Giếng nước thiện tâm giữa vùng cát trắng gió Lào
ỗi niềm đau đáu của cô và trò Trường Mầm non thôn Trại Cá cũng như người dân quanh vùng khi phải sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh đến nay đã được giải tỏa. Niềm vui vỡ òa khi giếng nước sạch vừa được đưa vào hoạt động. Từ đây, đời sống các cháu và người dân Pa Cô thôn Trại Cá, xã Tà Long đã bước sang trang.

Thôn Trại Cá, xã Tà Long nằm bên quốc lộ 14 trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, cách cầu treo Đakrông chừng gần hai mươi cây số về phía nam của huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị. Đây là xã rẻo cao rất đẹp, rất điển hình với những mái nhà sàn nhỏ xinh dựa vào núi, những thung lũng ruộng lúa nếp xanh rì. Sâu phía trong một chút là rừng nguyên sinh, quanh năm mây phủ. Các bản làng của người Pa Cô ở đây luôn giữ gìn nếp sống văn hóa của riêng mình, đồng bào tự chăn nuôi trồng trọt, cuộc sống bình dị an yên giữa thiên nhiên sạch sẽ trong lành. Ấy thế nhưng, ở thôn Trại Cá, vẫn có những điểm người dân thiếu nước sạch, đặc biệt là những em nhỏ học sinh và mầm non nơi vùng cao Pa Cô.

Xã Tà Long nằm trong lưu vực sông Đăkrông chảy qua, nhưng người dân sống ngay bên dòng sông này lại phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiêm bởi chất độc hóa học (dioxin). Hơn nữa, dọc dòng sông này người dân hay thai thác vàng trái phép nên việc nguồn nước bị ô nhiễm kim loại nặng, thủy ngân là không tránh khỏi. Trên triền sông bà con làm nương rẫy, thường phun thuốc diệt cỏ, rồi thói quen phóng uế bừa bãi... càng khiến dòng sông trở nên ô nhiễm trầm trọng. “Khao khát” có nước sạch có lẽ đến đứa trẻ học mẫu giáo ở đây cũng đã có trong tiềm thức.

Chia sẻ khó khăn với người dân, cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Ba Nang đã kết nối với Ban Nữ công thuộc Công đoàn Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro để cùng đơn vị thực hiện khoan giếng nước sạch tại điểm Trường Mầm non thôn Trại Cá, xã Tà Long, huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị.


Cô và trò của điểm Trường Mầm non thôn Trại Cá, xã Tà Long, huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị.

Ngày 25/3/2024 vừa qua đã trở thành ngày vui của 84 cô, trò tại điểm Trường Mầm non và gần 80 em học sinh Trường Tiểu học thôn Trại Cá cũng như người dân quanh vùng. Công trình giếng nước trong khuôn viên trường đã được khánh thành. Giếng khoan có trị giá trên 35 triệu đồng. Thời điểm hiện tại đã bước vào mùa nắng nóng, lượng nước các lòng sông bắt đầu xuống thấp nhưng ở giếng nước khoan này đều đủ nước để cung cấp cho người dân sinh hoạt.

Trên “miền cát trắng gió Lào” Quảng Trị, mỗi giọt nước được ví như một giọt vàng. Bởi vậy, công trình nước giếng khoan do Ban Nữ công Vietsovpetro tài trợ như cơn mưa rào giữa những ngày nắng hạ đối với cô và trò nơi vùng cao Đakrông.

Thượng tá Bùi Văn Hưng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ba Nang, nơi có Trường Mầm non và Tiểu học thôn Trại Cá nhớ lại: “Những ngày đầu, khi đặt những mũi khoan đầu tiên, cứ hết giờ học, lũ trẻ lại lon ton theo các cô giáo xem khoan giếng. Đứa nào cũng tròn xoe mắt nhìn các cỗ máy lạ lẫm hoạt động. Các cô cũng như các trò không giấu được vẻ hồi hộp bởi các giếng khác trong xã đều phải khoan đi khoan lại mấy lần”.


Các em nhỏ vui mừng đón dòng nước sạch.

Khi dòng nước được đẩy lên cùng đất đá, các cô giáo trẻ cùng nhóm thợ vỡ òa sung sướng. Lúc dòng nước ào ào chảy, các cô hào hứng nghịch nước như những đứa trẻ. Sau không ít lần thất bại, các trường mầm non, trường tiểu học và trường THCS ở xã Tà Long đều tìm được nước. Và cứ thế, từ tình yêu thương bình dị, những giếng nước đã và đang tiếp tục được xây ở những ngôi trường vùng cao, giúp thầy và trò vơi bớt nhọc nhằn.

Tuy đây là mô hình tài trợ giếng nước sạch đầu tiên mà Ban Nữ công Vietsovpetro thực hiện, nhưng ý nghĩa mang lại hết sức to lớn. Bởi giếng nước này đã mang đến nguồn nước sạch dồi dào, không chỉ đủ dùng cho điểm trường mầm non mà chia sẻ đủ cho cả điểm trường tiểu học ở cạnh, và hỗ trợ cho các gia đình người dân quanh trường.


Ban Nữ công Vietsovpetro và Bộ đội biên phòng Ba Nang bàn giao giếng nước sạch cho điểm Trường Mầm non thôn Trại Cá, xã Tà Long.

Mô hình phối hợp giữa Ban Nữ công Vietsovpetro và Bộ đội biên phòng Ba Nang đã phát huy hiệu quả cao khi kịp thời mang nguồn nước sạch quý giá tới các điểm trường xã biên giới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ban Nữ công Vietsovpetro mong muốn lan toả rộng rãi mô hình này để có thêm nhiều giếng nước sạch cho trẻ em nói riêng và người dân nói chung ở các vùng khó khăn, đóng góp tích cực cho mục tiêu phát triển bền vững mà Vietsovpetro đang hướng tới./.

​P.V


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​