Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên tháng 9-1988 theo lệnh điều động của Bộ Công nghiệp Dầu mỏ Liên Xô sang đảm nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách kinh tế của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro. Tổng giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro lúc đó là ông Vovk Vladimir Schepanovich, một chuyên gia cao cấp có kinh nghiệm làm việc thực tế tại các mỏ trên thềm lục địa biển Đen và Việt Nam, một nhà tổ chức và chiến lược gia tài giỏi, một trí thức có kỹ năng giao tiếp tuyệt vời. Năm 2010 ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học.
Tổng giám đốc V.S.Vovk đã tập hợp được một tập thể cán bộ lãnh đạo chuyên nghiệp và hùng hậu thuộc Ban Tổng giám đốc và các đơn vị thành viên của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro. Trong Ban Tổng giám đốc có các ông: Nguyễn Ngọc Cư – Phó tổng giám đốc thứ nhất, V.A.Uxik – Chánh kỹ sư, cùng các Phó tổng giám đốc phụ trách chuyên môn: Ngô Thường San – Địa chất, A.V.Perov – Khoan, Nguyễn Đình Vũ – Xây dựng cơ bản, Iu.V.Zakharov – Thương mại, Lê Quang Trung – Nội chính, V.I.Kukin – Nhân sự, B.I.Mitrofanov – Vật tư và Vận tải, Đỗ Đình Khải – Chánh kế toán và V.P.Kuzmenko – Chánh Kinh tế. Đó là một tập thể những con người cùng chung chí hướng và đã cùng làm việc với nhau trên 3 năm, đến năm 1992. Trong số các cán bộ phía Liên Xô của Ban Tổng giám đốc có những người từng là lãnh đạo các vụ thuộc Bộ Công nghiệp Dầu, Bộ Công nghiệp Khí và những cán bộ hàng đầu thuộc các liên hiệp công nghiệp Liên Xô.
Ngay trong những ngày làm việc đầu tiên tôi đã làm quen được với tất cả cán bộ, công nhân viên bộ phận Tài chính – Kinh tế của Bộ máy điều hành và của các đơn vị trực thuộc. Trong các hội nghị và họp giao ban chung, tôi luôn theo dõi tình hình thực hiện các chỉ tiêu sản xuất kinh tế, nghe báo cáo của các trưởng phòng kế hoạch và chánh kế toán đơn vị trực thuộc. Cách làm việc này hiện nay vẫn được tiếp tục áp dụng và mang lại hiệu quả tốt.
Hầu hết các chuyên gia người Việt đều nói tiếng Nga rất tốt, và điều này giúp cho công việc chung càng trở nên hiệu quả và thuận lợi hơn.
|
Các kỹ sư, công nhân đang thực hiện việc sửa chữa van SDV tại Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro
|
Tôi tham gia vào công tác chuẩn bị tài liệu tham dự trực tiếp vào hầu hết các kỳ họp Hội đồng của Xí nghiệp Liên doanh – 29 kỳ họp trong 22 năm làm việc tại Xí nghiệp Liên doanh. Mỗi kỳ họp đều có dấu ấn riêng, nhưng kỳ họp thứ X là đặc biệt có ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi trong những ngày đầu làm việc tại Xí nghiệp Liên doanh.
Trong kỳ họp đã thảo luận rất sôi nổi về chiến lược phát triển của Xí nghiệp Liên doanh – từ công tác cán bộ đến những sửa đổi các quy định riêng về hoạt động của xí nghiệp Liên doanh. Đã thông qua các vấn đề nhằm tiến hành công tác thăm dò địa chất tại các lô 09, 15 để tăng trữ lượng dầu, vấn đề thuê và mua tàu thuyền, giàn khoan tự nâng và mua sắm vật tư, thiết bị.
Một trong những thành tích đáng kể của giai đoạn này đối với tập thể lao động Quốc tế Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro nói riêng và với cả Việt Nam nói chung là ngày 29-12-1988 đã khai thác được tấn dầu đầu tiên kể từ khi bắt đầu khai thác Mỏ Bạch Hổ. Tại tất cả các đơn vị thuộc Xí nghiệp Liên doanh đều tổ chức ăn mừng, cán bộ công nhân viên được nhận tiền thưởng nhân dịp khai thác được tấn dầu đầu tiên, ngoài ra cán bộ công nhân viên Việt Nam còn nhận thêm phần thực phẩm bổ sung.
