Tân Tổng giám đốc Phùng Đình Thực: “Ổn định và phát triển bền vững là mục tiêu, là trách nhiệm của chúng ta”

     Ngày 23/6/2009 Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho đồng chí Phùng Đình Thực kể từ ngày 01/7/2009. Tại buổi lễ, tân TGĐ đã có bài phát biểu quan trọng về những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức, cũng như vạch ra kế hoạch cụ thể trong nhiệm kỳ TGĐ của mình để đưa Petrovietnam phát triển bền vững. Ban Biên tập Website Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ghi lại toàn văn bài phát biểu của đồng chí Phùng Đình Thực và xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc:

Kính thưa: - Đồng chí Võ Đức Huy, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí  thư đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương;

-    Đồng chí Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng thường trực Bộ Công thương;

-    Đồng chí Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính

-    Đinh La Thăng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí  thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn DKVN;

Thưa các đồng chí và các bạn có mặt hôm nay tại Hà Nội và 6 đầu cầu;

Thưa toàn thể cán bộ công nhân TĐDKQGVN!

Hôm nay tôi trong tâm trạng xen lẫn vừa vinh dự và đồng thời nhận thấy rõ trách nhiệm của mình với ngành khi được các đồng chí trao quyết định bổ nhiệm giữ  chức vụ Ủy viên HĐQT, Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn,Tổng giám đốc TĐDKVN .

Trước hết tôi xin bầy tỏ lòng biết ơn chân thành nhất tới Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tin tưởng bổ nhiệm tôi giữ chức ủy viên HĐQT và phê chuẩn tôi giữ chức vụ Tổng giám đốc TĐDKVN. Tôi xin cảm ơn Bộ Công thương, Bộ Nội vụ, Đảng ủy khối đã ủng hộ và đề nghị Thủ tướng về trường hợp của tôi. Tôi xin cám ơn Thường vụ đảng ủy, HĐQT, đồng chí Chủ tịch HĐQT đã tin cậy giới thiệu với các cấp có thẩm quyền và ký quyết định bổ nhiệm tôi làm Tổng giám đốc. Tôi xin cảm ơn Ban Tổng giám đốc, tập thể cán bộ chủ chốt Tập đoàn, toàn thể cán bộ công nhân viên ngành đã tín nhiệm tôi .

Tôi hiểu rằng các đồng chí bỏ phiếu tín nhiệm, giới thiệu tôi không vì cá nhân tôi, mà đã gửi gắm ở đó sự tin tưởng và ủy nhiệm cho tôi thực hiện nhiệm vụ này. Tôi xin hứa sẽ cố gắng hết sức không ngại khó khăn, không sợ phức tạp, làm hết sức mình, cùng tập thể, dựa vào tập thể xây dựng TĐDKVN liên tục phát triển không phụ lòng tin, sự tín nhiệm của các đồng chí.

Nhân dịp này, tôi xin cảm ơn TGĐ nhiệm kỳ vừa qua - đồng chí Trần Ngọc Cảnh vì sự đóng góp của đồng chí cho sự phát triển của ngành. Chúng tôi nhận thấy càng về những năm sau sự đóng góp của đồng chí càng hiệu quả hơn. Chúc đồng chí và gia đình mạnh khỏe và rất hy vọng ở cương vị mới đồng chí tiếp tục có những đóng góp mới cho ngành Dầu khí Việt Nam.


Thưa các đồng chí! Từ khi được tin Thủ tướng đã phê chuẩn tôi vào chức vụ TGĐ, tôi nhận nhiều điện thoại của các đồng chí, bạn bè, người thân, đồng nghiệp, và một điều tương đối thống nhất là : sau chúc mừng là những lời chia sẻ, chia sẻ vì những khó khăn phức tạp của giai đoạn hiện nay và sắp tới .Tôi nhận thức được những khó khăn và thuận lợi. Thấy những khó khăn để đưa ra giải pháp, cách đi phù hợp. Những khó khăn, phức tạp là:

Thứ nhất: Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính thế giới đến nền kinh tế VN. Đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp của sự suy thoái kinh tế thế giới đến ngành Dầu khí của chúng ta.

Thứ 2 : sự phát triển rất rộng của Tập đoàn chúng ta trong khi lực lượng cán bộ mỏng, thiếu. Chưa bao giờ chúng ta đầu tư phát triển lớn như giai đoạn sắp tới.

+ Về tìm kiếm thăm dò khai thác DK : Bên cạnh khu vực truyền thống chúng ta tiến ra khu vực xa hơn, nước sâu hơn, điều kiện phức tạp hơn.

