Đầu tàu kinh tế của đất nước
Ngày
nay, Petrovietnam đã khẳng định được vị thế của Tập đoàn kinh tế
trụ cột, mũi nhọn của đất nước; đóng góp quan trọng cho ngân sách
hằng năm, góp phần điều tiết ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh
và cân đối năng lượng, an ninh lương thực, an sinh xã hội và góp phần
tham gia giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia trên biển.
Ý
nghĩa to lớn của những thành tựu mà Petrovietnam đã đạt được là
quy mô và phạm vi của Tập đoàn đã phát triển vượt bậc, khá toàn diện
cả về chiều rộng và chiều sâu, về tiềm lực tài chính và năng lực
quản lý, điều hành; trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật hoàn chỉnh,
đồng bộ, đa dạng các hình thức sở hữu từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai
thác đến vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập
khẩu.
Thương
hiệu Petrovietnam đã được khẳng định uy tín ở trong nước và nâng cao
vị thế trong cộng đồng dầu khí quốc tế; sức cạnh tranh được cải thiện,
hoạt động đầu tư ra nước ngoài mở rộng, chủ động hội nhập kinh tế quốc
tế, đầu tư chiều sâu, áp dụng nhiều công nghệ mới trong hoạt động sản
xuất kinh doanh và trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế -
xã hội, dẫn dắt và phát triển của một số ngành công nghiệp mũi nhọn
khác ở trong nước. Tập đoàn đã xây dựng được một đội ngũ những
người làm dầu khí hùng hậu với số lượng gần 6 vạn người, có tinh thần
đoàn kết, có trình độ cao, làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong nước và
ngoài nước; việc làm và thu nhập đối với người lao động ổn định.

Ảnh: Cấn Dũng
Cùng
nhìn lại chặng đường 42 năm, để mỗi người lao động Dầu khí tự hào hun
đúc ý chí, hướng đến tương lai, thêm vững niềm tin để đồng tâm hiệp lực,
chung sức chung lòng tiếp tục xây dựng ngành Dầu khí phát triển bền
vững trong những vận hội mới, thời cơ mới.
Việc
thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, đánh dấu một giai đoạn
phát triển mới của ngành Dầu khí Việt Nam, chấm dứt thời kỳ hoạt động
của các tổ chức riêng rẽ thuộc Tổng cục Địa chất, Tổng cục Hóa chất…
Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam là tổ chức Nhà nước đầu tiên quản lý
một ngành kinh tế kỹ thuật thống nhất trong cả nước.
Nghị
định số 170/CP ngày 3-9-1975 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự
phát triển ngành Dầu khí non trẻ của Việt Nam. Từ đó, hoạt động tìm kiếm
thăm dò dầu khí được triển khai mạnh mẽ ở cả miền Bắc, miền Nam, thềm
lục địa phía Nam và chúng ta đã có nhiều phát hiện dầu khí ở cả trên đất
liền và ở thềm lục địa.
Trong
từng giai đoạn phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt
quan tâm đến chiến lược phát triển của ngành Dầu khí: Ngày 7-7-1988, Bộ
Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng phát triển
của ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2000; ngày 19-1-2006, Bộ Chính trị có
Kết luận số 41-KL/TW và ngày 9-3-2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định số 386/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển ngành Dầu khí
Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến 2025, với mục tiêu: “Phát triển
ngành Dầu khí trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đồng bộ,
bao gồm: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tàng trữ,
phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Xây dựng Tập đoàn Dầu khí mạnh,
kinh doanh đa ngành trong nước và quốc tế”. Có thể nói, kể từ sau khi Bộ
Chính trị có Kết luận số 41-KL/TW, ngành Dầu khí Việt Nam đã phát triển
vượt bậc.
Trải
qua quá trình phát triển, để phù hợp với mô hình và quy mô hoạt động
từng giai đoạn, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được đổi tên thành
Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam và nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt
Nam theo Quyết định số 199/2006/QĐ-TTg ngày 28-8-2006 của Thủ tướng
Chính phủ.
Dưới
sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, tập thể cán bộ, công nhân
lao động ngành Dầu khí Việt Nam qua các thời kỳ đã cống hiến không mệt
mỏi, vượt qua mọi thử thách, khó khăn, xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam
trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng hàng đầu của đất nước,
đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với nhiều mốc
son quan trọng.
Những mốc son đáng tự hào
Năm
1976, Tổng cục Dầu khí Việt Nam đã tiếp xúc vòng đầu với 17
công ty dầu khí nhà nước: Pháp, Anh, Australia, Canada, Mehico,
Italia, Na Uy, Nhật Bản… để chọn đối tác. Do cấm vận nên các
công ty Mỹ chưa vào tiếp xúc. Năm 1978, lần lượt 3 hợp đồng dầu
khí (Production Sharing Contract-PSC) đã được ký với Công ty
Deminex (CHLB Đức), Agip (Italia) và Bow Valley (Canada). Ba nhà
thầu này đã tiến hành công tác địa vật lý và khoan ở thềm lục địa miền
Nam, nhưng không phát hiện được dầu khí thương mại nên đã chấm dứt hoạt
động và rút khỏi Việt Nam.
