Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 gian nan đã trải
Ngay khi Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng thông báo chấp thuận nghiệm thu có điều kiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới đã ngay lập tức trở lại dự án để tìm hiểu mốc son đặc biệt này, cũng để hiểu thêm về những gian nan đã trải của dự án

CBCNV Phân xưởng Bảo dưỡng Sửa chữa NMNĐ Thái Bình 2 ra quân triển khai tiểu tu lần đầu nhà máy

CBCNV Phân xưởng Bảo dưỡng Sửa chữa NMNĐ Thái Bình 2 ra quân triển khai tiểu tu lần đầu nhà máy

Mốc son đặc biệt

Theo chân đoàn công tác kiểm tra công tác an toàn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đến NMNĐ Thái Bình 2, chứng kiến nhà máy sản xuất điện ổn định với công suất được huy động 100%, mọi thành viên trong đoàn không khỏi bồi hồi. Với một dự án được người dân Thái Bình chờ mong, được sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị của Petrovietnam và sự quan tâm của Chính phủ để hồi sinh, sự kiện này đặc biệt ý nghĩa.

Vừa nhìn thấy phóng viên, anh Hồ Hữu Triển - Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Dầu khí (QLDA NĐDK) Thái Bình 2 đã chia sẻ: “COD (ngày vận hành thương mại) là thành quả sau bao ngày mong đợi của toàn bộ anh em làm dự án!”.

Rồi như đọc được những thắc mắc của tôi, anh Triển giải thích cặn kẽ vì sao dự án lại “nghiệm thu có điều kiện”. Thực tế, Dự án NMNĐ Thái Bình 2 có 3 hạng mục không triển khai gồm: Bãi thải xỉ, cảng dầu nhập HFO và khu neo đậu tàu khi nhập than.

Trong đó, bãi thải xỉ gồm 12,8 ha để xử lý tro xỉ theo thiết kế ban đầu của nhà thiết kế bản quyền, nhưng theo chỉ đạo mới nhất của Chính phủ là hạn chế lưu cữu tro xỉ, Ban QLDA và lãnh đạo nhà máy đã phối hợp tìm ra giải pháp bán đấu giá tro xỉ. Sự thành công này giúp xử lý sớm tro xỉ cũng như cắt giảm hạng mục xây dựng bãi thải. Đến nay, Ban QLDA đã làm việc với tỉnh Thái Bình, trả lại phần diện tích đất này.

Về cảng nhập dầu HFO, theo thiết kế ban đầu, cảng có công dụng cấp thẳng dầu từ tàu vận chuyển vào các bồn chứa của nhà máy, phục vụ cho công tác chạy thử cũng như vận hành nhà máy. Khi nhà máy vận hành chạy thử, dầu HFO được nhập bằng đường sông, qua cảng tạm. Sau này nhập bằng đường bộ và thay dầu HFO bằng dầu DO là loại dầu nhẹ hơn và phát thải thấp hơn, lại có tính cơ động và phù hợp thực tế hoạt động sản xuất của nhà máy. Sau khi xem xét kỹ càng, Tập đoàn quyết định không đầu tư cảng nhập dầu.

Cuối cùng là khu neo đậu tàu bè nhập than, theo hợp đồng cung cấp than ban đầu, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ cấp than ngay tại cảng (Quảng Ninh), sau này hai Tập đoàn đã bàn bạc phối hợp cung cấp than tại bãi phối trộn chỉ cách nhà máy 3km. Đồng thời phương tiện cấp than không sử dụng tàu lớn mà chuyển sang sử dụng sà lan nên việc xây dựng khu neo đậu tạm thời cho tàu thuyền chở than cũng không cần thiết. Trong trường hợp bất khả kháng, trong Trung tâm Điện lực Thái Bình cũng đã xây dựng một khu neo đậu tạm thời NMNĐ Thái Bình 2 có thể sử dụng. Bởi vậy việc cắt giảm hạng mục đầu tư này cũng hoàn toàn hợp lý, giảm chi phí cho Nhà nước.

Theo quy định nếu muốn điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án (giảm hay tăng) đều phải trình các cấp chức năng phê duyệt. Và ở đây là sự điều chỉnh thiết kế dự án theo hướng tối ưu, làm lợi cho dự án mà thực tế là tránh lãng phí tiền của Nhà nước nên phương án đã được Hội đồng Kiểm tra Nhà nước chấp thuận.

Các hạng mục đang triển khai xây dựng cũng được thực hiện khẩn trương và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy. Đơn cử như hạng mục Kho than số 3, theo thiết kế sức chứa than cả 3 kho sẽ cung ứng đủ than cho nhà máy vận hành 100% công suất trong 28 ngày trong trường hợp không có than. Thực tế tại Thái Bình 2, tổng sức chứa của kho than số 1 và số 2 đã và đang đáp ứng đủ lượng than cho nhà máy vận hành 100% công suất trong vòng 22 ngày. Chưa kể, hệ thống vận chuyển than còn có băng chuyền, hút than thẳng từ cầu cảng lên lò đốt. Bởi vậy, việc xây dựng Kho than số 3 là phương án dự phòng, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất điện hiện thời của nhà máy.

