Bây giờ thì, núi Ấn sông Trà đã thực sự về ta. Và cái hào khí anh hùng của núi, của sông, của con người Quảng Ngãi càng ngời sáng thêm khi chúng tôi vừa được tham dự cuộc họp quan trọng. Đó là buổi báo cáo kết quả xét duyệt của Thủ tướng Chính phủ về đề án khu cảng nước sâu - khu công nghiệp phức hợp Dung Quất. Hội trường Tỉnh ủy Quảng Ngãi tối hôm đó có một không khí náo nức khác thường. Ai nấy đều chờ đón được nghe thật chi tiết về ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, về những nét cụ thể của cái đề án tràn đầy niềm hy vọng cho tỉnh nhà. Một cuộc đổi đời bắt đầu từ đây! Ấy là ý nghĩ chung của mọi người… Người thuyết trình tối hôm ấy là anh Phạm Hữu Tôn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Anh vừa từ Hà Nội bay vào Đà Nẵng rồi đi ô tô về tới Quảng Ngãi trưa nay.
Mọi người náo nức hình dung về tương lai, theo từng lời thông báo của anh Tôn. “Xã Bình Phụng sẽ là cảng rót dầu không số; sẽ có nhà máy đóng tàu, sửa chữa tàu - khu công nghiệp lọc dầu, hóa dầu sẽ ở xã Bình Thuận, sân bay Chu Lai sẽ được xây dựng thành sân bay quốc tế; sẽ xây dựng thành phố mới Vạn Tường ở xã Bình Hải bắt đầu với 20 đến 30vạn dân - thị trấn Châu Ổ sẽ trở thành một nhà ga xe lửa lớn nhất miền Trung.
Với niềm náo nức ở một tương lai đầy hứa hẹn của Quảng Ngãi, chúng tôi nhiều lần tìm gặp tác giả ban đầu của đề án. Đấy là anh Trương Đinh Hiền, tiến sĩ, làm việc ở Phòng Thủy hải văn công trình thuộc Phân viện Vật lý tại TP.HCM và người cộng sự là kỹ sư Bùi Quốc Nghĩa. “Các anh chị hẳn biết về ý nghĩa ra đời của công trình Dung Quất - anh Trương Đình Hiển bắt đầu câu chuyện và đứng lên chỉ vào tấm bản đồ lớn treo trên tường… “Công trình Dung Quất ra đời là sự đồi hỏi tất yếu của xu thế hội nhập vào tiến trình khu vực hóa và quốc tế hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Để có khả năng hòa nhập, giao lưu và phát triển tốt đẹp, một trong những huyết mạch có tiềm năng to lớn và mang ý nghĩa quyết định đó là đường hàng hải và hệ thống cảng của nó; mà đặc biệt là các cảng biển nước sâu có khả năng đón nhận các tàu có trọng tải lớn, với sức chứa khổng lồ của kho bãi dịch vụ, công suất bốc dỡ lớn, đảm bảo cho nhiệm vụ trung chuyển quốc tế và khu vực, bảo đảm cho việc xuất nhập các sản phẩm nông, lâm ngư nghiệp của các vùng rộng lớn trong nước và khu vực”.
Anh Trương Đình Hiển dừng lại, chỉ lên bản đồ lớn phía tường đối diện. Những con đường lớn như đường 9, đường 19, đường 24, đường 14b… lúc bấy giờ hiện lên trên bản đồ và đều chạy về vùng biển, làm tôi có cảm tưởng như lúc ở Huế, đứng trên vùng lăng Khải Định, trên đồi Vọng Cảnh nhìn thấy những dải núi đổ về vùng lăng tẩm như thế rồng châu.
‘Là những nhà khoa học có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất việc phát triển các tiềm năng của đất nước, sau khi phân tích và đánh giá như trên, tháng 2 năm 1992, chúng tôi đã phác thảo một kế hoạch định hướng cho việc tập trung nghiên cứu, tìm kiếm các cảng biển nước sâu và đặc biệt chú ý đến khu vực miền Trung. Sau gần 1 năm nghiên cứu vị trí địa lý và tính toán các điều kiện động lực học dọc bờ biển khu V cũ, chúng tôi đã phát hiện vịnh Dung Quất thuộc Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi có đầy đủ các điều kiện để xây dựng một cảng biển nước sâu và khu công nghiệp cỡ lớn, vì đây là một vịnh sâu, kín gió, có mặt bằng rộng lớn, có nguồn nước dồi dào, tiếp giáp với các trục đường giao thông quan trọng, án ngữ vị trí chiến lược của miền Trung, của đất nước và khu vực. Tháng 9 năm 1992, Đoàn cán bộ khoa học của Phân viện Vật lý chúng tôi từ TP.HCM ra, đã làm việc với Ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi. Chúng tôi đã thông báo về công trình Dung Quất và thông tin này đã được chuyển tới Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh. Để đảm bảo tính khoa học và chính xác, chúng tôi đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cho phép đi khảo sát kỹ hiện trường, mà danh từ chuyên môn gọi là “tiến nhập hiện trường”. Đề nghị này được đồng chí Phạm Hữu Tôn, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh chấp nhận và sáng 11/9/1992, tôi cùng kỹ sư Bùi Quốc Nghĩa lên đường đi về Dung Quất.”