Cuối
năm 1978 con tàu địa chấn đầu tiên mang tên Bình Minh đã ra đời để thực
hiện phương án khảo sát địa chấn phản xạ vùng Tây Bắc vịnh Bắc Bộ. Theo
kết quả nghiên cứu trước 1980 khu vực Vịnh Bắc Bộ được đánh giá có
triển vọng dầu khí lớn, Chính phủ Việt Nam đã cho phép các công ty nước
ngoài thăm dò khai thác một số lô trên khu vực này như Công ty Total
(Pháp), Idemitsu ( Nhật), OMV (Áo), Septer (Canada), PetroFina (Bỉ),
Shell (Hà Lan), IPL (Thụy Sỹ).
Năm
1980, Việt Nam và Liên Xô đã ký Hiệp định hợp tác về thăm dò và khai
thác dầu khí thềm lục địa Việt Nam. Từ đó các tàu nghiên cứu khoa học
Poisk, Iskatel, Gambursev, Malưgin (Liên Xô) đã thực hiện khảo sát từ,
trọng lực, địa chấn với mạng lưới khu vực, phủ toàn thềm lục địa Việt
Nam từ vịnh Thái Lan đến vịnh Bắc Bộ, nhằm nghiên cứu cấu trúc và đánh
giá tiềm năng các bể trầm tích Đệ Tam Việt Nam. Xí nghiệp Liên doanh Dầu
khí Việt Xô (Vietsovpetro) được thành lập ngày 19-6-1981 để tiến hành
các hoạt động thăm dò dầu khí ở bể Cửu Long (Lô 09 và 16) và sau này ở
mỏ Đại Hùng (Lô 05 bể Nam Côn Sơn).
Ngày
26-6-1986, tấn dầu thô đầu tiên được khai thác từ mỏ Bạch Hổ, thuộc bể
Cửu Long, đã chính thức đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất,
xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới và là đóng góp quan trọng cho nền kinh tế
bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới.
Năm
1988 phát hiện tầng dầu sản lượng cao từ móng đá granit nứt nẻ ở mỏ
Bạch Hổ với dòng dầu tự phun, có lưu lượng đạt tới 407 tấn/ngày đêm và
mỏ này được xếp vào trong số các mỏ có trữ lượng dầu khí lớn nhất Đông
Nam Á.
Sau
Bạch Hổ, nhiều mỏ dầu mới ở tầng móng như Rồng, Rạng Đông, Hồng Ngọc…
đã lần lượt được phát hiện và đưa vào khai thác. Việc phát hiện và khai
thác dầu khí trong móng granit nứt nẻ là một thành tựu có giá trị to lớn
về khoa học và kinh tế. Các thành quả này đã đưa Việt Nam vào danh sách
các nước sản xuất dầu khí trên thế giới.
Trong
những năm 1988-1990, các hợp đồng PSC ký với các công ty nước ngoài như
ONGC, Shell (Anh - Hà Lan) - Fina (Bỉ), Total (Pháp), BP, Enterprise
Oil (Anh) và CEP (Pháp) được triển khai ở vịnh Bắc Bộ và thềm lục địa
phía nam, đã cho kết quả bước đầu tương đối khả quan, được xem là bước
đột phá, dẫn đường cho hàng loạt các công ty dầu khí nước ngoài đầu tư
vào Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Người lao động của PV Drilling. Ảnh: Cấn Dũng
Tổng
Công ty Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) được thành lập ngày 6-7-1990,
tiếp tục đảm nhiệm các công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác, chế biến,
dịch vụ và thương mại dầu khí.
Thăm
dò dầu khí ở bể Malay - Thổ Chu vẫn có từ trước, song từ sau năm 1990
hoạt động này trở nên sôi động hơn bởi các hợp đồng với các công ty Fina
Exploration Minh Hải, IPL-Talisman, Unocal-Chevron, đặc biệt là thỏa
thuận giữa Việt Nam và Malaysia về khu vực chồng lấn (PM3-CAA). Các công
ty đã tiến hành đo địa chấn, khoan hàng trăm giếng thăm dò và thẩm
lượng. Kết quả đã phát hiện hàng loạt các mỏ dầu và khí như Bunga Ketwa,
Bunga Raya, Bunga Orkid, Bunga Seroja, Cái Nước, Sông Đốc, Kim Long, Ác
Quỷ... 6 mỏ trong số đó đã được đưa vào khai thác.
