bãi, lúc hạ thủy, vận chuyển cấu kiện trên sà lan và lắp đặt ngoài khơi…

Việc lắp các giàn khoan, các khối thượng tầng cũng có nhiều cách, nhiều kiểu. Các dự án có tổng trọng lượng từ 4.000 tấn trở xuống thường lắp bằng cần cẩu, còn các dự án có khối lượng từ 4.000 tấn trở lên như Biển Đông 01 thì phải làm theo phương pháp đánh chìm sà lan. Sau khi lắp xong, các thiết bị điều khiển hiện đại cùng các thợ lặn phải lặn xuống độ sâu 133m để kiểm tra, cân chỉnh lại. Công đoạn vận chuyển, lắp đặt cực kỳ phức tạp, tốn kém và thường chiếm đến 30% giá trị hợp đồng EPCI.

Vào những tháng cao điểm nhất, dự án phải huy động tới hơn 500 người làm việc trên một đại công trường ngoài khơi. Hơn 500 nhân mạng trên biển, ngoài làm việc với tác phong chấp hành nghiêm ngặt về an toàn lao động, còn phải chia sẻ cùng nhau các sinh hoạt thường ngày khác… Việc tuyển chọn công nhân, kỹ sư và cả người lãnh đạo do đó càng phải khắt khe, kỹ lưỡng. Đó là những người không chỉ có năng lực, trí tuệ, làm việc chuyên nghiệp, có trách nhiệm, còn phải có tinh thần đồng đội cao, luôn coi công việc như của mình, coi đồng nghiệp như người thân… Tất cả các đầu việc trong thời điểm này đều phải thực hiện một cách đồng nhất, nhịp nhàng và gần như chính xác tuyệt đối. Nói nôm na, chỉ cần thiếu một chiếc ốc, chiếc vít nhỏ hoặc sai sót một chi tiết duy nhất thôi thì việc khắc phục hậu quả sẽ rất khó khăn và vô cùng tốn kém.


Giàn xử lý trung tâm Hải Thạch được hoàn thành vận chuyển và lắp đặt ngoài khơi tại mỏ Hải Thạch

Với các giải pháp công nghệ, kỹ thuật được áp dụng một cách triệt để, tháng 10/2012, công tác lắp đặt ngoài khơi của khối thượng tầng giàn công nghệ trung tâm và nhà ở PQP-HT hoàn thành, đánh dấu mốc dự án EPCI Biển Đông 01 của PTSC M&C đã thành công rực rỡ, đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Việc hoàn thành các hạng mục của dự án Biển Đông 01 đã khẳng định một bước phát triển vững chắc của PTSC M&C, cả về nguồn lực, năng lực, trí tuệ, tay nghề cao cùng trang thiết bị, máy móc thi công hiện đại… Từ dự án Biển Đông 01, PTSC M&C đã nắm rất chắc các công nghệ thiết kế, thi công, hạ thủy, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng và đã tiếp tục hoàn thiện và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào các dự án tiếp theo. Trong đó, có thể kể đến nhiều dự án đấu thầu quốc tế mà PTSC M&C đã thắng được bằng chính nội lực của mình, mang về thực hiện tại Việt Nam như Heera Development Project (HRD, chủ đầu tư ONGC, Ấn Độ), Maharaja Lela South Project (MLS, Total Borneo BV, Brunei), Ghana FPSO (ENI, 7Ghana), Malikai Project (Dockwise, Shell), Daman (ONGC, Ấn độ), Galaff Batch 1 (NOC, Qatar)... với tổng trị giá hợp đồng hơn 600 triệu USD. Đó cũng là những chứng nhận thực tiễn rằng các giải pháp khoa học công nghệ đã đưa PTSC M&C từng bước trở thành một thương hiệu uy tín trên thị trường khu vực và quốc tế.

(còn tiếp)


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​