Sau lần gặp đầu tiên ở thị xã Quảng Ngãi, tôi còn gặp anh Hiền, anh Nghĩa 3 lần nữa, và lần nào các anh cũng đều say mê thông báo thêm những điều mới trong tiến trình phát triển hệ thống cảng biển ở miền Trung. Khi gặp nhau ở Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) trong cuộc họp ngày 2/8/1995 do Thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ trì, chúng tôi đã bắt tay chúc mừng anh Hiền, anh Nghĩa sau lời kết luận chính thức của Thủ tướng khẳng định Dung Quất là địa điểm xây dựng Nhà máy Lọc dầu số 1. Còn gì vui sướng hơn cho những người làm công tác khoa học khi công trình nghiên cứu của mình được chấp nhận! Không biết bao nhiêu gian nan trở ngại phải vượt qua để cho công trình khoa học được ra đời, được đệ trình lên những cấp có thẩm quyền và được xét duyệt. Trong lần gặp nhau ở TP.HCM và ở thị xã Quảng Ngãi, các anh đã kể lại một trong những trở lực lớn của đề án Dung Quất là cuộc đấu tranh gay gắt giữa những nhà nghiên cứu Việt Nam với một tập đoàn lớn của nước ngoài về địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu. Đây là một cuộc đấu trí lớn, nếu không có bản lĩnh và không đủ trình độ, không đủ luận cứ khoa học thì ta không thể bảo vệ được địa điểm Dung Quất như hiện nay. Tiếc rằng, lúc này chưa phải là lúc nói đến cuộc đấu trí đó.
Bây giờ, cả đất nước đã có bao biến đổi. Nhưng nạn đói nghèo vẫn chưa phải đã hết. Ở miền Trung tỷ lệ nghèo đói lại chiếm nhiều hơn, và vì thế nguy cơ tụt hậu của miền Trung về kinh tế - xã hội so với cả nước là một điều băn khoăn, nhức nhối với mỗi một ai có tấm lòng. Phải làm gì đây để miền Trung đi lên? Đó không chỉ là sự day dứt của những đồng bào, cán bộ miền Trung nói riêng, mà chính là mối quan tâm của Đảng, của Nhà nước, của đồng bào cả nước. Muốn miền Trung vươn lên, không thể giữ cách nhìn cũ, cách đánh giá một chiều luôn cho rằng miền Trung là nơi thiên nhiên khắc nghiệt và do đó cảnh lạc hậu đói nghèo là điều tất nhiên! Không! Không thể nhìn nhận miền Trung như vậy được. Rất may là chính những nhà lãnh đạo đất nước đã tâm đắc với những ưu thế của miền Trung, trăn trở để tìm cho miền Trung một hướng đi phù hợp. Tôi có may mắn được dự nhiều lần Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm việc với các tỉnh miền Trung. Và tôi nhớ mãi kỷ niệm sâu sắc khi Thủ tướng phân tích về vùng trọng điểm kinh tế miền Trung, giải thích rõ vì sao Chính phủ lại quyết định chọn địa điểm Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất. Đó là chiều ngày 2/8/1995 ở Hội trường Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng (cũ), khi làm việc với lãnh đạo các tỉnh duyên hải miền Trung. Với giọng nói chắc khỏe nhưng điềm đạm, trầm tĩnh, Thủ tướng phân tích: “Từ lâu, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã bàn về khu trọng điểm kinh tế miền Trung. Khi xác định vùng kinh tế từ Huế đến Nha Trang trọng điểm chỉ có Quảng Nam Đà Nẵng thì thấy chưa ổn. Thế hệ chúng ta thì được, nhưng thế hệ trẻ rồi đây và nhiều thế hệ tiếp theo thì không được. Đại hội 7 xác định vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có ranh giới từ Huế đến Nha Trang. Xác định như thế, nhưng cũng chưa rõ nét lắm. Đến khi tìm ra Dung Quất, thì tôi thấy như may mắn trời cho. Nếu ta xây dựng được cảng biển nước sâu, nhà máy lọc dầu và khu công nghiệp Dung Quất thì đẹp lắm, miền Trung có lợi thế lắm. Phía Bắc khu vực này là cố đô Huế thông với đường số 9, phía Nam vùng trọng điểm này là Nha Trang - Cam Ranh. Phía Tây là Tây Nguyên trù phú. Vì sao tôi nói Dung Quất là một may mắn trời cho? Phải nhìn lại cả quá trình chúng ta đi tìm địa điểm nhà máy lọc