Chuyên gia Nguyễn Văn Phụng:

Bước đi cần thiết để tạo công bằng giữa phân bón trong nước và nhập khẩu
Chia sẻ với phóng viên (PV), ông Nguyễn Văn Phụng - chuyên gia cao cấp về thuế, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn cho rằng, việc áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón là một bước đi cần thiết để tạo sự công bằng giữa sản phẩm trong nước và nhập khẩu.


Ông Nguyễn Văn Phụng - chuyên gia cao cấp về thuế

Vừa ra đời đã “lộ” bất cập

PV: Là một chuyên gia cao cấp về thuế, theo ông, Luật số 71/2014/QH13 (Luật Thuế 71) có những tác động gì đối với mặt hàng phân bón nói riêng và thị trường phân bón nói chung?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Với kinh nghiệm gần 20 năm làm chính sách tài chính, tôi khẳng định Luật Thuế 71 đã không đúng kỳ vọng của nhiều nhà khoa học cũng như người làm luật.

Chúng ta cần nhìn lại hoàn cảnh ra đời của luật này. Năm 2008, Quốc hội thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT). Khi đó, có 26 nhóm hàng hóa dịch vụ chịu thuế, 15 nhóm hàng hóa dịch vụ chịu thuế 5%, thuế 0% dành cho nhóm dịch vụ hàng hóa xuất khẩu và nhóm chịu thuế 10%. Trong đó, phân bón và máy móc thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp được áp dụng mức thuế 5%.

Cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra tại châu Á - Thái Bình Dương năm 2008 đã khiến Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là giai đoạn năm 2012-2013. Do đó, các nhà làm chính sách phải tính toán làm thế nào để khuyến khích, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp. Các nhà khoa học kiến nghị vật tư nông nghiệp đầu vào, trong đó có phân bón, nên để thuế thấp hơn, tạo điều kiện cho bà con nông dân được mua giá rẻ và doanh nghiệp sản xuất được lợi. Một số hiệp hội ngành hàng kiến nghị đưa phân bón về thuế suất 0%.

Lúc đó với tư cách cán bộ làm chính sách của Bộ Tài chính, tôi đã khuyến cáo rằng không thể đưa về 0% được vì theo thông lệ và các cam kết quốc tế, chúng ta chỉ áp dụng cho hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, theo đúng nguyên tắc của thuế GTGT.

Tại thời điểm đó, Quốc hội đã thảo luận rằng, hiện có 3 mức thuế 0%, 5% và 10%. Nếu như vật tư nông nghiệp đầu vào đang ở mức 5% mà khó khăn quá thì đưa về mức không chịu thuế. Rất tiếc tại thời điểm đó, các hiệp hội ngành hàng, các viện, cơ quan nghiên cứu… không đủ thông tin dữ liệu để chứng minh rằng 5% có lợi hay không chịu thuế có lợi hơn. Năm 2014, Quốc hội đã ban hành Luật Thuế 71 quy định các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế GTGT.

Các nhà làm chính sách cũng như một số người chủ quan, duy ý chí cho rằng Luật Thuế 71 sẽ tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, giảm và tiến tới thay thế nhập khẩu phân bón, thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, không áp thuế còn tạo điều kiện cho nông dân được mua phân bón, thức ăn chăn nuôi giá rẻ, tăng sức cạnh tranh của hàng nông sản khi xuất khẩu, cải thiện đời sống người nông dân, giảm sức ép lên lạm phát…

Tuy nhiên, qua gần 10 năm thực hiện cho thấy, ưu đãi đó hóa ra là… “ngược đãi” với cả doanh nghiệp và người nông dân. Ngay từ năm đầu tiên áp dụng Luật Thuế 71 đã bộc lộ nhiều bất cập.