+ Về lọc hóa dầu: Sau nhà máy lọc dầu Dung Quất là NM số 2 Nghi Sơn, NM số 3 Long Sơn lớn hơn về công suất.

+ Về công nghiệp khí: Là hệ thống đường ống liên hoàn Đông Tây Nam bộ, là NM Đạm thứ 2 Cà Mau, phát triển LPG, LNG, CNG..

+ Về công nghiệp điện: chúng ta đàu tư vào 5 nhà máy điện than với tổng công suất 6000 MW. Đưa tổng công suất điện năng của của TĐ là 9500 MW, tương đương công suất điện hiện nay của EVN.

+Chúng ta triển khai các dự án TDKTDK lớn tại Veneduela, tại Nga trong điều kiện khai thác khó khăn phức tạp.

+ Chúng ta đầu tư trang thiết bị hiện đại hơn, mạnh hơn để chủ động thực hiện nhiệm vụ: sau tầu địa chấn 2D là 3D, giàn khoan, tầu khoan( kể cả nước sâu) .

Thứ 3: Giai đoạn sắp tới hàng loạt các công trình trọng điểm bước vào giai đoạn quyết toán, và các đồng chí đã biết quyết toán những công trình lớn bao giờ cũng phức tạp.

Nhiệm vụ rất nhiều trong khi lực lượng cán bộ công nhân của Tập đoàn mỏng, thiếu cả về số lượng và chất lượng.


Tuy nhiên những khó khăn chỉ là trước mắt, tạm thời, thuận lợi là cơ bản. Có thể nói TĐDK chúng ta đến nay đang phát triển với tốc độ nhanh, mạnh và không đơn thuần như TĐ kinh tế bình thường, phát triển bình thường, mà là Tập đoàn Dầu khí đã thay đổi về chất. Số liệu gần đây, đặc biệt năm 2008,  tiếp tục khẳng định vị trí tiên phong, đầu tầu của TĐDK trong nền kinh tế cả nước.Tính tiên phong, đầu tầu thể hiện 4 mặt:

-    Tiên phong trong đẩy mạnh sản xuất, thu nộp ngân sách Nhà nước.

-    Tiên phong trong hội nhập, thu hút đầu tư, đầu tầu cùng các ngành các địa phương hợp tác, hỗ trợ, tạo điều kiện cùng phát triển.

-    Tiên phong trong thực hiện các chính sách của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, chống suy giảm kinh tế.

-    Tiên phong trong thực hiện chính sách: an sinh xã hội.

Tập đoàn DK hiện nay là một TĐ kinh tế mạnh- đoàn kết. Mỗi người chúng ta tự hào là cán bộ, công nhân của ngành DK. Mỗi đơn vị chúng ta tự hào là thành viên của TĐDKQGVN. Đây chính là thế mạnh, là ưu điểm vượt trội. Có được như vậy là công sức của bao thế hệ đi trước: những người lãnh đạo vững vàng , năng động, sáng tạo, tập thể cán bộ công nhân trình độ cao, trí tuệ cao. Có được như vậy vì được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, chính phủ, sự giúp đỡ của nhân dân cả nước.

Các thế hệ tiếp theo, những người như chúng ta trong giai đoạn kế tiếp này (dù ai chăng nữa) không được phép làm phai mờ, làm xấu đi hình ảnh đáng quý đó, mà có trách nhiệm đồng tâm hiệp lực, phát huy thế mạnh, vun đắp thêm, làm sáng lên hình ảnh Dầu khí VN, tiếp tục xây dựng TĐDK tiến lên phát triển ổn định và bền vững.Tập đoàn ổn định và phát triển bền vững là mục tiêu của chúng ta, là trách nhiệm của chúng ta -những người  đi tiếp trong giai đoạn tới.


Thưa các đồng chí! Từ khi có sự phê chuẩn của Thủ tướng về chức TGĐ, tôi suy nghĩ nhiều về những nhiệm vụ sắp tới . Đó là tổ chức thực hiện bằng được chiến lược phát triển ngành DK đến năm 2015, làm tiền đề thực hiện cho đến 2025. Chiến lược đó đã được Bộ Chính trị thông qua, kết luận tháng 1/2006 và Thủ tướng phê duyệt tháng 3/2006.Là TGĐ  tôi có trách nhiệm đề xuất với Đảng ủy và HĐQT những nhiệm vụ ưu tiên cần giải quyết, và tổ chức thực hiện bằng được những ưu tiên đó .

