Cũng theo Bộ Tài chính, hiện nay, các mức giá điện, xăng, dầu đã kiềm chế quá lâu nên các ngành này lỗ lớn và không huy động được vốn đầu tư, tác động mất cân đối cung cầu (thiếu điện), buôn lậu, sử dụng lãng phí… đến nay không thể điều chỉnh. Trong năm 2011, thực hiện điều chỉnh một bước để xóa bao cấp, tránh đảo lộn kinh tế vĩ mô tác động xấu đến kinh tế - xã hội và cộng đồng đồng thời thực hiện chính sách an sinh xã hội. Cụ thể:
Đối với giá điện: Với giá điện hiện hành, tình hình tài chính của ngành điện rất khó khăn, tính đến hết năm 2010, các chi phí chưa tính đủ vào giá điện còn treo (lỗ) khoảng gần 28.000 tỷ đồng. Năm 2011, nếu không điều chỉnh giá điện, ngành điện sẽ lỗ thêm nữa. Nếu tính đủ các chi phí đầu vào thì giá điện bình quân phải tăng 62%, tuy nhiên, trong năm 2011, chỉ điều chỉnh tăng một phần trên nguyên tắc: Nhà nước lùi 90% khấu hao (chỉ tính vào cơ cấu giá 10% khấu hao); Tạm thời chưa tính tính lãi ngành điện; Chưa thu phí dịch vụ môi trường rừng đối với các nhà máy thủy điện; Tạm khoanh lỗ đến 31/12/2010; Giá than bán cho điện hiện nay chỉ bằng khoảng 44-48% so với giá thành và 29-32% giá xuất khẩu nhưng lần này chỉ điều chỉnh tăng 5%. Xuất phát từ cơ sở này, trước mắt, Chính phủ điều chỉnh tăng giá điện bình quân 165đ/Kwh (tương ứng 15,28%), bằng 24,7% mức phải điều chỉnh.
Liên quan đến vấn đề điều chỉnh giá điện theo giá thị trường, gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 15/04/2011 về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường. Theo đó, thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa 02 lần liên tiếp tối thiểu là 03 tháng thay vì 01 năm như quy định hiện hành; việc điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường phải được thực hiện công khai, minh bạch. Giá bán điện chỉ được điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành. Các thông số đầu vào khác của giá bán điện chỉ được xem xét để điều chỉnh giá bán điện sau khi có báo cáo quyết toán, kiểm toán theo quy định.
Trường hợp giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm tính toán biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành và cơ cấu sản lượng điện phát thay đổi so với kế hoạch phát điện được phê duyệt làm giá bán điện tại thời điểm tính toán giảm từ 5% trở lên so với giá bán điện hiện hành thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định điều chỉnh giảm giá bán điện tương ứng.
Trường hợp giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm tính toán biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành và cơ cấu sản lượng điện phát thay đổi so với kế hoạch phát điện đã được phê duyệt làm giá bán điện tại thời điểm tính toán so với giá bán điện hiện hành tăng tới mức 5% thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Chênh lệch trên 5% thì EVN báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định, Thủ tướng xem xét, phê duyệt. Sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ mà chưa có ý kiến trả lời, cho phép EVN được điều chỉnh giá bán điện ở mức 5%.
Với quyết định này, “nút thắt” về giá điện từ bấy lâu nay vẫn tồn tại trong nền kinh tế đã được tháo gỡ vì nó giải quyết được nhiều vấn đề cùng một lúc như: Giải quyết được căn bản những nguyên nhân tồn tại như thu hút vốn đầu tư, thiếu điện, tổn thất, lãng phí điện năng, giải phóng mặt bằng, sự chậm trễ trong đầu tư các dự án điện…
Cũng theo đó, từ 1/6/2011, những nội dung trên sẽ chính thức phát huy hiệu lực.
Đối với giá xăng dầu: Giá xăng dầu đã thực hiện theo nguyên tắc thị trường từ cuối năm 2009 theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, từ giữa năm 2010 đã dừng không điều chỉnh trong khi giá xăng dầu thế giới tăng 29% (giá dầu thô hiện đã trên 110 USD/thùng)
Để ổn định giá trong nước trong điều kiện giá thế giới tăng, Nhà nước đã 6 lần lùi thuế nhập khẩu từ 20% xuống 0% (ước gián thu khoảng trên 10.000 tỷ đồng) đồng thời cho sử dụng 6400 tỷ đồng từ Quỹ bình ổn giá để bù giá vốn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Thêm vào đó, giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn nhiều nước như, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore từ 6100-8600đ/lít, gây ra tình hình buôn lậu xăng dầu qua biên giới.
Do giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng ở mức cao trong khi tiềm lực tài chính hiện không còn: thuế đã giảm 0%, Quỹ bình ổn giá đã sử dụng gần hết, nên cần thiết phải điều chỉnh giá. Và, với mức giá sau khi điều chỉnh, giá xăng dầu trong nước vẫn còn thấp hơn giá xăng, dầu của một số nước trong khu vực như: Lào, Campuchia, Trung Quốc…). Và như vậy, mức điều chỉnh giá điện, xăng dầu nhằm hướng tới giá các loại mặt hàng này hoạt động theo cơ chế thị trường.
(Theo Báo điện tử ĐCSVN)