Vũng Tàu - Nhìn lại hơn 40 năm phát triển Dầu khí
Vũng Tàu là một địa danh đã nổi tiếng từ lâu với cái tên Cap Sain Jacques; một thành phố anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những chiến công hiển hách của nhân dân Vũng Tàu trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, một vùng đất du lịch được thiên nhiên ưu đãi đã làm cho địa danh Vũng Tàu không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn vươn tầm quốc tế. Nhưng Vũng Tàu ngày nay còn nổi tiếng bởi một ngành công nghiệp Dầu khí đồ sộ nhất cả nước.

Thành phố Vũng Tàu xanh, sạch đẹp, văn minh và hiện đại không chỉ nổi tiếng về du lịch mà còn nổi tiếng bởi một ngành công nghiệp Dầu khí đồ sộ nhất cả nước và được mệnh danh là "Thành phố Dầu khí".

Đi tới bất cứ nơi nào, khi người ta nói tới thành phố Vũng Tàu, chúng ta đều nghe thấy cụm từ “Thành phố Dầu khí”. Nhưng có được thành tựu dầu khí như hôm nay trên đất Vũng Tàu là cả một quá trình phấn đấu gian nan, thử thách. Ông Nguyễn Văn Chung - nguyên Bí thư Đảng ủy Liên doanh Vietsovpetro chia sẻ: "Tôi còn nhớ rằng, ngày 12/5/1975, sau khi giải phóng miền Nam 12 ngày, được sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, một đoàn cán bộ chủ chốt liên ngành gồm 11 người đã được cử vào Sài Gòn tiếp thu những tài liệu dầu khí của các công ty tư bản để lại ở trung tâm lưu trữ thuộc Tổng cục Dầu hỏa và Khoáng sản. Trong đống tài liệu ngổn ngang đó, được sự hỗ trợ của nhóm Quân quản Tổng cục Địa chất và các cán bộ, kỹ sư làm việc ở Tổng cục Dầu hỏa và Khoáng sản, Đoàn công tác đã thu thập được những thông tin kỹ thuật rất quan trọng, những mẫu vật, có cả mẫu dầu thô liên quan đến hoạt động dầu khí của các công ty tư bản trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá của Đoàn về triển vọng và tiềm năng dầu khí ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam, Công ty Dầu khí ra đời vào cuối năm 1975, có trụ sở đặt tại số 27-28 bến Bạch Đằng, thành phố Sài Gòn, để chuẩn bị cho công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Đồng bằng sông Cửu Long và thềm lục địa. Ngay sau đó không lâu, Đoàn Dầu khí 22 (Đồng bằng sông Cửu Long) trực thuộc Công ty Dầu khí Việt Nam ra đời để tiến hành công tác địa chất, địa vật lý trên đất liền, trên hải đảo thuộc miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

Sau gần 2 năm khảo sát, đánh giá xác định khả năng tìm kiếm dầu khí, ta chủ trương để nhanh có dầu khí phải tiến ra thềm luc địa phía Nam. Năm 1978, Công ty Dầu khí Nam Việt Nam chuyển địa bàn xuống Vũng Tàu và đổi tên thành Công ty Dầu khí II, một bước ngoặt mới trong công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Việt Nam bắt đầu. Tuy nhiên, công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa đối với ngành Dầu khí Việt Nam là hoàn toàn mới mẻ, ta không có thiết bị chuyên dụng, không có chuyên gia đầu ngành và cũng không có vốn. Để tiến hành công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa, ngành Dầu khí phải gọi thầu. Cũng phải nói thêm rằng thời gian này nước ta bị Mỹ cấm vận, nên một số công ty đã làm dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam trước năm 1975 không thể trở lại được, có 3 công ty trúng thầu là Deminex (lô 15), Agip (lô 4, 5), Bow Valley (lô 28, 29), họ đã tiến hành tìm kiếm và thăm dò các lô nói trên. Để phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển dầu khí ở Vũng Tàu, Đặc khu Vũng tàu - Côn Đảo cũng ra đời (năm 1979). Trong 4 nhiệm vụ chính của Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo có nhiệm vụ bảo đảm các điều kiện đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động dầu khí.

Vũng Tàu -  Nhìn lại hơn 40 năm phát triển Dầu khí

Bộ trưởng Đinh Đức Thiện cùng các đồng chí cán bộ ngành Dầu khí Việt Nam đi tìm địa điểm xây dựng căn cứ trên bờ phục vụ khai thác Dầu khí (năm 1980).

Công tác tìm kiếm, thăm dò được các công ty dầu khí nước ngoài tiến hành cuối năm 1980. Trong thời gian đó, các công ty này đã khoan 12 giếng khoan ở 3 khu vực khác nhau, có giếng gặp các biểu hiện dầu nhưng không đạt kết quả khả quan, nên đến cuối năm 1980 tất cả 3 công ty đều kết thúc hoạt động trên thềm lục địa Nam Việt Nam. Giai đoạn thứ hai tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam cũng kết thúc.

