Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ XII)
02:14 |
17/01/2022
Lượt xem:
1245
Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) chịu trách nhiệm quản lý bảo vệ môi trường ở cấp độ liên bang. Bên cạnh Luật Bảo vệ Môi trường liên bang, UAE còn một số luật, quy định pháp lý và các hướng dẫn kỹ thuật khác liên quan đến vấn đề môi trường, trong đó có vấn đề kho chứa, vận chuyển chất độc hại, quản lý chất thải, lưu hồ sơ. Bộ Nguồn Nhân lực (Human Resources and Emiratisation), các cơ quan chính quyền địa phương và Bộ Phòng vệ Dân sự (phòng chống cháy, nổ…) chịu trách nhiệm về các vấn đề sức khỏe và an toàn. Tất cả các cơ sở công nghiệp lớn đều phải có các quan chức về an toàn ngành nghề được chứng nhận. Các công ty dầu khí áp dụng các biện pháp về an toàn và sức khỏe phù hợp với thực tiễn quốc tế.
Một cơ sở dầu khí ngoài khơi ở mỏ Zakum, Abu Dhabi. Ảnh: Arab News.
Thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường UAE, các bên tham gia hoạt động dầu khí phải nhận được giấy phép cho hoạt động thăm dò, chiết xuất hoặc khai thác dầu khí trên đất liền và ngoài khơi, bị nghiêm cấm thải các chất gây ô nhiễm từ hoạt động khoan, thăm dò, thử và khai thác các giếng dầu khí, ra đất và nước khu vực xung quanh, trừ khi đã thực hiện những biện pháp bảo vệ an toàn. Những biện pháp an toàn cần được đảm bảo không làm hại môi trường đất và nước. Các bên liên quan phải xử lý các chất thải và chất gây ô nhiễm phù hợp với hệ thống kỹ thuật được khu vực và quốc tế thông qua.
Phát thải từ việc đốt cháy nhiên liệu hoặc các chất khác vì mục đích thương mại phải giới hạn trong quy định cho phép. Số lượng chất gây ô nhiễm trong phát thải đốt cháy phải được lưu hồ sơ. UAE cũng có một số quy định về việc vận chuyển các chất độc hại bằng đường biển. Trong trường hợp xả dầu từ tàu biển, chủ tàu và những người vận hành tàu phải chịu mọi chi phí phát sinh do thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu gây ra.
Một cơ sở khí đốt ADGECO Group ở Abu Dhabi. Ảnh: ADGECO Group.
Các nghĩa vụ liên quan đến việc ngừng hoạt động và từ bỏ cơ sở dầu khí thường được xử lý trong hợp đồng tô nhượng có liên quan hoặc theo yêu cầu của Hội đồng Tối cao về Các vấn đề Tài chính và Kinh tế (Hội đồng Tối cao về Dầu khí trước đây). UAE không có nhiều quy định pháp lý liên quan đến việc ngừng hoạt động và từ bỏ cơ sở dầu khí, chủ yếu xuất phát từ góc độ bảo vệ môi trường và an toàn. Đa số các hợp đồng tô nhượng hiện hành bao gồm nghĩa vụ phải hành động theo thông lệ tốt của ngành dầu khí và gần đây hơn, thường bao gồm các nghĩa vụ liên quan đến việc cung cấp tài chính để thực hiện việc từ bỏ cơ sở dầu khí.
Luật Bảo tồn Tài nguyên Dầu khí ở Abu Dhabi (Luật Abu Dhabi số 8 năm 1978 về Bảo tồn Tài nguyên Dầu khí) đưa ra một số nghĩa vụ liên quan đến việc ngừng hoạt động và từ bỏ cơ sở dầu khí. Các nghĩa vụ này chủ yếu liên quan đến yêu cầu đảm bảo rằng các nguồn dầu khí đã được sử dụng hết tiềm năng trước khi từ bỏ hoặc ngừng hoạt động, thay vì đặt ra các nghĩa vụ tài chính bảo đảm cho việc ngừng hoạt động. Theo Điều 3, Nhà điều hành phải thực hiện tất cả các biện pháp để ngăn ngừa thiệt hại do vận hành, bao gồm thiệt hại đối với tài nguyên thiên nhiên và theo Điều 56 phải thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết để ngăn ngừa sự ô nhiễm của không khí, bề mặt dưới đất hoặc biển. Theo Điều 16, Nhà điều hành sau khi được sự đồng ý của Hội đồng Tối cao, phải đóng chặt các giếng cạn và phi thương mại. Điều 17 quy định rằng khi làm đơn gửi Hội đồng Tối cao, bên cạnh những dữ liệu được quy định, phải nêu rõ lý do biện minh rằng giếng được coi là cạn hoặc phi thương mại.
Cơ sở lọc dầu đặc biệt của công ty Dulsco tại Abu Dhabi,xử lý 2000 tấn chất thải dầu và khí hàng tháng. Ảnh: Dulsco.
UAE là một bên tham gia Nghị định thư Kuwait, theo đó, trong trường hợp ngừng hoạt động, Nhà điều hành phải tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần giàn khoan, các thiết bị và cấu trúc dưới đáy biển khác để đảm bảo an toàn hàng hải và lợi ích nghề cá. Mỗi quốc gia ký kết Nghị định thư Kuwait phải thực hiện các biện pháp thiết thực để đảm bảo Nhà điều hành có đủ nguồn lực để đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào liên quan đến việc tháo dỡ. Theo Nghị định thư Kuwait, UAE có nghĩa vụ đảm bảo rằng các bên tham gia nước ngoài có đủ nguồn lực để xử lý các vấn đề liên quan đến ngừng hoạt động và từ bỏ cơ sở dầu khí.
Liên quan đến các kho chứa khí đốt, UAE cũng có một số quy định về sức khỏe, an toàn và môi trường, đưa ra các thông số kỹ thuật. Bên cạnh sự chấp thuận của các Tiểu Vương quốc có liên quan, cơ sở khí đốt có thể còn cần nhận được sự phê duyệt theo Luật Môi trường Liên bang. Trong cùng một Tiểu Vương quốc, một số khu vực riêng có thể được thiếp lập cho kho chứa khí đốt, áp đặt các tiêu chuẩn quy định về nhiệt độ và áp suất, tuân thủ các quy định của Bộ Phòng vệ Dân sự (Civil Defence). (Còn tiếp)
Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ XI)
Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ X)
Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ IX)
Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ VIII)
Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ VII)
Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ VI)
Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ V)
Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ IV)
Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ III)
Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ II)
Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ I)
Thanh Bình
Bình luận