Họp báo Chính phủ thường kỳ: Hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển
Chiều 3/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp báo Chính phủ. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.

Vấn đề chủ quyền biển đảo và hỗ trợ ngư dân rất được quan tâm.

Sau sự kiện tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 02 bị xâm phạm, cắt cáp trên khu vực thềm lục địa ngày 26/5 vừa qua cũng như việc tàu ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc truy đuổi, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục các hoạt động kinh tế, bảo vệ hải phận, toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Tàu Bình Minh 02 sẽ tiếp tục tiến hành thăm dò, khai thác dầu khí trên khu vực thềm lục địa. Chính phủ có giải pháp đảm bảo an toàn cần thiết cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hiện nay Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ và các Bộ, ngành cho ý kiến về thành lập lực lượng kiểm ngư để hỗ trợ bà con ngư dân bám biển an toàn, hiệu quả hơn.

Hiện tại, chúng ta đã có những hỗ trợ hiệu quả cho ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ như nhận hỗ trợ tại chỗ về nước ngọt, xăng dầu, sửa chữa tàu thuyền, y tế và thu mua hải sản ngay trên biển…

Nhận định về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, các thành viên Chính phủ đều khẳng định đã đạt được hiệu quả tích cực, đặc biệt là với các chính sách tài chính tiền tệ. Cụ thể như đã tăng hơn 1,2 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, hệ thống ngân hàng an toàn hơn, lãi suất hợp lý hơn.

Bên cạnh đó, thu ngân sách chuyển biến tích cực, thực hiện tiết kiệm được gần 4.000 tỷ đồng, cắt giảm đầu tư công có hiệu lực, hiệu quả. Sản xuất, kinh doanh đạt kế quả khá, GDP tăng 5,6%, an sinh xã hội được cải thiện, Chính phủ đã xuất hơn 56.000 tấn gạo hỗ trợ đồng bào khó khăn…

Tuy nhiên, tình hình nền kinh tế đất nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn như lạm phát vẫn còn cao; nhập siêu còn lớn; lãi suất ngân hàng vẫn cao ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; đầu tư nước ngoài có dấu hiệu sụt giảm…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc thông báo, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận, cần phải kiểm soát giá một số mặt hàng nhưng căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể; bảo đảm hàng hóa thiết yếu để không xảy ra đầu cơ tăng giá; giảm đầu tư công nhưng không giảm đầu tư xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội; quan tâm hơn đến mức sống và lương của công nhân lao động tại các khu công nghiệp; tăng vốn vay ưu đãi với học sinh sinh viên; kịp thời tháo gỡ tín dụng, điện cho sản xuất và cho đời sống.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu mục tiêu kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu hàng đầu, xuyên suốt. Theo đó, cố gắng giữ lạm phát ở mức 15%, tăng trưởng khoảng 6.

(Theo Báo điện tử Chính phủ)