Covid - 19 : Những tác động, hệ lụy và giải pháp ứng phó (Kỳ3)
TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH BỆNH COVID-19 ĐỐI VỚI THẾ GIỚI (Tác động đến Việt Nam)

2.1. Tác động đến kinh tế - xã hội

Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, dịch bệnh COVID-19 có tác động rất mạnh, thậm chí là nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội Việt Nam bởi tác động của nó là nhiều chiều lên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội; với 3 tác động chính vào tăng trưởng, đầu tư và thương mại; gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng tác động lớn đến dịch vụ và du lịch. Cụ thể, sự tác động đối với từng lĩnh vực như sau: 

2.1.1. Đối với ngành chế tạo

Các ngành và doanh nghiệp chế tạo của Việt Nam (chiếm 16% GDP) đang chịu áp lực nặng nề từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng tại khu vực kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ tại Trung Quốc, bởi quốc gia láng giềng hay “công xưởng của thế giới này” là nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng và là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, chỉ sau thị trường Mỹ. Việc thiếu nguyên liệu đầu vào do kinh tế Trung Quốc thu hẹp và việc Trung Quốc tạm thời đóng cửa biên giới thời gian vừa qua, cộng với việc Trung Quốc “khóa chặt” nhiều tỉnh/thành phố để hạn chế dịch lây lan, sẽ ảnh hưởng lớn đến các ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020.Dịch bệnh cũng làm ảnh hưởng đến một số dự án, doanh nghiệp do Trung Quốc làm chủ thầu hoặc chủ đầu tư sử dụng số lượng lớn chuyên gia và lao động Trung Quốc do bị hạn chế trở lại Việt Nam phòng lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp FDI lớn, như Samsung, LG, Formosa, Apple, Toyota, Honda,… đã gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu và nhân lực đầu vào nhập từ Trung Quốc, nếu tồn kho và nguồn thay thế hạn chế. Để khắc phục khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp lớn, như Samsung đã phải thuê máy bay chở linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam để tránh gián đoạn chuỗi cung ứng.Các chuyên gia Fitch Solutions nhận định, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gặp khó khi tìm kiếm nguồn hàng hóa đầu vào thay thế trong thời gian ngắn. Điều này sẽ khiến cho xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc nói riêng và với thế giới nói chung sa sút và càng khiến tình trạng thất nghiệp hoặc nghỉ việc tạm thời do thiếu nguyên liệu sản xuất trầm trọng hơn .

2.1.2. Giao thương quốc tế

Sự sa sút về kinh tế cũng như đóng cửa biên giới tạm thời của Trung Quốc cũng tác động làm gián đọan quan hệ giao thương của nước này với thế giới, trong đó có Việt Nam. Tình trạng XNK bị đình trệ khiến thuế XNK, một nguồn thu ngân sách quan trọng, cũng bị tác động rõ rệt. Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 2, số thu từ hoạt động XNK đạt 23.700 tỷ đồng, giảm hơn 2.300 tỷ đồng so với tháng 1, bình quân mỗi ngày số thu 2 tháng đầu năm nay khoảng 1.308 tỷ đồng, ít hơn 150 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết KNXNK các mặt hàng có số thu lớn (máy móc, thiết bị, sắt thép, xăng dầu,...) đều giảm. Trong đó, ôtô nguyên chiếc các loại ghi nhận lượng sụt giảm kỷ lục nhất khi tháng 2 chỉ có 6.000 xe được nhập về, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2019. Mặt hàng xăng dầu nhập khẩu cũng giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019, khi chỉ đạt 650.000 tấn. Ngoài ra, máy móc, thiết bị, phụ tùng có giá trị nhập khẩu 2,5 tỷ USD, giảm gần 4% so với tháng 1. Sắt thép nhập khẩu các loại cũng giảm gần 9% sản lượng, chỉ đạt 900.000 tấn. Năm 2020, số thu ngân sách được giao của hải quan là 338.000 tỷ đồng, như vậy mỗi tháng phải thu gần 28.200 tỷ. Tuy nhiên, với số thu sụt giảm trong 2 tháng đầu năm, để đạt kế hoạch, dự kiến bình quân mỗi tháng còn lại hải quan phải thu 28.830 tỷ đồng . 

