Đại hội Đảng bộ Viện Dầu khí Việt Nam lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Phát triển VPI thành hạt nhân đổi mới sáng tạo
Ngày 22/5/2020, Đảng bộ Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đại hội là dịp để toàn Đảng bộ tập trung trí tuệ, tổng kết, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả đã đạt được, chỉ ra yếu kém, phân tích rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm từ đó đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện cho nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Duy trì tốc độ phát triển nghiên cứu khoa học đạt 23%/năm

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đối diện với thách thức lớn khi kinh tế trong nước và thế giới biến động phức tạp, giá dầu thô liên tục giảm sâu và giữ ở mức thấp, mô hình hoạt động phải điều chỉnh theo các quy định mới của Nhà nước… Song với tinh thần “Trí tuệ Dầu khí - Truyền thống Anh hùng - Vững tiến vươn xa”, cán bộ, đảng viên, người lao động VPI đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, có bước phát triển vượt bậc, toàn diện trong nghiên cứu khoa học và dịch vụ khoa học công nghệ, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI và Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, VPI đã duy trì tốc độ phát triển nghiên cứu khoa học hàng năm đạt 23%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra (5 - 10%); tốc độ phát triển dịch vụ khoa học công nghệ hàng năm đạt 14%, đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra (10 - 15%). 


Đồng chí Phạm Xuân Cảnh - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Thành viên HĐTV PVN phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.

Đặc biệt, VPI tập trung nguồn lực đẩy mạnh triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn (Định hướng tìm kiếm thăm dò dầu khí truyền thống/phi truyền thống; nâng cao hệ số thu hồi dầu; chế biến hiệu quả thành phần carbon của khí thiên nhiên giàu CO2; phát triển tích hợp lọc - hóa dầu từ dầu). 

Trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, VPI đã triển khai thực hiện các dự án/đề tài nghiên cứu điều tra cơ bản, xác định tài nguyên dầu khí vùng nước sâu: Minh giải tài liệu địa chấn 2D - Dự án điều tra cơ bản khảo sát địa chấn 2D liên kết các bể trầm tích trên thềm lục địa Việt Nam (Dự án PVN12 và PVN15); định hướng công tác tìm kiếm thăm dò khu vực phía Bắc bể Sông Hồng trên cơ sở nghiên cứu tổng hợp các tài liệu cập nhật (PEXMOD, thông qua hợp tác quốc tế với GEUS). Triển khai nghiên cứu cấu trúc địa chất và các điều kiện hình thành khí hydrate ở vùng nước sâu thềm lục địa miền Trung và Đông Nam Bộ, Việt Nam”, xây dựng được quy trình xử lý tài liệu địa chấn dầu khí phục vụ cho nghiên cứu khí hydrate, xác định được các tiêu chí về dấu hiệu, tiền đề tìm kiếm khí hydrate.

Đồng thời, VPI hoàn thiện các hệ phương pháp phù hợp nâng cao hệ số thu hồi cho các mỏ ở Việt Nam: Thực hiện cụm 3 đề tài thuộc Chương trình trọng điểm cấp Quốc gia: “Nghiên cứu lựa chọn các giải pháp công nghệ và thực hiện đánh giá các tác nhân nâng cao hệ số thu hồi dầu cho đối tượng đại diện thuộc tầng trầm tích lục nguyên của bể Cửu Long”; “Nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm công nghiệp và đánh giá hiệu quả thực tế giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu cho một đối tượng đại diện thuộc tầng trầm tích lục nguyên của bể Cửu Long”; “Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu và chế tạo hệ hóa phẩm quy mô pilot áp dụng cho đối tượng đại diện thuộc tầng trầm tích lục nguyên của bể Cửu Long”.