Vùng đất nông nghiệp tại bãi bồi ven sông Hồng (ảnh: Trịnh Thông Thiện)

PV: Ông có thể phân tích kỹ hơn về điều này?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Chúng ta đều biết rằng, thuế GTGT có tính chất liên hoàn, số thuế GTGT phải nộp bằng số thuế đầu ra trừ số thuế đầu vào. Nói một cách dễ hiểu, doanh nghiệp nộp thuế GTGT ở đầu ra được khấu trừ thuế GTGT đã nộp ở đầu vào. Còn nếu thuộc đối tượng không chịu thuế thì doanh nghiệp không phải nộp thuế ở đầu ra, nhưng đầu vào mua nguyên liệu để sản xuất phải nộp thuế GTGT 5% hoặc 10% thì không được khấu trừ.

Theo các số liệu từ cơ quan chức năng, những thiệt hại mà doanh nghiệp phải gánh chịu là rất lớn. Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (bao gồm các doanh nghiệp sản xuất urea, DAP, supe lân, lân nung chảy, NPK) không được khấu trừ khoảng 400-650 tỉ đồng mỗi năm. Hai doanh nghiệp sản xuất phân bón của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khoảng 500-650 tỉ đồng mỗi năm.

Cụ thể hơn, theo số liệu thống kê của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, số thuế giá trị không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp năm 2018 của một số đơn vị như: Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc trên 141 tỉ đồng, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao 142 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình 113 tỉ đồng…

Theo số liệu của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo), khoản thuế GTGT đầu vào của PVFCCo năm 2016 là 284 tỉ đồng; năm 2017 là 371 tỉ đồng; năm 2018 là 518 tỉ đồng; năm 2019 là 358 tỉ đồng; năm 2020 là 326 tỉ đồng.

Theo một công bố, ước tính quy mô ngành phân bón Việt Nam ở mức hàng trăm nghìn tỉ đồng/năm và tỷ lệ thuế toàn ngành không được khấu trừ ở mức 5% thì các đơn vị toàn ngành gánh chịu vài nghìn tỉ đồng/năm.


Với các hộ nông dân, cũng như các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp lớn cũng bị thiệt hại do chi phí phân bón giá cao đã bào mòn lợi nhuận.

Không công bằng với các doanh nghiệp

PV: Có ý kiến cho rằng, hệ lụy của Luật Thuế 71 còn tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu. Theo ông điều này đúng hay sai?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Phân bón nhập khẩu không chịu thuế GTGT, trong khi doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu được hoàn thuế GTGT đầu vào (ở nước họ), nên thường rẻ hơn hàng sản xuất trong nước. Hàng hóa nhập khẩu chỉ cần bán bằng giá hoặc thấp hơn một chút so với hàng sản xuất trong nước là chiếm lĩnh hết thị phần, vì tâm lý “sính hàng ngoại” của một bộ phận nông dân. Việc không đánh thuế đối với phân bón là chúng ta đã hỗ trợ hàng nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài và khiến doanh nghiệp nội điêu đứng.

Cũng chính vì điều này mà trong hàng chục năm qua, một số mặt hàng phân bón ngoại thường xuyên “neo” giá thấp hơn một chút so với phân bón nội. Cứ “ta” giảm một giá thì “họ” cũng lại giảm theo, khiến sức cạnh tranh của phân bón nội rất yếu - trong khi đó doanh nghiệp phân bón nội không thể giảm giá mãi.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam đã bỏ ra 4,448 tỉ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên phụ liệu; 1,214 tỉ USD để nhập khẩu phân bón. Nếu lấy tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông, thủy sản sản trừ đi kim ngạch nhập khẩu phân bón và thức ăn chăn nuôi, sẽ thấy giá trị gia tăng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp chẳng còn được bao nhiêu.

Ngoài ra, khi mặt hàng phân bón không bị áp thuế sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp phân bón trong nước sẽ không có cơ hội để đầu tư thêm dây chuyền máy móc phục vụ cho sản xuất. Vì khi đầu tư sẽ phải nhập khẩu máy móc, thiết bị và phải nộp thuế GTGT cho đầu vào mà không được khấu trừ, không được hoàn lại cho nên nó tích tụ và dồn vào giá thành.

Một hệ lụy khác là khi mặt hàng phân bón không bị áp thuế sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp phân bón trong nước sẽ không có cơ hội để đầu tư thêm dây chuyền máy móc phục vụ cho sản xuất. Vì khi đầu tư sẽ phải nhập khẩu máy móc, thiết bị và phải nộp thuế GTGT cho đầu vào mà không được khấu trừ, không được hoàn lại nên tích tụ và dồn vào giá thành.

