AI thay đổi cách bảo dưỡng sửa chữa như thế nào?
Trước đây, công tác bảo dưỡng sửa chữa trong ngành Công nghiệp Khí & Lọc hóa dầu chủ yếu dựa vào kinh nghiệm con người và các kế hoạch định kỳ. Tuy nhiên, phương pháp này có những hạn chế nhất định như: Chi phí cao do phải bảo dưỡng định kỳ ngay cả khi thiết bị chưa có dấu hiệu hỏng hóc; Nguy cơ gián đoạn vận hành nếu thiết bị gặp sự cố bất ngờ ngoài dự đoán; Thiếu tính dự báo do không có đủ dữ liệu phân tích tình trạng thiết bị theo thời gian thực.
Sự xuất hiện của AI đã thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận này. Các thuật toán học máy (machine learning) có khả năng thu thập, phân tích dữ liệu từ cảm biến gắn trên thiết bị, từ đó đưa ra dự báo chính xác về thời điểm cần bảo dưỡng. Công nghệ này giúp ngành dầu khí chuyển từ mô hình bảo dưỡng định kỳ sang bảo dưỡng dự đoán (predictive maintenance) – một bước tiến quan trọng nhằm tối ưu chi phí và nâng cao hiệu suất vận hành.
Tại Petrovietnam, một số đơn vị đã tiên phong triển khai AI vào công tác bảo dưỡng sửa chữa, đem lại những kết quả tích cực: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn - BSR) đã ứng dụng AI vào hệ thống giám sát và phân tích dữ liệu vận hành. Nhờ đó, nhà máy có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của thiết bị, giúp giảm đáng kể nguy cơ dừng máy ngoài kế hoạch.
CBCNV BSR tại phòng điều khiển trung tâm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Nhà máy Đạm Cà Mau (PVCFC) sử dụng AI kết hợp với mô hình đánh giá tình trạng thiết bị, cho phép dự đoán chính xác tuổi thọ của các linh kiện quan trọng. Điều này giúp tối ưu kế hoạch bảo dưỡng và kéo dài tuổi thọ của thiết bị.
Công tác vận hành tại Nhà máy Đạm Cà Mau
Nhà máy Đạm Phú Mỹ (PVFCCo) ứng dụng AI để phân tích hiệu suất của máy nén khí và bơm cao áp – những thiết bị quan trọng trong quá trình sản xuất. Kết quả là năng suất vận hành được cải thiện, đồng thời giảm thiểu tiêu hao năng lượng.
Chuyên gia, kỹ sư tại Phòng Công nghệ trung tâm của Nhà máy Đạm Phú Mỹ
Thách thức và cơ hội
Dù mang lại nhiều lợi ích, việc triển khai AI trong bảo dưỡng sửa chữa cũng đối mặt với một số thách thức. Từ Đầu tư ban đầu lớn, việc tích hợp AI đòi hỏi hệ thống hạ tầng dữ liệu mạnh mẽ, từ cảm biến IoT đến nền tảng phân tích dữ liệu. Thiếu nhân sự chuyên môn, các kỹ sư bảo dưỡng truyền thống cần được đào tạo để làm chủ công nghệ AI. Bên cạnh đó, tính bảo mật dữ liệu vận hành khỏi nguy cơ tấn công mạng là vấn đề quan trọng.
Tuy nhiên, cơ hội mà AI mang lại là rất lớn. Khi ứng dụng thành công, AI không chỉ giúp tiết kiệm hàng triệu USD chi phí bảo dưỡng mỗi năm, mà còn nâng cao độ an toàn và tính bền vững cho Petrovietnam.
Việc ứng dụng AI trong bảo dưỡng sửa chữa không còn là xu hướng của tương lai, mà đã trở thành một yêu cầu tất yếu. Các doanh nghiệp trong ngành Công nghiệp Khí & Lọc hóa dầu cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để nâng cao hiệu quả vận hành, tối ưu chi phí và đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất. Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, AI chính là chìa khóa giúp Petrovietnam bắt kịp với xu thế công nghệ toàn cầu.
Chiều ngày 21/03/2024, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) tổ chức Hội nghị chuyên đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Chuyển đổi số trong công tác bảo dưỡng sửa chữa lĩnh vực Công nghiệp Khí & Lọc hóa dầu”. Hội nghị nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, tìm kiếm các giải pháp công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa công tác bảo dưỡng sửa chữa (BDSC) tại các nhà máy thuộc lĩnh vực Công nghiệp Khí & Lọc hóa dầu của Petrovietnam.