 |
Petrovietnam ưu tiên các dự án phục vụ nhiệm vụ sản xuất chính của ngành |
Trong đó, đình hoãn 19 dự án với trị giá trên 582 tỷ đồng, giãn tiến độ 45 dự án đầu tư chưa thực sự cấp bách, khó khăn trong thu xếp vốn với tổng giá trị gần 6.000 tỷ đồng.
Trả lời các cơ quan thông tấn báo chí tại buổi họp báo trực tuyến diễn ra hôm nay 6/4, Tổng Giám đốc Petrovietnam Phùng Đình Thực cho biết, Tập đoàn sẽ tiếp tục rà soát thêm những dự án còn có thể cắt giảm.
Các dự án được Tập đoàn tập trung đầu tư bao gồm các dự án bảo đảm nhiệm vụ sản xuất chính, các dự án về điện, đồng thời các dự án đang triển khai cũng sẽ được chỉ đạo quyết liệt hoàn thành, ông Thực cho biết.
Liên quan đến việc tạm dừng họat động của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phục vụ cho công việc bảo dưỡng tới đây, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn Nguyễn Hoài Giang cho biết, theo kế hoạch, từ giữa tháng 7/2011 đến giữa tháng 9/2011, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ dừng bảo dưỡng tổng thể lần thứ nhất. Đây là hoạt động bình thường theo nội dung của hợp đồng EPC đã ký với nhà thầu Technip.
Việc dừng tổng thể nhà máy để kiểm tra vào tháng 7/2011 nhằm kiểm tra sơ bộ toàn bộ thiết bị, máy móc của nhà máy, phát hiện kịp thời những vật tư, thiết bị có khả năng cần phải thay thế.
Theo ông Giang, thiết bị của ngành dầu khí và đặc biệt là ngành hóa dầu có thời gian đặt hàng sản xuất dài, trung bình 2-6 tháng, điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động vận hành của nhà máy khi có trục trặc xảy ra, do đó, chấp nhận một thời gian ngắn dừng nhà máy để chính xác hóa các thiết bị và đặt hàng kịp thời các vật tư qua đợt kiểm tra thấy có khả năng thay thế hơn là khi nhà máy rơi vào sự cố mới đi đặt hàng. Việc dừng nhà máy theo lãnh đạo Petrovietnam sẽ không ảnh hưởng nhiều tới việc đảm bảo các nguồn sản phẩm cung cấp cho thị trường, Tập đoàn sẽ nhập khẩu cung cấp cho thị trường đủ các sản phẩm xăng dầu.
Liên quan tới sản phẩm xăng máy bay của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Tổng Giám đốc Nguyễn Hoài Giang cho biết, sản phẩm xăng máy bay của nhà máy đã được sử dụng qua hơn 100 chuyến bay trực thăng ra các giàn khoan.
Hiện Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đang lấy ý kiến của 4 nhà sản xuất động cơ máy bay trước khi sản phẩm này chính thức được chấp nhận.
Trong một diễn biến khác liên quan đến dự án nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa,) đại diện Petrovietnam hôm nay cũng xác nhận, Tập đoàn đang cố gắng cùng nhà thầu tiến tới ký kết hợp đồng EPC vào trung tuần tháng 4 tới và dự án sẽ được khởi công ngay trong quý II hoặc chậm nhất vào quý III/2011.
Được biết mặc dù đã xác định được nhà thầu tham gia dự án nhưng việc đàm phán đang được các nhà thầu xin lùi lại thêm 1 tuần thay vì cuối tháng 3/2011 như trước đây, bởi việc đàm phán một số điều khoản chi tiết trong hợp đồng có giá trị lớn này không dễ dàng. Lãnh đạo Petrovietnam cũng cho biết, trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, chủ đầu tư là Công ty Liên doanh Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ tiếp tục mời gọi nhóm nhà thầu thứ hai vào đàm phán.
(Theo Chinhphu.vn)