Nửa cuối thập niên 80 của thế kỷ trước đã ghi dấu thời kỳ phát triển mạnh mẽ của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro: Phát hiện Mỏ Bạch Hổ (năm1984) và Mỏ Rồng (năm 1986), bắt đầu khai thác dầu công nghiệp từ MSP-1 (năm 1986), nhận được dòng dầu tự phun từ tầng móng Mỏ Bạch Hổ (năm 1987), và kể từ năm 1986, mỗi năm đưa 2 giàn cố định (MPS) vào khai thác. Tiến độ xây dựng ngoài khơi được đẩy mạnh, đã xây dựng căn cứ sản xuất trên bờ và nhiều công trình công cộng phục vụ đời sống cho cán bộ công nhân viên.
Những diễn biến khủng hoảng tại Liên bang Xôviết vào cuối thập niên 80 đã dẫn đến sự suy sụp của nền kinh tế và sự sụp đổ Liên bang Xôviết. Các mối quan hệ bị phá vỡ, nghĩa vụ hợp đồng không được thực hiện, vật tư, thiết bị bị ngừng cung cấp. Nhưng khó khăn lớn nhất là phần chi phí, là việc cho vay và cấp ngoại tệ mạnh để nhập khẩu vật tư, thiết bị và thanh toán dịch vụ. Trong các năm 1989-1990, nguồn vay ngoại tệ do Liên Xô cung cấp giảm xuống mức tối đa, còn năm 1991 thì hoàn toàn không vay được.
Chính phủ hai nước Việt Nam và Liên Xô đã quyết định thành lập Ủy ban Chính phủ để soạn thảo Hiệp định mới. Mục đích chính của việc sửa đổi là thiết lập mô hình kinh doanh và cấp vốn mới cho Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro.
Hiệp định liên chính phủ mới về hoạt động của Xí nghiệp Liên doanh Vietsopetro giai đoạn đến năm 2010 được ký ngày 16-7-1991 tại Hà Nội. Ông Trần Lum, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng đại diện cho Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Hiệp định, còn đại diện cho Chính phủ Liên bang Xôviết là ông B.A.Nhikitin, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Công nghiệp Dầu.
Vấn đề khó khăn phức tạp nhất khi soạn thảo Hiệp định Liên Chính phủ mới là việc xác định và tính toán phần góp vốn của hai phía và vốn điều lệ Xí nghiệp Liên doanh Vietsopetro.
Bảng cân đối kế toán của Xí nghiệp Liên doanh tại thời điểm ngày 1-1-1991 được hạch toán bằng đồng Việt Nam. Trong những năm đó thanh toán nhập khẩu được hạch toán bằng 10 loại ngoại tệ: mark, frăng, yên, bảng, cuaron, gulden, đồng rúp chuyển đổi (là đơn vị tiền tệ thanh toán tại Liên Xô đối với Việt Nam), đồng Việt Nam… Tài sản cố định, vật tư thiết bị mua từ các nước thứ 3 bằng ngoại tệ chuyển đổi tự do được hạch toán bằng đơn vị tiền tệ của nước cung cấp (người bán). Vì vậy, công tác hạch toán gặp rất nhiều khó khăn. Công việc tính toán lại vốn điều lệ kéo dài hơn 2 năm. Song song với nó là tiến hành rà soát thanh toán giữa Tổng Công ty Petechin và Liên hiệp Công nghiệp toàn Liên bang Zarubezhneftecroy.
Cũng cần nhắc đến tác phong làm việc nghiêm túc của các lãnh đạo Tổng Công ty Petechim, ông Trần Hữu Lạc và Trần Tài, ông I.M.Sidorenko, Trưởng văn phòng đại diện Liên hiệp Công nghiệp toàn Liêng bang Zarubezhneftecroy tại Vũng Tàu và ông V.I.Lapin, Chánh kỹ sư. Người chịu trách nhiệm về công tác này phía Liên Xô là ông O.K.Popov, Tổng giám đốc Liên hiệp Kinh tế đối ngoại Zarubezhneft, các Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính A.D.Cherenchev, D.L.Shposhnhikov và bà T.Sobolkova. Nhưng phần công việc nặng nề nhất thuộc về lãnh đạo và chuyên gia của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro như các ông Đỗ Đình Khải, V.P.Kuzmenko, các Phó chánh kế toán Nguyễn Xuân Thắng, Trần Danh Thuyết, Phạm Ngọc Điển.
Mặc dù hoàn cảnh kinh tế Việt Nam vào thời đó rất khó khăn, nhưng nhận thức được tầm quan trọng sớm đưa Mỏ Bạch Hổ vào khai thác, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định dành toàn bộ số tiền doanh thu từ bán 5 tấn dầu đầu tiên trong giai đoạn 1986-1990 để phát triển Xí ngiệp Liên doang Vietsovpetro, điều này cho phép cải thiện đáng kể tình hình tài chính của xí nghiệp, giúp xí nghiệp không phải vay mượn thêm.