Nhân đây tôi xin phép vắn tắt trình bầy những suy nghĩ ban đầu, có thể chưa đầy đủ.

Tôi đề xuất 3 nhóm nhiệm vụ ưu tiên .

Nhóm thứ nhất  về sản xuất kinh doanh(SXKD) : Đẩy mạnh SXKD xây dựng nền tảng vật chất, kỹ thuật vững chắc, tập trung phát triển mạnh những lĩnh vực chính yếu của ngành (mà chúng ta gọi là core business – tức là không có nó không phải ngành DK) .

Trong nhóm ưu tiên SXKD thì nhiệm vụ số 1 là : Đẩy mạnh TKTD khai thác DK trong nước . Tại sao vậy ? Tôi xin đưa con số: Năm 2008, trong 280 ngàn tỉ đồng doanh thu thì 190 ngàn tỉ đồng là từ nguồn dầu  khai thác trong nước; trong 121 ngàn tỉ nộp ngân sách thì 112 ngàn tỉ đồng từ khai thác DK trong nước.Điều đó nói lên cái gì? Nói lên thăm dò khai thác dầu khí trong nước là mũi nhọn của ngành hiện nay và mười năm tiếp theo vẫn chưa thể thay thế. Phải tiếp tục đầu tư, chăm lo. Phải chú ý đặc biệt, không lơ là .

Chúng ta phải xác định làm rõ, khẳng định nguồn DK ở Biển Đông của chúng ta, kể cả nước sâu .Trong giai đoạn tiếp theo ai có nhiều nguồn, người đó sẽ chiến thắng, sẽ phát triển .Đơn vị của chúng ta VSP,PVEP và Tập đoàn muốn phát triển bền vững phải có nguồn tài nguyên bổ sung.

Nhiệm vụ ưu tiên số 2 trong nhóm nhiệm vụ về SXKD đó là :Tiếp tục thực hiện chủ trương về khai thác DK ở nước ngoài.

Thưa các đồng chí, trong số 16 triệu tấn dầu khai thác năm 2009 thì khai thác nước ngoài là 0,2 triệu tấn. Sáng nay vừa làm việc với PVEP, khả năng khai thác ở nước ngoài còn dưới 0,2 triệu tấn. Tức là sản lượng khai thác ngoài nước mới chiếm khoảng 1% sản lượng cả ngành. Điều đó nói lên gì? Nói lên chúng ta còn tiềm năng, chúng ta còn cố gắng nhiều lắm mới thực hiện được chiến lược phát triển ngành. Cần đẩy mạnh thực hiện chiến lược để tìm nguồn, bổ sung nguồn từ nước ngoài. Đây là giai đoạn thuận lợi để bổ sung nguồn. Tuy nhiên về cách đi, bước đi sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, trên cơ sở rút ra những bài học kinh nghiệm trong thời gian qua.

Nhiệm vụ ưu tiên số 3 trong nhóm SXKD là phát triển những lĩnh vực DK thế mạnh: Công nghiệp khí, đạm, điện, LPG,LNG; lọc dầu và hóa dầu,không những lọc dầu mà còn phát triển mạnh về hóa dầu.

Nhiệm vụ số 4 trong nhóm nhiệm vụ SXKD là: phát triển các loại hình dịch vụ -  xây lắp,cả trên biển, cả trên bờ; phát triển dịch vụ kỹ thuật cao, chuyên ngành khoan, địa vật lý; Cơ khí, tầu thuyền – vận tải; Và tất nhiên thương mại, tài chính, bảo hiểm vv…

Trên đây là nhóm ưu tiên thứ nhất liên quan đến phát triển SXKD.


Nhóm nhiệm vụ ưu tiên thứ 2: Xây dựng đội ngũ – lực lượng – yếu tố con người tương xứng với tổ chức mới.

Có lẽ ai trong chúng ta cũng nhận thấy, với sự phát triển hiện nay, lực lượng cán bộ chúng ta mỏng thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển . Nền công nghiệp hiện đại, đang đòi hỏi những con người, lực lượng phù hợp.Chăm lo đến con người , chính là chăm lo đến yếu tố quan trọng nhất của Công nghiệp hóa- hiện đại hóa.Chúng ta thiếu nhân lực cả lâu dài và cả trước mắt. Ở đây chúng ta phải giải đồng thời hai bài toán:

-    Thứ nhất đáp ứng nhu cầu cán bộ giai đoạn trước mắt

Vậy nguồn nào cho cán bộ trước mắt?Đó là: Xắp xếp trên cơ sở sở trường, năng lực của cán bộ hiện có; Đào tạo lại, bổ sung kiến thức cán bộ cần thiết trước mắt; Luân chuyển cán bộ trong các đơn vị trong ngành; Sử dụng cán bộ địa phương tại chỗ những nơi ta có dự án; Có chính sách thu hút cán bộ Việt Nam đang làm việc ở các công ty nước ngoài; Cho phép thuê chuyên gia nước ngoài, đồng thời có chương trình kèm cặp người Việt Nam thay thế.


