Trường Đại học Dầu khí Việt Nam: Hiện thực hóa chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dầu khí
12:39 |
30/09/2014
Lượt xem:
15355
Ngày 26-9-2014, Trường ĐH Dầu khí Việt Nam (PVU) tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Trong 4 năm qua, PVU đã có những bước đi cụ thể và vững chắc nhằm góp phần hiện thực hóa chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí và đất nước.
PVU được thành lập theo Quyết định số 2157/QĐ-TTg ngày 25-11-2010 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3348/QĐ-DKVN ngày 21-12-2010 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, là trường đại học công lập đặc biệt thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, chịu sự quản lý Nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2014, PVU tuyển sinh với điểm chuẩn trúng tuyển từ 23,0 điểm trở lên.
Đây là năm thứ tư liên tiếp, điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào của PVU cao nhất trong số các trường đại học có chương trình đào tạo về dầu khí. Kết quả này đã khẳng định mối quan tâm và sự tín nhiệm của xã hội đối với PVU, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất định trong quá trình triển khai tổ chức đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dầu khí. Năm học 2013-2014, PVU tiếp tục đào tạo kỹ sư 3 ngành thuộc lĩnh vực dầu khí: Kỹ thuật Địa chất (chuyên ngành Địa chất Dầu khí và Địa vật lý Dầu khí), Kỹ thuật Dầu khí (chuyên ngành Khoan - Khai thác) và Kỹ thuật Hóa dầu. Trong năm học 2013-2014 vừa qua, PVU có trên 60% sinh viên đạt loại khá, giỏi.
PVU ký hợp tác với Schlumberger - công ty lớn chuyên cung cấp công nghệ, giải pháp trong lĩnh vực dầu khí
Năm 2014, PVU cũng đã tổ chức tuyển sinh thành công 20 chỉ tiêu và bắt đầu đào tạo Thạc sĩ khóa I ngành Công trình biển (CTB) theo chương trình hợp tác với Trường ĐH Kỹ thuật Delft (TUD) - một trường hàng đầu của Hà Lan và là một trong số ít trường đại học trên thế giới đào tạo thạc sĩ CTB. Chương trình đào tạo thạc sĩ CTB của PVU được xây dựng trên cơ sở chương trình đào tạo gốc của TUD, đồng thời tuân thủ Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành với sự tham gia giảng dạy của các giáo sư TUD.
Với phương châm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, PVU tiếp tục cử cán bộ làm công tác giảng dạy đi đào tạo sau đại học và đi đào tạo kèm cặp tại các trường đại học nước ngoài có uy tín về chuyên ngành Dầu khí. Tính đến nay, đang có 8 cán bộ giảng dạy (CBGD) học TS, 2 CBGD học ThS tại nước ngoài, 4 CBGD đã hoàn thành chương trình đào tạo kèm cặp tại nước ngoài với thời gian 3-12 tháng. Đồng thời, PVU phối hợp với các đơn vị trong ngành cử CBGD đi thực tế cơ sở sản xuất để nâng cao kiến thức thực tế, kỹ năng, nắm bắt được quy trình sản xuất, công nghệ đang ứng dụng trong SXKD; liên kết, hợp tác với các hãng, công ty lớn chuyên cung cấp công nghệ, giải pháp... trong lĩnh vực dầu khí như: Schlumberger, Honeywell, Intergraph để tiếp nhận các trang thiết bị và công nghệ hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH), đáp ứng yêu cầu chất lượng của ngành.
PVU đang áp dụng mô hình đào tạo và quản lý tiên tiến của thế giới phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gắn nhu cầu học tập của người học với nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động. Với chương trình đào tạo hiện đại, ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Việt và tiếng Anh, đội ngũ CBGD được đào tạo và tu nghiệp tại các trường đại học uy tín trên thế giới, các phòng thí nghiệm được đầu tư hiện đại, đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu giảng dạy và NCKH. Đặc biệt, vai trò của các đơn vị trong ngành Dầu khí không chỉ thể hiện đơn thuần ở khía cạnh tài trợ học bổng, tài trợ NCKH mà ở cả nội dung và phương thức đào tạo, như: cử chuyên gia giỏi tham gia xây dựng chương trình đào tạo, giảng dạy tại PVU, tiếp nhận sinh viên của PVU đến kiến tập, thực tập và ưu tiên tuyển dụng khi sinh viên PVU tốt nghiệp, nhằm gắn kết nhiệm vụ đào tạo của PVU với hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành Dầu khí. Với cách thức hợp tác đào tạo này, sinh viên mới ra trường có thể bắt nhịp nhanh với công việc thực tế. Đồng thời, PVU sẽ chủ động tăng cường mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Dầu khí để nắm bắt những thông tin về chất lượng sinh viên tốt nghiệp cũng như nhu cầu của doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, từng bước góp phần hiện thực hóa chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dầu khí Việt Nam.
Thế Lực
Bình luận