SÁCH LỊCH SỬ NGÀNH DẦU KHÍ
Qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, ngành Dầu khí Việt Nam đã trở thành một tập đoàn kinh tế quan trọng, đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, góp phần đưa đất nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội và đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhằm gìn giữ những giá trị và kinh nghiệm quý báu mà các thế hệ ngành dầu khí đã dày công xây đắp, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ cũng như phát huy những thành tựu đã đạt được của ngành Dầu khí Việt Nam trong suốt 50 năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật xuất bản bộ sách Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam. Bộ sách có 3 tập, trình bày thành 5 phần gồm 13 chương và phần phụ lục, bao quát toàn bộ các hoạt động liên quan tới hoạt động nghiên cứu địa chất, tìm kiếm - thăm dò và khai thác dầu khí từ trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 tới hết năm 2010, ghi lại chi tiết toàn cảnh lịch sử của ngành Dầu khí Việt Nam, mô tả lại những khó khăn, gian khổ, đấu tranh, vật lộn, trăn trở, cùng những hoài bão, mong ước và cả những thăng trầm, đổi thay qua các thế hệ những người làm công tác dầu khí từ những ngày đặt nền móng đầu tiên cho tới năm 2010. Bộ sách không chỉ là một biên niên sự kiện, mà còn là một kho tàng kiến thức về địa chất, dầu khí và nhiều lĩnh vực chuyên môn khác liên quan tới Ngành, cho các bạn đọc muốn tìm hiểu và nghiên cứu về ngành Dầu khí Việt Nam.
Để đông đảo CBCNV ngành Dầu khí có thể tham khảo, tìm hiểu và nghiên cứu các thông tin trong bộ sách, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giới thiệu bản mềm bộ sách tại các liên kết bên dưới:
Đầu thế kỷ XX các nhà địa chất Pháp phát hiện một số vết lộ dầu ở Đồng
Ho (Hoành Bồ - Quảng Ninh), Núi Lịch (Yên Bái), Nậm Ún và Sài Lương (Sơn
La), Đầm Thị Nại (Quy Nhơn - Bình Định),… nhưng họ không có ý kiến gì
về triển vọng dầu khí ở Việt Nam.
Năm 1959, theo đề nghị của
Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Liên Xô cử chuyên gia địa chất dầu khí
Kitovani S.K. sang Việt Nam cùng với các đồng nghiệp Việt Nam tiến hành
khảo sát địa chất dầu khí ở miền Bắc Việt Nam. Sau hai năm 1959 - 1961,
đã hoàn thành công trình tổng hợp đầu tiên ở nước ta, đó là “Địa chất và
triển vọng dầu khí ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.
Trên cơ
sở công trình này, ngày 27-11-1961, Tổng cục Địa chất ra Quyết định số
271- ĐC thành lập Đoàn thăm dò dầu lửa 36 (quen gọi là Đoàn Địa chất 36
hay Đoàn 36), đây là tổ chức đầu tiên có nhiệm vụ tìm kiếm, thăm dò dầu
khí của Việt Nam. Được sự giúp đỡ của Liên Xô (cũ), hoạt động của Đoàn
36 ngày càng lớn mạnh, nên ngày 9-10-1969, Thủ tướng Chính phủ đã ban
hành Quyết định số 203/CP thành lập Liên đoàn Địa chất 36 trực thuộc
Tổng cục Địa chất, có nhiệm vụ xây dựng quy hoạch, kế hoạch và triển
khai nghiên cứu tìm kiếm thăm dò dầu khí trong nước, nhất là tập trung ở
đồng bằng sông Hồng. Tháng 3-1975 đã phát hiện dòng khí thiên nhiên và
condensat có giá trị thương mại tại giếng khoan 61 Tiền Hải - Thái Bình.
Năm 1981, bắt đầu khai
thác những mét khối khí đầu tiên của Việt Nam từ mỏ khí Tiền Hải
- Thái Bình này. Ngay sau khi Việt Nam thống nhất, ngày 9-8-1975, Ban
Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết số 244/NQTW về
việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Ngày 3-9-1975, Chính phủ
ban hành Nghị định số 170/CP thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt
Nam trên cơ sở hợp nhất Liên đoàn Địa chất 36 và một bộ phận thuộc Tổng
cục Hoá chất, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của ngành Dầu khí
Việt Nam. Hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí được triển khai mạnh mẽ ở
cả miền Bắc, miền Nam và ở một số lô thềm lục địa Nam Việt Nam. Đã có
nhiều phát hiện dầu khí ở trên đất liền và ở thềm lục địa.
|
|