Khi Luật số 71/2014/QH13 (Luật thuế 71) có hiệu lực (năm 2015), mặt hàng phân bón chuyển từ đối tượng chịu thuế VAT 5% sang đối tượng không chịu thuế VAT. Việc này nghe qua tưởng như sẽ có lợi cho nông dân, giá phân bón sẽ giảm. Thế nhưng, thực tế gần 10 năm qua đã chứng minh một kết quả hoàn toàn ngược lại, giá phân bón không chỉ không giảm như kỳ vọng mà còn tăng lên.
Chính vì vậy mà ngay sau đó, tức là suốt gần 10 năm qua, rất nhiều ý kiến kiến nghị nên đưa phân bón về đối tượng chịu thuế VAT 5% như thời điểm trước Luật thuế 71 với mục tiêu mang lại lợi ích cho nông nghiệp, nông dân vì giá phân bón sẽ giảm.
Các chuyên gia phân tích, khi áp thuế VAT 5% đối với phân bón thì nông nghiệp và nông dân được hưởng lợi so với quy định hiện hành là không chịu thuế.
Câu hỏi đặt ra là vì sao khi phân bón áp thuế VAT 5% thì giá lại giảm và ngược lại?
Thứ nhất, theo luật hiện hành thì phân bón không chịu thuế VAT, nhưng thực chất trong giá bán sản phẩm phân bón hiện nay đã bao gồm khoản thuế VAT đầu vào, thường ở mức thuế suất 10%. Đây là khoản thuế mà doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón phải nộp cho Nhà nước khi mua máy móc, nguyên vật liệu trong nước để sản xuất phân bón.
Vậy tại sao giá bán lại có khoản thuế này?
Quay lại thời điểm trước đây (trước khi Luật thuế 71 có hiệu lực), sản xuất phân bón chịu thuế đầu vào chủ yếu là 10%, thuế đầu ra 5%, tuy nhiên thuế đầu vào được khấu trừ và thậm chí được hoàn thuế vì mức thuế này cao hơn thuế đầu ra. Thế nhưng giờ đây, khi áp dụng theo Luật thuế 71 thì DN không được khấu trừ thuế đầu vào, mà phải hạch toán vào chi phí. Điều này khiến cho chi phí sản xuất kinh doanh của các DN phân bón tăng lên đáng kể, kéo theo giá bán cuối cùng cho nông dân cũng tăng.
Nói một cách dễ hiểu là lúc này doanh nghiệp ứng trước cho Nhà nước khoản thuế VAT đầu vào, và sau đó thu lại từ nông dân khi bán hàng. Cuối cùng, chính nông dân phải gánh khoản thuế VAT đầu vào 10% này.
Trái lại, nếu chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế VAT 5%, thì khoản thuế đầu vào nói trên sẽ được Nhà nước hoàn trả cho DN, còn Nhà nước thu của nông dân 5% thuế VAT đầu ra.
Cụ thể, giá bán sản phẩm phân bón được cấu thành từ phần giá chưa VAT (phần này thuộc về DN) cộng với thuế VAT (phần của Nhà nước), nên khi áp thuế 5% thì giá bán sẽ thấp hơn so với trước kia khi không áp thuế VAT đầu ra, nhưng phải chịu thuế VAT đầu vào 10%. Do đó có thể khẳng định khi áp thuế VAT 5%, giá phân bón chắc chắn sẽ giảm.
Và khi người nông dân nộp thuế 5% thì thực tế đang nộp thuế ít hơn so với khi phân bón không chịu thuế VAT. Như vậy, chính nông dân là người hưởng lợi.
Không những thế, nếu xét trong cùng một thời điểm, trong những điều kiện như nhau, thì áp thuế VAT 5% sẽ khiến giá bán tới nông dân thấp hơn, có lợi cho nông dân hơn là không áp thuế VAT. Bởi vì giá hàng hóa cấu thành từ hai phần: giá bán chưa thuế VAT (giá này phụ thuộc vào mặt bằng giá trên thị trường thế giới và trong nước) và thuế VAT. Như đã phân tích ở trên, việc nộp thuế VAT đầu ra 5% thấp hơn so với việc chịu khoản thuế VAT đầu vào 10%.
Còn đối với doanh nghiệp thì trong cả hai trường hợp có thuế VAT hay không áp thuế VAT đều chỉ thu về đúng phần của họ, không hơn không kém.
Khi áp thuế VAT 5%, người nông dân được hưởng lợi vì giá phân bón giảm. (Ảnh: Đại diện Phân bón Phú Mỹ và nông dân thăm cánh đồng mẫu tại Long An)
Song nhiều chuyên gia kinh tế thị trường cũng nhấn mạnh thêm rằng, việc xem xét điều chỉnh chính sách thuế VAT đối với phân bón còn liên quan đến một vấn đề quan trọng không kém, đó là việc lập lại sân chơi bình đẳng cho hàng trong nước và hàng nước ngoài.
Theo quy định hiện thời, giá phân bón trong nước phải gánh khoản thuế VAT đầu vào, trong khi hàng nhập khẩu hoàn toàn không chịu thuế VAT nào, cả ở nơi sản xuất lẫn tại Việt Nam. Cho nên hàng nhập khẩu hiện nay có lợi thế về giá hơn hẳn, khiến phân bón sản xuất trong nước chật vật cạnh tranh, thua thiệt ngay trên sân nhà.
Quan trọng hơn, nếu tình trạng này kéo dài, các nhà đầu tư sẽ ngần ngại khi đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước, đặc biệt là các dự án có công nghệ cao do một phần không được hoàn thuế VAT và một phần do không có lợi thế cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Điều này dẫn tới tình trạng ngành sản xuất phân bón trong nước có nguy cơ đi thụt lùi và hậu quả cuối cùng là nguy cơ mất an ninh nông nghiệp.
Trong khi đó, nếu áp thuế VAT phân bón 5% thì cả hàng trong nước và hàng nhập khẩu đều được đưa về một mặt bằng chung, đảm bảo cạnh tranh công bằng, từ đó tạo động lực cho ngành phân bón trong nước phát triển, thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp nước nhà.
L.Trúc