Vì sao cần sớm có luật Năng lượng tái tạo?
Bài 6: ĐBQH Phạm Thuý Chinh: Việc ban hành Luật về năng lượng tái tạo là hết sức cần thiết
08:28 |
05/12/2023
Lượt xem:
827
Bà Phạm Thuý Chinh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội là một trong những đại biểu hết sức tâm huyết với vấn đề năng lượng quốc gia nói chung và năng lượng tái tạo (NLTT) nói riêng. Theo bà Chinh, NLTT dự kiến sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia. Yêu cầu đặt ra là phải sớm có hành lang pháp lý cho quản lý, tổ chức và hoạt động của lĩnh vực này. Việc ban hành Luật về năng lượng tái tạo là hết sức cần thiết.
Bà Phạm Thuý Chinh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.
Phóng viên (PV): Vì sao cần phải sớm có hành lang pháp lý cho NLTT, thưa bà?
ĐBQH Phạm Thuý Chinh: Là quốc gia có tiềm năng về NLTT, đặc biệt là các nguồn năng lượng gió và mặt trời; phát triển nguồn điện NLTT là chủ trương được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và chỉ đạo triển khai.
Các quy định, chính sách phát triển năng lượng được quy định tại Luật Điện lực và nhiều văn bản như Nghị định số 137/2013/NĐ-CP của Chính phủ, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia các thời kỳ; Văn bản của Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu các dự án Nhà máy điện mặt trời, Nhà máy điện gió…
Xuất phát thực tiễn quản lý, với tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu nguồn điện ở Việt Nam, NLTT dự kiến sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia thì yêu cầu đặt ra là phải sớm có hành lang pháp lý cho quản lý, tổ chức và hoạt động của lĩnh vực này và việc ban hành Luật về năng lượng tái tạo là hết sức cần thiết.
Việc xây dựng Luật về năng lượng tái tạo sẽ góp phần giải quyết những chồng chéo, bất cập, sự thiếu thống nhất, chưa đồng bộ trong hệ thống pháp luật; tạo hành lang pháp lý với những chính sách, cơ chế mới, phương thức quản lý khoa học tiên tiến, tạo sự minh bạch trong phát triển các nguồn NLTT, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và các mục tiêu của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việc này cũng đồng thời thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và triển khai Nghị quyết số 140/NQ-CP năm 2020 ngày 02/10/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
PV: Bà có thể cho biết cụ thể hơn về những tiềm năng về NLTT ở Việt Nam?
ĐBQH Phạm Thuý Chinh: Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, nước ta có tiềm năng rất lớn trong phát triển điện gió, điện mặt trời. Theo đó:
Đến năm 2030, công suất điện gió trên bờ ước đạt 21.880 MW, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW; định hướng đến năm 2050 đạt khoảng 70.000 - 91.500 MW; quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý. Phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình NLTT khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ...) sẽ thúc đẩy sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh...) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các nguồn điện NLTT sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu được ưu tiên/cho phép phát triển không giới hạn trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một ngành kinh tế mới của đất nước. Ước tính công suất nguồn điện gió ngoài khơi để sản xuất năng lượng mới khoảng 15.000 MW đến năm 2035 và khoảng 240.000 MW đến năm 2050.
Tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 963.000 MW (mặt đất khoảng 837.400 MW, mặt nước khoảng 77.400 MW và mái nhà khoảng 48.200 MW). Đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện mặt trời dự kiến tăng thêm 4.100 MW; định hướng đến năm 2050, tổng công suất 168.594 - 189.294 MW, sản xuất 252,1-291,5 tỷ kWh. Khi các ưu tiên và chính sách đột phá phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu thì dự kiến đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng sẽ thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này cần được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.
Ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ NLTTT phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh...) trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW.
PV: Theo bà, để Luật NLTT có thể đi vào cuộc sống, có tính khả thi cao thì các nhà làm luật cần phải lưu ý những vấn đề gì?
