Hội Dầu khí Việt Nam giới thiệu sách “Minh giải địa chấn trong thăm dò và khai thác dầu khí”
Tham dự buổi lễ có TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội DKVN; TS Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ Địa chất; cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam; Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo Việt Nam; cùng các nhà khoa học lão thành ngành Dầu khí, nguyên lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Hội DKVN, Viện Dầu khí Việt Nam, đặc biệt là đại diện của nhóm tác giả cuốn sách.
GS. TSKH Mai Thanh Tân giới thiệu nội dung cuốn sách “Minh giải địa chấn trong thăm dò và khai thác dầu khí”.
“Minh giải địa chấn trong thăm dò và khai thác dầu khí” là cuốn sách đầu tiên của nhóm tác giả do GS.TSKH Mai Thanh Tân - Chủ biên cùng cố TS Hoàng Ngọc Đang và các cộng sự gồm Cù Minh Hoàng, Mai Thanh Hà và Hoàng Văn Long thực hiện trong hơn 3 năm qua. Cuốn sách ra đời trong hoàn cảnh khó khăn khi cả nước phải chung tay phòng chống dịch Covid-19 nhưng các nhà khoa học dầu khí với bản lĩnh, quyết tâm và kinh nghiệm của mình đã cho ra đời tác phẩm khoa học dầu khí đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò dầu khí.
Việt Nam có vùng biển rộng lớn với nhiều tiềm năng tài nguyên phong phú, đặc biệt là tài nguyên dầu khí. Trong những năm qua, hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí đã có bước phát triển mạnh mẽ với hiệu quả kinh tế cao và đã trở thành một ngành công nghiệp quan trọng trong sự nghiệp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội DKVN phát biểu tại lễ giới thiệu sách
Các bể trầm tích của nước ta như Sông Hồng, Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Tư Chính - Vũng Mây, Maylay - Thổ Chu có lịch sử phát triển địa chất phức tạp. Tùy thuộc vị trí địa lý và các yếu tố kiến tạo mà mỗi bể trầm tích đều có đặc điểm địa chất và hệ thống dầu khí khác nhau. Cùng với sự phát triển khoa học công nghệ, trong những năm qua, các phương pháp tìm kiếm, thăm dò, đặc biệt là phương pháp địa chấn đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ dẫn đến hàng loạt mỏ dầu khí được phát hiện, ngành khoa học dầu khí cũng như các nhà khoa học dầu khí Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm.
Hiện nay, ngành Dầu khí đang đứng trước những khó khăn thách thức, đó là không chỉ tiếp tục tìm kiếm thăm dò ở vùng thềm lục địa có mực nước ra biển nông mà cần triển khai cả những vùng biển có điều kiện khó khăn hơn như các vùng rìa, vùng biển nước sâu xa bờ… Đồng thời, cần tìm kiếm không chỉ với các đối tượng truyền thống như các bẫy cấu tạo mà cả trong các bẫy phi cấu tạo như bẫy địa tầng, các đới nứt nẻ trong đá móng, đá carbonat, các quạt trầm tích vùng biển nước sâu.
Tại lễ ra mắt cuốn sách “Minh giải địa chấn trong thăm dò và khai thác dầu khí”, GS. TSKH Mai Thanh Tân đã giới thiệu tóm tắt các nội dung quan trọng gồm 4 phần, 12 chương về phương pháp địa chấn trong thăm dò dầu khí, cơ sở minh giải địa chấn dầu khí, minh giải địa chấn thăm dò dầu khí và minh giải địa chấn mỏ dầu khí.
Các nhà khoa học, quản lý lão thành ngành Dầu khí Việt Nam tham dự ra mắt cuốn sách “Minh giải địa chấn trong thăm dò và khai thác dầu khí"
Trong cuốn sách, tập thể các tác giả đã đề cập đến một lĩnh vực rất quan trọng là nâng cao hiệu quả minh giải tài liệu địa chấn trong tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Nội dung cuốn sách đã khái quát vai trò của phương pháp địa chấn trong thăm dò dầu khí, các cơ sở của quá trình minh giải tài liệu, các nội dung minh giải trong quá trình tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí. Giá trị nhất là các quan điểm mới về địa chấn - địa tầng phân tập, sử dụng tổ hợp các thuộc tính địa chấn, biến đổi ngược địa chấn, nghiên cứu sự biến đổi biên độ theo khoảng cách, sử dụng mạng trí tuệ nhân tạo… đã được đề cập rõ ràng và gợi mở nhiều hướng mới trong tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam.
Phát biểu tại lễ giới thiệu sách, TS Nguyễn Quốc Thập nhấn mạnh: “Để giải quyết tốt các nhiệm vụ đặt ra, góp phần phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, cần có những quan điểm và phương pháp mới trong thăm dò khai thác dầu khí, đặc biệt là phải áp dụng có hiệu quả khoa học công nghệ tiên tiến trong thăm dò địa chấn và các phương pháp khác. Trên cơ sở như vậy, cuốn sách “Minh giải địa chấn trong thăm dò và khai thác dầu khí” được xuất bản rất có ý nghĩa và cần thiết”.
Cuốn sách cũng được TS Trần Thanh Hải, lãnh đạo Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và Viện Biển đảo Việt Nam đánh giá cao về nội dung, tính thực tiễn và hệ thống lý luận khoa học về dầu khí.
Cán bộ lãnh đạo Viện Dầu khí Việt Nam, Hội DKVN, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam chúc mừng các tác giả và gia đình
GS.TS Mai Thanh Tân, TS Nguyễn Quốc Thập cùng các khách mời tại lễ ra mắt sách
Có thể khẳng định cuốn sách “Minh giải địa chấn trong thăm dò và khai thác dầu khí” là một tác phẩm đầy tâm huyết của những nhà khoa học hàng đầu trong ngành Dầu khí Việt Nam. Qua nội dung cuốn sách, các tác giả muốn truyền đạt một thông điệp rằng, để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao trong tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, đặc biệt là với các khu vực khảo sát mới, các đối tượng bẫy mới… cần không chỉ đổi mới công nghệ thu nổ và xử lý địa chấn mà cần có các quan điểm và phương pháp có hiệu quả trong quá trình minh giải tài liệu. Khi có các giếng khoan mới với tài liệu mới, cần tiến hành nghiên cứu và cập nhật mô hình cho tất cả các thông số địa chấn có thể nghiên cứu để nâng cao hiệu quả thăm dò khai thác dầu khí.
Thành Công