Nhóm sản phẩm Điện
1. Giới thiệu chung
Đầu tư xây dựng các nhà máy điện là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng, đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng cao để phát triển kinh tế. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện và nhanh chóng trở thành nhà sản xuất điện lớn thứ 2 của Việt Nam.
Công nghiệp điện là một trong năm lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Nhận thức được vị trí và vai trò quan trọng này, ngay từ năm 2001, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã nghiên cứu đầu tư các Dự án Nhiệt điện Cà Mau 1&2. Đến năm 2007, đã thành lập Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam và các Ban QLDA để quản lý đầu tư xây dựng và vận hành các Dự án điện theo nhiệm vụ Chính phủ giao.
Đến nay, các đơn vị đã làm chủ được công tác vận hành, bảo trì, bảo dưỡng các Nhà máy điện khí, Thủy điện và từng bước chuẩn bị cho công tác vận hành, bảo trì bảo dưỡng các Nhà máy điện than. Công tác quản lý đầu tư xây dựng các nhà máy điện cũng đã được đặc biệt chú trọng, được sự chỉ đạo nhất quán, có hiệu quả từ Lãnh đạo Tập đoàn đến các Ban chuyên môn và các Ban QLDA.
Tính đến nay, Tập đoàn đã đưa vào vận hành an toàn, hiệu quả 04 Nhà máy Nhiệt điện Khí, 03 Nhà máy Thủy điện, 01 Nhà máy nhiệt điện than với quy mô công suất 4.208,2 MW (Cà Mau 1& 2: 1500 MW, Nhơn Trạch 1: 450 MW, Nhơn Trạch 2: 750 MW, Thủy điện Hủa Na 180 MW, Đăkđrinh 125 MW, Nậm Cắt 3,2 MW và NMNĐ Vũng Áng 1: 1.200 MW), góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, đặc biệt trong các tháng mùa khô.
Công tác vận hành sản xuất điện của PVN/PVPower đã đạt được những thành công đáng khích lệ, sản lượng năm sau cao hơn năm trước (năm 2009 là 8,54 tỷ kWh, năm 2010 là 12,7 tỷ kWh, năm 2011 là 13,44 tỷ kWh năm 2012 là 15,27 tỷ kWh, năm 2013 là 16,17 tỷ kWh, năm 2014 là 16,69 tỷ kWh, năm 2015 là 21,98 tỷ kWh) đã góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, đặc biệt trong các tháng cao điểm của mùa khô.
Sản lượng điện lũy kế của PVN từ khi vận hành đến thời điểm hiện tại đạt trên 113 tỷ kWh.
Tập đoàn đang tập trung đẩy nhanh tiến độ và thực hiện có hiệu quả, đảm bảo chất lượng, tiến độ 04 Dự án Nhiệt điện Than đã được Chính phủ giao (Long Phú 1, Quảng Trạch, Sông Hậu 1, Thái Bình 2).
Đồng thời, để đảm bảo nhu cầu phát triển nguồn điện theo chiến lược đã đề ra, Tập đoàn đang đẩy nhanh công tác nghiên cứu phát triển các dự án điện Khí từ nguồn nhiên liệu khí (Dự án điện khí Kiên Giang sử dụng khí Lô B, Dự án điện Khí sử dụng Khí từ mỏ Cá Voi Xanh) và các dự án điện khí LNG (Nhơn Trạch 3, Sơn Mỹ 2).
2. Mục tiêu, chiến lược
Mục tiêu phát triển lĩnh vực điện của PVN hiện nay có thể đánh giá như sau:
- Vận hành ổn định, an toàn và có hiệu quả các nhà máy điện hiện có, nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và mang lại hiệu quả kinh tế cho PVN/PVPower.
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ và thực hiện có hiệu quả, đảm bảo chất lượng, tiến độ 04 Dự án Nhiệt điện than đã được Chính phủ giao.
- Sử dụng có hiệu quả nguồn nhiên liệu khí cho phát triển công nghiệp điện. Đồng thời, đẩy nhanh công tác nghiên cứu phát triển các dự án điện Khí khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép: Dự án điện khí Kiên Giang sử dụng khí Lô B, Dự án điện Khí sử dụng Khí từ mỏ Cá Voi Xanh.
- Phát triển đa dạng các loại hình nguồn điện khác như: Nhiệt điện Khí LNG Nhơn Trạch 3, 4, Sơn Mỹ 2, Thủy điện, Năng lượng tái tạo, với điều kiện đáp ứng được chỉ tiêu kinh tế, tài chính của Dự án.
Theo Chiến lược phát triển lĩnh vực điện của PVN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và số liệu cập nhật về Quy hoạch Điện VII do Viện Năng Lượng (Bộ Công Thương) tổng hợp đến 31/12/2015, tổng sản lượng điện sản xuất từ các nhà máy điện của PVN năm 2015 chiếm khoảng 15,3%, năm 2025 chiếm khoảng 18% và đến năm 2030 chiếm khoảng 16,9% so với tổng sản lượng điện toàn quốc.