Có một kỷ niệm mà những người làm dầu khí và nhân dân Vũng Tàu thời đó không bao giờ quên, đó là để chuẩn bị cho các công ty dầu khí nước ngoài hoạt động ngoài biển, họ yêu cầu phải xây dựng một cầu cảng ở khu vực Tiền Cảng (sau này là căn cứ dịch vụ trên bờ của Vietsovpetro). Một nhà thầu Pháp đưa ra điều kiện xây dựng trong thời gian 1 năm với chi phí 26 triệu USD. Không có tiền, không thể để các công ty dầu khí phải chờ, ông Đinh Đức Thiện giao cho Công ty Công trình giao thông 6 đứng ra thiết kế, thi công; chỉ trong vòng gần 100 ngày, chiếc cầu dài 105m, rộng 25m hoàn thành với chi phí chỉ bằng 1/4 chi phí mà công ty của Pháp đặt ra.

Đây là giai đoạn khó khăn nhất đối với những người làm dầu khí ở Vũng Tàu. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta cần có nguồn thu ngân sách để khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, ổn định từng bước đời sống nhân dân, nhưng vẫn chưa tìm ra dầu khí để đưa vào khai thác".

Đời sống của những người làm dầu khí cũng rất khó khăn. Ông Nguyễn Văn Chung kể lại: “Tôi còn nhớ lúc đó những người làm dầu khí chỉ được cấp 30% gạo trong tiêu chuẩn tem phiếu, 70% còn lại là chất độn như sắn khô, ngô hạt, bo bo, thậm chí là chuối xanh (5kg chuối tương đương 1kg độn). Một vài bạn bè đồng nghiệp quay trở ra miền Bắc, nhưng tuyệt đại đa số những người làm dầu khí chúng tôi vẫn tin tưởng thềm lục địa Việt Nam có dầu và quyết tâm ở lại vì sự nghiệp dầu khí".

Vũng Tàu -  Nhìn lại hơn 40 năm phát triển Dầu khí

Lễ ký kết hợp tác Việt - Xô về thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam (ngày 3/7/1980).

Ngày 3/7/1980, đánh dấu một bước ngoặt lớn của ngành Dầu khí Việt Nam, bước ngoặt quyết định sự phát triển của ngành công nghiệp Dầu khí tại thành phố Vũng Tàu. Hiệp định Liên Chính phủ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô) về tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Nam Việt Nam đã được ký kết. Ngày 19/6/1981, Liên doanh dầu khí Việt - Xô được ra đời (năm 1991 đổi tên thành Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro).

Vũng Tàu -  Nhìn lại hơn 40 năm phát triển Dầu khí

Cảng dầu khí giai đoạn 1981-1985 tại Thành phố Vũng Tàu.

Nhiệm vụ đầu tiên của Vietsovpetro là tập trung lực lượng kỹ thuật gồm chuyên gia dầu khí đầu ngành của Liên Xô, các chuyên gia dầu khí Việt Nam từ các Công ty Dầu khí I, II, từ đoàn Đồng bằng sông Cửu Long và từ các nơi khác tập hợp lại bắt tay cùng nghiên cứu tài liệu đã thu được trong các giai đoạn trước, phân tích và xác định vị trí giếng khoan đầu tiên. Trong khi đó, một lực lượng lớn bộ đội của Binh đoàn 318 cũng về Vũng Tàu, ngâm mình dưới sình lầy nhổ sú vẹt, san lấp xây dựng bờ cảng, xây dựng mặt bằng ở khu vực Tiền Cảng, bốc xếp hàng vạn tấn xi măng từ các tàu chở hàng của Liên Xô cùng anh em công nhân xí nghiệp dịch vụ, với cùng một quyết tâm xây dựng nhanh chóng căn cứ dịch vụ tổng hợp trên bờ làm cơ sở phục vụ hoạt động dầu khí trên biển. Công ty Du lịch OSC Việt Nam khẩn trương tu sửa khu nhà Lam Sơn để kịp đón cán bộ công nhân viên dầu khí Liên Xô sang ở. Ban Quản lý công trình dầu khí tập trung xây dựng khu nhà ở 5 tầng phục vụ nơi ăn ở lâu dài cho những người làm dầu khí cả Liên Xô và Việt Nam. Thành phố Vũng Tàu như một công trường đồ sộ, tấp nập ngày đêm.

Vũng Tàu -  Nhìn lại hơn 40 năm phát triển Dầu khí

Phát hiện dòng dầu công nghiệp đầu tiên trong tầng Mioxen dưới tại giếng BH-5 từ tàu khoan Mikhain Mirchin (ngày 24/5/1984).