Vấn đề quan trọng thứ hai cần phải giải quyết vào cuối năm 1990 là việc soạn thảo và áp dụng chế độ trả công lao động mới cho cán bộ, công nhân viên của Xí nghiệp Liên doanh nhằm nâng cao mức sống cho người lao động.
Cũng xin nhắc lại rằng, thời gian đó (năm 1990) lương của tổng giám đốc và phó tổng giám đốc thứ nhất Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro là 305,8 nghìn VNĐ – tức bằng mức lương của một tạp vụ ở Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam. Vì vậy, vấn đề cấp bách cần đặt ra là phải xem xét lại vấn đề tiền lương với các điều kiện như nhau cho cán bộ, công nhân viên Việt Nam và Liên Xô.
Công tác sửa đổi hệ thống trả công lao động được các chuyên viên Bộ Công nghiệp Dầu mỏ Liên Xô, Bộ Lao động và Bộ Tư pháp Việt Nam, Petrovietnam, Liên hiệp Kinh tế đối ngoại Zarubezhneft, trong đó có sự tham gia của ông Iu.A.Shkodin, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công nghiệp Dầu mỏ Liên Xô (Trưởng đoàn công tác phía Liên Xô) và ông Đặng Nghi Lợi, Vụ trưởng thuộc Bộ Lao động Việt Nam (Trưởng đoàn công tác phía Việt Nam) cùng các đoàn viên đoàn công tác: Hoàng Phổ, Nguyễn Đức Tân, E.M.Gorelova, N.F.Kuznhesova, Đỗ Quang Toàn, Đỗ Chí Hiếu (thuộc hai phía) khẩn trương thực hiện trong các năm 1990-1991. Về phía Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro có các ông V.P.Kuzmenko (Trưởng đoàn công tác), Đỗ Đình Khải, V.N.Manukian, Bạch Quốc Đoàn. Có rất nhiều vấn đề cần tranh luận và nhiều đề xuât về mức lương chức danh, về số lượng cán bộ, công nhân viên. Tuy nhiên, các tranh luận đều diễn ra trong không khí làm việc thân thiện, tất cả đều hiểu rõ trách nhiệm và tầm quan trọng của những quyết định sẽ được thông qua liên quan đến vấn đề này. Đối với Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro và đối với cả Việt Nam thì đây là những vấn đề mới hoàn toàn và được giải quyết lần đầu.
Trong khoảng thời gian từ ngày 6 đến ngày 17-1-1991, đoàn công tác của hai phía và Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã lập và ký biên bản làm việc, trong đó xác định rõ các tiêu chí cơ bản của hệ thống trả công lao động mới và các sửa đổi tương ứng trong Quy chế nhân viên. Có thể nói rằng, đây là “một cuộc cách mạng” đầu tiên trong hệ thống trả công lao động của các doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam.
Sau đây là một số tiêu chí cơ bản trong Biên bản:
- Xây dựng hệ thống lương chức danh mới và mức lương tính bằng đôla Mỹ nhằm khắc phục rủi ro lạm phát và ổn định thu nhập cho cán bộ công nhân viên Xí ngiệp Liên doanh Vietsovpetro;
- Xác lập từ ngày 1-1-1991 thang bảng lương chức danh bằng đôla Mỹ trong khoảng từ 85-850USD;
- Soạn thảo hệ thống phụ cấp lương và áp dụng hệ thống chi thưởng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu cho cán bộ công nhân viên;
- Soạn thảo các tiêu chí lập Quỹ khuyến khích vật chất và Quỹ phúc lợi xã hội;
- Chi trả lương cho cán bộ công nhân viên Liên Xô bằng đồng đôla Mỹ và cho cán bộ công nhân viên Việt Nam bằng đồng Việt Nam tính theo tỉ giá quy đổi đồng Việt Nam và đôla Mỹ do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) quy định;
Việc áp dụng hệ thống trả công lao động mới đã giúp nâng mức tiền lương của các cán bộ nhân viên Việt Nam từ 150 nghìn VNĐ/tháng lên đến 400-500USD/tháng, tức là cao hơn tới 15-20 lần.
Tuy mức lương này vẫn thấp so với mức lương của các công ty dầu khí nước ngoài hoạt động tại Đông Nam Á, nhưng đối với Việt Nam vào thời điểm đó thì đã cao hơn mức lương của cán bộ công nhân viên cấp bộ và doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam từ 2-3 lần.
V.P Kuzmenko - Nguyên phó Tổng giám đốc Vietsovpetro