dầu, mới hiểu được điều đó. Trước đây nhiều năm, chúng ta phác họa cần có 2, 3 khu lọc dầu. Sau đó thấy nên chỉ có 2: phía Nam một, phía Bắc một. Nhưng rồi Bộ Chính trị thấy cần phải tập trung lại. Thời còn Liên Xô, chúng ta đã có ý định cùng với họ chọn Thành Tuy Hạ làm địa điểm. Nhưng rồi chúng ta phát hiện ra là nhà máy lọc dầu cần đặt ở ven biển, nên có đề nghị lấy Long Sơn (Vũng Tàu). Hãng Total của Pháp bám vào Long Sơn và đã làm những đề án khá công phu. Thế nhưng ở đó không có cảng biển nước sâu. Long Sơn bị gạt bỏ. Lại có ý kiến nêu ra vũng Văn Phong (Khánh Hòa). Total đã ra khảo sát. Và tôi đã về xem xét Văn Phong. Đây là một vùng có thể xây dựng cảng biển nước sâu, nhưng đồng thời nó lại là một vùng lý tưởng cho du lịch sinh thái. Nếu xây dựng khu công nghiệp lọc hóa dầu thì chúng ta mất một vùng du lịch hấp dẫn. Lúc đó, đã có nhiều địa điểm được nêu ra để xem xét như Dung Quất - Hòn La - Nghi Sơn - Vũng Rô. Hòn La đã được dự kiến cho tương lai phục vụ cho khai thác mỏ sắt. Vũng Rô rất tốt, nhưng xung quanh toàn là đá, không thể xây dựng thêm gì nữa. Bây giờ, Dung Quất được đưa ra bàn bạc. Nước ngoài thì tính cái gì có lợi nhất theo quan điểm kinh tế riêng biệt thì họ làm. Chúng ta phải tính vừa lợi nhất, vừa có tính lâu dài về nhiều mặt. Chúng tôi so hết các nơi với Dung Quất, kể cả Liên Chiểu. Liên Chiểu cũng có cảng nước sâu, nhưng trong tương lai, Liên Chiểu cũng bị sức ép như Long Sơn - đó là sức ép của khu công nghiệp phía Nam. Dung Quất lợi thế hơn. Đây là một vùng có mặt bằng rộng, có thể giải tỏa để xây dựng khu công nghiệp quy mô lớn. Lợi thế này ít có vùng như vùng này. Thí dụ như ở Hà Nội, muốn phát triển hoàn chỉnh, chúng ta phải xót xa bỏ đi trên 6.000 ha lúa. Khi Chính phủ chấp nhận phương án mở rộng Hà Nội như vậy, chúng tôi đã chỉ thị cho Bộ Nông nghiệp phải khai hoang gấp rút 6.000 ha ở vùng Đồng Tháp Mười để bù lại. Trong khi đó, Dung Quất là một vùng đất cát khô cằn chỉ có khoai lang và hành mọc khốn khổ trên những vùng cát biển bồi lên. Về nguồn nước thì ở đây thật dồi dào, chẳng bù cho Khu công nghiệp phía Nam như Vũng Tàu, cả nước cho tiêu dùng, nước cho công nghiệp đều rất gay gắt. Khi đã xây dựng cảng biển nước sâu - nhà máy lọc dầu - hình thành một khu công nghiệp liên hoàn Dung Quất, thì Vạn Tường sẽ được xây dựng thành một thành phố dịch vụ cho khu công nghiệp này. Xây dựng thành phố Vạn Tường, phải chú ý làm nổi bật sự hy sinh của đồng bào, đồng chí chúng ta ở địa điểm lừng danh này. Và cả vùng công nghiệp này sẽ nối dài ra phía Bắc, mà trực tiếp là Núi Thành - Kỳ Hà của Quảng Nam - một vùng rất đẹp. Kỳ Hà sẽ là một thành phố gắn liền với sân bay Chu Lai; đồng thời ở đây lại có cảng dịch vụ du lịch nhẹ nhàng. Hai thành phố Vạn Tường - Núi Thành ở hai bên sân bay Chu Lai và tạo nên khu công nghiệp rộng lớn của Quảng Nam - Quảng Ngãi, có thể gọi là khu công nghiệp Lưỡng Quảng và hai thành phố sẽ là hai Thành phố Cộng Sản - cái tên đó thật là ý nghĩa!”
Nghe những lời của Thủ tướng, lúc này thật sôi nổi và hào hứng, tôi lại nhớ đến cái đêm cuối tháng 10/1994 ở Văn phòng tỉnh ủy Quảng Ngãi. Bấy giờ, một không khí náo nức tràn trề, khi mọi người nghe những thông tin về viễn cảnh quê hương. Và, ai đó thốt lên rằng: “Đúng là một Đại nghiệp”. Sau này, khi tiếp chuyện tôi, chính anh Trương Đình Hiển cũng nhiều lần nói rằng: “Những đề án Dung Quất, Chân Mây và sự phát triển của miền Trung là một ĐẠI NGHIỆP. Muốn làm nên đại nghiệp đó, phải có một quá trình, phải có sức mạnh của toàn dân. Bước khởi đầu của ĐẠI NGHIỆP đó có biết bao gian nan, biết bao kỷ niệm sâu xa.”
N.T.Đ (PV Media)