Năm
1991, sản lượng dầu 3,96 triệu tấn đủ cân đối nhập khẩu, góp phần quan
trọng giữ gìn an ninh chính trị, giữ vững thể chế XHCN ở nước ta, trong
bối cảnh chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu bị phá vỡ.
Luật
Dầu khí ra đời tháng 7-1993 chính thức xác định vai trò chủ đạo của
Petrovietnam trong hoạt động dầu khí ở Việt Nam. Hoạt động thăm dò khai
thác dầu khí ở bể Cửu Long phát triển mạnh mẽ, các nhà thầu đã tiến hành
thu nổ hàng chục nghìn kilomét địa chấn và hàng trăm giếng thăm dò. Kết
quả đã phát hiện được nhiều mỏ dầu và khí như Ruby, Topaz North, Peal,
Diamond, Emirald, Cá Ngừ Vàng, Đồi Mồi, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử
Trắng, Rạng Đông, Phương Đông, Tê Giác Trắng, trong đó phần lớn đã được
đưa vào khai thác.
Hoạt
động thăm dò khai thác dầu khí ở bể Nam Côn Sơn từ nhiều năm trước, nay
được tiếp tục mạnh mẽ hơn. Nhiều hợp đồng dầu khí được triển khai, các
nhà thầu đã tiến hành thu nổ hàng chục ngàn kilômét địa chấn và khoan
thăm dò hàng trăm giếng. Kết quả đã phát hiện được nhiều mỏ dầu khí có
giá trị như Lan Tây, Lan Đỏ, Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây, Hải Thạch, Mộc
Tinh... trong đó các mỏ Đại Hùng, Lan Tây, Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây đã
được đưa vào khai thác.
Nhằm
đảm bảo an ninh năng lượng cho chiến lược phát triển kinh tế đất nước,
vấn đề đầu tư thăm dò khai thác ở nước ngoài đã được Petrovietnam đặt ra
từ năm 1998. Từ năm 1999-2000 một loạt các dự án này được triển khai ở
Mông Cổ, Malaysia, Iraq, Algeria, Indonesia, Venezuela, Nga,
Uzbekistan...
Ngày
17-2-2009, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - Công trình trọng điểm Nhà nước
về dầu khí bắt đầu cho dòng sản phẩm đầu tiên. Sự kiện này là mốc quan
trọng của ngành Dầu khí Việt Nam, đánh dấu sự phát triển toàn diện từ
khâu tìm kiếm - thăm dò - khai thác đến lọc hóa dầu.
Năm
2007, Petrovietnam và Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và
ExxonMobil đã ký Thỏa thuận Nghiên cứu chung, làm cơ sở cho 3 bên ký kết
Hợp đồng Chia sản phẩm Dầu khí (“PSC”) đối với các Lô ngoài khơi miền
Trung Việt Nam vào ngày 30-6-2009 (mỏ khí Cá Voi Xanh được phát hiện và
được tuyên bố thương mại vào tháng 8-2015. Ngày 13-01-2017,
Petrovietnam, PVEP và Công ty TNHH Thăm dò Khai thác Dầu khí ExxonMobil
Việt Nam đã tổ chức Lễ ký Thỏa thuận khung Phát triển Dự án và Thỏa
thuận khung Hợp đồng Bán khí Cá Voi Xanh).
Ngày
15-11-2013, Việt Nam xuất bán tấn dầu thô thứ 300 triệu. Năm 2014,
tổng sản lượng khai thác dầu thô trong và ngoài nước đạt 17,39
triệu tấn. Sản lượng khí đạt 10,21 tỉ m3.
Trong
5 năm 2010-2015, tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị trong Tập đoàn
Dầu khí đạt 3.675 nghìn tỉ đồng, bằng 102,4% kế hoạch, tốc độ tăng bình
quân đạt 10%/năm, tăng gấp 2,5 lần so với thực hiện 5 năm 2006-2010. Nộp
ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn Dầu khí đạt 880,3 nghìn tỉ đồng, bằng
104,5% kế hoạch, tốc độ tăng bình quân đạt 5,2%/năm, tăng 73% so với
thực hiện 5 năm 2006-2010.
Thời cơ mới, vận hội mới
Ngày
23-7-2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về định
hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm
nhìn đến năm 2035 với trọng tâm là: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận
chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; trong
đó tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, cần phải
được quan tâm chú trọng, cần phải tăng cường đầu tư phát triển không chỉ
ở trong nước mà vươn ra nước ngoài. Nghị quyết có ý nghĩa vô cùng hệ
trọng đối với sự phát triển bền vững trong tương lai của ngành công
nghiệp dầu khí Việt Nam nói chung và Petrovietnam nói riêng, mở ra một
vận hội mới cho sự phát triển của Tập đoàn, động lực lớn
lao đối với niềm tin và khát vọng của mỗi người dầu khí.