2.1.3. Ngành du lịch 

Có thể nói, ngành du lịch là ngành chịu tác động nghiêm trọng nhất do lượng du khách từ nước ngoài, cũng như du lịch nội địa sẽ bị hạn chế do lo ngại sự lây lan của dịch Covid-19. Theo Tổng cục Du lịch, ngành du lịch Việt Nam ước tính sẽ thiệt hại trong “khoảng từ 6-7 tỉ USD” trong 2 quý đầu năm bởi riêng du khách Trung Quốc, sẽ giảm 90-100%. Ngoài Trung Quốc, theo ước tính của các cơ quan chức năng, số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào Việt Nam cũng sẽ giảm mạnh, khoảng 50%-60% trong giai đoạn có dịch. Tuy nhiên, con số thiệt hại ước tính trên mới chủ yếu dựa trên những dự báo về số liệu thiếu hụt khách nhân với mức chi tiêu bình quân, chứ chưa tính đến thiệt hại từ việc “kiệt sức” của các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, chính là những đối tượng chịu tác động mạnh nhất, lớn nhất hiện nay. Đó là các doanh nghiệp lữ hành, các công ty đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch (cơ sở lưu trú như các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, hệ thống dịch vụ nhà hàng, khu vui chơi giải trí,...). Đồng thời, ngành du lịch có tác động đa ngành, nên nếu phát triển mạnh thì có thể kéo theo rất nhiều ngành nghề khác đi lên. Ngược lại, nếu du lịch “hắt hơi” thì các lĩnh vực khác sẽ “sổ mũi” theo. Nên thiết nghĩ, sẽ không thể tính được tất cả những thiệt hại của ngành du lịch và chắc chắn sẽ vượt hơn nhiều con số 7 tỉ USD mà Tổng cục Du lịch ước tính. Không những thế, con số thiệt hại này được đưa ra khi dịch Covid-19 mới chủ yếu hoành hành ở Trung Quốc (khoảng đầu tháng 2), còn nay nó đã lan rộng thành đại dịch toàn cầu, Việt Nam đã ngưng vận chuyển hàng không và tạm ngừng xuất nhập cảnh đến hàng chục quốc gia, và con số lây nhiễm tại Việt Nam đã lên đến hơn 90 ca trải rộng ra nhiều địa phương trong cả nước, thì tác động và thiệt hại của ngành du lịch còn lớn hơn rất nhiều. Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân Việt Nam (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp du lịch sẽ phá sản. . 

2.1.4. Giao thông vận tải

Sau du lịch, giao thông vận tải, nhất là hàng không, là ngành phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất do dịch Covid-19 từ Trung Quốc. Việc dừng bay tới Trung Quốc khiến các hãng hàng không Việt Nam bị giảm 5,1 triệu khách, chiếm 62% thị phần của thị trường 8,1 triệu khách này (năm 2019). Với các thị trường khác, từ cuối tháng 3, các hãng Việt Nam đã cắt giảm gần 100% chuyến bay quốc tế. Trong khi đó, năm 2019 các hãng Việt Nam vận chuyển 554.000 khách, chiếm 32% thị phần Hồng Kông; chở 1,7 triệu khách, chiếm 52% thị phần đường bay Việt Nam - Đài Loan; chở 3,1 triệu khách, chiếm 33% thị phần Hàn Quốc; và chở 2,1 triệu khách, chiếm 73% thị phần Nhật Bản. Ngoài ra, trên đường bay quốc tế đến châu Âu, Australia và Đông Nam Á, tình trạng cũng tương tự như vậy.

