Đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn là đường ống dẫn khí lớn nhất với chiều dài gần 400km, có phần ống đi trên bờ dài nhất tại Việt Nam, qua vùng biển Tây Nam và 5 tỉnh, thành phố tại đồng bằng sông Cửu Long là Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang và Cần Thơ; với tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Dự án giữ vai trò bảo đảm an ninh năng lượng, tạo cơ sở thiết lập một trung tâm năng lượng và phát triển công nghiệp ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng có ý nghĩa rất quan trọng, tiết kiệm một lượng lớn ngoại tệ nhập khẩu nhiên liệu, là cơ sở để quy hoạch và phát triển công nghiệp sử dụng khí tại các địa phương nơi đường ống đi qua, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, góp phần bảo vệ môi trường do sử dụng nhiên liệu sạch, ổn định nguồn điện quốc gia; mở ra khả năng nối mạng với hệ thống khí của các nước trong khu vực; là nguồn động lực quan trọng phát triển kinh tế của các địa phương. Với các ý nghĩa quan trọng nêu trên, dự án Đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn có ý nghĩa to lớn với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.
Để thực hiện dự án thành công, phía trước chung ta còn những khối lượng công việc to lớn và rất phức tạp, trong điều kiện nền kinh tế chúng ta còn nhiều khó khăn và thách thức, tôi yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục triển khai quyết liệt kế hoạch thực hiện dự án, bảo đảm đúng tiến độ, an toàn và hiệu quả. Coi đây là nhiệm vụ và trách nhiệm đối với đất nước và nhân dân; yêu cầu các tỉnh thành có tuyến ống đi qua cùng Quân khu 9 đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện giúp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong các công tác giải phóng mặt bằng, thi công, đưa vào sử dụng đúng tiến độ và bảo vệ an ninh, an toàn cho dự án rất quan trọng này.
Thức các đồng chí,
Việc Tập đoàn DKVN hoàn tất các điều kiện tiên quyết để tổ chức động thổ xây dựng đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn vào ngày hôm nay càng có ý nghĩa hơn bởi vì nó diễn ra đúng vào dịp lần đầu tiên ngành Dầu khí kỷ niệm Ngày truyền thống của mình (27/11/1961 – 27/11/2009), đây là sự kiện ghi lại một bước ngoặt, một dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển của ngành Công nghiệp Dầu khí Việt Nam.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ CHí Minh, với tầm nhìn chiến lược và nhân văn, đã có sự quan tâm sâu sắc tới ngành Dầu khí. Trong chuyến thăm Liên Xô năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung, Adecbaigian nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được các khu công nghiệp dầu khí mạnh như Bacu”. Thực hiện chỉ đạo chiến lược của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/11/1961, Đoàn Thăm dò Dầu lửa 36 - tổ chức đầu tiên thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Việt Nam (thuộc Tổng cục Địa chất) tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ngày nay chính thức ra đời.
Trong những năm qua, nhiều công trình trọng điểm quốc gia đã được Tập đoàn DKVN triển khai và hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng cao, chia sẻ khó khăn, bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia. Và trong năm 2009 này, dù trong điều kiện kinh tế suy giảm, cùng với việc tiếp tục hoàn thành đưa Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vào hoạt động, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã và đang triển khai hàng loạt các dự án quan trọng như cụm Khí Điện Đạm Cà Mau, Trung tâm Điện lực Long Phú (Sóc Trăng), Trung tâm Điện lực Thái Bình, Nhà máy điện Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Nhà máy điện Vũng Áng, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ và Dung Quất cùng nhiều dự án quan trọng khác, trong đó có dự án ngày hôm nay.
Tập đoàn DKVN ngày nay đã trở thành một Tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước. Đó là sự lớn mạnh không ngừng của chúng ta từ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến chế biến, xuất khẩu và các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ khác; từ phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài đến ta đã làm chủ nhiều công nghệ quan trọng, tiên tiến. Từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác trong nước nay đã vươn ra nhiều nước trên thế giới, ở các châu lục. Từ chỉ thăm dò, khai thác, xuất khẩu dầu thô, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có cụm nhà máy lọc, hoá dầu Dung Quất và đang khẩn trương xây dựng nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn Thanh Hoá, Long Sơn tại Bà Rịa Vũng Tàu, đã có nhà máy sản xuất Đạm Phú Mỹ công suất 740.000 tấn/năm đáp ứng gần 50% phân đạm cho cả nước, và đang xây dựng nhà máy Đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn/năm. Tập đoàn DKVN còn là đơn vị sản xuất cung ứng điện lớn thứ 2 cho đất nước, chỉ sau Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao tinh thần sáng tạo và sự cố gắng vươn lên không ngừng cũng như những đóng góp to lớn của ngành Dầu khí Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
Nhân dịp này, thay mặt các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng thành tựu to lớn của ngành Dầu khí Việt Nam qua 48 năm xây dựng và trưởng thành. Chúc Tập đoàn DKVN luôn đoàn kết, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành tốt mọi nghiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân dân giao phó. Xây dựng ngành công nghiệp Dầu khí nước ta vũng mạng, sớm sánh vai cùng các tập đoàn dầu khí lớn trong khu vực và trên thế giới – xứng đáng với truyền thống vẻ vang của mình, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Chúc toàn thể các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.