Ngày 24/5/1984, chỉ sau 2,5 năm kể từ ngày thành lập, giếng khoan thăm dò đầu tiên do tàu khoan Mikhain Mirchin thực hiện đã phát hiện dòng dầu công nghiệp tại mỏ Bạch Hổ, tạo nên không khí vui tươi phấn khởi không chỉ cho những người làm dầu khí, cho nhân dân Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, mà còn cho nhân dân cả nước. Tin vui gặp dầu với ngọn lửa phaken sáng rực một vùng trời Biển Đông, tin Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Quỳnh và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết B.N.Saplin cùng đốt ngọn đuốc dầu thô ăn mừng thắng lợi lan truyền nhanh chóng đến nỗi trên trang nhất các báo hàng ngày, trên các chuyến tàu, xe khách, các chuyến bay đi khắp mọi miền đất nước, đâu đâu cũng nghe tiếng mọi người thông tin cho nhau: “Việt Nam đã có dầu khí”. Vũng Tàu lại bùng lên một khí thế mới, nơi thì tấp nập ngày đêm bốc dỡ các chuyến hàng chở thiết bị, vật tư sắt thép từ các tàu Liên Xô chở sang để phục vụ xây lắp các công trình khai thác dầu khí ngoài biển, nơi thì ánh lửa liên tục chớp sáng từ các mối hàn ngày đêm nối các ống thép khổng lồ thành những chân đế giàn khoan cố định, nhanh chóng đưa ra xây dựng giàn khoan biển. Tất cả như muốn được góp sức mình nhanh chóng đưa dầu lên cho Tổ quốc. Thế là tấn dầu thô đầu tiên được lấy lên từ lòng đất tròn 2 năm sau đó (năm 1986). Đây được coi là một kỷ lục về thời gian trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí.

Vũng Tàu -  Nhìn lại hơn 40 năm phát triển Dầu khí

Niềm vui khi thấy dầu.

Vũng Tàu -  Nhìn lại hơn 40 năm phát triển Dầu khí

Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Quỳnh và Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam B.N.Saplin đốt đuốc mừng dòng dầu công nghiệp đầu tiên tại Vũng Tàu vào hồi 16 giờ ngày 3/6/1984.

Vũng Tàu -  Nhìn lại hơn 40 năm phát triển Dầu khí

Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Quỳnh và lãnh đạo các ban ngành Trung ương, Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, Tổng cục Dầu khí, Xí nghiệp Liên danh dầu khí Việt - Xô vui mừng đón dòng dầu công nghiệp đầu tiên đốt thử vỉa trên tàu khoan Mikhain Mirchin năm 1984.

Để rồi những năm tiếp theo, Vietsovpetro lần lượt khai thác qua các mốc 10 triệu tấn, 20 triệu tấn, 50 triệu tấn, 100 triệu tấn, đến đầu năm 2021 đạt 190 triệu tấn dầu, năm 2024 đạt mốc 250 triệu tấn dầu, thu gom và vận chuyển về bờ hơn 39 tỉ m3 khí đồng hành, tổng doanh thu từ hoạt động dầu khí của Vietsovpetro đạt trên 89 tỉ USD, nộp vào ngân sách hơn 58 tỉ USD. Sau 43 năm, Vietsovpetro đã vươn lên thành một doanh nghiệp lớn mạnh, là "cánh chim đầu đàn của ngành Dầu khí Việt Nam", với đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân viên hùng hậu, có cơ sở vât chất đồ sộ, có uy tín lớn không những trong nước mà còn trên trường quốc tế, không những làm cho mình mà còn vươn xa làm dịch vụ cho các công ty dầu khí quốc tế.

Vũng Tàu -  Nhìn lại hơn 40 năm phát triển Dầu khí

Những công trình dầu khí như "lâu đài thép" giữa đại dương mênh mông góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Giờ đây, hàng chục công trình mọc lên: mỏ Bạch Hổ, Rồng, Gấu Trắng, Thỏ Trắng và Nam Rồng - Đồi Mồi... tạo thành một thành phố dầu khí nối trên biển, về đêm sáng rực một vùng trời, vùng biển phía nam Tổ quốc. Thành phố Vũng Tàu đứng vào hàng ngũ "Thành phố Dầu khí" thế giới. Bộ mặt thành phố thay đổi từng ngày, đường sá rộng đẹp, khang trang, nhà tầng, biệt thự, khách sạn mọc lên san sát. Đời sống nhân dân Vũng Tàu và những người làm dầu khí ngày càng được cải thiện.

Vũng Tàu -  Nhìn lại hơn 40 năm phát triển Dầu khí

Vũng Tàu -  Nhìn lại hơn 40 năm phát triển Dầu khí

Cảng dầu khí ngày nay tại Thành phố Vũng Tàu.

Ai đã có dịp ở Vũng Tàu hơn 40 năm trước, bây giờ quay lại chắc không khỏi ngỡ ngàng bởi một thành phố công nghiệp đồ sộ, một thành phố sạch đẹp, văn minh, hiện đại với những con người từ khắp bốn phương hợp lại, sống với nhau trong tình thân ái. Nhân dân và những người làm dầu khí ở Vũng Tàu hãnh diện với những gì mình cống hiến cho Tổ quốc.

An Nhiên


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​