Do đó, việc áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón là một bước đi cần thiết để tạo sự công bằng giữa sản phẩm trong nước và nhập khẩu. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh mà còn tăng thu ngân sách Nhà nước. Khi doanh nghiệp được khấu trừ GTGT đầu vào, giá thành sản phẩm sẽ giảm, mang lại lợi ích trực tiếp cho người nông dân và toàn bộ chuỗi giá trị nông nghiệp.


Nông dân vùng cao giúp nhau nhổ mạ chuẩn bị gieo cấy (ảnh: Thông Thiện)

PV: Một số chuyên gia cho rằng, nên áp thuế 0% đối với mặt hàng phân bón. Xin ông cho biết quan điểm của mình?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Riêng với điều này thì tôi kịch liệt phản đối. Tôi cũng xin nhấn mạnh luôn là đừng đưa ra ý tưởng đánh thuế GTGT 0% đối với hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước và được tiêu dùng trong nội địa. Trên thế giới không nước nào làm như vậy. Người ta chỉ đánh thuế GTGT 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Nếu các nhà làm chính sách vẫn muốn áp thuế 0%, theo tôi có 3 điều thiệt: Thứ nhất, ngân sách Nhà nước đã không thu được thuế, lại còn phải hoàn thuế đầu vào cho doanh nghiệp. Thứ hai, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam, nếu áp thuế suất 0%, Nhà nước phải hoàn thuế đầu vào cho họ, như vậy là chính sách hỗ trợ cho cả doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thứ ba, nếu áp thuế 0%, nông dân cũng không hạ được giá thành sản xuất vì không doanh nghiệp nào giảm giá bán nhờ được hoàn thuế, mà người ta bán theo giá thị trường.

PV: Vậy theo ông nên áp thuế như thế nào sẽ hợp lý, khoa học?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Đối với mặt hàng phân bón (và có thể là máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn chăn nuôi…) áp thuế 5% như trước đây là hợp lý. Cũng có ý kiến cho rằng, nên áp thuế suất 10% vì ngân sách Nhà nước thu được thuế từ phân bón, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu rất lớn. Nhưng toàn bộ số tiền thuế này được cộng vào giá bán, nông dân sẽ phải chịu thuế.

Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp kể từ năm 2023 là chính sách rất nhân văn đối với nông dân, nhưng trên thực tế, số thuế miễn hằng năm không nhiều. Mỗi nông dân được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp không đáng kể, trong khi với tư cách là người tiêu dùng, nông dân phải nộp tất cả các loại thuế khi mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Vì thế, để bảo đảm tính nhân văn, thực hiện chủ trương hỗ trợ nông dân - đối tượng yếu thế nhất trong xã hội và tăng sức cạnh tranh của nông sản, áp mức thuế suất cho phân bón 5% là hợp lý nhất. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn với nhau một điều rằng, khi áp thuế 5%, giá phân bón cũng cần phải giảm tương ứng, dĩ nhiên còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác như giá thế giới, hay giá nguyên liệu đầu vào... Lâu nay doanh nghiệp không được khấu trừ đầu vào nhưng khi áp thuế 5% thì doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi, do đó giá cả cũng cần phải thay đổi.

Việc này cần phải có sự giám sát của Quốc hội, của các cơ quan chức năng, của bà con nông dân... Nếu khi áp thuế GTGT 5% mà giá phân bón vẫn không giảm thì cần câu trả lời thỏa đáng của doanh nghiệp, thậm chí có thể mở các cuộc thanh tra, kiểm tra...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Áp thuế GTGT 5% mặt hàng phân bón không chỉ giúp doanh nghiệp sản xuất trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh mà còn tăng thu ngân sách Nhà nước. Khi doanh nghiệp được khấu trừ GTGT đầu vào, giá thành sản phẩm sẽ giảm, mang lại lợi ích trực tiếp cho người nông dân và toàn bộ chuỗi giá trị nông nghiệp.

 Minh Tiến


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​