Khí hóa lỏng (LPG)
Khí hóa lỏng - Khí gas hay còn gọi đầy đủ là khí dầu mỏ hóa lỏng LPG (Liquefied Petroleum Gas) là một nhóm các loại khí Hydro-Carbon có thành phần chính là propan C3H8 và butan C4H10.
LPG tồn tại trong thiên nhiên ở các giếng dầu hoặc giếng gas và cũng có thể sản xuất ở các nhà máy lọc dầu. Nguyên liệu ban đầu dùng để sản xuất LPG là dòng khí thiên nhiên khai thác từ các mỏ dầu hoặc qua quá trình xử lý dầu thô để thu được LPG.
Trong điều kiện nhiệt độ và áp suất không khí thông thường, LPG thường ở thể khí tuy nhiên nó được gọi là khí dầu mỏ hóa lỏng vì các chất khí này có thể được hóa lỏng khi nén lại (mà không cần qua làm lạnh) nhằm thuận tiện cho việc tồn trữ và vận chuyển. LPG không màu, không mùi nhưng chúng ta vẫn thấy gas có mùi vì chúng đã được cho thêm chất tạo mùi trước khi cung cấp cho người tiêu dùng để dễ dàng phát hiện ra khi có sự cố rò rỉ gas.
Mỗi kg LPG cung cấp khoảng 12.000 kcal năng lượng, tương đương nhiệt năng của 2 kg than củi hay 1,3 lít dầu hỏa hoặc 1,5 lít xăng. Việc sản sinh ra các loại chất khí NOx, khí độc và tạp chất trong quá trình cháy thấp đã làm cho LPG trở thành một trong những nguồn nhiên liệu thân thiện với môi trường.
LPG được sử dụng đa dạng trong công nghiệp như: nhiên liệu trong công nghiệp xử lý thực phẩm, làm giấy, làm hạt nhựa và thậm chí làm chất nổ, làm nhiên liệu để chạy turbine phát điện, làm chất làm lạnh, đầu vào cho công nghiệp hóa chất. Trong nông nghiệp và dân dụng, LPG được sử dụng để sấy khô nông sản, sưởi ấm, làm nhiên liệu trong nấu nướng, nhiên liệu cho phương tiện vận tải…
Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PVGAS) không chỉ là nhà cung cấp LPG lớn nhất Việt Nam mà còn là doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trên thị trường khí hóa lỏng tại Việt Nam. LPG bắt đầu được sử dụng ở Việt Nam từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, với sản lượng ban đầu chỉ khoảng 50.000 tấn/năm thông qua nhập khẩu và sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực dân dụng. Việc PVGAS đưa Nhà máy xử lý Khí Dinh Cố đi vào hoạt động, sản xuất ra nguồn LPG nội địa (300.000 tấn/năm) đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ qua từng năm. Đến nay, nhu cầu tiêu thụ LPG đã tăng ổn định liên tục và đạt mức 1,3 triệu tấn/năm.
Ngoài nguồn LPG trong nước, hiện tại một nửa nhu cầu LPG của Việt Nam phải nhập khẩu. Nhập LPG bằng tàu định áp vốn là phương thức nhập khẩu duy nhất cho đến khi PVGAS áp dụng sáng kiến sử dụng tàu nổi (tàu VLGC) để làm kho lạnh LPG, phục vụ cho những chuyến hàng lạnh đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam. Và để tránh việc thuê tàu lâu dài và tốn kém, tăng cường thêm cơ sở hạ tầng cho ngành Khí, đáp ứng nhu cầu LPG lạnh ổn định lâu dài cho thị trường, PVGAS đã đầu tư xây dựng kho chứa LPG lạnh trên bờ tại khu vực sông Thị Vải có sức chứa 60.000 tấn đi vào hoạt động từ năm 2013. Cho đến nay, đây vẫn là kho lạnh LPG đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Chính vì vậy, PVGAS là nhà cung cấp LPG duy nhất tại Việt Nam có năng lực nhập khẩu LPG lạnh. Ngoài kho LPG lạnh, PVGAS còn sở hữu hàng loạt các kho LPG định áp xuyên suốt lãnh thổ Việt Nam, tạo điều kiện cho khả năng phát triển mạnh mẽ hệ thống phân phối LPG của PVGAS.
Hệ thống phân phối LPG của PVGAS trải dài xuyên suốt Việt Nam, cả bán buôn lẫn bán lẻ. Tổng công ty hiện chiếm 70% thị phần LPG trong nước và tiếp tục tăng nhờ những nguồn LPG nội địa mới đang được đầu tư và đưa vào hoạt động.
Đón đầu nhu cầu tiêu thụ LPG gia tăng ổn định của thị trường Việt Nam, PVGAS đang triển khai thêm nhiều dự án sản xuất LPG: GPP Cà Mau, dự kiến hoạt động từ 2017, GPP Nam Côn Sơn 2 - dự kiến hoạt động từ 2020. Nhà máy GPP Cà Mau có sản lượng dự kiến khoảng 200.000 tấn mỗi năm và tăng lên đến 420.000 tấn giai đoạn từ 2020-2030. Nhà máy Nam Côn Sơn 2 dự kiến có sản lượng tăng từ 300.000-500.000 tấn/năm cho đến 2030. Trong tương lai gần, cùng nguồn Dinh Cố, PVGAS sẽ cung cấp thêm ra thị trường 700.000 tấn LPG nội địa nhờ những dự án mới, duy trì vai trò là nhà cung cấp LPG hàng đầu của Việt Nam.
Không chỉ tập trung vào thị trường nội địa, PVGAS hiện đã xuất khẩu LPG thường xuyên sang một số thị trường như: Cambodia, Malaysia, Bangladesh, Phillipines.