Từ những diễn biến phức tạp trên, Cục Hàng không nhận định, các hãng hàng không Việt Nam có thể thất thu khoảng 30.000 tỉ đồng trong năm 2020. Trong đó, Vietnam Airlines dự kiến giảm 12.500 tỉ đồng, Jetstar Pacific dự kiến giảm khoảng 732, 8 tỉ đồng .Nói về thiệt hại của ngành, ông Dương Chí Thành, Tổng Giám đốc VNA, cho biết, “Ngành hàng không sẽ phải đối mặt với bước lùi 3-4 năm. Sau mấy năm phấn đấu, tích lũy bây giờ có thể về lại con số 0” .

Không riêng gì ngành hàng không, ngành vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải cũng chịu tác động khá tiêu cực. Đội tàu của Vinalines chủ yếu hoạt động trên các tuyến Đông Nam Á, Đông Bắc Á, trong đó sản lượng và doanh thu liên quan đến thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 30%,... Ngoài việc ảnh hưởng đến các tuyến khai thác đi và đến Trung Quốc, dịch bệnh còn ảnh hưởng chung đến toàn bộ thị trường vận tải biển khu vực cũng như trên toàn thế giới, khan hiếm nguồn hàng, tiền cước, sự gia tăng ngày tàu chờ/chạy rỗng dẫn tới sự tăng vọt về chi phí,…

Đối với lĩnh vực khai thác cảng biển, sản lượng hàng thông qua các cảng của Vinalines hàng năm khoảng trên 100 triệu tấn, trong đó lượng hàng từ Trung Quốc, Đài Loan chiếm khoảng 35-40% tổng sản lượng, nhưng do tàu không cập cảng, thời gian neo tàu dài và không có hàng dẫn tới các doanh nghiệp cảng biển cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Dự kiến 6 tháng đầu năm, sản lượng khối cảng biển toàn Tổng công ty ước tính giảm gần 19 triệu tấn, doanh thu ước giảm 992 tỷ đồng và giảm khoảng 224 tỷ đồng lợi nhuận. Sản lượng vận tải của đội tàu Vinalines giảm 10 - 15%, doanh thu giảm khoảng 600 tỷ đồng và lỗ toàn đội tàu sẽ tăng thêm khoảng 500 tỷ đồng, đặc biệt là đối với nhóm tàu đóng mới bằng nguồn vốn vay - việc trả nợ gốc và lãi vay đối với các khoản nợ và các ngân hàng thương mại là vô cùng khó khăn. Thậm chí, theo đại diện Vinalines, “Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài đến giữa quý II/2020, nhiều khả năng hầu hết đội tàu của Vinalines sẽ phải dừng hoạt động, dẫn tới không có dòng tiền trả nợ và chi phí duy trì đội tàu” .

2.1.5. Nông nghiệp và thị trường hàng nông sản

Thương mại hàng nông sản của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề do Trung Quốc là thị trường lớn, chiếm 24% tổng giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Dịch bệnh đã khiến kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 1/2020 bị giảm tới 14%. Những ngày cuối tháng 1 và đầu tháng 2 sau Tết Nguyên đán, con đường thông thương bị đóng cửa, thương mại giữa hai nước ngưng trệ. Hậu quả là, hết tháng 1/2020, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản ước chỉ đạt 3 tỷ USD, bằng 84,3% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó có một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ (các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 42 triệu USD, bằng 93,6%; xuất khẩu thủy sản ước đạt 644 triệu USD, bằng 87,5%, xuất khẩu lâm sản chính ước đạt 883 triệu USD, bằng 84,4%). Hầu hết các sản phẩm trái cây chủ lực, nhất là thanh long, dưa hấu là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến, đang gặp rất nhiều khó khăn, tồn đọng hàng chục nghìn tấn. Mặc dù cuối tháng 3, hai bên đã cố gắng đẩy mạnh tiến độ thông quan, song vẫn còn tình trạng ùn ứ do 2 bên phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, có thể khẳng định, ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tới lĩnh vực nông nghiệp, nhất là xuất khẩu nông sản, là rất lớn. Ảnh hưởng này không chỉ là trước mắt, mà có thể còn kéo dài, bởi dịch bệnh chưa biết bao giờ mới dừng lại .