Trong lĩnh vực hóa, chế biến dầu khí, VPI đã triển khai các dịch vụ tư vấn dự án và tư vấn vận hành cho các đơn vị thành viên và cho đối tác: Nghiên cứu đánh giá sự tương hợp khi phối trộn các loại dầu thô và quá trình lắng đọng cặn dầu (sludge) ở đáy các bể chứa dầu thô của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đề xuất giải pháp công nghệ phòng ngừa/xử lý sự tách pha và lắng đọng trong quá trình tồn trữ và chế biến tại nhà máy lọc dầu; nguồn và giá khí cho PVFCCo, PVCFC; tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylene Phú Mỹ; tư vấn lựa chọn và chế biến dầu thô có nguồn gốc từ Mỹ và nghiên cứu tăng độ linh động trong vận hành của Phân xưởng RFCC Nhà máy Lọc dầu Dung Quất,… 

Trong lĩnh vực an toàn, môi trường, VPI giữ vững và phát triển thương hiệu đơn vị cung cấp dịch vụ an toàn sức khỏe môi trường chất lượng cao; thực hiện nhiều gói dịch vụ phục vụ các dự án trọng điểm của ngành Dầu khí; mở rộng các dịch vụ mới: Lập báo cáo đánh giá tác động sức khỏe, quan trắc môi trường vùng biển sâu, dịch vụ đào tạo chuyên ngành an toàn sức khỏe môi trường, tư vấn thiết kế, thẩm định và xây dựng hệ thống xử lý nước thải, mô phỏng đánh giá tác động môi trường.

Trong lĩnh vực kinh tế, quản lý, VPI đã nghiên cứu đề xuất/hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý, quản trị và cơ chế chính sách phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN; xây dựng chiến lược, quy hoạch và phân tích kinh tế ngành Dầu khí trong bối cảnh nhiều biến động của thị trường dầu khí quốc tế (đặc biệt từ giá dầu thô); các giải pháp về tái cấu trúc, đầu tư vốn và tài chính doanh nghiệp; các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và thị trường các sản phẩm dầu khí trong điều kiện Việt Nam đang mở rộng hội nhập.

VPI đã được công nhận 94 sáng kiến/sáng chế/giải pháp hữu ích/sản phẩm đặc trưng/văn bản pháp lý được ban hành; tăng gấp gần 3 lần so với giai đoạn 2010 - 2014. Trong đó, được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp 3 bằng độc quyền sáng chế và 7 bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Song song với công tác nghiên cứu, VPI đẩy mạnh phát triển sản phẩm thương mại: Anode hy sinh, tổ hợp nano hoạt động bề mặt cho tăng cường thu hồi dầu đối tượng móng mỏ Bạch Hổ, phụ gia chống ăn mòn cho dầu mỡ bôi trơn và dầu công nghiệp, ZSM-5, ống nano carbon (CNT), dung môi sinh học TIOP SME cho dầu công nghiệp, gạch không nung sử dụng xúc tác FCC thải, vật liệu aerogel siêu kỵ nước, cồn rửa tay VPI-GEL...

Có thể nói, các sản phẩm khoa học công nghệ đã giúp ngành Dầu khí Việt Nam/PVN triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác hiệu quả hơn (phát triển, ứng dụng công nghệ/sản phẩm phục vụ quản lý và tối ưu khai thác, đảm bảo dòng chảy…); chế biến hiệu quả hơn (chế tạo xúc tác cracking công nghiệp, kiểm soát lắng đọng cặn dầu, phối trộn dầu thô, đa dạng hóa sản phẩm, tối ưu hóa vận hành,…); quản trị hiệu quả hơn (đánh giá tác động của giá dầu, tái cấu trúc, quản lý rủi ro) và phát triển bền vững hơn (quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; đề xuất phương án nâng cấp tối thiểu Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đạt tiêu chuẩn Euro 5; chống ăn mòn cho các công trình dầu khí).

 

Đồng chí Trần Mạnh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương trao Giấy khen cho các tập thể (Chi bộ Nghiệp vụ và Chi bộ An toàn Môi trường) có thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Phát triển VPI thành hạt nhân đổi mới sáng tạo

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ VPI đặt mục tiêu xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, có sức chiến đấu và khả năng thích ứng cao; xây dựng và phát triển VPI thành Học viện Dầu khí Việt Nam, hạt nhân trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và ứng dụng khoa học công nghệ dầu khí, hội tụ trí tuệ thế giới, tạo giá trị gia tăng về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho PVN và ngành Dầu khí Việt Nam, giúp PVN phát triển bền vững và tăng năng lực cạnh tranh thông qua tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh và đột phá trong ứng dụng và sáng tạo công nghệ...

