Cần sự điều tiết của Nhà nước để chính sách thuế GTGT phân bón 5% đạt kỳ vọng
05:56 |
10/11/2024
Lượt xem:
1886
Đây là kỳ vọng của các chuyên gia tại Tọa đàm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho phân bón – vì lợi ích của nông dân và sự phát triển ngành phân bón trong nước, do Báo Nông thôn ngày nay tổ chức tại Hà Nội, ngày 10/11.
Nguyện vọng của nông dân là giảm giá phân bón
Tại tọa đàm, bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh chức năng của Hội là bảo vệ quyền lợi, lợi ích và hỗ trợ người nông dân trong hoạt động sản xuất.
Trong đó, các cấp Hội thường xuyên phối hợp với doanh nghiệp phân bón hỗ trợ người nông dân trả chậm, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người nông dân về giá cả và chất lượng phân bón.
Hiện giá phân bón đang chiếm tỷ lệ cao từ 30 – 35% chi phí sản xuất nông nghiệp, điều này gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả, lợi nhuận của người nông dân. Chính phủ đã đề xuất chuyển phân bón từ diện không chịu thuế GTGT sang chịu thuế 5%, bởi nhận thấy đây là cơ sở để giảm giá phân bón, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận trái chiều về nội dung này, tại phiên thảo luận Quốc hội vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giữ nguyên ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ. Tọa đàm hôm nay là buổi trao đổi cởi mở, trách nhiệm, thẳng thắn, khách quan để tìm ra phương án tốt nhất cho quyền lợi chính đáng của người nông dân.
“Phân bón là nguyên liệu đầu vào quan trọng của ngành nông nghiệp. Để đảm bảo giá phân bón ổn định, có cơ sở giảm giá, nông dân sản xuất có lời, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần thiết đưa phân bón quay trở lại áp thuế GTGT 5%”, bà Bùi Thị Thơm nhấn mạnh.
Muốn chính sách đạt hiệu quả, kỳ vọng gì ở vai trò điều tiết của Nhà nước?
Nhìn về lịch sử, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho biết, trước năm 2015, phân bón có mức thuế GTGT 5%, sau năm 2014, mặt hàng này không chịu thuế GTGT, nông dân thời điểm đó rất phấn khởi.
“Tuy nhiên, 7.900 doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa rơi vào cảnh lao đao với tình trạng lách luật, tăng giá bán, nạn phân bón giả loạn thị trường. Theo tính toán trung bình phân bón giả gây thiệt hại mỗi ha là 200 USD thì mỗi năm ngành nông nghiệp thiệt hại tới 2,6 tỷ USD”, ông Thủy chỉ ra.
Cũng theo ông Thủy, thoạt nhìn việc chuyển phân bón từ không áp thuế GTGT sang chịu thuế 5% là san sẻ “nỗi đau” của doanh nghiệp sang nông dân, tuy nhiên về lâu dài sẽ đảm bảo hài hòa cho các bên, đặc biệt người nông dân được hưởng lợi lớn hơn không áp thuế.
Vậy làm sao để hài hòa lợi ích, san sẻ nỗi đau cho các bên liên quan. Đề cập tới một bài báo ông từng trả lời phỏng vấn trên Tạp chí PetroTimes, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cho rằng, Nhà nước thu 5% thuế GTGT phân bón cần điều tiết lại đến 4% cho sản xuất nông nghiệp, thông qua cải tạo đất, hướng dẫn cho bà con tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, tăng kinh phí đào tạo, huấn luyện người nông dân kỹ thuật canh tác và khuyến khích sản xuất nông nghiệp xanh.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy: Nhà nước thu 5% thuế GTGT phân bón cần điều tiết lại đến 4% cho sản xuất nông nghiệp (Ảnh: Phương Thảo)
“Bình quân tăng trưởng GDP nông nghiệp hàng năm là 3,5 – 3,8%, yêu cầu trung bình mỗi năm Nhà nước cần đầu tư lại cho nông nghiệp khoảng 12%, tuy nhiên hiện nay mức đầu tư của Nhà nước mỗi năm mới chỉ khoảng 8%, như vậy đây là ‘khoản nợ còn thiếu của Nhà nước với nông dân’ mà thông qua chính sách điều tiết thuế GTGT phân bón này cần thực hiện ngay”, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia Kinh tế tài chính cũng cho rằng điều nông dân mong muốn nhất là giảm giá bán phân bón để giảm chi phí sản xuất, bởi nông nghiệp vốn chứa nhiều rủi ro. Hơn nữa, mọi mặt hàng sản xuất kinh doanh trong nước đều cần đánh thuế, không có lý gì phân bón, vật tư nông nghiệp lại nằm ngoài nguyên tắc này.
Phân tích thêm về các luồng ý kiến còn tranh luận giữa việc nên đánh thuế GTGT phân bón ở mức nào, ông Thịnh cho rằng với thuế xuất 0%, không thể thu được thêm thuế từ hàng nhập khẩu, không thể bảo hộ hàng sản xuất trong nước như mục tiêu đặt ra, nhà nước cũng mất nguồn thu ngân sách.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Mức thuế 5% là hợp lý, cân bằng nhất đối với chính sách thuế GTGT phân bón (Ảnh: Phương Thảo)
“Tôi cho rằng phương án 0% là không khả thi. Phương án 10% thì quá cao tác động gián tiếp khiến giá nông sản tăng cao làm giảm khả năng cạnh tranh của nông dân. Như vậy, mức thuế 5% là hợp lý, cân bằng vừa đủ để có chi phí hoàn thuế cho doanh nghiệp tái sản xuất, đầu tư mới cho các sản phẩm hữu cơ, công nghệ xanh, đáp ứng yêu cầu mới. Từ đó, hỗ trợ thiết thực cho nông sản của nông dân tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Cái này mới là cái lợi lâu dài”, PGS.TS Định Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, đối với doanh nghiệp nhập khẩu, họ sẽ phải căn cứ mặt bằng giá bán của hàng nội địa để điều chỉnh giá bán ra sản phẩm. Do đó, ông Thịnh mong muốn Nhà nước có cơ chế bình ổn giá phân bón trong nước để phân bón nước ngoài cũng không thể tăng giá bán.
“Tôi cho rằng cần ưu tiên bảo hộ doanh nghiệp sản xuất trong nước đây là vấn đề an toàn an ninh lương thực và đảm bảo việc làm cho người lao động. Công cụ thuế là biện pháp tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp nội địa và giúp nền kinh tế Việt Nam nói chung, nông nghiệp nói riêng tự đứng vững”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Phương Thảo
Bình luận