ĐBQH Phạm Thuý Chinh: Tôi được biết, một số quy định về phát triển các dự án NLTT dự kiến sẽ được bổ sung và quy định tại Luật Điện lực (sửa đổi). Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật về năng lượng tái tạo, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Là văn bản pháp lý cho một lĩnh vực hết sức mới mẻ, với mong muốn sau khi được Quốc hội thông qua Luật sẽ thực sự đi vào cuộc sống, đồng bộ, có tính khả thi cao thì quá trình xây dựng dự án Luật cần hết sức quan tâm tới các chính sách như:
Ưu tiên phát triển các nguồn NLTT đồng bộ với mạng lưới truyền tải, tích trữ để việc phát triển NLTT hiệu quả, tránh quá tải, lãng phí, bất cập trong đầu tư; có cơ chế khuyến khích nghiên cứu, phát triển các dạng NLTT mới như: Thủy điện tích năng, điện gió ngoài khơi, điện sinh khối... phù hợp với thông lệ quốc tế và cơ sở hạ tầng, nguồn lực xã hội, định hướng phát triển điện lực quốc gia; bên cạnh đó cần có chính sách khuyến khích phát triển các nguồn NLTT tự sản, tự tiêu tại phụ tải.
Có cơ chế phân bổ rủi ro cho các Bên đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa các chủ thể tham gia hoạt động mua bán NLTT. Cần phân định rõ trách nhiệm thực hiện của các bên liên quan và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia; cân bằng lợi ích chính đáng của các bên tham gia sản xuất, truyền tải, phân phối điện và tiêu dùng điện; xem xét việc xây dựng và phân bổ phần chí phí năng lượng sạch để đưa vào cấu phần giá điện bán lẻ.
Có cơ chế cho phép theo từng giai đoạn, mục tiêu và yêu cầu về đảm bảo an ninh năng lượng được thực hiện việc ưu đãi (ưu đãi về giá, chính sách ưu đãi đầu tư,...) để thu hút, khuyến khích phát triển một số nguồn NLTT như điện sản xuất từ rác thải, sinh khối và điện mặt trời mái nhà cho các khu vực thiếu nguồn điện.
Quy định về tổ chức điều tra, đánh giá tiềm năng, lập quy hoạch và kế hoạch phát triển nguồn NLTT ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và khu vực; Chính sách ưu đãi, khuyến khích cho phát triển NLTT như thuế, đất đai, mặt nước, mặt biển, giá điện… Quy định về việc lựa chọn nhà đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án, đảm bảo phù hợp quy định pháp luật, hiệu quả của dự án cũng như lợi ích hài hòa giữa các bên. Và cuối cùng là cho phép các Chủ đầu tư được lựa chọn trực tiếp tham gia thị trường điện hoặc lựa chọn chủ đầu tư theo tiêu chí giá chào thấp nhất nằm trong khung giá do Bộ Công Thương phê duyệt… theo cơ chế thị trường điện cạnh tranh.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
ĐBQH Phạm Thuý Chinh phát biểu trong một phiên họp.
Cần cơ chế chính sách đột phá để phát triển ngành hydrogen
Liên quan đến vấn đề NLTT, ĐBQH Phạm Thuý Chinh chia sẻ thêm với PV:
Những
cơ chế, chính sách đột phá thúc đẩy đầu tư phát triển công nghiệp
hydrogen xanh là một trong các yêu cầu tại Nghị quyết về phát triển kinh
tế - xã hội được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6: “Rà soát, sửa
đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá thúc đẩy phát triển khoa học
công nghệ, đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp, chuyển đổi số
quốc gia; có chính sách ưu đãi đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp đầu
tư vào hoạt động khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ phát
triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp, nhất là đầu tư phát triển
công nghệ hydrogen xanh, sản xuất chip bán dẫn...”.