2.1.6. Lao động, việc làm

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại cuộc họp ngày 24/3 sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, cả nước xác nhận được 9,2 triệu người có công, trong đó trên 1,3 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. Các chính sách việc làm, thu nhập và giảm nghèo, bình quân hằng năm đã giải quyết việc làm trong nước cho 1,5 - 1,6 triệu người, đưa trên 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỉ lệ thất nghiệp luôn duy trì ở mức thấp, khoảng 2% - 2,2%, tỉ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3,5%. Tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội lên khoảng 574.000 người. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 85,3 triệu người, chiếm 90% dân số… 

Tuy nhiên, ở Việt Nam, công tác phòng, chống dịch đã bước sang giai đoạn mới với nhiều thách thức lớn. Một loạt lao động trong khu vực kinh tế tư nhân đang chịu cảnh nghỉ không lương hoặc phải giãn, giảm thời gian làm việc, thu nhập giảm sút, không được đóng bảo hiểm xã hội trong tháng cao điểm dịch Covid-19 vì hầu như doanh nghiệp không có việc làm .

Theo Cục Thuế Hà Nội, 2 tháng đầu năm 2020 có hơn 2.600 hộ kinh doanh giải thể, bỏ kinh doanh và 6.400 hộ kinh doanh nghỉ kinh doanh. Lượng doanh nghiệp giải thể, tạm nghỉ kinh doanh tăng từ 22% đến 37,8%. Do tác động của Covid-19 và chính sách hạn chế đồ uống có cồn, Hà Nội có hơn 3.400 đơn vị, hộ kinh doanh giải thể, tạm nghỉ kinh kinh doanh. Tổng Công ty Vận tải Hà Nội là đơn vị 100% vốn Nhà nước với 26 đơn vị thành viên, bị tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19, cả 4 lĩnh vực hoạt động gồm: Lĩnh vực vận tải xe buýt; vận tải liên tỉnh; kinh doanh các điểm, bãi đỗ xe; kinh doanh đại lý ô tô. Đặc biệt, lĩnh vực vận tải công cộng đang có khoảng 7 nghìn lao động bị ảnh hưởng. Với việc giảm tần suất trên 1 nghìn lượt xe, Tổng Công ty đang thực hiện giãn công, giãn ca, cho nghỉ phép... để vẫn thực hiện trả lương (dù giảm so với trước) cho người lao động.

Hãng hàng không Vietjet Air bị sụt giảm doanh thu từ 30 đến 50% quý I/2020; cắt giảm 30% lương của lãnh đạo; bảo đảm việc làm của người lao động nhưng phải cắt giảm giờ làm, duy trì mức lương chỉ bằng hai phần ba trước đây.

Đến ngày 23/3, cả nước đã có gần 7.000 người Việt Nam ở tâm dịch trở về nước; 700 tiếp viên hàng không, những người đang làm công việc mà nguy cơ lây nhiễm nằm trong tốp 3 nhưng vẫn đăng ký không nhận lương hoặc nghỉ không hưởng lương 2 đến 3 tháng.

Sự bùng phát và lan rộng của dịch Covid-19 và việc hạn chế nhập cư của một số quốc gia (như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,...) cũng tác động trực tiếp, làm đình trệ tình hình xuất khẩu lao động của Việt Nam. Các thị trường lớn như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, một số nước châu Âu… đã tạm dừng tiếp nhận lao động từ các nước có dịch, trong đó có Việt Nam trong thời điểm này.

Những hành động thiết thực gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp đang được tích cực triển khai, nổi bật là việc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Bộ Tài chính đang soạn thảo và trình Chính phủ ban hành nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong tháng 3/2020, với gói hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh;… Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng tích cực vào cuộc, kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp, các tổ chức thành viên của Hiệp hội đề cao trách nhiệm tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt việc kiểm soát nguồn lây từ ổ dịch trong nước và đặc biệt là từ nước ngoài; theo dõi thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng để chủ động và nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi của người lao động; tích cực tái cơ cấu bộ máy, tìm kiếm thị trường và nguồn cung ứng nguyên vật liệu mới, hạn chế thấp nhất việc lệ thuộc vào một thị trường… Đồng thời, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tích cực ủng hộ về vật chất và tinh thần, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người lao động. 

