Các phân vị địa tầng chủ yếu xác định được trên lát cắt địa chấn là các tập, các nhóm phân tập, các hệ thống trầm tích khác nhau. Việc xác định các phân tập mỏng với chu kỳ ngắn thường chỉ thực hiện được với địa chấn phân giải cao hoặc các vùng gần bờ có liên kết với các giếng khoan.
Phân tập (Parasequnce)
Phân tập là một phần của hệ thống trầm tích bao gồm các lớp tương đối chỉnh hợp, có liên quan với nhau về nguồn gốc, nóc và đáy là các mặt ngập lụt (ranh giới biển tiến) và các mặt liên kết được. Sự hình thành phân tập là kết quả của mối quan hệ giữa lượng trầm tích cung cấp và khoảng không gian tích tụ trong vùng đó. Các pha phủ chồng lấn (biển lùi), phủ chồng lùi (biển tiến) hoặc phủ chồng bồi tụ đều không liên tục song được hình thành trong thời gian ngắn tạo nên các phân tập. Với bề dày các phân tập, việc phát hiện chúng thường dựa vào tài liệu địa chất có độ phân giải cao như số liệu mẫu khoan, vết lộ, ĐVL giếng khoan.
Trong quá trình mực nước biển hạ xuống, đường bờ lùi dần ra xa về phía bể, các phân tập trầm tích có dạng phủ chồng lấn, các lớp hoặc nhóm lớp trẻ hơn được tích tụ lấn dần ra phía biển, tạo nên một tổ hợp tướng thô dần lên trên. Một số phân tập các trầm tích vụn và hầu hết trầm tích cacbonat có dạng phủ chồng và cũng thô dần lên trên. Khi mực nước biển nâng lên trong quá trình biển tiến, đường bờ tiến dần vào bờ, các phân tập trầm tích có dạng phủ chồng lùi, các lớp hoặc nhóm lớp trẻ hơn được tích tụ lấn dần vào phía bờ, tạo nên một tổ hợp tướng mịn dần lên trên. Phân tập được xác định và mô tả chi tiết ở các lát cắt môi trường trầm tích đồng bằng ven bờ, delta, bãi triều, thủy triều, trầm tích cửa sông và thềm lục địa. Đối với các trầm tích sườn lục địa, biển sâu... rất khó xác định các phân tập do tác động của biển không với tới hoặc do chiều sâu nước quá lớn nên sự thay đổi của mực nước biển gần như không nhận ra được.
Một số hình ảnh các phân tập được hình thành trong quá trình biển tiến và biển lùi được thể hiện trên hình 10.30, 10.31.
Nhóm phân tập (Parasequence set)
Các phân tập được hình thành liên tục chồng lên nhau thành một tập hợp gọi là nhóm phân tập. Các nhóm phân tập có thể quan sát được trên tài liệu địa chấn.
Nhóm phân tập là tập hợp các phân tập liên tục có nguồn gốc với một dạng tích tụ riêng biệt và được giới hạn nóc và đáy bởi các mặt ngập lụt chính và các mặt liên kết từ chúng. Đây là một đơn vị địa tầng trung gian giữa phân tập và tập. Nhóm phân tập có chiều dày từ 10-20m đến hàng trăm mét.
Khái niệm nhóm phân tập được sử dụng để mô tả đặc điểm tướng và môi trường của hệ thống trầm tích. Hệ thống trầm tích biển thấp tương ứng với nhóm phân tập phủ chồng lấn biển thấp, hệ thống trầm tích biển tiến tương ứng với nhóm phân tập phủ chồng lùi biển tiến và hệ thống trầm tích biển cao tương ứng với nhóm phân tập phủ chồng bồi tụ và phủ chồng lấn biển cao. Tuy nhiên thuật ngữ hệ thống trầm tích và nhóm phân tập không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với nhau, trong những vùng có độ lún chìm lớn và có lượng trầm tích cung cấp cao thì trong một hệ thống trầm tích có thể có nhiều hơn một nhóm phân tập.