Cụ thể, trong nghiên cứu khoa học công nghệ, VPI đặt mục tiêu triển khai thành công tối thiểu 4 chương trình nghiên cứu dài hạn để tạo ra các sản phẩm/giải pháp khoa học công nghệ, đón đầu các xu hướng chính trên thế giới (chuyển đổi năng lượng, kinh tế số); tư vấn xây dựng Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, PVN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; số lượng bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế (Q1, Q2 hoặc IF>2) tăng trưởng 15%/năm; đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ/sản phẩm khoa học công nghệ (sáng kiến, sáng chế, giải pháp, bản quyền tác giả) tăng trưởng 10%/năm, có tối thiểu 2 phát minh sáng chế quốc tế.

 

Đồng chí Trần Quang Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa Doanh nghiệp trao Giấy khen cho các đảng viên có thành tích xuất sắc trong công tác nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Về ứng dụng khoa học công nghệ, VPI tập trung xây dựng và phát triển hệ sinh thái sáng tạo cho ngành Dầu khí Việt Nam trong đó Học viện Dầu khí Việt Nam là hạt nhân, hội tụ trí tuệ thế giới. Số lượng hợp đồng ký mới tăng trung bình 10%/năm; ngoài ngành và nước ngoài tăng trưởng 20%/năm; thử nghiệm áp dụng tối thiểu 5 công nghệ mới trên thế giới; thương mại hóa tối thiểu 3 sản phẩm khoa học công nghệ.

Trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí truyền thống và phi truyền thống, VPI tập trung nghiên cứu các giải pháp kinh tế, kỹ thuật để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí ở Việt Nam và duy trì các hợp đồng dầu khí ở nước ngoài; nghiên cứu, cập nhật xây dựng cơ sở dữ liệu tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí; chính xác hóa ranh giới địa tầng trầm tích và liên kết các bể trầm tích Kainozoi trên thềm lục địa Việt Nam; nghiên cứu về công tác thăm dò mở rộng theo diện phạm vi toàn thềm và theo chiều sâu (các đối tượng từ Oligocene trở xuống), thời gian đầu thực hiện trong phạm vi các bể trầm tích Cửu Long và bể Nam Côn Sơn; nghiên cứu về công nghệ xử lý minh giải tài liệu địa chấn; nghiên cứu và đánh giá tiềm năng khí hydrate (gas hydrate) trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.

Trong lĩnh vực khai thác dầu khí, VPI sẽ tập trung nghiên cứu nâng cao hệ số thu hồi dầu cho các mỏ dầu khí ở Việt Nam; nghiên cứu công nghệ tiên tiến hiên đại phục vụ công tác thu dọn mỏ; nghiên cứu thiết kế, chế tạo phương tiện, trang thiết bị nhằm tăng hiệu quả công tác phát triển khai thác mỏ, vận chuyển, xử lý, tàng chứa dầu khí; nghiên cứu chế tạo vật liệu ưu việt phục vụ công tác thiết kế, chế tạo công trình khai thác, xử lý, vận chuyển, tàng chứa dầu khí; nâng cao khả năng, hiệu quả vận chuyển dầu bằng đường ống nội bộ mỏ và giữa các mỏ; nghiên cứu tối ưu chế độ khai thác mỏ; nghiên cứu tàng chứa dầu khí tại các mỏ, cấu tạo địa chất phù hợp; nghiên cứu công nghệ khoan và hoàn thiện giếng đa thân; nghiên cứu về công nghệ và thi công khoan và hoàn thiện giếng: lựa chọn choòng khoan, cấu trúc giếng khoan và dung dịch khoan phù hợp với các loại đối tượng địa chất, hoàn thiện giếng nhằm mục tiêu an toàn và hiệu quả.