-    Thứ 2: Đáp ứng nhu cầu nhân lực lâu dài.

Nhiệm vụ này đòi hỏi đào tạo cơ bản, căn cơ. Chúng ta phải đào tạo sinh viên, nghiên cứu sinh, chuyên gia, cán bộ quản lý; Chuẩn bị đủ nguồn(các thế hệ 6X,7X,8X) cho các giai đoạn kế tiếp.

Như vậy chúng ta vừa phải lo xây dựng lực lượng trước mắt và vừa lo lâu dài; phải kết hợp công tác đào tạo và chính sách sử dụng.


Nhóm nhiệm vụ ưu tiên thứ 3: Xây dựng nền tảng Văn hóa Dầu khí. Nền văn hóa Dầu khí vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa mang mầu sắc dầu khí : hiện đại, hội nhập.

Ở đấy Tập đoàn có trách nhiệm chăm lo đến mọi thành viên của Tập đoàn và mỗi người có trách nhiệm vì Tập đoàn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, có như vậy mới hoàn thành được nhiệm vụ lớn- nhiệmvụ chính trị đang đặt ra cho Tập đoàn Dầu khí chúng ta.Đây là nhiệm vụ ưu tiên, lâu dài nhưng phải làm. Dài thì chia làm từng bước, không lơ là.

Chúng ta xây dựng nền văn hóa Dầu khí để cán bộ công nhân viên trong ngành hiểu sâu sắc rằng: ngành Dầu khí không phải của riêng ai, mà của cả Tập đoàn và không chỉ của Tập đoàn, mà của cả nước. Chúng ta vinh dự được Nhà nước giao cho làm việc đó.Vì cả nước, nên chúng ta có trách nhiệm tạo điều kiện, hỗ trợ, hợp tác với các ngành, các địa phương vì sự nghiệp chung.

Chúng ta xây dựng nền văn hóa DK, để tất cả cán bộ công nhân viên nhận thức đầy đủ rằng phát triển kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu của Tập đoàn, nhưng không đơn thuần về kinh tế , mà nhiệm vụ của chúng ta gắn chính trị, gắn với ngoại giao, gắn với chủ quyền – quốc phòng – an ninh. Chúng ta phát triển kinh tế để góp phần ổn định chính trị. Trong quá trình làm việc với đối tác nước ngoài, chúng ta quán triệt sâu sắc : Chính sách đa phương hóa trong quan hệ, làm bạn với tất cả các nước. Để góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia chúng ta thực hiện triệt để nghị quyết trung ương về chiến lược biển : vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế biển vừa góp phần tạo môi trường hòa bình để phát triển. Hòa bình, hữu nghị nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Thưa các đồng chí! Nhiệm vụ sắp tới của chúng ta, như đã được trình bầy ở trên rất to lớn và nặng nề. Về phần mình tiếp thu nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Đảng ủy khối, đồng chí Thứ trưởng thường trực Bộ Công thương, đồng chí Bí thư Đảng ủy Tập đoàn, tôi xin hứa với Đảng, Chính phủ , với các đồng chí không ngại khó khăn, không sợ phức tạp sẽ làm hết sức mình vì sự phát triển của TĐDKVN.

Tuy nhiên với nhiệm vụ lớn như vậy một cá nhân, dù giỏi đến mấy, cũng không làm nổi. Vì vậy tôi kêu gọi ở các đồng chí: toàn thể CBCNV ngành Dầu khí hãy đồng tâm hiệp lực, chung sức chung lòng vì sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam. Tôi tin tưởng ở bản lĩnh vững vàng, trí tuệ tầm cao đã được thử thách của tập thể ngành Dầu khí. Tôi tin tưởng vững chắc, tin tưởng mạnh mẽ rằng một tập thể với bề dầy truyền thống, có tiềm lực mạnh lấy đồng tâm hiệp lực làm tiền đề, chắc chắn sự nghiệp chung của chúng ta, ngôi nhà Dầu khí của chúng ta sẽ phát triển vững bền.

Xin cảm ơn các đồng chí.