Hình 10.30 - Cấu trúc các phân tập phụ thuộc vào không gian trầm tích và lượng trầm tích
Các kiểu nhóm phân tập tương ứng với các thời kỳ biển lùi, biển tiến và biển dừng được thể hiện trên hình 10.31. Nếu gọi tốc độ tạo không gian tích tụ là A và tốc độ tích tụ trầm tích là D thì sẽ xảy ra 3 trường hợp: Khi D/A> 1 thì tạo ra các lớp phủ chồng lấn ra phía biển (biển lùi), tạo nên hệ thống trầm tích biển cao và biển thấp. Khi D/A <1 thì tạo ra các lớp phủ chồng lùi vào bờ, nên hệ thống trầm tích biển tiến. khi d>
Nhóm phân tập phủ chồng lùi (biển tiến) bao gồm các phân tập được hình thành khi tốc độ lắng đọng trầm tích nhỏ hơn tốc độ hình thành không gian tích tụ làm mở rộng không gian trầm tích. Các đới tướng trầm tích lùi dần vào phía bờ. Thuật ngữ biển tiến được dùng để mô tả sự dịch chuyển đường bờ vào phía đất liền.
Nhóm phân tập phủ chồng bồi tụ bao gồm các phân tập được hình thành khi tốc độ lắng đọng trầm tích cân bằng với không gian trầm tích. Lúc này các đới tướng địa chất phủ chồng lên nhau theo phương thẳng đứng và đường bờ không dịch chuyển về phía biển hoặc về phía đất liền.
Nhóm phân tập phủ chồng lấn (biển lùi) bao gồm các phân tập được hình thành khi tốc độ lắng đọng trầm tích (D) lớn hơn tốc độ hình thành không gian tích tụ (A) làm thu hẹp không gian trầm tích, tạo ra các nêm lấn về phía trung tâm bể. Thuật ngữ biển lùi được dùng để mô tả sự dịch chuyển đường bờ ra phía tâm bể.
Hình 10.31 - Các kiểu nhóm phân tập tương ứng với các thời kỳ biển lùi, biển tiến và biển dừng
Như vậy nhóm phân tập là đơn vị địa tầng trung gian giữa tập và phân tập, được sử dụng để mô tả đặc điểm tướng và môi trường của các hệ thống trầm tích. Trong mỗi nhóm phân tập, mối quan hệ phân bố tướng trầm tích thay đổi theo chiều thẳng đứng và theo chiều ngang.
Quan hệ phân bố tướng thẳng đứng: Trong nhóm phân tập phủ chồng lấn (biển lùi) thì các phân tập trẻ hơn sẽ có xu hướng dày hơn, chứa nhiều cát hơn, cát có độ rỗng nguyên sinh lớn hơn và tích tụ trong môi trường nông hơn các phân tập già hơn. Trong nhóm phân tập phủ chồng lùi (biển tiến) thì ngược lại. Trong nhóm phân tập phủ chồng bồi tụ thì các quan hệ nêu trên không có thay đổi đáng kể.
Quan hệ phân bố tướng nằm ngang: Trong nhóm phân tập phủ chồng lấn (biển lùi) thì các phân tập trẻ hơn cùng tổ hợp tướng trong nó sẽ được tích tụ xa hơn ra biển so với phân tập già hơn. Trong nhóm phân tập phủ chồng lùi (biển tiến) thì ngược lại, các phân tập trẻ hơn cùng tổ hợp tướng trong nó sẽ có xu hướng tích tụ lùi gần hơn vào bờ so với các tập già hơn. Trong nhóm phân tập phủ chồng bồi tụ thì các phân tập trẻ hơn được tích tụ lên trên tập già hơn và không có sự dịch ngang đáng kể của các giải tướng đá.
Theo Minh giải địa chấn trong thăm dò và khai thác dầu khí