2.1.7. Giáo dục, đào tạo

Dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến ngành giáo dục - đào tạo của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.Từ khi dịch bùng phát đến nay, tất cả các trường học và cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập và tư thục đã phải dừng việc dạy và học trực tiếp.Bộ Giáo dục - Đào tạo đã phải sắp xếp lại kế hoạch các kỳ thi và đánh giá chất lượng với mọi cấp học. Theo đó, Bộ đã ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung về khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trong đó, lùi thời gian kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020; thi Trung học phổ thông quốc gia từ ngày 08/8 đến 11/8/2020. Hệ thống các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đã chủ động triển khai công tác giảng dạy, đào tạo online, E-learning để giảm bớt việc tập trung đông người, hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Một số cơ sở đào tạo có chính sách ưu đãi, giảm 15-20% học phí cho toàn bộ học sinh, sinh viên để chia sẻ gánh nặng với người học, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên và phụ huynh.

Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục dưới sự tác động của dịch Covid-19 đang gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại lớn  và các ảnh hưởng tiêu cực khó lường khác.

2.2. Tác động đến tình hình tư tưởng

Khi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam có kết quả xét nghiệm dương tính khiến cả cộng đồng lo lắng, bất an. Tuy nhiên, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua hoạt động tuyên truyền của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngày càng được nâng lên, mỗi người dân đều nêu cao ý thức tự phòng, chống dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng và cơ bản thực hiện khai báo y tế đầy đủ, trung thực. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, đại đa số nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền; không hoang mang, dao động trước những thông tin trái chiều, không chính xác. 

Bên cạnh sự căng thẳng, lo âu của toàn xã hội trước mối nguy hại, thì trong “tâm bão” của dịch bệnh, đã có rất nhiều các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và cá nhân đã có nhiều hành động đẹp và quyên góp ủng hộ đất nước trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt phải kể đến hình ảnh những người dân bình dị sẵn sàng bỏ tiền của, công sức để sản xuất, chế tạo và phát miễn phí khẩu trang, nước khử trùng cho người dân. Những hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, đầy ắp nghĩa tình của không ít người, từ em nhỏ đến người nổi tiếng đã không chỉ đóng góp một phần công sức bé nhỏ, chia sẻ cùng đồng bào, đồng loại, mà còn tạo ra hiệu ứng tích cực - nhen lên ngọn lửa yêu thương trong cộng đồng, vì mục đích: cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Mỗi hình ảnh, hành động đẹp được nhân lên từng ngày, được truyền tải qua các phương tiện truyền thông, gửi đi những thông điệp nhân văn, nghĩa tình.

 Những người ở tuyến đầu chiến đấu với dịch bệnh chính là đội ngũ y bác sĩ. Những “thiên thần áo trắng” trong bộ đồ bảo hộ “kín mít”, nhìn và đối thoại với đồng nghiệp qua ánh mắt, cử chỉ, hành động; tạm gác lại tình thân và gia đình để “trực chiến”, tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm và nghi nhiễm Covid-19. Đó còn là những nhà khoa học sẵn sàng đối diện với hiểm nguy để nuôi cấy, phát hiện cơ chế hoạt động của vi-rút, điều chế vắc-xin phòng dịch. Công việc thầm lặng của “những chiến sĩ trên tuyến đầu” chống dịch đã để lại những cảm xúc yêu thương, trân trọng của mọi người, góp phần lan tỏa tình vị tha, lòng nhân ái trong cộng đồng.

Có thể nói, những hình ảnh đẹp, những việc làm đầy ý nghĩa nhân văn, những ứng xử có trách nhiệm cao trong “chiến dịch” phòng chống Covid-19 những ngày qua, đã giúp nhân dân vững tin hơn vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước; gia tăng sức mạnh, niềm tin, tạo động lực lớn để mỗi người vượt qua khó khăn, hiểm họa, hướng đến một cuộc sống khỏe mạnh, an toàn, bình an và hạnh phúc.