Ngày 9-7-2024, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước đã ra thông báo chấp thuận nghiệm thu có điều kiện của Chủ đầu tư đối với Dự án NMNĐ Thái Bình 2. Ngay lập tức, Ban QLDA đã gửi công văn công bố cho bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về ngày đủ điều kiện pháp lý theo hợp đồng mua bán điện (PPA). Đúng 10 ngày sau, ngày 19-7-2024, EVN đã xem xét, đạt thành “nhận thức chung” và “chốt công tơ” chính thức vận hành thương mại của NMNĐ Thái Bình 2.

Đúng 11 giờ 52 phút ngày 1-8-2024, Tổ máy số 1 NMNĐ Thái Bình phát điện lên lưới thành công, chính thức tham gia thị trường điện cạnh tranh
Đúng 11 giờ 52 phút ngày 1-8-2024, Tổ máy số 1 NMNĐ Thái Bình phát điện lên lưới thành công, chính thức tham gia thị trường điện cạnh tranh

Thiên biến, vạn biến

Người viết bài này còn nhớ như in một lần đi kiểm tra tiến độ dự án, lãnh đạo Petrovietnam có nói: “Dự án này không biết nên gọi là gì”. Thú thật rằng, khi đó tôi vẫn chưa hiểu hết được lời này, đến hôm về tìm hiểu quá trình COD nhà máy mới được anh Triển lý giải.

Ban đầu Dự án NMNĐ Thái Bình 2 được triển khai theo hợp đồng EPC trọn gói. Nếu được thực hiện, Ban QLDA sẽ không cần phải can thiệp đến quá trình triển khai dự án mà chỉ giám sát, phối hợp cùng Tổng thầu thực hiện các thủ tục giấy tờ hợp pháp. Nhưng đến tháng 12-2013, dự án được đưa vào diện nguồn điện cấp bách theo Quyết định 2414/QĐ-TTg để đẩy nhanh tiến độ. Theo đó, hợp đồng EPC lại được tách làm hai với các gói thầu chính về công nghệ, thiết kế, thiết bị chính (nước ngoài)… theo hình thức trọn gói. Còn lại các gói thầu trong nước như xây dựng, lắp đặt, thiết bị… lại bóc tách khối lượng, giá điều chỉnh theo trong nước. Chính vì thế, phải đến năm 2016 mới xây dựng được phụ lục các hạng mục điều chỉnh, hồ sơ khối lượng và giá liên tục điều chỉnh. Vậy nên những người làm Dự án NMNĐ Thái Bình 2 phải làm tới 2 lần trong một dự án.

Anh Triển cho biết thêm: “Cứ tính nôm thế này, một lần điều chỉnh giá với hàng trăm hạng mục, mỗi hạng mục lại có hàng chục mốc tiến độ thì mỗi gói thầu sẽ có hàng trăm “biến”. Chưa hết, nếu chủ đầu tư và tổng thầu, các nhà thầu mỗi bên lại đưa ra những luận cứ tính giá khác nhau thì có thể lên đến ngàn biến, vạn biến… Chính vì vậy, để tránh “cãi nhau”, chủ đầu tư dự án cũng cần phải thuyết phục tổng thầu, các nhà thầu phụ để sao cho đủ lý, đủ tình mới có thể xác định được tổng thể chi phí rồi tiến tới quyết toán toàn bộ dự án. Đó là chưa tính đến chuyện vì dự án kéo dài, nhiều nhà thầu không thể theo được đã mang theo hồ sơ “bỏ của chạy lấy người”. Để bổ sung đầy đủ hồ sơ của dự án, không còn cách nào khác là đi hỏi han, tìm đầu mối rồi thuyết phục để ký tá hoàn thiện...”.

Có thể thấy rằng, Dự án NMNĐ Thái Bình 2 càng về cuối thì càng ít hoạt động, những việc đã tồn đọng trong một thời gian dài thì việc xử lý lại càng khó khăn và phức tạp. Với những gian nan đã trải qua, các cán bộ, công nhân viên có quyền tự hào về đóng góp, nỗ lực để hồi sinh nhà máy của mình!

NMNĐ Thái Bình 2 được Chi nhánh Phát điện Dầu khí tiếp nhận, chính thức thực hiện công tác quản lý tài sản, khai thác, vận hành, bảo dưỡng sửa chữa từ ngày 1-7-2023. Tính đến 24h ngày 18-7-2024, tổng sản lượng điện NMNĐ Thái Bình 2 đã phát lên lưới điện quốc gia là 7,63 tỉ kWh.

Thành Công


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​