Như vậy, để
phát triển ngành hydrogen/amoniac xanh rất cần có cơ chế tài chính đặc
thù được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cũng như nghiên cứu, hình thành
quỹ hỗ trợ đặc biệt để hỗ trợ nghiên cứu, phát triển ứng dụng và triển
khai công nghệ hydrogen sạch trong các ngành công nghiệp; xây dựng cơ
cấu giá hợp lý cho hydrogen sạch, bao gồm các ưu đãi giảm giá, thuế,
phí, tín dụng; có cơ chế tài chính sáng tạo (như quyền khấu hao nhanh
chóng), đơn giản hóa thủ tục cho vay với lãi suất thấp để thu hút đầu
tư, kích thích đầu tư tư nhân và đầu tư theo phương thức đối tác công
tư; khuyến khích xuất khẩu hydrogen và các sản phẩm liên quan ra thị
trường quốc tế. Trong đó tập trung vào một số chính sách cụ thể sau:
Đầu
tư dự án thí điểm: đối với dự án hydrogen cần thiết có cơ chế để thực
hiện thí điểm và được Chính phủ quan tâm hỗ trợ về chính sách và tài
chính, trong đó có thể từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc hỗ trợ quốc tế
đặc biệt là một số nước quan tâm về phát triển thị trường khí Hydro
trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây cũng là nội dung cần lưu ý khi
phê duyệt kế hoạch phân bổ nguồn lực JETP triển khai QĐ 1009/QĐ-TTg
ngày 31/8/2023.
Cơ chế hạch toán phần chi phí đầu tư cải tạo nhà
máy nhiệt điện đối với các dự án cải tạo để đồng đốt nhiên liệu sạch.
Hiện nay một số dự án có được đề xuất nhận nguồn tài trợ từ nước ngoài
nhưng chưa có cơ chế rõ ràng dẫn đến khó khăn trong việc tiếp nhận các
nguồn tài trợ. Đối đối với các dự án còn lại cũng cần có cơ chế để huy
động vốn và thu hồi vốn khi cải tạo đồng đốt nhiên liệu sạch.
Cơ
chế trợ giá Hydro: trong giai đoạn đầu phát triển hydrogen cần có chính
sách hỗ trợ về chi phí sản xuất, bao tiêu sản phẩm để đảm bảo tiêu thụ
sản phẩm ổn định hoặc có cơ chế trợ giá của chính phủ đối với các nhà
máy nhiệt điện khi phải chuyển đổi sang đồng đốt hydrogen hoặc amoniac.
Nếu
tập trung hơn, quyết tâm hơn thì có thể xây dựng chương trình mục tiêu
quốc gia, hoặc chương trình hỗ trợ có mục tiêu chuyển đổi năng lượng
theo giai đoạn trung, dài hạn trên cơ sở Chiến lược quốc gia về phát
triển ngành hydro/năng lượng mới, để có thể tích hợp tổng thể các cơ
chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tránh phân tán nguồn lực, dễ tổ
chức thực hiện hơn và quan trọng hơn cả là dễ tính toán, cân đối nguồn
lực tài chính cho các dự án năng lượng mới.
Tất cả những chính
sách ưu đãi đặc biệt này có thể được tính toán trên cơ sở so sánh chi
phí và lợi ích tổng thể không chỉ riêng ngành năng lượng mà phải tính
chung cho nền kinh tế, nhất là để nâng cao năng lực, cạnh tranh của hàng
hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường Mỹ, EU, Đông Bắc Á nơi
đang có lộ trình áp thuế carbon lên sản phẩm nhập khẩu.
|
Minh Tiến
Bài 1: Nhận diện vai trò của Năng lượng tái tạo
Bài 2: Phát triển năng lượng tái tạo nhìn từ Quy hoạch điện 8
Bài 3: Cần nhanh chóng hoàn thiện khung chính sách pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo
Bài 4: Phát triển Năng lượng tái tạo: Cần pháp lý minh bạch, ổn định
Bài 5: TS Nguyễn Anh Tuấn: Luật hóa chính sách là nền tảng cho sự phát triển NLTT vững chắc và lâu dài
Bình luận