Vì sao cần sớm có luật Năng lượng tái tạo?

Bài 3: Cần nhanh chóng hoàn thiện khung chính sách pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo
Phát triển năng lượng sạch nói chung và năng lượng tái tạo (NLTT) nói riêng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm chuyển dịch năng lượng phù hợp với xu hướng quốc tế và đảm bảo sự phát triển bền vững gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, chuyển dịch năng lượng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các chủ trương, mục tiêu đặt ra, các doanh nghiệp, nhà đầu tư mong chờ sớm có khung pháp lý hoàn chỉnh và ổn định để yên tâm đầu tư.

Việc ưu tiên phát triển NLTT là quan điểm nhất quán của Đảng và Chính phủ. Quy hoạch điện VIII đã đặt mục tiêu đạt tỷ lệ NLTT cho phát điện từ 30,9 - 39,2% vào năm 2030 và tăng lên 67,5 - 71,5% vào năm 2050… Các mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII đáp ứng mục tiêu trưởng xanh đặt ra trong Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; đáp ứng cam kết của Việt Nam tại COP26 và các thỏa thuận quốc tế nhằm đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 cũng như Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 tại Quyết định số 896/QĐ-TTg; và phù hợp với Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam của các đối tác quốc tế.

Để hiện thực hóa chiến lược phát triển năng lượng sạch/NLTT, thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã ưu tiên đầu tư và sử dụng NLTT, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc phát triển và sử dụng NLTT, tạo ra những bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, các chính sách về NLTT hiện được đánh giá là chưa hoàn thiện, thiếu tính ổn định và còn nhiều bất cập gây lo lắng, bất an cho các nhà đầu tư, là một trong những thách thức lớn với việc thực hiện các mục tiêu về NLTT trong tương lai.

Thúc đẩy phát triển NLTT là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước

Thúc đẩy phát triển NLTT là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước

Trong đó, các doanh nghiệp chỉ ra như, ngày 7/1/2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT về khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp trong đó có biểu giá điện (giá trần, giá cao nhất). Theo biểu giá này sẽ “Bãi bỏ thời hạn áp dụng giá mua điện trong thời hạn 20 năm; bãi bỏ điều khoản chuyển đổi tiền mua điện sang USD; và bãi bỏ điều khoản Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp nối lưới…”. Hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 15/2022/TT-BCT và Quyết định 21 đều có chung sự lo lắng, bất an, quan ngại về việc không thể đảm bảo hiệu quả đầu tư do không đảm bảo các chỉ số kinh tế, tài chính khi áp dụng theo khung giá điện mới ban hành, với mức giảm từ khoảng 21- 29% (tính theo giá trị USD tương đương) so với giá FIT tại Quyết định 13 cho điện mặt trời và Quyết định 39 cho điện gió,…

Hay trong dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII cũng đang gộp điện gió trên bờ và gần bờ thành một loại hình dự án trong khi đặc tính, đặc điểm của điện gió trên bờ và gần bờ là không giống nhau về môi trường đầu tư, chi phí lắp đặt, giá thành điện quy dẫn (LCOE) và điều kiện vận hành.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T cho rằng, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu về NLTT nói chung, cũng như Quy hoạch điện VIII nói riêng, trong thời gian tới cần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển các nguồn điện từ NLTT bao gồm cả điện mặt trời mái nhà, điện tự sản, tự tiêu. Đồng thời, cần sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật về NLTT. Cùng với đó là xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển NLTT, phát triển công nghiệp NLTT đáp ứng nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu.

Một số kiến nghị cụ thể như: Cần khẩn trương xây dựng Kế hoạch chi tiết với lộ trình cụ thể (theo năm) để thực hiện đối với từng hạng mục nguồn điện, đồng bộ với lưới điện truyền tải; Sớm xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp; Hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động cho đầu tư phát triển điện cũng như chính sách thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án truyền tải điện; Cần sớm xây dựng cơ chế chính sách, cơ chế giá đối với các dự án NLTT mới.

Trong đó, các dự án NLTT mới, hay rõ hơn là các dự án được triển khai trong tương lai, bao gồm các dự án đã nằm trong quy hoạch điện VII điều chỉnh và các dự án NLTT mới, đặc biệt cần sớm xây dựng và ban hành chính sách giá cho các dự án này.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết, Bộ Công Thương đã từng đề xuất và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện đối với các dự án NLTT mới tương tự như áp dụng tại Thông tư 15 ban hành ngày 3/10/2022 (tại trờ trình số 4778/TTr-BCT ngày 11/8/2022). Trong trường hợp đề xuất và đề nghị này được thông qua sẽ có một số khó khăn và trở ngại cho thị trường phát triển điện gió và điện mặt trời ở Việt Nam trong giai đoạn tới.

Trong đó, những trở ngại khó khăn đó là: Cách xây dựng và tính toán khung giá bán điện cho nguồn điện gió, điện mặt trời khi đó được coi như giống hoặc tương đồng cách xây dựng, tính toán đối với các nhà máy điện truyền thống như điện than, điện khí và thủy điện lớn. Nếu cách tiếp cận sẽ áp dụng như vậy thì cần thiết phải xem xét thấu đáo, đồng bộ theo Quan điểm của Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị đã nêu, đó là “Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn NLTT…”.

Bên cạnh đó, Thông tư số 15/2022-TT-BCT cũng như Quy hoạch điện VIII chưa đề cập đến nghiên cứu đưa ra khung giá điện khác nhau áp dụng cho các vùng, miền khác nhau. Điều này có thể sẽ dẫn đến khó thu hút đầu tư vào NLTT tại các khu vực có tiềm năng NLTT không cao, chẳng hạn như khu vực các tỉnh miền Bắc so với miền Trung và miền Nam.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị, để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển NLTT hơn nữa trong thời gian tới, Chính phủ và các Bộ, ngành cần sớm xem xét áp dụng các cơ chế, tiêu chuẩn sử dụng NLTT đối với các đơn vị sản xuất điện từ năng lượng hóa thạch và sớm có biện pháp thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở hình thành thị trường trao đổi tín chỉ, chứng chỉ các-bon,…

Theo Bộ Công Thương, để có thể đạt được các mục tiêu thách thức trong Quy hoạch điện VIII, cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ thị trường điện Việt Nam, tạo sự công bằng, minh bạch trong hoạt động của thị trường. Thêm vào đó, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, quy trình, thủ tục trong đầu tư phát triển điện lực, tạo sự tin tưởng và giúp xây dựng chiến lược trong dài hạn của các nhà đầu tư.

Bài 1: Nhận diện vai trò của Năng lượng tái tạo

Bài 2: Phát triển năng lượng tái tạo nhìn từ Quy hoạch điện 8  

Mai Phương



Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​