Hướng đến sự minh bạch trong công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán các hoạt động dầu khí
Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động khai thác, thăm dò, tìm kiếm, Luật Dầu khí năm 2022 còn hướng đến việc đảm bảo minh bạch, dễ hiểu, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế trong công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán các hoạt động dầu khí.

Một trong những điểm mới của Luật Dầu khí năm 2022 là đã bổ sung, hoàn thiện quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí. Đây là một bước tiến lớn trong việc đảm bảo các hoạt động dầu khí tại Việt Nam được triển khai hiệu quả cũng như phù hợp với đặc thù ngành Dầu khí và tiệm cận với thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế. Đồng thời, góp phần tăng tính minh bạch, đảm bảo hiệu quả tài chính của các hoạt động dầu khí.

Cụ thể, Luật Dầu khí năm 2022 quy định công tác kế toán, kiểm toán đối với hợp đồng dầu khí tuân thủ pháp luật về kế toán, kiểm toán Việt Nam và phù hợp với thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế (Điều 56); Bổ sung các quy định về quyết toán dự án dầu khí, cụ thể: quyết toán chi phí trong hoạt động dầu khí được nhà thầu tiến hành sau khi hoàn thành công việc theo từng khoản mục, hạng mục và từng giai đoạn trong hợp đồng dầu khí hoặc khi kết thúc dự án dầu khí, dự án thành phần của dự án dầu khí (Điều 57).

Hoạt động khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ

Trong dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí cũng dành một chương riêng cho công tác kế toán, kiểm toán và quyết toán (Chương XI) với 3 điều hướng đến việc đảm bảo minh bạch, dễ hiểu trong công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán các hoạt động dầu khí.

Theo quy định hiện hành, đối với các dự án khác (sử dụng vốn đầu tư công, sử dụng vốn nước ngoài đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư), công tác quyết toán thực hiện theo quy định tại: Nghị định 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ, Thông tư số 10/2020/TT-BTC ngày 20/2/2020 của Bộ Tài chính, Thông tư số 108/2021/TT-BTC ngày 8/12/2021 của Bộ Tài chính. Theo đó, công tác quyết toán chỉ thực hiện đối với chi phí đầu tư là toàn bộ chi phí hợp pháp thực hiện trong quá trình đầu tư để đưa dự án vào khai thác, sử dụng. Chi phí hợp pháp là toàn bộ các khoản chi phí thực hiện trong phạm vi dự án, dự toán được duyệt và hợp đồng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật (đối với những công việc thực hiện theo hợp đồng) kể cả phần điều chỉnh, bổ sung được duyệt theo quy định và đúng thẩm quyền. Chi phí đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư được duyệt hoặc được điều chỉnh, bổ sung theo quy định của pháp luật.

Cho đến thời điểm hiện nay, quy định về công tác quyết toán không có trong nội dung của hợp đồng dầu khí cũng như Luật Dầu khí hiện hành nên không phải là một nghĩa vụ của Nhà thầu. Tuy nhiên, thực tế triển khai, khi kết thúc giai đoạn tìm kiếm thăm dò hoặc kết thúc dự án phát triển (được thực hiện theo kế hoạch phát triển mỏ hoặc kế hoạch phát triển mỏ điều chỉnh được cấp thẩm quyền phê duyệt) hoặc kết thúc hợp đồng/chấm dứt hợp đồng (không kể thành công hay không thành công), Petrovietnam (với tư cách là đại diện nước chủ nhà) và nhà thầu đều thực hiện công tác rà soát việc thực hiện từng hạng mục công việc và chi phí tương ứng để xác định mức độ hoàn thành theo các cam kết/chương trình công việc/kế hoạch phát triển đã được phê duyệt, tương tự như các văn bản kể trên. Ngoài ra, theo quy định của hợp đồng dầu khí, Petrovietnam (với vai trò là đại diện nước chủ nhà) thực hiện kiểm toán báo cáo chi phí hằng năm của từng dự án làm cơ sở xác định chi phí thu hồi. Do vậy, nếu mục tiêu của việc quyết toán chi phí hoạt động dầu khí hằng năm như quy định trong dự thảo chỉ để xác nhận tính hợp lý, hợp lệ đối với chi phí cộng dồn của cả dự án/hợp đồng dầu khí từ khi bắt đầu cho tới khi kết thúc/chấm dứt, sẽ không khác yêu cầu đối với kiểm toán chi phí, không phản ánh được bản chất của công tác quyết toán.

Căn cứ vào các quy định hiện tại áp dụng đối với các lĩnh vực khác và thực tế trong lĩnh vực hoạt động dầu khí, công tác quyết toán chỉ nên thực hiện đối với chi phí đầu tư và tài liệu để làm căn cứ quyết toán bao gồm: kết quả kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm do Petrovietnam thực hiện; chương trình công tác và ngân sách đã được phê duyệt trong khoảng thời gian tương ứng; phê duyệt của cấp có thẩm quyền (đối với chương trình tìm kiếm thăm dò, kế hoạch phát triển mỏ/kế hoạch phát triển mỏ điều chỉnh…) đối với các dự án/hợp đồng dầu khí.

Với những quy định đảm bảo rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, tiệm cận với thông lệ quốc tế sẽ giúp cho công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán trong các hoạt động dầu khí được triển khai thuận lợi, hiệu quả, từ đó mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào các dự án dầu khí trong tương lai với sự tham gia của các nhà thầu dầu khí trong khu vực và trên thế giới.

Khánh An


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​