Tập
đoàn đã đặt ra các mục tiêu cụ thể trên từng lĩnh vực hoạt động. Về tìm
kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác
khảo sát, điều tra cơ bản, tìm kiếm thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và
sản lượng khai thác dầu khí; phấn đấu gia tăng trữ lượng dầu khí đạt
35-45 triệu tấn quy dầu/năm (trong đó, ở trong nước 25-30 triệu tấn, ở
nước ngoài 10-15 triệu tấn), sản lượng khai thác dầu khí đạt 23-34 triệu
tấn quy dầu/năm, trong đó: khai thác dầu giữ ở mức 15-20 triệu tấn/năm
(ở trong nước 14-17 triệu tấn/năm, ở nước ngoài 1 - 3,5 triệu tấn/năm)
và khai thác khí 8,5-14 tỉ m³/năm.
Năm
2016, Petrovietnam đã khai thác 17,23 triệu tấn dầu thô, 10,61 tỉ m3
khí, sản xuất 21,2 tỉ kWh điện, sản xuất 1,62 triệu tấn phân đạm, sản
xuất 6,87 triệu tấn xăng dầu. Tổng doanh thu đạt 452,5 nghìn tỉ đồng,
nộp ngân sách Nhà nước 90,2 nghìn tỉ đồng. Có 3 phát hiện dầu khí mới,
đưa 3 công trình dầu khí mới vào khai thác.
Ngày
1-6-2016, Cửu Long JOC đã cán mốc sản lượng 300 triệu thùng dầu được
khai thác tại cụm mỏ Sư Tử và chính thức trở thành nhà thầu dầu khí thứ
hai tại Việt Nam đạt mốc sản lượng này.
Kế
hoạch năm 2017, Petrovietnam dự kiến khai thác 15,2 triệu tấn dầu thô,
10,61 tỉ m3 khí, sản xuất 20,10 tỉ kWh điện, sản xuất 1,521 triệu tấn
phân đạm, sản xuất 6,798 triệu tấn xăng dầu. Tổng doanh thu 437,8 nghìn
tỉ đồng (với kế hoạch giá dầu là 50USD/thùng), nộp ngân sách Nhà nước
74,6 nghìn tỉ đồng.
6
tháng đầu năm 2017, tổng sản lượng khai thác quy dầu của Tập đoàn Dầu
khí Việt Nam đạt 13,54 triệu tấn, sản lượng khai thác dầu đạt 7,90 triệu
tấn, trong đó sản lượng khai thác dầu thô trong nước vượt 577 nghìn tấn
so với kế hoạch Chính phủ giao từ đầu năm (vượt 141 nghìn tấn so với kế
hoạch Chính phủ giao bổ sung tăng thêm 1 triệu tấn); khai thác khí đạt
5,25 tỉ m3; sản xuất điện đạt 11,11 tỉ kWh; sản xuất đạm đạt 909 nghìn
tấn; sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn đạt 2,99 triệu tấn. Tổng doanh thu
hợp nhất toàn Tập đoàn 6 tháng là 134 nghìn tỉ đồng, vượt 13% so với kế
hoạch 6 tháng; tổng lợi nhuận sau thuế đạt 13,1 nghìn tỉ đồng; nộp ngân
sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 44,2 nghìn tỉ đồng…
Năm
2017 cũng là dấu mốc 30 năm của công tác xuất bán dầu thô kể từ khi lô
dầu Bạch Hổ đầu tiên được xuất khẩu vào tháng 4-1987. Cho đến nay, toàn
bộ 355 triệu tấn dầu thô đã được xuất bán an toàn với tổng trị giá lên
đến 145 tỉ USD, đóng góp đáng kể cho nguồn thu của ngân sách Nhà nước.
Ngày 20-1, Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long (Cửu Long JOC) đã đón
dòng khí đầu tiên từ Dự án Sư Tử Trắng - Giai đoạn 1 và ghi nhận mốc
khai thác 300 triệu thùng dầu. Và chỉ sau 3 năm từ mốc sản lượng 1 tỉ m3
khí (tháng 4-2014), đến ngày 12-7-2017, Giàn nén khí mỏ Rồng - Đồi Mồi
đã đạt mốc sản lượng 2 tỉ m3 khí khai thác đưa về bờ.
Dự
kiến trong 5 năm 2015-2020, Petrovietnam sẽ đạt chỉ tiêu gia tăng
trữ lượng 165-200 triệu tấn quy dầu, khai thác 85-90 triệu tấn dầu thô
và 55-60 tỉ m3 khí.
Petrovietnam
đã, đang và sẽ tiếp tục hợp tác với nhiều công ty dầu khí nước ngoài để
thăm dò khai thác dầu khí trên toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm
lục địa Việt Nam.
Nguyễn Tiến Dũng