Thập kỷ qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Trong các chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (4/2009), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (12/2009), Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết (5/2010), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (7/2010) tới Nga và gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Medvedev (10/2010), lãnh đạo hai nước đã trao đổi, bàn và thống nhất những giải pháp khai thác tiềm năng, phát huy các thế mạnh và thúc đẩy thương mại, đầu tư lên tầm cao hơn.
Mặc dù bị tác động do khủng hoảng tài chính toàn cầu, theo Bộ Công Thương, thương mại hai chiều Việt-Nga năm 2010 vẫn giữ được mức tăng 7% so năm 2009 với trị giá khoảng 1,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 800 triệu USD, tăng 87% so với năm 2009. Hai bên còn mong muốn nâng trao đổi thương mại hai nước lên 3 tỉ đô la Mỹ vào năm 2012 và phấn đấu đạt 10 tỉ đô la vào năm 2020.
Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB) đi vào hoạt động, tạo thuận lợi trong việc cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng, tài trợ vốn và thanh toán cho các hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước. Khoảng cách địa lý thực sự được kéo gần, với việc Vietnam Airlines tăng thêm một chuyến bay mùa Đông, tuyến Mátxcơva – Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 31/10/2010 và từ ngày 15/12, Hãng hàng không Vladivostok đã chính thức mở đường bay quốc tế từ hai thành phố Vladivostok và Khabarov (vùng Viễn Đông Nga) đến Cam Ranh (Khánh Hòa) và ngược lại.
Theo Nghị định thư đã ký kết giữa Chính phủ hai nước, từ 1/1/2011, Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Việt-Xô (Vietsovpetro) chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, với phạm vi, đối tượng hoạt động sẽ rộng hơn. Hai bên cũng đang nghiên cứu khả năng triển khai các hoạt động đầu tư vào nước thứ ba.
Cùng với đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng, ngoài nguồn năng lượng truyền thống, Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, sẽ được khởi công vào năm 2014. Tập đoàn quốc gia Rosatom-Nga là tổ chức được Chính phủ Nga giao nhiệm vụ, ủy quyền để phối hợp với Việt Nam triển khai Dự án. Hai bên đang nỗ lực triển khai các bước chuẩn bị như khảo sát cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực…
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Công Thương, Trịnh Đình Thắng, với các thế mạnh của mình, Nga đã, đang và tiếp tục có vai trò quan trọng trong lĩnh vực năng lượng, đăc biệt là dầu khí tại Việt Nam. Năm 2010, một loạt các Hiệp định quan trọng về kinh tế đã được ký, trong đó, Hiệp định hợp tác năng lượng và Hiệp định xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam; bốn hiệp định về hợp tác trong ngành dầu khí (ký với hãng Zarubezhneft- Nga) khẳng định rõ hơn vai trò quan trọng của Nga trong hợp tác về năng lượng với Việt Nam.
Nhu cầu năng lượng, đặc biệt là điện năng tại Việt Nam đang tăng nhanh so với khả năng sản xuất, dẫn tới việc phải nhập khẩu năng lượng trong thời gian tới. “Việt Nam và Nga đang nghiên cứu hợp tác khai thác than tại Nga để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của Việt Nam trong tương lai”, ông Thắng cho biết.
(Công Thương)