Nhóm sản phẩm Dầu thô

Dầu thô (Crude Oil) hay còn gọi là dầu mỏ, (tiếng Anh gọi là Petroleum), là loại dầu được khai thác từ mỏ lên chưa hề qua một quá trình chế biến nào.

Từ khi được phát hiện và đưa vào khai thác, dầu mỏ đã được loài người sử dụng làm nhiên liệu chiếu sáng và làm thuốc chữa bệnh ngoài da. Dần dần theo sự phát triển của kinh tế kỹ thuật cùng với sự hiểu biết ngày càng đầy đủ hơn về dầu mỏ mà dầu thô đã được sử dụng làm nhiên liệu sản xuất điện, làm nhiên liệu cho tất cả các phương tiện giao thông vận tải, hơn nữa còn được sử dụng trong công nghiệp hóa học để sản xuất ra chất dẻo (plastic) và sản xuất ra trên 2.000 sản phẩm thông dụng khác.
Vì thế mà dầu mỏ được gọi là “vàng đen”.

Ngày nay, dầu mỏ được khai thác từ rất nhiều mỏ khác nhau, chúng phân bố ở những nơi rất khác nhau về đặc điểm địa lý tự nhiên. Bởi vậy, mỗi loại dầu thô ở mỗi mỏ đều có sự khác biệt nhất định. 

Để phân loại giá trị của dầu mỏ, người ta dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau, thông thường người ta dùng tỷ trọng và độ nhớt tương đối để phân ra “dầu nhẹ”, “trung bình”, “dầu nặng” , hoặc dựa vào hàm lượng lưu huỳnh có trong dầu mà phân ra “dầu ngọt”, “dầu chua”. 

Dầu ngọt là loại dầu có rất ít hoặc không có lưu huỳnh, và ngược lại là dầu chua. Những chỉ tiêu này thường được gọi là “chỉ tiêu thương mại”. Dầu mỏ của Việt Nam thuộc loại dầu nhẹ, ngọt. Giá dầu của Việt Nam cũng vì thế mà có giá cao hơn giá dầu của một số nước khác. 

Việt Nam có nguồn dầu mỏ với trữ lượng khoảng 4,4 tỷ thùng, được xếp thứ 28 trong các quốc gia có trữ lượng dầu mỏ xác minh trên thế giới. Từ 1986, dòng dầu thô đầu tiên được khai thác tại mỏ Bạch Hổ. Tháng 4 năm 1987 Việt Nam bắt đầu xuất khẩu dầu thô. 

Hiện nay, Việt Nam xếp thứ 4 trong khối Đông Nam Á về xuất khẩu dầu mỏ. Việt Nam có thể sẽ duy trì sản lượng khai thác ở mức khoảng 340.000 thùng/ngày trong vài năm tới.

Về đóng góp ngân sách, thu từ dầu thô mang lại bình quân 13,6% tổng thu ngân sách hàng năm trong giai đoạn 2009 - 2013, kể từ khi Petrovietnam có nhà máy lọc dầu. 

Các năm trước đó, thu từ dầu thô luôn mang lại trên 20% tổng thu ngân sách. Trong khi thu ngân sách từ  tất cả các doanh nghiệp Nhà nước (không kể Ngành Dầu khí) chỉ chiếm khoảng 15-16%. Ngay cả thời điểm cuối năm 2014 và đầu năm 2015, khi cả thế giới đều bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của giá dầu, thì nguồn thu từ dầu thô vẫn chiếm tỷ trọng quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nguồn thu từ dầu thô đạt 98,1 nghìn tỷ đồng, đóng góp 12,1% tổng ngân sách Nhà nước trong năm 2014. 

Về doanh thu hợp nhất: Từ cuối năm 2007 và đặc biệt trong năm 2008, thế giới đã chứng kiến sự biến động khó lường của giá dầu thô, giá dầu từ mức 90USD/thùng vào cuối năm 2007, đã lên trên 147USD/thùng vào tháng 7 năm 2008. Sau đó, giá dầu bất ngờ giảm nhanh, đến cuối năm 2008 giá dầu chỉ còn gần 50USD/thùng, tương ứng giảm gần 70% so với giá trị lúc đạt đỉnh. 

Từ đầu năm 2009, giá dầu đã trải qua nhiều đợt biến động và đạt trung bình 64USD/thùng. Trong điều kiện khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và giá dầu thô giảm mạnh, doanh thu hợp nhất năm 2009 của Petrovietnam vẫn đạt 137 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2008.

Do chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm giá dầu toàn cầu, năm 2015 doanh thu hợp nhất của Petrovietnam đạt 311 nghìn tỷ đồng và đóng góp 115,1 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.

Chưa kể, Dầu thô luôn là sản phẩm có vai trò chiến lược trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ngoại tệ mang lại từ xuất khẩu dầu thô có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế nhập siêu như Việt Nam, giúp đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu, cho các giao dịch thanh toán quốc tế cũng như trả các nguồn vay nợ nước ngoài của Nhà nước. 

Nguồn ngoại tệ này cũng có ý nghĩa quan trọng giúp bình ổn tỷ giá, điều tiết vĩ mô và nâng cao tính thanh khoản ngoại tệ cho toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.

Từ khi được khai thác đến nay, giá trị xuất khẩu dầu thô luôn chiếm tỷ trọng cao so với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác như giày dép, dệt may, thủy sản.

​​​​​​​​​​​​​