Tập đoàn Dầu khí đang được đánh giá là một trong những đơn vị có lực lượng khoa học công nghệ khá mạnh. Tại tập đoàn có bộ phận tư vấn cho lãnh đạo về Khoa học công nghệ là Ban Khoa học - Công nghệ; đơn vị nghiên cứu chuyên ngành là Viện Dầu khí Việt Nam. Tại các đơn vị thành viên cũng có phòng, ban theo dõi công tác Khoa học công nghệ; các đơn vị lớn có cả Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật, thậm chí Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) còn có hẳn Viện nghiên cứu và thiết kế. Ngành còn có Tổng công ty tư vấn và thiết kế Dầu khí; Trường Đại học Dầu khí và Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí.

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Thập chúc mừng Viện Dầu khí Việt Nam nhân ngày KHCN Việt Nam
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Quốc Thập khẳng định Khoa học công nghệ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn giữ vai trò động lực. Tất cả các hoạt động từ tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí, tàng trữ, vận chuyển, chế biến, phân phối, tiêu thụ xa hơn là quản trị và cả hoạt động của tập đoàn rất cần đến Khoa học công nghệ. Các thành tựu của Khoa học công nghệ cần phải khai thác một cách tốt nhất và tối ưu nhất mới đem lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Giàn Tam Đảo - Giàn khoan tự nâng 90m nước
Các công trình khoa học của Tập đoàn Dầu khí từ ngày thành lập đến nay rất nhiều, nhưng có 2 công trình nổi bật gồm: Công trình tầng đá móng granit được thực thi bởi các chuyên gia Nga (Liên xô cũ) và Việt Nam. Công trình phát hiện ra tầng đá móng và làm chủ được tầng đá móng và đích cuối cùng là khai thác tối ưu và có hiệu quả từ tầng đá móng này đến hàng trăm triệu tấn dầu đã được khai thác từ đây. Ghi nhận thành quả này, công trình đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh. Công trình thứ hai là thành tựu rất quan trọng của tập đoàn và của ngành cơ khí Việt Nam đó là, công trình thiết kế, đóng mới giàn khoan tự nâng 90m nước. Công trình này đã được trao giải thưởng Khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2015. Tập đoàn cũng đã tiếp nhận và làm chủ công nghệ của các hãng bản quyền trong nhà máy lọc dầu Dung Quất, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, PVTEX Đình Vũ, các nhà máy ethanol… và vận hành an toàn.
Tuy nhiên theo Phó Tổng Giám đốc, việc áp dụng Khoa học công nghệ vào sản xuất hiện nay còn bất cập về nguồn lực, các nhà khoa học cũng còn hạn chế, những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực cũng chưa nhiều, vì vậy việc khai thác ứng dụng một cách nhanh nhất, ngắn nhất vẫn là khoảng cách.
“Chúng ta cũng nhận ra những bất cập đó và một trong các giải pháp là tăng cường hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi học thuật giữa các chuyên gia trong nước, trong ngành và quốc tế. Đó là con đường ngắn nhất đưa những thành tựu khoa học vào sản xuất” – Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Thập nhấn mạnh.
Phó Tổng Giám đốc cũng nêu ý kiến khi các nhà quản lý quan tâm nhiều hơn, thiết thực hơn đến Khoa học công nghệ thì chắc chắn những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động này sẽ được tháo gỡ. Chúng takhông kỳ vọng tháo gỡ trong ngày một, ngày hai, nhưng nếu như đã đồng tâm nhất trí thì cái đích của chúng ta sẽ tới.
Hồng Dương
(Theo Công Thương)