
Dự Hội nghị có các đồng chí: Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Nguyễn Quang Dương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và một số tập đoàn kinh tế. Về phía Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có các đồng chí: Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Phùng Đình Thực, Phó Bí thư Đảng uỷ, Tổng giám đốc, các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo các đơn vị thành viên Tập đoàn.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và làm rõ những kết quả đạt được cũng như những hạn chế trong quá trình triển khai Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 9 (khóa IX) về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; Kết luận số 41-KL/TW về chiến lược phát triển ngành dầu khí đến năm 2015; Kết luận 16-KL/TW về tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Đổi mới toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tập đoàn
Báo cáo tổng kết do đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, Phó Trưởng ban sắp xếp đổi mới doanh nghiệp của PVN trình bày đã nêu rõ: Sau 10 năm thực hiện, PVN đã hoàn thành cơ bản và thực hiện thành công công tác cổ phần hóa các đơn vị DNNN thuộc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam trước đây theo kế hoạch cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuân thủ đúng quy trình và các quy định của Nhà nước.
Trong quá trình cổ phần hóa, Tập đoàn luôn chỉ đạo sát sao lành mạnh hóa tình hình tài chính cuả doanh nghiệp bằng các giải pháp cụ thể, tập trung rà soát, phân loại tài sản, công nợ và xử lý dứt điểm các vấn đề tài chính theo đúng các quy định của pháp luật. Vì vậy, sau cổ phần hóa, tình hình tài chính của các đơn vị thành viên Tập đoàn đều lành mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Vốn điều lệ của các đơn vị cơ bản được xây dựng phù hợp phương án sau cổ phần hóa và chiến lược của các công ty trong chiến lược chung toàn Tập đoàn.
Sau 10 năm, PVN đã chuyển đổi thành công từ mô hình tổng công ty sang hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế, cơ bản hoàn thành được ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm, thăm dò khai thác, chế biến, dịch vụ.

PVN là đơn vị đầu tiên tổ chức Tổng kết 10 năm công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp
Sau 5 năm triển khai mô hình tập đoàn kinh tế, trong đó có Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con đã có sự thay đổi to lớn về chất, xóa bỏ liên kết hành chính bằng liên kết đầu tư tài chính phù hợp với cơ chế thị trường, cơ cấu tổ chức hoạt động đang dần hoàn thiện.
Thu về hơn 23.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa
Sau 10 năm, PVN đã thực sự trở thành tập đoàn kinh tế đầu tàu với tốc độ tăng trưởng trung bình 5 năm gần đây đạt gần 20 %/năm, chiếm bình quân 10-20% GPD cả nước, đóng góp trung bình 20-30% tổng thu ngân sách quốc gia. Ngoài ra, PVN còn làm tốt công tác an sinh xã hội, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển, xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên vững mạnh, khẳng định được vị trí, vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp dầu khí. Quy mô hoạt động, quy mô về vốn tăng cao so với 5 năm trước đây.
Đến nay, PVN đã hoàn thành công tác cổ phần hóa 18 doanh nghiệp. Kết quả cổ phần hóa đã mang lại lợi ích rất lớn cho PVN, giá trị thặng dư thu về trong việc cổ phần hóa đạt hơn 23.000 tỷ đồng, giá bán đấu giá so với mệnh giá ban đầu tăng thêm 5 lần.
Quá trình tái cấu trúc, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp được PVN làm từ rất sớm với định hướng chủ yếu là PVN thoái vốn ở hầu hết các đơn vị, các doanh nghiệp, các dự án không thuộc lĩnh vực chính, hoạt động không hiệu quả, thu vốn về để tập trung đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chính. Trên cơ sở đó, PVN đã tái cấu trúc và hình thành được Tổng công ty mạnh. Hiện nay, ngoài Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVN đã hình thành 5 Tổng công ty TNHH 1 thành viên, 100% vốn của Tập đoàn ở những lĩnh vực mũi nhọn và xây dựng được 12 Tổng công ty chuyên ngành, hỗ trợ các hoạt động của Tập đoàn. Chuyển công ty mẹ thành công ty TNHH 1 thành viên.
Đồng chí Đinh La Thăng khẳng định: Kết quả của quá trình cổ phần hóa, tái cấu trúc, sắp xếp lại doanh nghiệp được khẳng định cả về ý nghĩa chính trị, kinh tế, chất lượng quản trị doanh nghiệp và khả năng cạnh tranh. Khả năng cạnh tranh thể hiện ở chỗ trình độ khoa học công nghệ của PVN thay đổi hẳn về mức độ hiện đại tiên tiến và khi Tập đoàn đã vươn ra nước ngoài thành công thì việc đầu tiên được khẳng định là chất lượng nhân sự của PVN rất cao. Quyết định tách riêng Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thành đảng bộ độc lập trực thuộc Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tạo điều kiện nâng cao một bước vai trò lãnh đạo trực tiếp và tòan diện của Đảng đối với Tập đoàn, góp phần sớm đưa các chủ trương chính sách của Đảng vào cuộc sống.
(Theo Báo điện tử ĐCSVN)