Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng: “Chuyển đổi số là xu thế tất yếu không ai đứng ngoài cuộc”
Tại Hội thảo về công tác chuyển đổi số với chủ đề “Chuyển đổi số - Nền tảng cho phát triển bền vững” Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức ngày 25/11 vừa qua. Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã có những chia sẻ, góp ý, chỉ đạo thể hiện quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo Tập đoàn trong công cuộc triển khai công tác chuyển đổi số.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu kết luận Hội thảo

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chia sẻ tại Hội thảo "Chuyển đổi số - Nền tảng cho phát triển bền vững”

Mỗi một cuộc cách mạng đều đặt ra câu hỏi phải thay đổi cái gì và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã đặt ra hai vấn đề, một là sử dụng công nghệ gì, hai là chuyển đổi về cái gì? Câu trả lời đó là CĐS và đổi mới sáng tạo. CĐS phải có sự khác biệt với công nghệ thông tin (CNTT) trước đây, nếu như CNTT gần như chúng ta đã số hóa hệ thống quy trình sẵn có và nếu so sánh về mặt quản trị thì giống như quản lý. Đối với CĐS buộc phải tạo ra sự thay đổi trong cách thức, phương pháp vận hành rồi dẫn đến thay đổi mô hình kinh doanh tạo ra giá trị mới cho khách hàng. CĐS gắn với lãnh đạo, lãnh đạo mới tạo ra sự thay đổi, còn quản lý không tạo ra sự thay đổi.

Câu hỏi tiếp theo CĐS là của ai? Trước hết để thay đổi phải là lãnh đạo bắt tay tham gia đầu tiên về CĐS. Thứ hai, CĐS tổng thể, toàn diện rồi tích hợp giữa CĐS, công nghệ số với các hoạt động của DN và tổ chức, từ đó thay đổi căn bản phương thức, cách thức và mô hình kinh doanh như trong tầm nhìn Tập đoàn đã đề ra. Có thể nói, CĐS là lãnh đạo sự thay đổi, tham gia việc này cần sự tổng thể, toàn diện từ lãnh đạo và tất cả mọi người.

Petrovietnam có đứng ngoài hay không? Như chúng ta đã biết, Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị đã nêu rõ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó đã xác định 3 trụ cột chính đó là: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Petrovietnam hoạt động theo chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và môi trường kinh doanh với đối tác, khách hàng và xã hội đều CĐS và điều đó cho thấy Petrovietnam chỉ có duy nhất một lựa chọn: Đó là triển khai thực hiện hoặc là không tồn tại.

Ngay từ năm 2020, Tập đoàn đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác và đến năm 2021 đã phối hợp với bên tư vấn xây dựng chiến lược, tầm nhìn, lộ trình CĐS và ban hành Tầm nhìn số và Lộ trình chuyển đổi số cho Công ty mẹ Tập đoàn bao gồm 32 sáng kiến số thuộc 4 chương trình được thực hiện trong giai đoạn 2022-2026 và hướng tới mức độ trưởng thành số nâng cao vào năm 2026. Lộ trình bao gồm những dự án xây dựng nền tảng công nghệ và bảo mật, xây dựng nền tảng dữ liệu Dầu khí quốc gia, số hóa và cải tiến quy trình nghiệp vụ, tối ưu hoạt động vận hành, cũng như tăng cường năng lực đội ngũ triển khai công tác cán bộ thực hiện CĐS. Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành NQ 184-NQ/ĐU ngày 15/2/2022 về Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đến năm 2025, định hướng 2030. Bên cạnh Công ty mẹ Tập đoàn, các đơn vị thành viên khác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đang tích cực triển khai và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, để tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao trải nghiệm khách hàng, nâng cao sức cạnh tranh và đạt được những lợi ích thiết thực thông qua CĐS.

Thời gian qua, Tập đoàn gặp nhiều khó khăn bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, mặc dù vậy công tác CĐS đã được triển khai một cách đồng bộ. Chúng ta cũng đã triển khai đồng bộ các mảng trong từng lĩnh vực, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu lớn trong từng lĩnh vực của Tập đoàn. Cùng với đó, chúng ta đã đẩy mạnh công tác truyền thông về Văn hóa số, đào tạo nâng cao nhận thức, hiểu biết về CĐS.

Mặc dù có nhiều cố gắng, tuy nhiên trong thời gian qua nhiều việc chúng ta chưa làm được, đầu tiên là nhận thức trong đội ngũ lãnh đạo, quản lý vẫn chưa thực sự sâu sắc, thứ hai là thiếu sự đồng bộ và thiếu sự chia sẻ và khai thác nền tảng chung trong Tập đoàn và tốc độ còn quá chậm. Từ những kết quả, trao đổi và sự chia sẻ như vậy, qua Hội thảo lần này, tôi rất mong lãnh đạo các đơn vị thể hiện sự quyết tâm, đặt ra kế hoạch triển khai CĐS một cách tích cực. Đề nghị trong thời gian tới, Tập đoàn và các đơn vị tiếp tục triển khai công tác đào tạo, phổ biến nâng cao nhận thức CĐS trong toàn thể cán bộ, NLĐ đặc biệt là trong hàng ngũ lãnh đạo với phương châm: "Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan, không thể không làm và không ai có thể đứng ngoài cuộc, ngoài xu thế."

Chỉ đạo xây dựng văn hóa doanh nghiệp kết hợp với văn hóa số phù hợp với quá trình chuyển đổi số nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ đó thay đổi nề nếp, tác phong làm việc trong doanh nghiệp trên môi trường số; Tập trung mọi nguồn lực để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công công tác chuyển đổi số của đơn vị trên cơ sở bám sát chủ trương chỉ đạo của Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại Nghị quyết số 184/NQ-DKVN ngày 15/02/2022; Thường xuyên cập nhật chiến lược phát triển; Cần phải xây dựng, kiện toàn và hệ thống hóa bộ máy quản lý đồng bộ từ Tập đoàn đến từng đơn vị; Hoàn thiện, xây dựng và ban hành các quy chế, quy định liên quan đến việc điều chỉnh, áp dụng trong CĐS và các hoạt động kinh doanh và đầu tư. Cuối cùng, để tránh cho việc đầu tư chồng chéo và không khai thác hết được, cũng như phục vụ cho công tác quản trị, cần phải rà soát, danh mục hóa những nền tảng có thể sử dụng chung trong toàn Tập đoàn. Công ty Mẹ sẽ đầu tư triển khai và thông qua đó sẽ chi phối việc quản trị, còn trong CĐS phải sử dụng thông qua nền tảng số chung ví dụ như nguồn dữ liệu quản lý nguồn nhân lực phải được quản trị chung trong toàn Tập đoàn. Với các giải pháp như vậy, tôi tin tưởng toàn Tập đoàn quyết tâm cao thực hiện thành công công cuộc CĐS vì mục tiêu phát triển bền vững của Petrovietnam.

Minh Châu


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​