Trong lĩnh vực chế biến dầu khí, VPI nghiên cứu kịch bản và các phương án đầu tư, nâng cấp, chuyển đổi nguyên, nhiên liệu tối ưu nhất cho các nhà máy đạm trong các giai đoạn khác nhau; chế biến hiệu quả thành phần carbon của khí thiên nhiên có hàm lượng CO2 cao; phát triển tích hợp lọc dầu và hóa dầu từ dầu. Trong lĩnh vực kinh tế - quản lý, VPI tiếp tục đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực quản trị của PVN trong giai đoạn 2020 - 2025; nghiên cứu tăng cường khả năng kiểm soát và nâng cao độ tin cậy hệ thống công nghệ tại các công trình dầu khí thông qua các giải pháp quản lý an toàn.

VPI chủ động phát triển sản phẩm thương mại (phần mềm/giải pháp công nghệ thông tin, anode hy sinh, hóa chất, sản phẩm đại chúng), đăng ký bản quyền trong nước và thế giới; tiếp tục mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ ra ngoài Tập đoàn, ngoài ngành và thế giới; triển khai và phát triển Hệ thống quản lý và chia sẻ tri thức dầu khí Việt Nam (VPInsights).

 

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ VPI nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Phạm Xuân Cảnh - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Thành viên HĐTV PVN đánh giá cao VPI đã đẩy mạnh triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn; các đề án hợp tác nghiên cứu với các tổ chức trong nước và quốc tế: “Kết quả nghiên cứu khoa học của VPI là cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách, chiến lược, quyết định của PVN và tư vấn cho Nhà nước trong các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, an toàn môi trường và kinh tế quản lý dầu khí…; đã kịp thời tư vấn các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và các đơn vị thành viên”.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Phạm Xuân Cảnh yêu cầu VPI tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ dầu khí; là cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, là nền tảng đổi mới sáng tạo, nơi hội tụ trí tuệ thế giới để tạo giá trị khoa học và công nghệ cho ngành Dầu khí Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho PVN, gia tăng lợi thế cạnh tranh thông qua tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh và đột phá trong ứng dụng và sáng tạo khoa học công nghệ, phấn đấu đến năm 2025 đạt trình độ ngang tầm khu vực.

Đồng thời, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn yêu cầu VPI tập trung nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ nhằm tạo ra sự đột phá trong dài hạn như: xây dựng mô hình triển khai đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới thông qua hợp tác với các sàn công nghệ, nâng cao giá trị cơ sở dữ liệu thông qua hệ thống chia sẻ tri thức, hoàn thiện và triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn; tăng cường quảng bá, tiếp tục mở rộng đối tượng và phạm vi cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ; khẳng định rõ vai trò trong tham mưu, lập, tư vấn thẩm định các dự án trọng điểm Quốc gia và trọng điểm của ngành Dầu khí.

Nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục củng cố các tổ chức Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, đồng chí Phạm Xuân Cảnh yêu cầu Đảng bộ VPI đặc biệt coi trọng củng cố, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng và cả hệ thống chính trị. Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, trong đó quan tâm, chú ý cán bộ trẻ, cán bộ nữ và xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao, coi trọng đào tạo và đào tạo lại. VPI cần xác định văn hóa doanh nghiệp cũng là nguồn tài nguyên, lợi thế, là động lực phát triển; chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên và tham gia tích cực công tác an sinh xã hội; tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 

Lãnh đạo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chúc mừng các đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ VPI nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ VPI nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 15 đồng chí, bầu trực tiếp Bí thư Đảng ủy tại Đại hội, bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần thứ III. Tại Hội nghị lần thứ I, Ban Chấp hành Đảng bộ VPI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã bầu Ban Thường vụ Đảng ủy (5 đồng chí), Phó Bí thư (2 đồng chí), Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy VPI (5 đồng chí). Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam Nguyễn Anh Đức tiếp tục được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy VPI nhiệm kỳ 2020 - 2025.


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​