Tuy nhiên, bên cạnh những hình ảnh đẹp trên thì lợi dụng việc người dân đổ xô đi mua khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, khử trùng, một số cá nhân, tổ chức đã găm hàng, tăng giá, thậm chí sản xuất khẩu trang giả, kém chất lượng để bán cho người dân với giá cao. Lợi dụng sự lan tỏa thông tin một cách nhanh chóng trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, nhiều tài khoản đã đăng tải những hoàn cảnh đáng thương rồi kêu gọi ủng hộ, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để trục lợi… Kinh doanh, trục lợi trên nỗi đau, khó khăn của xã hội, trước sinh mạng của người khác là hành vi thiếu đạo đức và cần được lên án, xử lý nghiêm để răn đe và ngăn chặn kịp thời.

Bên cạnh đó, trong những ngày qua, một số trường hợp đi từ vùng có dịch Covid-19 khi nhập cảnh vào Việt Nam đã trốn khai báo y tế, hoặc khai báo gian dối, không trung thực đã làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng và khiến các cơ quan chức năng đã rất vất vả trong việc khắc phục hậu quả . Đáng chú ý, trong quá trình tập trung mọi lực lượng chống dịch, trong sự phối hợp “tác chiến” giữa các đơn vị chức năng còn bộc lộ sự thiếu chặt chẽ trong công tác kiểm dịch để xảy ra ổ dịch lớn và nguy hiểm nhất ở bệnh viện Bạch Mai đang có nguy cơ cao lây lan cộng đồng. Từ đêm ngày 28/3, bệnh viện Bạch Mai phải phong tỏa cách ly, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm hơn 7.000 ca. Trong số 19 ca dương tính (tính đến sáng ngày 30/3/2020) bước đầu các chuyên gia y tế xác định nguồn lây nhiễm chính là từ ngoài vào Bệnh viện từ một công ty dịch vụ (chiếm 15/19 ca).Ban chỉ đạo quốc gia và thành phố Hà Nội, Bộ Y tế đang tích cực phối hợp với các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương rà soát, kiểm đếm tất cả những người đã đến Bệnh viện từ ngày 10/3 đến 29/3 để tiến hành cách ly y tế tránh lây lan diện rộng. Theo các chuyên gia với tinh thần và cách thức nhanh chóng truy xét cụ thể đến từng cá nhân như trên ổ dịch mới ở Bệnh viện Bạch Mai sẽ được ngăn chặn kịp thời (kết quả xét nghiệm 6.650/7.264 mẫu của y, bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai đều âm tính).

Một số cá nhân khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng cách ly y tế đã có các hành vi không hợp tác, từ chối, không chấp hành cách ly gia đình tại địa phương ra sân bay Nội bài lên máy bay định sang Anh, bỏ trốn khỏi nơi cách ly tập trung, buộc lực lượng chức năng phải cử người theo dõi vận động, yêu cầu và cưỡng chế thực hiện cách ly. Thậm chí, một số còn có hành động chống đối,lăng mạ, xúc phạm Đảng, Nhà nước ta và những người thực thi công vụ… Một du học sinh, Việt kiều từ nước ngoài về Việt Nam bị cách ly có những phát ngôn thiếu văn hóa, lên tiếng chê bai, phàn nàn về chỗ ở cách ly đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ngay trong những ngày thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố đang thực hiện nguyên túc cách ly xã hội phòng dịch vẫn đâu đó một vài nơi vẫn tụ tập đông người, ra đường không đeo khẩu trang… cũng gây nên tâm trạng lo ngại cho nhiều người. Đó là những biểu hiện thờ ơ, mất cảnh giác, thiếu sự quan tâm hoặc thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội.

Kỳ 2: TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH BỆNH COVID-19 ĐỐI VỚI THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM (Đối với thế giới)
Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​